.

Về Minh Hóa, thăm dấu tích lịch sử

.
09:08, Chủ Nhật, 05/08/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Xã miền núi Minh Hóa (huyện Minh Hóa) mang trong mình những nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Và trên mảnh đất này vẫn còn đó những địa danh mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử. Đến nay, người Minh Hóa vẫn gìn giữ, bảo tồn đình Kim Bảng và hang lèn Cây Quýt như những chứng tích hào hùng của lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
 
Theo những bậc cao niên ở đây, đình Kim Bảng xây dựng từ năm 1924 đến năm 1925. Ban đầu, đình được làm bằng gỗ, mái lợp tranh, trên nền đất. Đình có 2 phần: đình Tiền và đình Hậu.
 
Theo ông Cao Đình Ký (thôn Kim Bảng, Minh Hóa), ngôi đình gần trăm năm tuổi này là niềm tự hào của bao đời người dân làng quê Kim Bảng. Bởi nơi đây mang trong mình những dấu ấn lịch sử và ghi dấu những chiến công hào hùng của dân làng trong hai cuộc kháng chiến.
 
“Trong kháng chiến chống Pháp, đình bị máy bay địch bắn cháy. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình lại bị thiêu rụi dưới sức tàn phá của bom napan. Đình Kim Bảng hiện đã được trùng tu, xây mới ngay trên nền đất cũ nhưng vẫn mang dáng dấp của ngôi đình xưa”, ông Ký cho biết thêm.
 
Đình Kim Bảng nằm ở vị trí thuận lợi, giữa một vùng đất khá rộng và bằng phẳng. Từ Kim Bảng, theo các con đường bí mật xuyên rừng có thể tỏa về các ngả tắt lẩn tránh khi có biến cố. Cạnh đình làng còn có các hang lèn, như: hang Cây Quýt, hang Diêm rộng và sâu, có thể tổ chức cho vài trăm người hội họp phòng khi bất trắc.
 
Chính bởi địa thế vừa thuận lợi, vừa bảo đảm  các yếu tố bí mật, an toàn, chủ động ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra mà đình Kim Bảng được Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định chọn làm nơi tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ II Đảng bộ tỉnh Quảng Bình từ ngày 16 đến ngày 19-5-1949.
Đình Kim Bảng nằm ở vị trí thuận lợi, giữa một vùng đất khá rộng và bằng phẳng.
Đình Kim Bảng nằm ở vị trí thuận lợi, giữa một vùng đất khá rộng và bằng phẳng.
Theo ông Trương Ngọc Đương, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Minh Hóa, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II ban đầu định tổ chức tại Phúc Sơn, xã Đức Hóa, nhưng địa điểm  này  ở bên bờ sông Gianh dễ bị ca nô của địch chạy lên bắn phá nên tỉnh quyết định dời về Kim Bảng. Về Kim Bảng có 2 địa điểm, một địa điểm chính thức tại đình, địa điểm dự bị đặt ngoài hang lèn Cây Quýt. Nếu địch đánh phá ta rút lui ra ngoài hang lèn Cây Quýt.
 
“Đại hội bí mật cho nên tất cả đều bí mật. Đại hội ở Kim Bảng được nhân dân Minh Hóa ủng hộ nhà cửa cho đại biểu ở. Trong thời gian diễn ra Đại hội, nhân dân ủng hộ 30 ong bồi, một món ăn đặc trưng của người Minh Hoá cho đại biểu ăn sáng. Tỉnh hỗ trợ thêm nếp và thịt heo nên đại biểu về dự ăn uống đầy đủ chất”, ông Đương kể lại.
 
Với sự tham gia của 90 đại biểu đại diện cho gần 5.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ, Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 20 đồng chí. Đồng chí Võ Thúc Đồng được bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Đại hội đã đưa ra nhiều chủ trương, đường lối, chương trình, nghị quyết hành động cụ thể, trong đó có chủ trương “Hạ sơn, dời chuyển chiến khu về đồng bằng, bám dân, bám đất để kháng chiến”.
 
Với nhiều quyết sách quan trọng, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II được coi là bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Quảng Bình, góp phần cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến nhanh đến ngày thắng lợi.
 
Cùng với đình Kim Bảng, hang lèn Cây Quýt là một trong những điểm dừng chân thú vị, gợi nhiều giá trị lịch sử. Ngày nay, để thuận lợi cho việc lên xuống, đi vào đi ra hang lèn này, người ta đã xếp đá thành bậc cấp tạo lối đi lên hang. Hang lèn Cây Quýt nằm cách đình Kim Bảng khoảng 500m, có cửa hang rộng chừng 10m. Hang có chiều cao trung bình khoảng 3m, bề rộng 15,5m và chiều sâu 22m.
 
Năm xưa, hang lèn này đã được sử dụng trong những ngày diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II. Cũng tại hang lèn Cây Quýt tháng 9-1964 đã diễn ra hội nghị quân chính của Sư đoàn 325A để ổn định tổ chức chuẩn bị vào Nam chiến đấu.
 
Năm 1968, huyện Minh Hóa tổ chức mừng công bắn rơi chiếc máy bay thứ 3.000 của Mỹ trên miền Bắc. Và thời gian sau đó, hang lèn Cây Quýt là nơi làm kho cất giấu 400 tấn lương thực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
 
“Là địa điểm dự phòng cho Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ II nhưng sau đại hội, hang lèn Cây Quýt vẫn tiếp tục phát huy giá trị của nó, là địa điểm để tổ chức hội nghị cán bộ quân dân chính đảng toàn huyện Minh Hóa để rút kinh nghiệm về sản xuất, chiến đấu trong thời kỳ chống Mỹ. Bên hang đây có Trường nông nghiệp của huyện, nếu bị giặc đánh phá thì các lớp học sẽ rút vào đây trú ẩn”, ông Đương cho biết thêm.
Chính bởi địa thế thuận lợi, an toàn, đình Kim Bảng được chọn nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh.
Chính bởi địa thế thuận lợi, an toàn, đình Kim Bảng được chọn nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh.
Theo cuốn Quảng Bình di tích danh thắng, một nhà khảo cổ học người Pháp đã từng đến hang lèn Cây Quýt khai quật và nghiên cứu. Kết quả khai quật phát hiện một số hiện vật mũi nhọn như: đục vũm bằng xương và sừng hươu, nai, vỏ sò; những công cụ làm bằng đá đẽo thô sơ không có dấu mài lưỡi, hai công cụ bằng đá có dấu mài hai vệt, những hòn đá sa thạch có dấu khoét vũm, những hòn cuội khác có khắc cành lá hoa thảo, những cục quặng sắt hét-ma-ti-te, những mảnh sắt trong đống vỏ sò và những công cụ bằng sắt. Các hiện vật minh chứng rằng, con người đã gắn bó với vùng đất này từ lâu đời.
 
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Tạ Đình Hà, nguyên Trưởng ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh, thì những dấu ấn lịch sử này khẳng định người Quảng Bình thời tiền sử và sơ sử, từ văn hóa Hòa Bình, văn hóa Bàu Tró đến thời kỳ văn hóa Đông Sơn luôn mang bản sắc riêng - bản sắc của vùng đất nắng, gió Quảng Bình, bản sắc của một vùng cộng đồng dân cư có tính lao động cần cù, chịu khó, bền bỉ, tiết kiệm và thông minh, được xác lập cách đây từ trên dưới vạn năm, là ngọn nguồn tạo nên bản sắc độc đáo, văn hóa Quảng Bình hôm nay.
 
Trong những tháng ngày gian khổ, ác liệt của hai cuộc kháng chiến, cùng với quân dân cả nước, nhân dân Minh Hóa một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, vượt lên mọi hy sinh, mất mát để phục vụ kháng chiến với niềm tin bất tử cho ngày toàn thắng.
 
Ròng rã những năm đánh Mỹ cứu nước, bằng sức mạnh của thế trận lòng dân, người dân Minh Hóa đã đồng cam cộng khổ, kề vai sát cánh cùng với quân và dân cả nước bảo vệ các tuyến đường để vận chuyền hàng hóa ra chiến trường, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc ta.
 
Hôm nay, những địa danh gắn với những trang huyền thoại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Minh Hóa đã thành những địa chỉ đỏ, nơi lưu dấu đầy ý nghĩa về các giá trị văn hóa, lịch sử trên vùng đất giàu truyền thống cách mạng này.
 
D.H
,
  • Tấm gương người nữ liệt sỹ

    (QBĐT) - Liệt sĩ Nguyễn Thị Khư ở Quảng Hòa, Quảng Trạch sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. 

    30/07/2018
    .
  • Ngạc nhiên Tân Hóa

    (QBĐT) - Sau trận lũ lịch sử năm 2010, nhiều người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có ý định bỏ đi khỏi làng vì khiếp sợ trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy.

    27/07/2018
    .
  • Về giá trị lịch sử-văn hoá của sắc phong thời phong kiến ở Quảng Bình

    (QBĐT) - Sắc phong là tài sản quý giá về tinh thần của người dân trong văn hóa làng xã. 

    22/07/2018
    .
  • Xác lập khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-khe NướcTrong: Cần thiết và cấp bách

    (QBĐT) - Khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) là một trong những khu vực có giá trị về đa dạng sinh học, lưu giữ các đặc điểm nổi bật và độc đáo của dãy Trường Sơn, được nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao.

    18/07/2018
    .
  • Lãnh binh Mai Lượng với phong trào Cần Vương

    (QBĐT) - Mai Lượng một danh tướng của quê hương Quảng Bình. Ông là một trong những người hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, là người chỉ huy đạo quân vùng nam sông Gianh, án ngữ một vùng rộng lớn nơi miền tây Quảng Bình từ Cao Mại về Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) đến vùng Chà Nòi, Khe Gát (huyện Bố Trạch).

    18/05/2018
    .
  • 71 năm, vụ thảm sát chợ Gộ

    (QBĐT) - Thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) gồm những cư dân sông nước sống bằng nghề  chài lưới trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang, và nguồn Long Đại. Họ  du cư theo thuyền đánh bắt tôm cá. Nơi neo đậu là các cồn bãi ven sông, gần chợ búa.

    15/07/2018
    .
  • Về đền thờ người thiết kế, xây dựng di tích Luỹ Thầy

    (QBĐT) - Di tích lũy Thầy, hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ là hệ thống chiến lũy được hình thành trong cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1627-1672) trên mảnh đất Quảng Bình với các chiến lũy Trường Dục ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, lũy Đầu Mâu, lũy Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới, được xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21/1/1992 của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

    06/07/2018
    .
  • Miếu bà Còng thôn Trung Bính

    (QBĐT) - Miếu bà Phạm Thị Còng là ngôi miếu nhỏ nằm cạnh khuôn viên trụ sở UBND xã Bảo Ninh (cũ), cũng là khuôn viên của đình làng Trung Bính xưa. Miếu bà Còng chỉ vẻn vẹn chừng 50m2, mặt hướng ra sông Nhật Lệ, lưng dựa vào động cát Bảo Ninh.

    02/06/2018
    .