.

Ông Phạm Văn Năm, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình: "Xúc tiến đầu tư bây giờ không phải bằng mọi giá"

Thứ Sáu, 09/01/2015, 14:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Tỉnh ta có vị trí địa lý rất thuận lợi so với nhiều tỉnh bạn vì: Có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, có cảng biển nước sâu, cảng hàng không, có đường sắt bắc nam và quốc lộ 1 đi qua, có tiềm năng về đất đai, nhân lực... để xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế. Tỉnh đã lập đề án xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan trọng nhất trong xúc tiến đầu tư bây giờ là quảng bá tiềm năng, làm sao để hình ảnh Quảng Bình, tiềm năng của tỉnh được các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến...

Ông Phạm Văn Năm-Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh (ngoài cùng bên phải) tháp tùng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra Khu kinh tế Hòn La.
Ông Phạm Văn Năm-Trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh (ngoài cùng bên phải) tháp tùng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra Khu kinh tế Hòn La.

- Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Bình là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu kinh tế và các khu công nghiệp. Với cương vị là trưởng ban, ông có thể phác họa những nét cơ bản về bức tranh khu kinh tế - công nghiệp của tỉnh?

- Có thể nói, tỉnh ta thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế muộn hơn so với các tỉnh trong cả nước. Từ 1997 Chính phủ đã chủ trương phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế nhưng mãi đến năm 2001 tỉnh ta mới triển khai cụm đầu tiên là khu công nghiệp tây bắc Đồng Hới và thành lập Ban quản lý đầu tư xây dựng khu công nghiệp.

Sau đó, năm 2002 bắt đầu xây dựng đề án thành lập Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, chỉ sau 6 tháng thì được Chính phủ ra quyết định thành lập. Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo rộng 539km2, bao gồm 6 xã Dân Hóa, Trọng Hóa, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Hóa Phúc và Hồng Hóa. Khu kinh tế này nằm trên tuyến quốc lộ 12A nối Việt Nam với Lào và đi Thái Lan.

Năm 2008 Chính phủ đã có quyết định phê duyệt thành lập Khu kinh tế Hòn La. Khu kinh tế Hòn La bao gồm 6 xã ven biển của huyện Quảng Trạch là Quảng Đông, Quảng Phú, Quảng Tùng, Cảnh Dương, Quảng Hưng và Quảng Xuân, tổng diện tích tự nhiên 10.000ha, trong đó phần đất liền khoảng 8.900ha, phần đảo và biển khoảng 1.100 ha.

Tỉnh ta có vị trí địa lý rất thuận lợi so với nhiều tỉnh bạn vì: Có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, có cảng biển nước sâu, cảng hàng không, có đường sắt bắc nam và quốc lộ 1 đi qua, có tiềm năng về đất đai, nhân lực... để xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế. Tỉnh đã lập đề án xây dựng và phát triển các khu công nghiệp đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, tỉnh ta có 8 khu công nghiệp với gần 2.000ha, từ bắc vào nam gồm: Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, Khu công nghiệp Hòn La 2, Khu công nghiệp Lý Trạch, Khu công nghiệp bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp tây bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp tây bắc Quán Hàu, Khu công nghiệp Cam Liên, Khu công nghiệp Bang. 8 khu công nghiệp này đã được phê duyệt qui hoạch và đang được đầu tư xây dựng từng bước. Như vậy hiện tỉnh ta có 2 khu kinh tế và 8 khu công nghiệp.

- Trong số các Khu kinh tế, Khu công nghiệp của tỉnh thì nơi nào được xác định là trọng điểm?

- Rõ ràng là Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và Khu kinh tế Hòn La, vì Cha Lo là đầu vào hàng hóa còn Hòn La là đầu ra hàng hóa. Hiện nay, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo đã có sự phát triển tương đối mạnh. Kết quả hoạt động năm 2014, kim ngạch xuất nhập khẩu là 1,709 tỷ USD. Trong 28 khu kinh tế cửa khẩu đất liền của cả nước thì Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo chiếm hơn 1,6 tỷ USD/15 tỷ USD. So với cửa khẩu Lao Bảo của Quảng Trị thì kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo gấp 2,5 lần, so với cửa khẩu Cầu Treo của Hà Tĩnh thì gấp 4 lần.

Cảng biển Hòn La.
Cảng biển Hòn La.

Như vậy, với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, không chỉ là trọng điểm đối với trong tỉnh mà sẽ là một trong những khu kinh tế trọng điểm quốc gia. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, vừa qua Ban quản lý khu kinh tế tỉnh cũng đã xây dựng đề án trình Chính phủ để đưa Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vào một trong 8 khu kinh tế trọng điểm của toàn quốc.

Còn Hòn La thì đã qui hoạch nằm trong khu vực nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình, là một trong những khu trọng điểm kinh tế năng động của quốc gia, ngoài cảng biển, nhiệt điện, sẽ phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ cho Formosa - Vũng Áng. Cảng biển Hòn la có lợi thế để thu hút hàng hóa từ các nước Thái Lan, Lào... về để đi nước thứ ba vì quảng đường ngắn nhất, hiệu quả nhất so với các cảng biển trong khu vực.

- Như ông phân tích thì Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và cảng biển Hòn La giàu tiềm năng và có lợi thế hơn hẳn để thu hút hàng hóa từ các nước Thái Lan, Lào... về qua cảng Hòn La để đi nước thứ ba bởi quảng đường ngắn nhất, hiệu quả hơn về các cảng biển khác, vậy tại sao lại không có doanh nghiệp nào mạnh dạn đầu tư giai đoạn 2 cảng biển Hòn La?

- Thực tế nhiều doanh nghiệp biết lợi thế của Cha Lo và Hòn La, nhưng rõ ràng khi đầu tư, doanh nghiệp bao giờ cũng muốn hỗ trợ một phần từ Nhà nước. Để đầu tư giai đoạn 2 của Cảng Hòn La phải nối được Hòn Cỏ - Hòn La, vì giai đoạn 2 cầu cảng sẽ nằm giữa Hòn Cỏ và Hòn La, mà việc này thì các doanh nghiệp phải cần một nguồn vốn không nhỏ. Bây giờ thì Nhà nước đang đầu tư dự án đê nối giữa Hòn Cỏ và Hòn La, khi dự án hoàn thành thì sẽ có nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư cảng Hòn La giai đoạn 2 bởi tiềm năng rất lớn của nó.

- Theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP, ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ thì Khu kinh tế được tổ chức thành các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, khu bảo thuế, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác phù hợp với đặc điểm của từng khu kinh tế. Hiện Khu kinh tế Hòn La đã có các khu chức năng nào?

- Trong quyết định phê duyệt qui hoạch của Chính phủ thì đầy đủ các khu chức năng như Nghị định 29 của Chính phủ. Hiện Khu kinh tế Hòn La có: Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, Khu công nghiệp Hòn La 2, Khu cảng biển Hòn La, khu phi thuế quan, khu nhiệt điện, khu dân cư đô thị, khu hành chính, khu du lịch và một số khu chức năng khác. Tiềm năng của Hòn La rất lớn nhưng hiện tại Cảng biển Hòn La còn gặp khó khăn vì chưa được đầu tư giai đoạn 2, vì thế hàng hóa vẫn tràn qua Vũng Áng và đi một số nơi khác.

- Trong nhiệm vụ, quyền hạn của Ban có mục đánh giá hiệu quả đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Nói gì thì nói, hiệu quả đầu tư phải được thể hiện ở sự đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Vậy ông có thể đánh giá hiệu quả đầu tư tại các khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh ta?

- Bất cứ một dự án nào cũng phải đánh giá hiệu quả đầu tư. Như Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo thì đã rõ. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2013 tăng gần 300% so với năm 2012; đi liền với đó là các chỉ tiêu  khác như lượt người và phương tiện qua lại tăng nhiều lần; nộp thuế năm 2012 là 161 tỷ thì năm 2013 là 255 tỷ; đi kèm với đó là một loạt dịch vụ phát triển... Chính vì thế đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã vào khảo sát để trình Thủ tướng Chính phủ đưa Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vào một trong những khu kinh tế trọng điểm của quốc gia.

Tại Khu kinh tế Hòn La đến nay đã thu hút được 40 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư và đăng ký 44.512 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án mang tính động lực như Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch, Hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòn La 2... Khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ mang lại nguồn thu lớn và giải quyết lượng lớn việc làm cho con em địa phương. 

Còn các khu công nghiệp thì thời gian qua đang trong khung thời gian ưu đãi miễn giảm thuế bước đầu, sắp tới đây hết thời gian miễn giảm thì thu thuế sẽ tăng cao; năm nay các khu công nghiệp (gồm Khu công nghiệp Hòn La, Khu công nghiệp tây bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp bắc Đồng Hới) nộp ngân sách khoảng 125 tỷ, trong khi đó vốn Nhà nước đầu tư ban đầu cho 3 khu công nghiệp này chỉ khoảng 220 tỷ. Các khu công nghiệp khác thì mới qui hoạch và đang kêu gọi đầu tư. 

Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.

- Một nhiệm vụ hết sức quan trọng của Ban là xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư và tổ chức thực hiện. Thực tiễn cũng đã cho thấy, hoạt động xúc tiến đầu tư không cứ phải tổ chức nơi này nơi khác mới mang lại hiệu quả. Nhìn ra tỉnh bạn, Vĩnh Phúc là tỉnh phía bắc đang làm tốt công tác xúc tiến đầu tư với phương châm xúc tiến đầu tư tại chỗ (tổ chức hội nghị ba bên giữa chính quyền, nhà đầu tư tiềm năng và chủ đầu tư hiện tại), chăm sóc các dự án sau cấp phép để chính những nhà đầu tư hiện tại là người quảng bá cho tỉnh. Ông nghĩ sao về điều này?

- Điều này là chính xác. Ở Khu kinh tế Hòn La và Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo ta cũng đang làm theo cách đó. Các doanh nghiệp Đài Loan, Australia đang đầu tư ở hai khu kinh tế này sẽ là những người quảng bá tốt nhất về tiềm năng tại nơi họ đang đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài khác.

Một cách xúc tiến đầu tư khác là qua website của Ban quản lý Khu kinh tế, ở trên đó chúng tôi giới thiệu qui hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, tiềm năng của tỉnh, cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính... Và cũng không thể thiếu những cuộc xúc tiến đầu tư ở nước ngoài, ở những thành phố lớn, trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong nước. Nói chung, khởi đầu phải áp dụng nhiều cách để có nhà đầu tư, còn khi đã có nhà đầu tư vào rồi thì cách như nhà báo nói sẽ là cách hiệu quả số một.

- Trong xúc tiến đầu tư thường có khái niệm "trải thảm đỏ", với vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện, theo ông, việc "trải thảm đỏ" đó bao gồm những gì và tỉnh ta đã làm tốt việc này chưa?

- Khái niệm trải thảm đỏ trước đây hay dùng nhưng bây giờ thì người ta cũng ít nói đến nữa. “Trải thảm đỏ” là một khái niệm tự phát để chỉ việc các địa phương bằng mọi cách để chào mời (nếu không muốn nói là tranh giành) các nhà đầu tư, ví như hạ giá đất, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng...

Tuy nhiên, hệ quả của việc này là giá thành đầu tư ban đầu cao lên, doanh nghiệp có lợi nhưng địa phương thì kém lợi, hiệu quả đầu tư không cao. Thành ra bây giờ khái niệm “trải thảm đỏ” người ta ít nói đến nữa là vì thế. Xúc tiến đầu tư phải tính đến hiệu quả, làm sao để doanh nghiệp và địa phương đều cùng có lợi. Nghĩa là xúc tiến đầu tư bây giờ không phải bằng mọi giá mà phải có sự lựa chọn: nhà đầu tư nào, năng lực ra sao, việc đầu tư phải bảo đảm tính bền vững, sử dụng nhiều lao động địa phương, thân thiện môi trường, chuyển giao công nghệ...

Theo tôi, cái quan trọng nhất trong xúc tiến đầu tư bây giờ là quảng bá tiềm năng, làm sao để hình ảnh Quảng Bình, tiềm năng của tỉnh được các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết đến. Thứ hai là cải cách thủ tục hành chính, làm sao để thông thoáng, nhanh gọn, đầy đủ cho nhà đầu tư; đây cũng chính là cái cốt lõi của khái niệm “trải thảm đỏ”. Tỉnh cũng đang chỉ đạo và Ban cũng đang chú trọng để thực hiện tốt những việc này.               

Hữu Thái (thực hiện)