.

Để tránh ngồi bàn giấy, nguy cơ xa dân

Thứ Sáu, 06/02/2015, 17:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Tình trạng thiếu sâu sát cơ sở, ngồi bàn giấy, quan liêu vẫn còn xảy ra ở không ít cán bộ của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể. Huyện ủy Minh Hóa đã ban hành được một qui định rất hay để cán bộ sâu sát với cơ sở. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Lương Bình, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa về vấn đề này.

Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Nguyễn Lương Bình (thứ tư từ phải sang) nói chuyện với cán bộ, đảng viên xã Minh Hóa.
Bí thư Huyện ủy Minh Hóa Nguyễn Lương Bình (thứ tư từ phải sang) nói chuyện với cán bộ, đảng viên xã Minh Hóa.

- Được biết, để tăng cường mối quan hệ giữa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã có qui định về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện tham gia sinh hoạt với tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở. Đây là một chủ trương rất hay và không phải nơi nào cũng làm được, anh có thể nói cụ thể hơn về chủ trương này?

- Xuất phát từ thực tiễn, tháng 1-2013, Ban Thường vụ Huyện ủy Minh Hóa đã có Quy định số 06 QĐ/HU về việc cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện tham gia sinh hoạt với các cấp ủy đảng, chính quyền và mặt trận đoàn thể cơ sở. Theo đó, các đồng chí UVTV, UVBCH, Phó chánh Văn phòng Huyện ủy, Phó trưởng các ban Huyện ủy, Trưởng, phó phòng, ban thuộc UBND huyện, Phó Mặt trận và các tổ chức đoàn thể huyện Minh Hóa trực tiếp về cơ sở để sinh hoạt theo quy định.

Các đồng chí UVTV Huyện ủy được phân công phụ trách cụm, Huyện ủy viên phụ trách xã mỗi quý về dự sinh hoạt với 1 đảng ủy cơ sở và dự sinh hoạt từ 1 đến 2 chi bộ trực thuộc được phân công phụ trách; các đồng chí Chánh và Phó chánh Văn phòng, Phó trưởng các phòng, ban, ngành trong huyện cũng phải thực hiện nhiệm vụ về sinh hoạt tại UBND cấp xã và các thôn, bản, tiểu khu, mặt trận, đoàn thể về sinh hoạt với chi đoàn, chi hội...

Cán bộ tham gia sinh hoạt tại cơ sở có trách nhiệm thông tin các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực mình phụ trách; nắm bắt tình hình, hướng dẫn các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nơi mình sinh hoạt để định hướng, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có) theo thẩm quyền.

- Đây là sáng kiến ban đầu của ai ?

- Thực ra thì không phải của riêng ai, mà xuất phát từ tình hình thực tế  của địa phương, có hơn 9 tháng năm 2012 Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp dự họp với Ban chấp hành Đảng bộ các xã, dự sinh hoạt với các chi bộ (trong đó có cả chi bộ tốt, khá, yếu kém). Để khắc phục một số hạn chế như tình trạng hành chính hóa, cán bộ chỉ ngồi bàn giấy, ít đi cơ sở (không về tận chi bộ thôn, bản, chi đoàn, chi hội), nguy cơ xa dân, xa đoàn viên, hội viên, tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy nhiều lần thảo luận, bàn bạc và thống nhất cần đổi mới phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của các cấp ủy Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng sát dân, gần dân hơn.

- Theo qui định nói trên thì tất cả các các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp huyện đều phải về tham gia sinh hoạt với tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở mỗi quí 2-3 lần. Vậy việc thực hiện qui định này trong thời gian qua như thế nào?

- Việc tham gia sinh hoạt với các tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể cơ sở được thực hiện theo thời gian, lịch sinh hoạt định kỳ hàng tháng hoặc bất thường của cơ sở: Chi bộ khối xã, thị trấn ngày mồng 05 hoặc mồng 10 hàng tháng; chi bộ khối cơ quan ngày 20 hoặc 25 hàng tháng. Cán bộ được phân công về sinh hoạt chủ động liên hệ với các cấp ủy cơ sở, thôn bản, chi đoàn, chi hội để để tham gia sinh hoạt, tránh chồng chéo, trùng lặp và không gây phiền hà...

Qua hai năm thực hiện, Quy định 06 đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động, chế độ sinh hoạt và tăng cường mối quan hệ giữa đội ngũ cán bộ, quản lý cấp huyện với các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở; duy trì và làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.

Điều quan trọng là trách nhiệm, năng lực, kỹ năng công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là cán bộ cơ sở, được nâng lên rõ rệt, hạn chế nhiều sai sót trong việc thực hiện các thủ tục, quy định của Đảng, chính quyền và mặt trận, đoàn thể. Tuy vậy, vẫn còn một số đồng chí trong diện Quy định 06 chưa duy trì đều đặn, thường xuyên chế độ này.

- Một trong những mục tiêu của Qui định này là để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh ở cơ sở. Vậy anh có thể cho biết những cán bộ lãnh đạo, quản lý trong diện phải thực hiện qui định này đã phát hiện được những vấn đề nào nảy sinh ở cơ sở và họ đã có cách giải quyết hoặc tham mưu cho cấp trên giải quyết các vấn đề đó như thế nào?

- Quá trình tham gia sinh hoạt với tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện Minh Hóa đã phát hiện được những vấn đề nảy sinh ở cơ sở đang có vướng mắc hoặc bất cập như: Quy trình thủ tục tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; quy trình, thủ tục xem xét kỷ luật cán bộ, phát triển đảng viên mới, quản lý hồ sơ, sổ sách đảng viên, đoàn viên...

Một số cán bộ, đảng viên không thực hiện nghiêm túc quy định bầu cử trong đại hội; thậm chí có một số cán bộ, đảng viên ở chi bộ, tổ chức hội, đoàn thể cơ sở vận động bầu cử sai nguyên tắc, sai quy định. Tình trạng một số cán bộ, đảng viên không muốn thoát nghèo, không nhận nhiệm vụ ở cấp thôn, bản... Một số nơi còn lúng túng trong việc bình xét giải quyết chế độ, chính sách cho người nghèo, hỗ trợ sản xuất, giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai...

Nhờ việc tham gia sinh hoạt với tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể ở cơ sở, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý huyện Minh Hóa đã kịp thời hướng dẫn, giúp đỡ, tháo gỡ, giải quyết những phát sinh thực tế tại cơ sở (ví dụ tình trạng không thực hiện nghiêm túc quy định bầu cử trong đại hội, vận động bầu cử sai nguyên tắc, sai quy định... hiện nay đã không còn trên địa bàn huyện); những vấn đề cần chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo UBND huyện đã báo cáo, đề xuất sau đó nghiên cứu, giải quyết kịp thời và có hiệu quả.

- Xin hỏi riêng, với anh, ở cương vị Bí thư Huyện ủy, trước đây là Phó bí thư Thường trực Huyện ủy (Qui định này ban hành từ tháng 1-2013), anh đã tham gia sinh hoạt với tổ chức cơ sở đảng nào và những vấn đề nổi lên ở cơ sở mà anh nhận thấy?

- Khi chưa có quy định này, bản thân tôi đã đi cơ sở và tham gia sinh hoạt ở nhiều loại hình chi bộ để rút kinh nghiệm. Cũng vì chăm đi cơ sở nên tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích, rút ra được nhiều bài học quý từ cán bộ, đoàn viên và nhân dân. Khi chủ trương ban hành, mình là cán bộ, lãnh đạo thì phải gương mẫu chứ!...

Tôi đã tham gia sinh hoạt cùng khá nhiều cơ sở đảng như: Chi bộ thôn Liêm Hóa 1, chi bộ Thanh Liêm xã Trung Hóa; chi bộ thôn Yên Định xã Yên Hóa; chi bộ thôn Văn Hóa xã Hồng Hóa; chi bộ thôn Yên Hòa, chi bộ thôn Yên Thành xã Hóa Tiến; chi bộ thôn Thanh Long xã Hóa Thanh; chi bộ thôn Hợp Lợi xã Xuân Hóa... và một số Đảng ủy cơ sở, tổ chức hội, đoàn thể.

Tiếp xúc với cơ sở, tôi đã tập trung lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và quần chúng nhân dân, từ đó, đã phát hiện ra những tồn tại, hạn chế nhất định của cơ sở như: trình độ, năng lực, uy tín, trách nhiệm của một số cán bộ chủ chốt cấp cơ sở còn hạn chế; nội dung sinh hoạt của một số tổ chức cơ sở Đảng còn nghèo nàn, tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, tinh thần phê bình và tự phê bình nhiều đơn vị chưa được phát huy.

Một số cơ sở chưa quy tụ, tập hợp được sức mạnh của đảng viên, đoàn viên, hội viên; cán bộ, đảng viên, đoàn viên một số nơi còn nặng tư tưởng dòng tộc, dòng họ, bè phái hoặc đề cao chủ nghĩa kinh nghiệm, cứng nhắc về quan điểm, tư duy, gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương...

- Theo anh, những yếu tố cơ bản nào để có một tổ chức cơ sở đảng mạnh?

- Để có một tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, cần rất nhiều yếu tố, nhưng chúng tôi xoáy sâu vào 3 nội dung trọng tâm: công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên; tăng cường đoàn kết thống nhất trong đảng; nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, vai trò trách nhiệm của cán bộ, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần tự phê bình và phê bình.

Và hơn hết là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, ngoài việc quan tâm, theo dõi, giám sát đảng viên còn phải quan tâm nắm bắt dư luận xã hội. Bởi đây là kênh thông tin phản ánh đa chiều giúp chúng ta kịp thời phát hiện những sai lệch. Bên cạnh đó, uy tín, gương mẫu, sự gần gũi của người đứng đầu đối với đảng viên cũng là động lực giúp anh em tu dưỡng đạo đức, lối sống tốt đẹp hơn.

- Anh đã từng trải qua cương vị lãnh đạo của các tổ chức Đoàn, Hội LHTN, Mặt trận và nay làm Bí thư Huyện ủy, có thể rút ra mối liên hệ gì giữa các vị trí và lĩnh vực nói trên?

- Đối với Đoàn-Hội, tôi có 16 năm gắn bó (từ năm 1991-2007), với tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì ít hơn, chỉ có 4 năm (từ năm 2007-2011), còn với cương vị công tác Đảng cũng chỉ gần tròn 4 năm thôi. Ở tất cả những cương vị ấy đã cho tôi rất... rất nhiều, có thể tóm gọn lại mấy điều tâm huyết sau: Khởi đầu với tổ chức Đoàn và Hội LHTN-là nơi để bản thân học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. MTTQVN cho tôi sự dẻo dai nhưng rắn rỏi và chín chắn hơn.

Còn với cương vị trong công tác Đảng, với một khối lượng công việc “khổng lồ” và mang tính toàn diện, đòi hỏi phải sâu sát cơ sở, gần gũi hơn với cán bộ, đảng viên và nhân dân... Bài học từ sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng, biết quy tụ, khơi dậy khả năng của cán bộ, nhân dân, bên cạnh đó là sự gương mẫu, khiêm tốn, biết lo lắng việc chung... là yếu tố làm nên thành công cho dù ở cương vị công tác nào.

- Là cán bộ luân chuyển về công tác ở cấp huyện, bản thân anh đã rút ra được những điều gì?

- Theo tôi, việc luân chuyển cán bộ không chỉ tạo điều kiện để rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ phấn đấu và trưởng thành toàn diện hơn, mà qua đó còn cho họ những trải nghiệm thực tiễn phong phú trong công tác cũng như trong cuộc sống.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi thấy việc luân chuyển cán bộ phần nào khắc phục được tình trạng tư tưởng cục bộ, khép kín, trì trệ, bảo thủ trong công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, giúp địa phương phát triển về mọi mặt. Việc lựa chọn cán bộ để luân chuyển ngoài vấn đề bằng cấp, chuyên ngành đào tạo thì nên quan tâm khả năng sáng tạo, có tâm huyết, chịu khó học hỏi, biết khắc phục khó khăn...

- Minh Hóa là huyện miền núi còn quá nhiều khó khăn và có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, theo anh, nếu lựa chọn lĩnh vực ưu tiên đầu tư số một thì sẽ là lĩnh vực gì?

- Là một huyện nghèo, vậy nên rất nhiều lĩnh vực cần phải đầu tư, nhưng nếu phải lựa chọn ưu tiên số một thì theo tôi đó là phát triển kinh tế. Phải huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững. Với Minh Hóa thì việc phát triển kinh tế bền vững không gì hơn là tiếp tục thực hiện có hiệu quả 2 chương trình kinh tế trọng điểm là phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế.

Hữu Thái (thực hiện)