.

"Phụ nữ là người giữ lửa hạnh phúc gia đình"

Thứ Sáu, 31/10/2014, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Phụ nữ ngày nay không còn là những bóng hồng khuê các, "liễu yếu đào tơ", họ đã bắt nhịp cùng cuộc sống hiện đại bằng sự năng động, mạnh mẽ, vượt lên mọi rào cản để khẳng định vai trò của mình trong gia đình cũng như xã hội mà vẫn sáng trong, đằm thắm. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với chị Phạm Thị Hân, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh xung quanh phẩm hạnh của người phụ nữ thời đại mới và những quan niệm về bình đẳng giới.

 

Giao lưu kết nối yêu thương (Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đài PT-TH tỉnh tổ chức).
Giao lưu kết nối yêu thương (Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Đài PT-TH tỉnh tổ chức).

- Ngày xưa, khi nói tới phẩm chất của người phụ nữ, người ta thường nói tới tứ đức "công, dung, ngôn, hạnh", còn bây giờ đánh giá phẩm chất người phụ nữ như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng: Công, dung, ngôn, hạnh vẫn là “khuôn vàng thước ngọc” của người phụ nữ ở mọi thời đại. Có điều, cùng với sự phát triển, nội hàm của “tứ đức” ngày xưa cũng có những thay đổi để phù hợp với thời đại mới.

Ngày nay “công, dung, ngôn, hạnh” phải được nhìn nhận, đánh giá trên cơ sở kết hợp hài hoà những phẩm chất đạo đức truyền thống và những tính cách văn minh, hiện đại, tạo nên giá trị và vẻ đẹp đích thực của người phụ nữ năng động: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

- Trong nhịp sống công nghiệp, hiện đại bây giờ đòi hỏi con người phải năng động, mạnh mẽ, vậy những đức tính của người phụ nữ truyền thống (như dịu dàng, nhỏ nhẹ, không tự đề cao bản thân, chịu thiệt thòi, hy sinh vì chồng con...; hay nói cách khác là thường đặt nhu cầu của mình sau mọi người, bằng lòng với số phận) liệu có còn phù hợp?

- Phù hợp hay không phù hợp nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sự nhận thức đúng đắn về các đức tính dịu dàng, sự hy sinh hay chịu đựng trong từng hoàn cảnh, từng điều kiện cụ thể... Thực tế, nhiều phụ nữ rất năng động, giỏi giang trong công việc nhưng cũng rất dịu dàng, nhỏ nhẹ và sẵn sàng chịu thiệt thòi, hy sinh nếu sự hy sinh đó thực sự mang lại niềm vui, hạnh phúc cho những người thân yêu của mình.

- Vâng, danh ngôn có câu "Phụ nữ luôn sẵn sàng hy sinh, nếu bạn cho họ cơ hội. Sở trường của họ chính là nhường nhịn" mà. Nếu có người nói, một phụ nữ theo lối sống hiện đại thì đồng thời cũng làm "rơi rụng" đi nữ tính của mình, chị nghĩ sao?

- Xã hội phát triển, đòi hỏi ở con người nhiều hơn. Người phụ nữ hiện đại khôn ngoan là người biết phát huy những đức tính phụ nữ truyền thống với những tích cách hiện đại và không dại mà làm “rơi rụng” đi nữ tính của mình đâu.

- William Shakespeare, nhà thơ, nhà soạn kịch nổi tiếng người Anh (tác giả Romeo và Juliet) có nói: “Phụ nữ nói hai loại ngôn ngữ - và ngôn ngữ không thành lời thì quan trọng hơn”. Nhìn từ phía phụ nữ, hiểu câu này như thế nào?

- Diễn đạt sao để dễ hiểu nhỉ?  Tôi nghĩ câu của soạn giả  Shakespeare ý nói, dù ngôn ngữ không thành lời nhưng quan trọng ở ý nghĩa khi sử dụng ngôn ngữ đó. Phụ nữ cũng “ghê gớm” lắm, họ không nhất thiết phải đặt ra “quy định” đối với mình ngôn ngữ nào là quan trọng hơn, mà tùy nơi, tùy lúc để họ sử dụng nó như là một thứ “vũ khí” của riêng mình. Đó chính là nghệ thuật sống để giúp chị em giữ lửa trong gia đình cũng như ngày càng đáng yêu hơn trong mắt của “nửa còn lại”... Tuy không trùng về ý nghĩa và nội dung, nhưng anh đã nghe “ra đường sợ nhất công nông, về nhà sợ nhất vợ không nói gì chưa”? (Cười).

- Bình đẳng giới là vấn đề rất quan trọng trong xã hội cũng như trong gia đình. Chúng ta đã có 8 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, thế nhưng không phải tất cả mọi người đều đã hiểu bình đẳng giới một cách đầy đủ. Vậy hiểu bình đẳng giới một cách đầy đủ nhất là như thế nào, thưa chị?

- Bình đẳng giới là sự thừa nhận như nhau về các đặc điểm giống và khác nhau giữa nam giới và nữ giới; là phụ nữ và nam giới được coi trọng như nhau; cùng được tạo điều kiện, cơ hội để phát huy khả năng và thực hiện các mong muốn của mình; cùng có cơ hội để tham gia, đóng góp và thụ hưởng từ các nguồn lực của xã hội và quá trình phát triển.. Tuy nhiên, bình đẳng giới không phải là sự ngang bằng trong tất cả các hoạt động, càng không phải là sự hoán đổi vai trò, vị trí của phụ nữ sang nam giới và ngược lại, cũng không phải sự ngang bằng về mặt số học, không phải là anh 1 ly, tôi cũng 1 ly đâu nhé (Cười).

- Trong xã hội hiện đại, đã có nhiều phụ nữ thành đạt, nắm giữ các vị trí quan trọng, tuy nhiên, nếu so sánh về tỷ lệ thì số người này so với nam giới vẫn rất thấp trong khi tỷ lệ nam - nữ tương đối cân bằng. Theo chị, nguyên nhân thuộc về xã hội hay do chính phụ nữ?

- Trong tiến trình phát triển đất nước, phụ nữ Việt Nam đã và đang có những đóng góp xứng đáng và ngày càng có nhiều phụ nữ thành đạt, nắm giữ các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ đó vẫn còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, sự đóng góp của phụ nữ. Cũng có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân bao trùm là định kiến giới vẫn còn tồn tại cả trong gia đình, cả về chính sách xã hội, cả trong quan niệm, nhận thức và hành động của nhiều người. Mặt khác, tự bản thân phụ nữ cũng còn nhiều rào cản, một số phụ nữ vẫn chưa thực sự phấn đấu vươn lên để khẳng định vị thế, vai trò của mình.

- Thực tiễn của phụ nữ Quảng Bình thì sao?

- Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ tỉnh ta cũng đã có biến chuyển nhất định, số lượng cán bộ nữ có được tăng cường trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, cán bộ nữ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ chốt trong cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể và tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp chưa tương xứng với vai trò cũng như lực lượng lao động nữ của tỉnh, tỷ lệ đạt rất thấp so với yêu cầu theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, chương trình hành động và kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của tỉnh và quá thấp so với bình quân của cả nước.

Chị Phạm Thị Hân (người ngồi giữa) trong buổi tọa đàm bình đẳng giới nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10-2012.
Chị Phạm Thị Hân (người ngồi giữa) trong buổi tọa đàm bình đẳng giới nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10-2012.

- Trong gia đình, việc thực hiện bình đẳng giới còn là vấn đề khá nhạy cảm. Một số người cho rằng đã có sự nhầm lẫn giữa bình đẳng giới và thiên chức. Ví dụ, việc nội trợ (nấu nướng, giặt giũ, lau dọn nhà cửa...) thường là phụ nữ làm, việc nặng đòi hỏi sức mạnh cơ bắp là của nam giới, thế nhưng phụ nữ cứ than phiền nam giới không chịu lau dọn nhà cửa, giặt giũ giúp vợ, còn nam giới khi thực hiện những việc nặng kia thì không thấy than phiền. Chị nghĩ sao?

- Đây, ngay ý tứ của những người nói như vậy cũng lại không khách quan rồi (!)... Thực tế thì chẳng có văn bản nào quy định phụ nữ phải đảm đương công việc nội trợ, còn nam giới phải làm việc nặng cả. Nhưng từ bao đời nay, sự “phân chia” công việc trong gia đình ấy cứ như một lẽ tự nhiên, bởi tạo hóa đã ban tặng cho phụ nữ thiên chức làm vợ, làm mẹ và bởi xuất phát từ sự khác nhau về sức khỏe giữa phụ nữ và nam giới mà mọi việc thuận theo.

Tuy nhiên, sự “phân chia” ấy không nên rạch ròi quá thế, bởi, cuộc sống cùng với tình yêu là trách nhiệm và sự động viên, cảm thông và chia sẻ. Chị em than phiền là muốn có sự chia sẻ, gánh vác trách nhiệm giữa phụ nữ và nam giới trong gia đình để trao yêu thương, thêm hạnh phúc đó thôi.

- Hóa ra, trách cứ là để trao yêu thương nhỉ? (cười). Dân gian có câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, theo chị, câu này nói về thiên chức hay nói về bình đẳng giới?

- Đó là nói về thiên chức.. Dù xã hội nào đi nữa, thiên chức của người phụ nữ vẫn là quan trọng trong việc “xây tổ ấm”... Chị em phụ nữ chúng tôi luôn được ví như là tay hòm chìa khóa, là người giữ lửa trong gia đình mà. Và cũng từ đó để nói đến vai trò quan trọng của nam giới, đàn ông trụ cột gia đình. Với tôi câu nói này vẫn luôn đúng, ít nhất là đến khi con người vẫn có 2 giới tính riêng biệt, có nam - có nữ.

- Để trở thành một phụ nữ thành đạt, theo chị, cần có những điều kiện nào?

- Tôi hiểu phụ nữ thành đạt có thể là một nữ lãnh đạo, một nữ công nhân có “bàn tay vàng”, một nữ doanh nghiệp năng động, một cô giáo dạy giỏi đào tạo được những thế hệ học sinh có tài... Và theo tôi thì những người phụ nữ thành đạt đó là người phải biết cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình; là người biết vượt qua những định kiến của xã hội, vượt lên chính mình, biết học hỏi, biết quan tâm và chia sẻ, tự tin, năng động, dám nghĩ, dám làm, có bản lĩnh, có định hướng cho sự nghiệp và biết hài hòa giữa công việc với cuộc sống thường ngày.

- Có câu: “Đằng sau sự thành công của đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ”, vậy đằng sau một phụ nữ thành đạt, như chị, thì thế nào?

- Câu hỏi khó rồi (cười). Nhưng tôi nghĩ: Trong sự thành công của bất cứ người đàn ông hay người phụ nữ, thì gia đình luôn là điểm tựa, là nền tảng vững chắc, là niềm động viên, cổ vũ lớn lao nhất để mỗi người có thể yên tâm công tác tốt.

Riêng đối với tôi, nếu có thành công thì không những “đằng sau” mà cả “đằng trước” nữa có bóng dáng của rất rất nhiều phụ nữ, vì toàn làm việc với chị em thôi. Công việc hoàn thành tốt không, xây được phong trào vững mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự ủng hộ của cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh nhà.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị trong cuộc trò chuyện này. Chúc chị và chị em phụ nữ tỉnh nhà dồi dào sức khỏe, luôn tràn ngập niềm vui và hạnh phúc!    

Hữu Thái (thực hiện)