.

Sáng tác phải là nhu cầu tự thân

Chủ Nhật, 30/10/2016, 09:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Có một lực lượng sáng tác trẻ được đào tạo qua trường lớp bài bản cùng những họa sỹ đang nỗ lực khẳng định mình trên những sân chơi mỹ thuật lớn, nhiều người khẳng định: mỹ thuật trẻ Quảng Bình đang có những “tín hiệu tốt”. Vậy nhưng, bức tranh mỹ thuật trẻ Quảng Bình vẫn còn đó những gam màu trầm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh) về những trăn trở và kỳ vọng cho một sự phát triển của mỹ thuật tỉnh nhà.

 

Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh)
Họa sỹ Nguyễn Lương Sáng, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh).

- Nhiều người ví mỹ thuật của những tỉnh nghèo, trong đó có Quảng Bình là “cuộc chơi với chính mình”. Anh có nghĩ như thế?

- Nhận định này khá chính xác bởi bạn thấy đấy, ở các tỉnh nghèo như Quảng Bình, các điều kiện cho tác giả công bố, trưng bày triển lãm hết sức khó khăn. Các tác giả khi tổ chức triển lãm cũng rất cần công chúng đến thưởng lãm, ủng hộ và sưu tập tác phẩm.

Nhưng nói thật nhé, ở Quảng Bình, hầu như không có điều này. Các tác giả chủ yếu sáng tác và tham gia triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc miền Trung, nhưng mỗi năm chỉ được một lần, mà đáng nói là ngày khai mạc chỉ có anh em trong nghề là chủ yếu. Còn hết khai mạc, chẳng có mấy ai quan tâm. Nên rất dễ hiểu là mình sáng tác để cho mình ngắm là thực trạng hiện nay ở các tỉnh như Quảng Bình.

- Nhưng các tác giả mỹ thuật trẻ Quảng Bình đã thực sự hết mình trong “cuộc chơi” đó hay chưa?

- Câu trả lời là chưa, vì rất nhiều thứ như điều kiện kinh tế đa số anh em mỹ thuật còn khó khăn, thiếu các hoạt động giao lưu, tiếp cận sự phát triển của mỹ thuật đương đại. Lực lượng trẻ rất dồi dào nhưng hình như vẫn họ đứng ngoài cuộc. Nhiều người trẻ xem hoạt động sáng tác mỹ thuật như một thú vui chứ chưa thật sự là một “mặt trận” mà ở đó bản thân phải tự chiến đấu với bản thân mình để có những tác phẩm có giá trị.

Từ sự nhận thức chưa đúng mà nhiều tác giả trẻ sáng tác rất hời hợt, chưa đào sâu tìm kỹ để xây dựng một tác phẩm có giá trị thẩm mỹ và tư tưởng nghệ thuật. Thế này nhé, khi đứng trước mỗi vấn đề cần thể hiện, họ thưởng hỏi “vẽ cái gì?”, mà đúng hơn là nên tự đặt câu hỏi: “vẽ như thế nào cho hay, cho lạ?”. Bởi trong nghệ thuật, đề tài đôi khi không mới, cái mới chính là cách thể hiện cá tính sáng tạo riêng của người nghệ sĩ. Vậy nên, trong khi số lượng người được đào tạo về mỹ thuật khá nhiều, nhưng ít người có thể sáng tác tốt.

- Vượt qua những khó khăn đó, nhiều năm gần đây, mỹ thuật trẻ Quảng Bình đã gặt hái được những thành quả gì?

- Trong những năm gần đây, đội ngũ sáng tác trẻ khá đông, có đam mê và tích cực trong sáng tác; bằng chứng là số lượng tác phẩm của tác giả trẻ tham gia triển lãm khu vực, toàn quốc ngày càng tăng với chất lượng khá tốt. Qua các triển lãm mỹ thuật, nhiều tác giả trẻ đã đạt được thành tích cao như nhà điêu khắc Lê Ngọc Thái đạt giải khuyến khích trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2010 với tác phẩm “Hiệu ứng kính”; giải A triển lãm Bắc miền Trung năm 2009 với tác phẩm “Hồi Sinh”, giải Tặng thưởng năm 2008 với tác phẩm “Nỗi đau”... Họa sĩ Lê Thuận Long đạt các giải cao tại các triển lãm tranh cổ động về đề tài Bác Hồ, quân đội, môi trường... Nhiều tác phẩm khác của các họa sĩ trẻ tại các kỳ triển lãm Bắc miền Trung được đánh giá cao như  “Đi tìm cái bóng ở đâu” (sơn mài - 2011) của Lê Anh Việt, “Dư âm” (sơn mài - 2011) của Trần Thanh, “Công trường” của Nguyễn Văn Công, “Qua suối” của Nguyễn Thành Trung...

- Thế nhưng, như anh nói, có vẻ như các tác giả trẻ đang loay hoay đi tìm cho mình một phong cách sáng tác riêng?

- Trong các cuộc trò chuyện, trao đổi cùng nhau, chúng tôi vẫn luôn thẳng thắn rằng đa số các tác giả trẻ chưa tìm được con đường riêng trong sáng tạo. Tác phẩm của họ vẫn chung chung, đèm đẹp, quen quen có thể thấy bất kỳ ở một cuộc triển lãm nào. Họ vẫn chưa thoát ra được những kiến thức cơ bản cũ của nhà trường. Tuy nhiên, một số tác giả cũng đã có tín hiệu tốt như: nhà điêu khắc Trương Trần Đình Thắng, họa sĩ Nguyễn Thành Trung, Hồ Trọng Lâm, họa sỹ Nguyễn Lương Sáng...

- Họa sỹ Trịnh Cung từng nói: Muốn nền mỹ thuật phát triển phải có “đôi cánh” tốt. Bên cạnh “chiếc cánh” sáng tác thì người xem và mua tranh là một lực cân bằng có tính quyết định cho một nền mỹ thuật. Riêng anh, anh đánh giá như thế nào về “chiếc cánh” người xem và mua tranh ở Quảng Bình?

- Như đã nói, nếu những người có điều kiện cần một bức tranh để treo thì họ nghĩ ngay đến tranh chép vì rẻ, dễ hiểu. Họ chỉ xem đó là những vật dụng để trang trí chứ chưa xem là một tác phẩm mỹ thuật. Họ không nghĩ rằng, một tác phẩm mỹ thuật tốt, thực sự là một tài sản họ có thể tích lũy. Ở Quảng Bình, “chiếc cánh” thị trường và người xem hầu như không có, nên muốn mỹ thuật Quảng Bình “cất cánh” cũng không hề đơn giản.

- Anh đang nhắc đến câu chuyện muôn thuở của mỹ thuật đó là sự lẫn lộn giữa tranh chép và tranh sáng tác, giữa thợ chép tranh, người biết vẽ và họa sỹ. Như anh nói, có vẻ nhận thức thẩm mỹ của người xem và mua tranh ở Quảng Bình vẫn chưa đủ để phân biệt rạch ròi các khái niệm ấy?

- Đúng là như vậy! Sự khác nhau giữa họa sĩ và người chép tranh là tính sáng tạo. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện, có cảm xúc, có tư tưởng, thông điệp muốn gửi đế công chúng, đến cuộc sống, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ với cuộc đời.

Trong khi, thợ chép tranh họ chỉ chép để bán, hầu như không phải suy nghĩ nhiều, làm việc như thợ, nhìn và sao chép. Tất nhiên, tính sáng tạo không thể có. Sự phân biệt giữa thợ chép tốt và chép chưa tốt chỉ là kỹ năng. Mà trong sáng tạo nghệ thuật, kỹ năng chỉ là phương tiện, chứ không phải là tư duy và ngôn ngữ biểu đạt của tác phẩm mỹ thuật. Nhiều người vẫn nhầm lẫn những khái niệm này, đáng tiếc, trong đó có nhiều người tri thức cao.

Tác phẩm Chân dung biển (tổng hợp) của họa sỹ Nguyễn Lương Sáng tham dự triển lãm TODAY.
Tác phẩm Chân dung biển (tổng hợp) của họa sỹ Nguyễn Lương Sáng tham dự triển lãm TODAY.

- Nói đi thì cũng phải nói lại, muốn nâng nhận thức thẩm mỹ của người dân thì phải có điều kiện cho họ tiếp xúc, thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật. Nhưng ở Quảng Bình thiếu hẳn các mặt bằng mỹ thuật như bảo tàng, nhà triển lãm, vườn tượng..., chưa kể đến tất cả các gallery đều bán các bức tranh chép. Anh có thấy vậy không?

- Tôi không phủ nhận điều đó. Bởi đó cũng là một trong rất nhiều cái khó khăn chung của mỹ thuật tỉnh nhà đang gặp phải. Nhưng người xem cũng không thể đổ mọi lý do cho điều kiện khó khăn được, mà như mỗi họa sỹ, người xem cũng phải tự tích lũy, nâng cao nhận thức thẩm mỹ của chính mình. Bên cạnh đó, chính quyền và Hội VHNT cần tạo một môi trường sinh hoạt mỹ thuật cộng đồng, đưa mỹ thuật đến gần hơn với nhân dân.

- Tôi quan tâm nhiều đến khái niệm mỹ thuật đương đại. Theo anh, mỹ thuật Quảng Bình đang ở đâu trong xu hướng ấy?

- Mỹ thuật Quảng Bình ở khá xa so với mỹ thuật hai đầu đất nước, trừ số ít cá nhân như: Phan Đình Tiến, Lê Ngọc Thái, Nguyễn Lương Sáng... Đặc biệt nghệ thuật đương đại còn thiếu vắng và xa lạ với mỹ thuật Quảng Bình. Mỹ thuật đương đại của Quảng Bình chủ yếu là những biểu cảm về chất liệu, hình tượng và tư duy sáng tạo trong các tác phẩm mỹ thuật thuần túy như hội họa, điêu khắc. Chúng ta chưa có một tác giả nào công bố tác phẩm sắp đặt, trình diễn,... hay các loại hình mỹ thuật đương đại khác. Tất nhiên vẫn có một số tác giả sáng tác, nhưng họ ngại công bố vì có thể độ chín chưa tới và không có người thưởng lãm.

- Vậy mỹ thuật trẻ Quảng Bình cần những điều kiện gì để không quá tụt hậu trong xu hướng ấy?

- Cần thì cần nhiều lắm. Bên cạnh những nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân họa sỹ, thì mỹ thuật Quảng Bình cũng cần tạo điều kiện tốt hơn trong sáng tác, đến trưng bày, triển lãm... Muốn vậy, mọi thứ đều phải đầu tư. Có như vậy, các tác giả trẻ mới có điều kiện vẫy vùng, tìm kiếm cơ hội nâng cao chính mình. Mỹ thuật Quảng Bình có thể phát triển ngang tầm với các tỉnh trong khu vực như Nghệ An, Thanh Hóa...vì đội ngũ sáng tác trẻ hiện nay khá đông. Nhiều người có khả năng sáng tác.

Và chúng ta có rất nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đang hoạt động ở các trung tâm mỹ thuật như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế... nếu có chính sách thu hút hoặc liên kết họ về quê hương hoạt động, thì mỹ thuật tỉnh nhà sẽ đạt nhiều thành công trong tương lai.

- Chúng ta có quyền kỳ vọng về một sự phát triển không xa của mỹ thuật trẻ Quảng Bình, có đúng vậy không?

- Hi vọng là có thể, nếu chúng ta giải quyết được các vấn đề đã nêu trên. (cười)

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!

Diệu Hương (thực hiện)