.

Để mai này, Đồng Hới đẹp-xanh

Thứ Sáu, 03/10/2014, 11:03 [GMT+7]

(QBĐT) - LTS: Đời sống xã hội như dòng sông mãi miết chảy không ngừng nghỉ. Ở đó, trong bức tranh toàn cảnh, mỗi lĩnh vực, mỗi con người vẫn luôn ghi khắc những dấu ấn, những trăn trở, nghĩ suy...tạo nên muôn sắc. Từ tháng 10-2014, Báo Quảng Bình mở chuyên mục "Gặp gỡ cuối tuần" trên số báo cuối tuần nhằm sẻ chia cùng bạn đọc những tâm tư tình cảm, những quan niệm đa sắc về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội của những nhân vật khách mời ở nhiều góc độ...

Thành phố Đồng Hới vừa được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, trong niềm vui chung đó, chúng tôi xin mở đầu chuyên mục bằng cuộc trò chuyện với ông Trần Đình Dinh, TUV, Chủ tịch UBND thành phố Đồng Hới xung quanh việc qui hoạch, xây dựng một thành phố đẹp bên bờ Nhật Lệ.

 

Ông Trần Đình Dinh, TUV, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới (thứ hai từ phải sang) kiểm tra việc chỉnh trang khu vực quảng trường biển Bảo Ninh.
Ông Trần Đình Dinh, TUV, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới (thứ hai từ phải sang) kiểm tra việc chỉnh trang khu vực quảng trường biển Bảo Ninh.

- Sau hơn 10 năm được công nhận là đô thị loại III trực thuộc tỉnh (cũng là 10 năm Đồng Hới được công nhận là TP), mới đây, TP. Đồng Hới vừa được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh. Với tư cách là Chủ tịch UBND TP, ông đánh giá về tốc độ đó như thế nào?

- So với các đô thị trong dãi đất miền Trung, Đồng Hới mới được đầu tư xây dựng từ năm 1990 thì tốc độ phát triển đó theo tôi là nhanh.

- Điều gì đã tạo nên kết quả được đánh giá như vừa nêu ?

- Đó là sự quyết tâm bứt phá của các cấp, các ngành, địa phương và mỗi người dân nhằm xây dựng lại quê hương sau bao nhiêu năm bị tàn phá bởi chiến tranh. Tỉnh, các ngành và Đảng bộ, chính quyền TP đã tranh thủ mọi nguồn lực, thời cơ cho đầu tư phát triển TP.

- Ông vốn là một kiến trúc sư, khi nhận nhiệm vụ là Chủ tịch UBND TP, nhiều người cho rằng đó là một lợi thế cho cả ông và TP. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ nhận xét đó cũng có lý của họ. Với tôi, là một kiến trúc sư, được đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND TP, tôi có cơ hội, môi trường để thể hiện năng lực chuyên môn và tâm huyết của mình trong việc góp phần qui hoạch, xây dựng phát triển TP. Với TP thì thời điểm đó đang trong thời kỳ qui hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị...có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng rất cần cán bộ lãnh đạo có chuyên môn về xây dựng như tôi chăng ? (Cười).

- Bất kể đối với một địa phương nào thì công tác qui hoạch xây dựng, đặc biệt là qui hoạch có tầm nhìn xa, là hết sức quan trọng. Với Đồng Hới, TP tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội... của tỉnh thì công tác qui hoạch xây dựng lại càng đặc biệt quan trọng. Ông có đồng quan điểm này và TP đã thực hiện như thế nào?

- Đó là điều đương nhiên ! Công tác qui hoạch luôn phải đi trước một bước và trong quá trình xây dựng, chính quyền TP. Đồng Hới cơ bản đã đáp ứng được điều đó. Đồng Hới đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố đến năm 2020 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 396/QĐ-UBND, ngày 22-2-2013.

Riêng về xây dựng, đã có Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Đồng Hới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 do đơn vị tư vấn Nikken Sekkei- Nhật Bản thực hiện. Mục tiêu chính của đề án này là “xây dựng một TP du lịch Đồng Hới” trên cơ sở sử dụng các yếu tố tự nhiên kết hợp với bảo vệ mội trường một cách hiệu quả. Mai này, Đồng Hới sẽ là một TP đẹp-xanh.

Cầu Nhật Lệ, một điểm nhấn cảnh quan Đồng Hới.
Cầu Nhật Lệ, một điểm nhấn cảnh quan Đồng Hới.

- Trong qui hoạch TP, người ta thường chú ý đến nét đặc thù, khác biệt bằng một (hoặc một số) điểm nhấn nào đó mang tính biểu trưng cho kinh tế, văn hóa...của nơi đó. Việc qui hoạch xây dựng TP Đồng Hới có tính đến điều này?

- TP. Đồng Hới thể hiện nét đặc thù so với các TP khác trong cả nước đó là sự hài hòa giữa thiên nhiên và yếu tố tác động của con người. Đồng Hới đã có một số điểm nhấn về cảnh quan nhưng theo tôi vẫn còn thiếu một số điểm nhấn về công trình kiến trúc.

- Điểm nhấn cảnh quan đã có là gì? Theo ông, điểm nhấn về kiến trúc đối với TP. Đồng Hới nên có là loại công trình nào và đặt ở vị trí nào của TP?

- TP. Đồng Hới đã tạo dựng được một số không gian phối hợp giữa cây xanh, công viên, mặt nước, đường sá...như công viên Đồng Mỹ, cửa biển Nhật Lệ, quảng trường biển bảo Ninh, sông Cầu Rào, đường du lịch Trương Pháp...Dù chưa nhiều nhưng cũng đã tạo được vẻ mềm mại, xanh mát của Đồng Hới.

Còn về công trình kiến trúc, theo tôi, với Đồng Hới, không cần độ dày nhưng phải có các công trình kiến trúc cao tầng để làm điểm nhấn ở một số không gian như khu vực Khách sạn Hữu Nghị - Trường THPT Đào Duy Từ, khu vực bến xe Đồng Hới, khu vực văn phòng Công ty cổ phần du lịch ở Hải Thành, khu vực Công ty điện lực Quảng Bình, khu vực văn phòng Sở Thông tin và Truyền thông (Sở Tài chính cũ), khu vực Mũi Sác - Phú Hải, khu vực qui hoạch xây dựng trung tâm thương mại (tạm gọi khu 525) ở Nam Lý...Những khu vực đó cần được đưa vào qui hoạch xây dựng điểm nhấn và phải có qui định bắt buộc.

- Từ khi cầu Nhật Lệ được xây dựng, đã có những nhà văn, nhà báo ví cầu Nhật Lệ như chàng hoàng tử đánh thức cô công chúa Bảo Ninh ngủ quên...bên bờ biển. Ông thấy cách nói như vậy thế nào ?

- Tôi lại nghĩ, sau khi có cầu Nhật Lệ, đã có "hoàng tử" đến đánh thức "công chúa" Bảo Ninh. Tuy nhiên, "hoàng tử" miền Trung còn nghèo nên..."xiêm y" của "công chúa" Bảo Ninh chưa được lộng lẫy lắm ! (Cười).

- Bảo Ninh mai này có là "hòn ngọc" bên biển của TP. Đồng Hới hay không phụ thuộc vào tầm nhìn qui hoạch ngay từ bây giờ. Việc đã làm và những việc cho mai sau?

- Điều đó hoàn toàn đúng. Tầm nhìn qui hoạch là hết sức quan trọng. Bảo Ninh đã có qui hoạch chung, đó là cơ sở tốt nhất. Nhưng từ qui hoạch chung còn phải có qui hoạch phân khu, qui hoạch chi tiết, đến các dự án cụ thể, rồi thiết kế đô thị...Đó là ý chí, là tầm nhìn, là quan điểm lớn của nhiều người, nhiều thế hệ lãnh đạo nên thực sự rất khó!

Công viên Đồng Mỹ được xây dựng khá đẹp mắt.
Công viên Đồng Mỹ được xây dựng khá đẹp mắt.

- Nhiều người cho rằng, Đồng Hới có lợi thế nguyên bản về địa hình để có một TP đẹp nhưng điều này chưa được quan tâm nhiều trong những năm qua. Ví như nhiều ao hồ, ruộng sâu, rừng cây... đã bị dẹp bỏ, san lấp để tạo quỹ đất bán thu ngân sách. Vì thế, TP vẫn thiếu những "lá phổi", thiếu màu xanh của cây cối và những hồ nước... Ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ nói như vậy chưa thực sự chính xác. Trong những năm qua, tỉnh, các ngành và TP đã tập trung cải tạo, tôn tạo thêm cho nét đẹp về địa hình, tự nhiên của Đồng Hới. Một số ao hồ, đầm không cần thiết nên lấp để xây dựng công trình, các không gian xanh. Đồng Hới có sông Nhật Lệ chảy ngang TP, có các sông đào, tỷ lệ mặt nước rất lớn...

- Đồng Hới là TP tỉnh lỵ, việc xây dựng qui hoạch không chỉ là nhiệm vụ của chính quyền TP mà còn là sự thống nhất giữa tỉnh và TP. Có áp lực nào trong nhiệm vụ này hay không và có khi nào từng xảy ra việc thiếu thống nhất, đồng bộ giữa tỉnh và TP?

- Đồng Hới là TP tỉnh lỵ nên việc xây dựng là nhiệm vụ chung của tỉnh và chính quyền TP, vì vậy cần phải có sự phân cấp, phân công cụ thể hơn. Tôi nghĩ rằng, tỉnh cần giao cho chính quyền TP nhiều nhiệm vụ hơn so với thời gian qua. Ví như việc qui hoạch chi tiết các khu dân cư, công tác quản lý, đầu tư dịch vụ đô thị...

- Điều tâm huyết nhất đối với việc xây dựng và phát triển TP. Đồng Hới khi ông ở cương vị Chủ tịch là gì?

- Đồng Hới đang còn quá nhiều việc phải làm. Trong đó, điều tôi trăn trở nhất là việc tập trung xây dựng, chỉnh trang đô thị, thông qua đó để tạo nếp nghĩ, nếp sống văn minh đô thị của người dân Đồng Hới.

- Đã có lộ trình để xây dựng Đồng Hới thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh chưa thưa ông?

- Lộ trình xây dựng TP. Đồng Hới lên đô thị loại I bây giờ là quá sớm. Trước mắt, chúng ta phải tập trung hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II còn đạt thấp. Tôi nghĩ phải sau năm 2020.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Hữu Thái (thực hiện)