.

Nhiếp ảnh-cảm xúc và khoảnh khắc

Thứ Sáu, 23/01/2015, 17:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Dù sinh sau đẻ muộn so với trong nước và khu vực nhưng nhiếp ảnh Quảng Bình những năm gần đây đã có những dấu ấn đáng khích lệ. Khá nhiều tác phẩm của các nhà nhiếp ảnh tỉnh ta đã được chọn trưng bày tại các triển lãm, đoạt giải cao trong khu vực, trong nước, thậm chí quốc tế. Hoàng An, một trong năm nhà nhiếp ảnh của Quảng Bình được phong tước hiệu AVAPA (nghệ sĩ nhiếp ảnh) đã có tác phẩm đoạt giải thưởng quốc tế. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với người được coi là hiện tượng của nhiếp ảnh Quảng Bình này.

 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng An.

- Anh đến với nhiếp ảnh từ khi nào?Khởi đầu đó là một nghề để mưu sinh hay từ niềm đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh?

- Tôi bước vào nghề nghiếp ảnh đã gần 20 năm, nhưng bắt đầu dấn thân chơi ảnh nghệ thuật thì khoảng 15 năm nay, như một định mệnh. Ý tưởng sáng tác ảnh nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ tình yêu mảnh đất này, sau là xuất phát từ nghề nhiếp ảnh của tôi.

Cứ lúc nào rảnh rỗi, tôi lại rong ruổi khắp các con đường, thôn xóm, bản làng từ miền xuôi lên miền ngược để lưu lại từng khoảnh khắc. Tôi sáng tác cho thỏa mãn sự đam mê sáng tạo và có chút tò mò của mình cùng với lòng yêu quê hương chứ không theo một đơn đặt hàng của ai. Tôi âm thầm lao động nghệ thuật hơn 15 năm nay và rốt cuộc thì cũng được ghi nhận.

- Được biết, năm 2012, Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam đã phong tước hiệu AVAPA và kết nạp anh vào Hội NSNA Việt Nam. Điều kiện để được phong tước hiệu này như thế nào?

- Năm 2012 tôi được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam và được phong tước hiệu (AVAPA). Vui lắm, mừng lắm. Vậy là đã được ghi nhận và đánh dấu một chặng đường sáng tác của mình. Để đạt được tước hiệu AVAPA thì phải dự thi ảnh nghệ thuật do Hội NSNA Việt Nam tổ chức hoặc bảo trợ nghệ thuật, mỗi tác phẩm dự thi được chọn treo triển lãm cấp khu vực được tính 2 điểm, còn cấp tỉnh không được tính.

Mỗi người phải có 50 điểm và có một triển lãm cấp quốc gia mới đủ tiêu chuẩn viết đơn vào Hội. Hội đồng nghệ thuật quốc gia thẩm định 15 tác phẩm sáng tác chưa qua cuộc thi nào. Để đạt được điều đó không dễ, phải kiên trì, đam mê, luôn nỗ lực sáng tạo mới có thể đạt được. Hiện Quảng Bình ta mới chỉ có 5 người được phong tước hiệu.

- Tuổi đời và tuổi nghề còn khá trẻ nhưng Hoàng An đã đạt nhiều thành tích trong nhiếp ảnh. Tác phẩm “Hoa lúa” của anh đã giành giải đặc biệt cuộc thi ảnh với chủ đề “Trẻ em và ngày nghỉ” được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ (Cuộc thi do Rotary Club tổ chức dưới sự bảo trợ của FIAP à TFSF Liên đoàn Nhiếp ảnh Thổ Nhĩ Kỳ). Cảm xúc và khoảnh khắc nào đã cho anh có được tác phẩm này?

- Thực ra cũng chẳng còn trẻ nữa, 45 tuổi rồi còn gì. Nhưng giá mà sống được 100 tuổi, thì quãng đời sáng tạo và cống hiến của mình được kéo dài ra nhỉ (cười)! Nói vậy thôi, so với giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước thì vẫn được coi là trẻ thật. Cả nước có gần 900 nghệ sĩ nhiếp ảnh, tôi nằm trong tốp dưới 50 tuổi, chiếm tỷ lệ 27%. Để có được những kết quả như bây giờ, tôi đã đi rất nhiều, chụp rất nhiều với nhiều thể loại khác nhau. Không chỉ biết đi và chụp, tôi còn thường xuyên cập nhật các thông tin nhiếp ảnh nước ngoài, các quốc  gia có nền nhiếp ảnh phát triển như Pháp, Mỹ... để đọc rồi trải nghiệm.

Chụp trải nghiệm rồi gửi tác phẩm của mình đến các cuộc thi, lấy các cuộc thi làm thước đo cho mình, từ đó biết mình đang đứng vị trí nào, mình đang thiếu cái gì trên tác phẩm. Ví dụ, để có tác phẩm “Hoa Lúa”, trước đó tôi đọc một tài liệu nước ngoài về cách đo sáng điểm, khoảnh khắc trên tác phẩm nghệ thuật...

Từ kiến thức đó, tôi trải nghiệm khi chụp và gửi đi dự thi thử. Lần thi đầu tiên tác phẩm này vượt qua hơn 1.200 tác phẩm khác đến từ 12 tỉnh thành khác để nằm trong số 11 tác phẩm đề cử vào giải. Nhưng phút chót tác phẩm của tôi không được BGK đưa vào giải.

Tre già măng mọc (Các tác phẩm mới của Hoàng An, lần đầu tiên công bố ở Việt Nam)
Tre già măng mọc (Các tác phẩm mới của Hoàng An, lần đầu tiên công bố ở Việt Nam).

Kết thúc cuộc thi, một vị giám khảo nói nhỏ với tôi: Tác phẩm "Hoa lúa" của An anh thích lắm. Em thử dự thi nhiều cuộc khác xem. Tôi tin lời anh ấy vì anh này đã từng dự thi ảnh Quốc tế đạt 119 giải thưởng/năm. Tôi mạnh dạn dự thi cuộc thi ảnh cấp Quốc tế tại Việt Nam (VN13). Tại giải này, tác phẩm của tôi đã vượt qua hơn 15 ngàn tác phẩm khác với hơn 1300 tác giả của 51 quốc gia và được chọn triển lãm. Tự tin, tôi gửi tác phẩm này dự thi cuộc thi ảnh Quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ và đoạt giải đặc biệt...

- Những yếu tố làm nên một bức ảnh đẹp?

- Theo tôi, một tác phẩm ảnh nghệ thuật cần có năm yếu tố cơ bản cấu thành, đó là: Ánh sáng; Khoảnh khắc; Bố cục; Nội dung chủ đề; Tạo hình mỹ thuật và chất lượng tấm ảnh khi in ra.

- Ken Rockwell, một người trong làng nhiếp ảnh thế giới có câu: "Sức mạnh của nhiếp ảnh ở sự quan sát, không phải là ứng dụng của công nghệ". Anh nghĩ sao về điều này?

- Quá đúng! Bản chất của nhiếp ảnh là THẬT, là ghi lại sự thăng hoa của cảm xúc con người khi nhìn sự việc đang diễn ra. Ví dụ, cùng đi dạo trên bãi biển Nhật Lệ, người nghệ sỹ nhiếp ảnh có khả năng phát hiện ra khoảnh khắc cái đẹp thăng hoa mà người khác có thể không nhìn thấy.

Tức là, sự tinh tế trong quan sát, sự nhạy cảm trước cuộc sống xung quanh mới là quan trọng, chứ không phải anh cầm trên tay loại máy ảnh nào hay dùng công nghệ nào để chỉnh sửa ảnh. Sự tinh tế trong quan sát cộng với cảm xúc đã mang lại 80% sự thành công cho bức ảnh, công cụ, công nghệ chỉ chiếm 20%.

- Thế nhưng Dorothea Lange, phóng viên ảnh người Mỹ, lại có câu: "Máy ảnh là công cụ dạy người ta làm sao để nhìn mà không có máy ảnh". Cần hiểu câu này như thế nào?

- Như tôi nói ở trên, Nghệ sĩ nhiếp ảnh phải đi nhiều, chụp nhiều, trải nghiệm nhiều. Khi đạt đến một trình độ nhất định thì không có máy ảnh trên tay ta cũng hình dung, tư duy ra được khuôn hình đẹp khi nhìn sự vật. Bắt đầu là nhìn qua ống kính máy ảnh, còn sau này là nhìn sự vật bằng mắt cũng như qua ống kính.

- Cũng như thơ, tìm được tứ và tên cho một bức ảnh rất quan trọng?

- Văn học nghệ thuật nói chung, nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng là phải tư duy hình tượng rồi mới tìm cánh thể hiện. Tư duy có nghĩa là chưa đi chụp mà mình đã mường tượng ra tác phẩm và tên tác phẩm ở trong đầu rồi, sau đó tìm đối tượng, tìm cách thể hiện và xử lý các thông số kỹ thật trên máy ảnh.

- Theo anh, ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật khác nhau ở chỗ nào, thực hiện một bức ảnh báo chí và một bức ảnh nghệ thuật cái nào khó hơn?

- Theo tôi, ảnh báo chí phải chụp đúng sự thật và rõ nội dung, nói được 5 chữ W  (Who - ai, What - cái gì, Where - ở đâu, When - khi nào, Why - tại sao). Còn ảnh nghệ thuật có nhiều dòng, trong đó có một dòng gọi là ẢNH Ý TƯỞNG hoặc ẢNH SÁNG TẠO thì cho phép làm bất kể điều gì miễn là có ngôn ngữ ẩn dụ của nghệ thuật. Còn dòng ảnh nghệ thuật TRUYỀN THỐNG thì hơi khắt khe, cho phép can thiệp nhưng không sai lệch thực tế là được.

Ảnh báo chí là ảnh thông tin, ảnh nghệ thuật là ảnh tư duy hình tượng để chuyển tải nội dung thông điệp. Thể loại nào cũng lao động khó khăn lắm mới cho ra được tác phẩm tốt, mỗi loại hình có những cái khó riêng.

Lo lắng.
Lo lắng.

- Kỷ niệm đáng nhớ trong nghề?

- Kỷ niệm đáng nhớ nhất là những buổi sáng đi săn bình minh trên biển, lọ mọ đi cả đêm, 3 giờ sáng đã phải xuất phát, đồ đạc lịch kịch, có vài lần công an tưởng kẻ gian ép xe lại hỏi, hóa ra NSNA Hoàng An đi săn ông mặt trời (cười). Lần khác, lên đỉnh U Bò sáng tác đề tài thiên nhiên, thì bị các anh kiểm lâm nghi ngờ là lâm tặc, bởi ăn mặc lộm thuộm, nhếch nhác...

- Từ góc nhìn cá nhân, anh thấy điểm mạnh, yếu của nhiếp ảnh Quảng Bình ở đâu? So với các tỉnh trong khu vực thì nhiếp ảnh Quảng Bình đang nằm ở vị trí nào?

- Với góc nhìn cá nhân thì tôi thấy nhiếp ảnh Quảng Bình rất nhiều lợi thế, bởi  Quảng Bình có rất nhiều đề tài để chụp, thiên nhiên ban tặng cho một quần thể Phong Nha - Kẻ Bàng là Di sản thiên nhiên thế giới, một bờ biển với cồn cát trắng chạy dài gần 120km dọc suốt địa phận tỉnh. Quảng Bình còn nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp..., cứ ra khỏi nhà là có đề tài để sáng tạo.

Lợi thế là thế, nhưng nhiếp ảnh Quảng Bình sinh sau đẻ muộn, còn non nớt so với trong khu vực. Tuy nhiên, lực lượng nhiếp ảnh Quảng Bình cũng đã và đang nỗ lực từng ngày để vươn lên và có những tác phẩm làm ngạc nhiên nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh ở các tỉnh có nền nhiếp ảnh phát triển sớm như Huế, Nghệ An...

- Để nhiếp ảnh Quảng Bình phát triển, cần những điều kiện nào?

- Để nhiếp ảnh Quảng Bình phát triển và vươn lên, tôi nghĩ trước hết các cấp, các ngành trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa, theo dõi, phát hiện, kịp thời khen thưởng, động viên  những hạt nhân mới, có thành tích cao  để tạo cú hích. Các báo và tạp chí trong tỉnh cũng nên mở các cuộc thi để hâm nóng sự hăng say sáng tác của các nhà nhiếp ảnh. Anh chị em nhiếp ảnh cũng phải có những nỗ lực của riêng mình, đồng thời nên có các cuộc sáng tác chung, hoặc sinh hoạt chuyên môn để trao đổi bổ khuyết cho nhau...

Nếu làm được những điều trên, tôi nghĩ nhiếp ảnh Quảng Bình sẽ tự tin vươn ra sân chơi lớn Quốc gia và Quốc tế.

Hữu Thái (thực hiện)