.
Gặp gỡ cuối tuần:

"Hiệp sĩ tình nguyện" và một trái tim nhân hậu

Thứ Sáu, 17/10/2014, 10:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Khuôn mặt méo xệch, chân tay loèo khoèo, dáng đi tấp tễnh, nhưng bên trong là một trái tim nhân hậu. Một người khuyết tật, đến cả sinh hoạt của bản thân mình còn có những khó khăn, vậy mà đã lặn lội khắp những vùng đất khó cả trong và ngoài tỉnh để tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người tàn tật, trẻ mồ côi, giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là Lê Quang Toán, hiện là nhân viên của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, người được gọi với biệt danh trìu mến và ngưỡng mộ: "Hiệp sĩ tình nguyện".   

- Anh được biết em có một tuổi thơ gian khó vì khuyết tật, đó là do bẩm sinh hay bệnh tật, tai nạn nào?

- Mẹ em kể: Khi có bầu em được bảy tháng thì mẹ bị ngã nên bác sĩ bảo phải cho sinh non, nếu không cả mẹ và con sẽ nguy kịch. Em sinh ra chỉ được 1kg, chân tay teo tóp mà đầu thì to. Người oặt oẹo nên em nằm mãi trên giường 3-4 tuổi vẫn chưa đi được. Mãi đến 5 tuổi, ba em làm cho em một chiếc xe đẩy em mới mon men tập đi và đến 6 tuổi em mới tập tễnh từng bước.

- Khó khăn như thế, Toán đã vượt qua như thế nào để đến trường?

- Khi em lên mười tuổi, đứa em trai của em lúc đó 6 tuổi bắt đầu đi học. Nhìn em trai đi học, em thèm lắm. Thế là em đòi ba mẹ cho đi học. Thương em, ba mẹ cũng chiều lòng. Nhưng đến trường nào họ cũng đều từ chối, bảo là quá tuổi rồi. May sao có Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (lúc này gia đình em ở Huế) nhận em vào học. Mừng quá, nhưng vì tật nguyền, vào lớp em chỉ biết ngồi nghe, không viết được.

Em tập viết nhưng tay không điều khiển được, chỉ toàn "viết" nét thẳng, số 2 thì viết thành chữ z. Nhưng kiên trì mãi rồi em cũng thành công. 5 năm đi học tiểu học, chân em đầy sẹo vì ngã anh ạ. Nếu mà kiểm tra học thuộc lòng hoặc thi nói "phản biện" thì em luôn được điểm cao (cười), còn thi viết thì em khó khăn hơn. Nhưng mà em lại muốn thầy cô đánh giá bình đẳng với các bạn chứ không thiên vị vì em tật nguyền anh ạ.

- Sau 12 năm học phổ thông, Toán đã thi đỗ hay được đặc cách vào học trung cấp tin học ở Trường Trung cấp Kỹ thuật Công Nông nghiệp Quảng Bình?

- Em thi đỗ chứ anh. Em đã nói là em muốn bình đẳng mà.(Cười). Em vào trường học ngành tin học.

- Tin học là niềm đam mê hay vì nó phù hợp với sức khỏe, khuyết tật của em?

- Dạ không, em chọn tin học chỉ vì nó phù hợp với sức khỏe và tật nguyền của em thôi. Nếu nói thích và đam mê, thì em lại thích làm thơ, viết báo đấy anh ạ.

Lê Quang Toán đang quản trị trang web của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh.
Lê Quang Toán đang quản trị trang web của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh.

- Ồ, suýt nữa thì thành đồng nghiệp của anh đấy!

- Dạ, nhưng lúc đó tin học cũng chưa phát triển lắm, mà em viết bút thì khó khăn nhưng lại không có máy vi tính, chứ như bây giờ, có khi em đã đi theo hướng khác, biết đâu anh nhỉ ?

- Sau đó em đã hoàn thành chương trình đại học như thế nào?

- Tốt nghiệp trung cấp tin học, em nghĩ trình độ ấy xin đi làm cũng chẳng ai nhận, trong khi mình lại tật nguyền như thế, nên em thi tiếp vào đại học và với nỗ lực của mình em đã học xong chương trình đại học tin học hệ vừa học vừa làm của Trường đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội).

- Trong lần giao lưu những điển hình của tỉnh về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhiều người đã rơi nước mắt khi chứng kiến ngoại hình và nghe em kể về việc làm của mình trên những hành trình thiện nguyện. Con đường nào dẫn em đến hoạt động này và bắt đầu từ khi nào?

- Dù tật nguyền nhưng em lại thích các hoạt động tập thể từ rất sớm. Khi học xong phổ thông, em đã tham gia hoạt động Đoàn ở địa phương rồi. Từ những thiệt thòi của bản thân, em rất hiểu nỗi đau, sự thiệt thòi của những người tật nguyền và có hoàn cảnh khó khăn, nên em muốn tham gia các hoạt động để chia sẻ với họ. Làm công tác thiện nguyện phải bắt đầu từ cái tâm anh ạ. Chính thức tham gia các hoạt động thiện nguyện là từ khi em học đại học, tiếp xúc với máy tính, từ đó em kết nối và tham gia các nhóm làm từ thiện.

- Lẽ ra em là đối tượng được gia đình, cộng đồng xã hội chăm sóc, giúp đỡ nhưng em lại đi giúp đỡ người khác?

- Không ít người nói với em như vậy, nhưng em nghĩ, còn nhiều người bất hạnh hơn mình, em vẫn có thể làm được nhiều việc và không muốn phụ thuộc. Em muốn vươn lên bằng khả năng và những gì mình có thể.

- Được biết, trong hành trình thiện nguyện, dù là người khuyết tật, đi lại rất khó khăn, nhưng em vẫn không ngại gian khó và đã đặt dấu chân mình đến nhiều nơi, không chỉ trong tỉnh mà còn đến những vùng xa xôi ngoài tỉnh. Những nơi nào em đã từng qua?

- Trong tỉnh gần như các nơi vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... em đều đã đến, kể cả những vùng xa xôi, khó khăn như Tân, Thượng Trạch (Bố Trạch), Thượng Hóa (Minh Hóa). Ngoài tỉnh em cũng đã đi khá nhiều: huyện Nam Trà My (Quảng Nam), TP. Đà Nẵng, TP. Huế, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh)... Em đã đến nhiều trại phong như Văn Môn (Thái Bình), Phú Bình (Thái Nguyên), Xuân Mai, Thụy An - Ba Vì (Hà Nội), Ba Sao (Hà Nam)... Em còn đến cả những nơi xa xôi như Mộc Châu (Sơn La), Mèo Vạc (Hà Giang) nữa đấy.

- Những vùng đất xa xôi như vậy với người lành lặn khỏe mạnh đã khó huống hồ một người khuyết tật như Toán. Em đã đi như thế nào và nghị lực nào đã giúp em vượt qua?

- Dạ, em cũng đi bình thường như mọi người trong nhóm vậy thôi. Quãng đường xa thì đi bằng các phương tiện giao thông, còn những nơi không thể đi xe thì đành phải đi bộ. Có những nơi em đi bộ 5-7km, thậm chí có nơi hơn 10km.

Có điều, vì em đi bộ khó khăn nên mọi người trong nhóm không bắt em mang vác hàng. Nói chung là gian nan lắm nhưng cứ nghĩ làm được điều gì đó để giúp đỡ, chia sẻ với những người tật nguyền, khó khăn là lòng em lại thấy vui và quên hết mệt nhọc. 

- Hơn 10 năm làm công tác thiện nguyện, kỷ niệm nào đẹp nhất đối với Toán?

- Thực ra thì bắt đầu quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh tật nguyền, khó khăn thì em đã làm mười mấy năm rồi, còn tham gia các hoạt động thiện nguyện có tổ chức thì đã 8 năm. Kỷ niệm thì có nhiều, mỗi chuyến đi là một kỷ niệm anh ạ. Em nhớ nhất là khi vào các Trung tâm điều trị bệnh phong.

Lê Quang Toán tặng quà cho học sinh bản A Rem ở xã Tân Trạch (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Lê Quang Toán tặng quà cho học sinh bản A Rem ở xã Tân Trạch (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Ở đó, các bệnh nhân khát khao được ăn một bát phở ngon, bởi họ không được tiếp xúc với cộng đồng bên ngoài. Đoàn thiện nguyện của chúng em đã thuê đầu bếp tay nghề cao vào tận Trung tâm để nấu phở cho các bệnh nhân ăn. Đoàn chúng em và cả đầu bếp đều nghẹn ngào xúc động khi ăn xong họ bảo: cả đời chưa bao giờ được ăn bát phở ngon như thế này !

- Nếu có một điều ước, em sẽ ước gì?

- Em sẽ ước là không bao giờ nhìn thấy cảnh những người tật nguyền, khốn khó nữa. Mong cho ai cũng lành lặn, cuộng sống an lành.

- Không có điều ước gì dành cho riêng em?

- Với riêng em thì... (thẹn thùng)... mong gặp được một người đồng cảm, cùng yêu thương, chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.

- Trên những nẻo đường thiện nguyện, chưa có "bóng hồng" nào rung động vì một chàng trai giàu lòng nhân ái?

- Thực ra thì đã từng có. Cô ấy người ngoài Bắc, chân cũng có khuyết tật. Bọn em đã thấy thương nhau, nhưng gia đình cô ấy không đồng ý vì sợ cả hai tật nguyền, lúc đó em lại chưa có việc làm ổn định, sẽ không bảo đảm được cuộc sống gia đình.

- Anh tin rồi sẽ có người đồng cảm với em, bởi em có trái tim nhân hậu, vả lại bây giờ em cũng đã có công việc khá ổn định rồi. Cơ duyên nào đưa em đến với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh ?

- Cũng là ngẫu nhiên mà em may mắn được gặp bác Mai Xuân Thu, Chủ tịch hội bây giờ. Lần đó về công tác tại địa phương, bác Thu gặp em đang đẩy xe lăn giúp một người bị tai nạn lao động trên đường về nhà.

Thấy người khuyết tật đẩy xe lăn giúp người bị tai nạn, bác hỏi han về khuyết tật, gia cảnh, việc học hành của em và còn ghé vào nhà thăm. Biết em đam mê công việc thiện nguyện, lại đã tốt nghiệp đại học công nghệ thông tin, bác Thu đã giúp em về Hội làm việc.

- Công việc chính của em bây giờ ở Hội là gì? Môi trường làm việc này có tạo cơ hội cho em tiếp tục niềm đam mê làm công tác thiện nguyện?

- Em giờ là chuyên viên rồi đấy anh nhé (Vui mừng). Hiện tại em được giao quản trị trang web của Hội. Vừa phụ trách web, vừa xin tài trợ, vừa thẩm định, tìm tòi và khảo sát đối tượng để làm chế độ cho họ.

Về Hội, em có việc làm ổn định, lại được tiếp tục làm từ thiện, vốn là niềm đam mê của em, nên em rất vui. Trước thì đi làm thiện nguyện theo nhóm bằng cái tâm của mình thôi, còn bây giờ làm việc trong tổ chức có tư cách pháp nhân, mọi việc rõ ràng nên rất thuận lợi anh ạ. Em sẽ nỗ lực hết mình để không phụ lòng bác Thu và tổ chức Hội đã tin tưởng.

Em mong muốn Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức, cá nhân từ thiện để Hội làm tốt hơn nhiệm vụ của mình là chăm lo, bảo trợ cho người khuyết tật và trẻ mồ côi; mong muốn xã hội bớt đi những hoàn cảnh thương tâm và khó khăn trong cuộc sống.

- Cảm ơn về cuộc trò chuyện, chúc "Hiệp sĩ tình nguyện" luôn khỏe và trái tim nhân hậu luôn bừng nhiệt huyết để tiếp tục niềm đam mê của mình.

Bằng nỗ lực của mình trong các hoạt động tình nguyện, Lê Quang Toán đã giành được nhiều giải thưởng, phần thưởng, danh hiệu cao quí:

- Top 20 cá nhân xuất sắc của giải thưởng tình nguyện Chim én 2011 do FPT tổ chức.

- Giải cá nhân tình nguyện xuất sắc (do cộng đồng mạng bình chọn) của Giải thưởng Chim én 2012.

- Giải thưởng tình nguyện viên quốc gia của TW Đoàn và giấy chứng nhận tình nguyện viên quốc tế của LHQ kèm theo bằng khen năm 2012.

- Năm 2013 được vinh danh tại Giao lưu điển hình tiên tiến học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh; bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

- Bằng khen của Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tại hội nghị người khuyết tật toàn quốc năm 2013.

- Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 3-2014.

- Được vinh danh một trong 10 công dân tiêu biểu của TP. Đồng Hới năm 2014.

Hữu Thái (thực hiện)