.

Chuyện một ngư dân lái... ô tô

Thứ Sáu, 10/04/2015, 07:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngư dân mạnh mẽ, táo bạo trong làm ăn. Ông luôn là người đi đầu trong khá nhiều việc. Nổi danh một thời khi là chủ nhiệm HTX đánh cá Nhật Lệ 2 của Bảo Ninh. Ông là người đầu tiên có xe gắn máy, người đầu tiên có điện thoại di động, người đầu tiên có tàu đánh cá công suất trên 700CV và cũng là người đầu tiên có...xe ô tô ở Bảo Ninh. Đó là ông Nguyễn Hữu Bíu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới.

Năm 1997 Chính phủ triển khai chương trình đánh bắt hải sản xa bờ (được triển khai tại 29 tỉnh, thành phố), thì năm 1998 gia đình ông quyết định chuyển đổi mô hình đánh bắt, sang lại tàu nhỏ, thành lập HTX, vay thêm vốn mua tàu lớn, công suất 150 CV. Lúc đó cả tỉnh có 37 HTX đánh cá, còn Bảo Ninh có 5 HTX. HTX đánh cá Nhật Lệ 2 do ông làm Chủ nhiệm.

Tuy nhiên, hoạt động khoảng được hai năm thì do nhiều nguyên nhân các HTX đánh cá của cả tỉnh nói chung, của Bảo Ninh nói riêng lâm vào cảnh khó khăn và cuối cùng phá sản, giải thể, duy chỉ có HTX đánh cá Nhật Lệ 2 của ông là vẫn trụ vững, phát triển từ một tàu đánh cá lên hai chiếc, ba chiếc rồi bốn chiếc, trị giá trên 5 tỷ đồng. Lúc đó, cơ cấu lao động ở HTX Nhật Lệ 2 gồm 60 lao động, trong đó có 12 cổ phần. Ở thời điểm đó, lao động trong HTX của ông đã được trả bình quân thu nhập 3.000.000 - 4.000 000 đồng/tháng.

- Ông có thể lý giải vì sao đa số HTX đánh cá xa bờ đều không trụ vững và đi đến phá sản, giải thể mà HTX Nhật Lệ 2 của ông vẫn có thể trụ vững?

- Cơ chế giống nhau, phương tiện giống nhau, biển cũng vậy, nhưng tôi nghĩ đó là do con người đứng đầu biết cách xoay xở, dám nghĩ dám làm; phải biết trăn trở với từng con sóng, với từng vùng biển lạ biển quen.

Ông Nguyễn Hữu Bíu chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.
Ông Nguyễn Hữu Bíu chăm sóc vườn cây cảnh của gia đình.

Ông cha nói: “Biển năng  canh, ruộng năng hành; chim chết theo dạ, cá chết theo nước” mà anh. Hơn nữa, ngoài sự năng động, biết tích lũy kinh nghiệm ông cha thì tôi có lợi thế hơn một số người đứng đầu các HTX khác là sau khi xuất ngũ (năm 1977) đã được theo học một lớp đào tạo công nhân kỹ thuật thủy sản 18 tháng do Ty Thủy sản Bình Trị Thiên tổ chức. Vì thế, tôi biết ứng dụng những kiến thức khoa học vào chỉ đạo hoạt động của HTX mình.

- Đó là tất cả bí quyết thành công?

- Chưa hết đâu anh! (cười). Một điều mà tôi cho hết sức quan trọng khi ra biển lớn, đó là phải biết quan sát, học hỏi tàu đánh cá nước ngoài. Khi cùng đánh bắt ở những vùng biển chung, tôi đã quan sát rất kỹ tàu nước ngoài, từ cấu tạo, dánh hình, phương tiện ngư lưới cụ. Ví dụ quan sát máy tời của họ như thế nào (trong khi mình làm thủ công không có máy tời); lưới thì sợi thô bao nhiêu, mắt lưới bao nhiêu, chì, phao thế nào; rồi kỹ thuật vận hành mọi thứ... Quan sát và tôi bắt đầu... mơ (lại cười).

Sở dĩ tôi mơ vì tàu họ lớn, trong khi tàu mình thì nhỏ. Những điều mình quan sát, hay nói cách khác là học được đó, phải được đặt trong điều kiện tàu lớn. Thế là phải chuyển đổi sang tàu lớn, phải áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Với những kiến thức học trộm được, tôi đem đặt hàng các thiết bị rồi vừa làm vừa cải tiến dần cho phù hợp. Rõ ràng lúc đó hiệu quả sẽ khác.

Một yếu tố nữa cũng hết sức quan trọng mà tôi rất quan tâm, đó là lao động. Ngoài việc dám nghĩ dám làm, xoay xở để tạo thu nhập cao cho xã viên trong HTX, cần phải quan tâm đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của họ, phải hiểu được tâm tư tình cảm của họ, tạo niềm tin và động lực cho họ cùng đồng tâm hợp lực với mình.

- HTX Nhật Lệ 2 vững vàng như vậy tại sao vẫn giải thể?

- Cũng là theo xu thế chung thôi, sau này Nhà nước cho phát triển nhiều thành phần kinh tế, vả lại tôi mơ ước phải vươn ra biển xa hơn nữa. Ông cha đã có câu: "Đi khơi gặp đốông (đống), đi lộông (lộng) gặp bầy", ý là càng ra khơi xa càng nhiều thủy sản quí. Rõ ràng, càng vươn khơi việc đánh bắt sẽ càng hiệu quả, giá trị kinh tế mang lại cao hơn.

Khi đang HTX với đội tàu 4 chiếc công suất vẫn đang nhỏ (150CV/chiếc) nếu cả 4 chiếc cùng đánh bắt thì chỉ trong thời gian ngắn đều phải quay về vì sức chứa nhỏ (kể cả nguyên nhiên liệu, thực phẩm và hàng hóa đánh bắt được...) nên tôi phải điều hành 1 đến 2 chiếc trở thành tàu vận chuyển hàng hóa và tiếp phẩm cho 2 tàu kia ở lại ngư trường dài hơn khi đang được mùa đánh bắt trong một kỳ trăng và cứ liên hoàn như vậy.

Từ điều này mà tôi nghĩ tới việc phải chuyển đổi sang tàu công suất lớn hơn, sức chứa lớn hơn để có thể đánh bắt biển xa dài ngày. Và thế là năm 2009 tôi bắt đầu giải thể HTX, lần lượt chuyển đổi 4 tàu nhỏ để đóng hai tàu lớn có công suất 700 CV trị giá 15 tỷ đồng vào năm 2011 và 2012 (biển kiểm soát QB 91667 TS và QB 91868 TS). Có người vẫn đùa là tôi đã “đi trước cả Nghị định 67 của Chính phủ”.

Bây giờ tôi đã nghỉ đi biển, tham gia Hội Nông dân xã với chức danh Phó chủ tịch hội và giao lại quyền dẫn dắt hai chiếc tàu cho hai người con trai của tôi. Về hình thức, HTX Nhật Lệ 2 không còn nhưng hiện 2 chiếc tàu của tôi vẫn bảo đảm việc làm cho 60 lao động với thu nhập bình quân 9.000.000 - 10.000.000 đồng/người/tháng. Năng lực đánh bắt của 2 tàu này tăng 60-70% so với đội tàu cũ 4 chiếc. Doanh thu hàng năm của 2 chiếc tàu từ 12 tỷ đến 15 tỷ đồng.

- Ở Bảo Ninh, có gia đình nào có tàu công suất lớn và làm ăn hiệu quả cao như gia đình ông?

- Có chứ. Thấy hiệu quả mô hình 2 chiếc tàu của tôi nên nhiều ngư dân Bảo Ninh cũng đã chuyển đổi theo hướng đó và khi Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ra đời thì nhiều ngư dân của Bảo Ninh đã sắm trước tàu lớn rồi (lại cười rất tươi). Tuy nhiên, cũng chỉ mỗi gia đình một chiếc, chưa có gia đình nào được 2 chiếc và hiệu quả mang lại cũng khoảng 70-80% so với 2 chiếc tàu của tôi.

- Tôi thấy ông hay ước mơ và chính những ước mơ ấy đã dẫn dắt ông chinh phục ngư trường xa bằng những đội tàu ngày càng lớn của mình. Có ước mơ nào cao hơn nữa?

- Có chứ anh (Hào hứng). Từ việc nghĩ đến chinh phục ngư trường xa dài ngày, tôi đã mơ mình có một chiếc tàu lớn để sử dụng làm tàu vận tải - dịch vụ. Con tàu đó có sức chở lớn, vừa tiếp phẩm, ngư lưới cụ, nhiên liệu, các hàng hóa khác, vừa là tàu vận tải hàng thủy sản đánh bắt được, trong đó có các thiết bị hiện đại để bảo quản, sơ chế sản phẩm, buôn bán...

Vì tàu của mình còn nhỏ, thiết bị thô sơ nên tôi đã đi một chuyến Hàn Quốc với mục đích mua lại một chiếc tàu của họ về phục vụ cho dự định trên. Tuy nhiên, nếu mua tàu hoàn toàn mới của họ thì mình không đủ sức, còn mua lại tàu cũ thì lại vướng chuyện qui định tỷ lệ cũ bao nhiêu phần trăm mới được phép nhập khẩu, thế là đành chịu.

Đôi tàu QB 91667 TS và QB 91868 TS công suất 700CV của gia đình ông Bíu.
Đôi tàu QB 91667 TS và QB 91868 TS công suất 700CV của gia đình ông Bíu.

Hiện tại 2 con tàu của gia đình tôi vẫn phải hỗ trợ nhau về sức chở hàng hóa khi đánh bắt thuận lợi, nhưng như vậy lại ảnh hưởng đến sản xuất, còn nếu có một chiếc tàu chuyên vận tải-dịch vụ thì quá tốt. Từ thực tế đó, vẫn đam mê chiếc tàu vận tải-dịch vụ nên sau chuyến đi Hàn Quốc, về nước tôi đã làm đề án xin đóng tàu lớn trị giá 30 tỷ đồng để thực hiện ước mơ trên của mình. Các anh lãnh đạo Tỉnh, thành phố, Bộ, ngành thủy sản cũng ủng hộ nhưng vì kẹt vài điều mà tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ ấy.

- Là gì, anh có thể chia sẻ?

-Một là tiếp cận số vốn lớn như vậy cũng khá khó khăn. Hai là tôi bây giờ tuổi cũng đã khá cao rồi, ước mơ thế nhưng cũng khó có thể trực tiếp chinh chiến ngoài biển khơi được nữa nên đặt vấn đề để người con trai cả thực hiện.

Tuy nhiên, con trai tôi chia sẻ rằng: “Nếu quản lý việc khai thác, đánh bắt như con đang làm thì con đảm đương được, còn nếu quản lý tàu vận tải – dịch vụ như ao ước của ba thì có lẽ con chưa đủ sức”. Với số vốn lớn, tôi vẫn có thể tìm cách xoay xở được, nhưng khó nhất là con người quản lý con tàu này. Vì thế, ước mơ vẫn đang la... ước mơ !

- Không những quản lý, lái tàu đánh cá giỏi, ông còn là ngư dân đầu tiên của Bảo Ninh có và biết lái... ô tô con?

- Chiếc ô tô hiện tại của gia đình là chiếc thứ ba rồi, nói chính xác là đổi ba đời xe ô tô. Đầu tiên năm 2007 là chiếc Lacetti, sau đó đổi sang chiếc Innova 9 chỗ, còn bây giờ là chiếc bốn chỗ này. Chẳng phải khoe, nhưng ở Bảo Ninh, tôi là người đầu tiên có xe gắn máy, người đầu tiên có điện thoại di động, người đầu tiên có tàu đánh cá công suất trên 700CV và cũng là người đầu tiên có...xe ô tô. Tàu đánh cá công suất lớn, nhà cửa, ô tô...là thành quả nỗ lực miệt mài lao động, làm giàu chính đáng của gia đình tôi và tôi tự hào về điều đó.

- Ông từng là một ngư dân trực tiếp đầu tư đóng tàu, đánh bắt thủy sản trên biển rất thành công, bây giờ là cán bộ của Hội Nông dân, theo ông, giữa chính sách của Nhà nước và việc thực hiện của ngư dân còn có vướng mắc nào, đặc biệt là Nghị định 67 mới đây của Chính phủ?

- Tôi thấy Nhà nước ta ngày càng có nhiều chính sách thiết thực quan tâm đến ngư dân, nhưng về phía ngư dân còn nhiều người thiếu mạnh dạn, thậm chí có những người còn ỉ lại, chỉ muốn dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Tôi nghĩ, ngư dân phải biết sử dụng những ưu đãi của Nhà nước, mạnh dạn, dám làm, nỗ lực sáng tạo để phát triển kinh tế gia đình. "Dân giàu thì nước mạnh", Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, còn người dân cũng phải biết phát huy sự năng động sáng tạo của mình chứ không thể ngồi chờ hoàn toàn thuận lợi, phải hòa hợp từ hai phía.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện. Chúc ông và gia đình tiếp tục có nhiều thành công trong sản xuất kinh doanh nghề biển cũng như có nhiều đóng góp cho phong trào nông dân của địa phương!

Hữu Thái (thực hiện)