.

Về giá trị lịch sử-văn hoá của sắc phong thời phong kiến ở Quảng Bình

.
08:49, Chủ Nhật, 22/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sắc phong là tài sản quý giá về tinh thần của người dân trong văn hóa làng xã.
 
Quảng Bình có một khối lượng sắc phong phong phú và đa dạng của các triều đại phong kiến phong tặng cho các địa phương, các dòng họ, các danh nhân lịch sử văn hóa và các thần linh (thần làng, thành hoàng) có công trong  diễn trình dựng nước và giữ nước, hộ dân. Quảng Bình có nhiều đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ và một số trưởng họ còn lưu giữ, bảo quản nhiều đạo sắc.
 
Tuy nhiên, một thực tế là con cháu của nhiều dòng họ có sắc phong, kể cả đa phần những người làm công tác văn hóa cũng không đọc được loại chữ Hán - Nôm này, khiến một phần quan trọng của lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng không được hiểu đầy đủ.
 
Sắc phong Quảng Bình trong các triều đại phong kiến nói chung có sắc phong chức, phong cấp cho các công thần và sắc phong thần cho các thần linh, nhân thần, những bậc hiển thánh (thành hoàng làng). Đơn cử: Về sắc phong chức có sắc phong của vua Tự Đức phong chức cho Nguyễn Văn Sung ở Cao Lao (Bố Trạch) vào năm Tự Đức thứ 30, ngày 22, tháng 11; phong chức cho Trương Văn Chính ở Phú Thủy (Lệ Thủy) năm Tự Đức thứ 33…
 
Phong cấp có sắc phong của vua Đồng Khánh cho Tả Đô Nguyên soái Phạm Ngũ Hồ ở Xuân Thủy (Lệ Thủy)  vào năm Đồng Khánh thứ 2;  sắc phong của vua Duy Tân cho Trương tướng quân ở Phù Kinh, Phù Hóa (Quảng Trạch) vào năm Duy Tân thứ 7, phong Đô đốc Hiền Quận công Nguyễn tướng công, Điện Thành hoàng Vĩnh Lộc (Quảng Lộc) vào năm Duy Tân thứ 7, ngày 8, tháng 10…
 
Về sắc phong thần cho các thần linh, nhân thần, những bậc hiển thánh (thành hoàng làng) có sắc phong Thần Thành hoàng làng Vĩnh Phước, Tuyên Chánh (Quảng Trạch) vào thời vua Đồng Khánh, năm thứ 2, ngày 1 tháng 7...
 
Nhiều nơi trong tỉnh ta có các di tích đền, miếu thờ, như: miếu thờ Cao Các Đại sơn, Cao Các Minh sơn, Cao Các Mặc sơn, Đại Càn Tứ vị ở Quảng Lộc (Ba Đồn) và Phù Hóa (Quảng Trạch); Đại Càn Quốc gia Nam Hải ở Vĩnh Lộc (Quảng Trạch)… đều có sắc phong, như: sắc phong  Đại Càn Tứ vị ở Phù Trịch (Quảng Lộc), Tứ vị Đại Càn ở Phù Kinh (Phù Hóa), Quốc Gia Nam Hải Thượng đẳng thần ở Vĩnh Lộc (Quảng Lộc) của vua Đồng Khánh vào năm thứ 2...
 
Ngoài ra còn sắc phong Ngũ hành, Ngũ vị tiên nương Thượng đẳng thần tại An Xá  (Lệ Thủy) của vua Khải Định vào năm thứ 9, ngày 25, tháng 7. Ngũ hành, Ngũ vị Tiên nương là truyền thuyết dân gian lưu truyền trong làng xã Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng với những yếu tố cơ bản sinh ra vạn vật được xem là mẹ : Mẹ đất , mẹ nước, mẹ cây…
 
Vì thế mà mỗi con người đều tin  rằng, trong mỗi cõi đất, cõi nước, cõi rừng, cõi biển, cõi sông… mỗi cõi đều có một vị thần cai quản, năm vị Tiên nương đại diện cho năm yếu tố cơ bản trong ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, cai quản càn khôn, ban phát tài lộc cho muôn dân, phạt kẻ ác tâm, hộ người hiền đức. 
 
Sự giao thoa văn hóa dân gian Việt - Chăm ở Quảng Bình cũng được minh chứng bằng tư liệu sắc phong, năm Khải Định thứ 9, ngày 25 tháng 7 phong Thiên YaNa ( Mẫu Chăm) ở làng An Xá, huyện Lệ Thủy.
Các sắc phong còn lưu giữ tại xã Quảng hải (TX. Ba Đồn) Ảnh: VĂN MINH
Các sắc phong còn lưu giữ tại xã Quảng Hải (TX. Ba Đồn) Ảnh: VĂN MINH
Đặc biệt, trong gần 70 sắc phong các loại ở huyện Quảng Trạch cũ (nay là thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch ) có gần 10 sắc phong cho Lý Uy Minh vương là một nhân vật lịch sử  thời Lý có miếu thờ ở Nghệ An , Hà Tĩnh và Quảng Bình. Lý Uy Minh vương có tên thật là Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Lý Thái tổ, ông làm Tri châu Nghệ An có công lao to lớn với dân với nước nên được dân lập đền, miếu thờ.
 
Hầu hết sắc phong đều có niên đại vào triều Nguyễn. Theo tư liệu hiện có, đến nay ở Quảng Bình mới tìm được hai sắc phong vào loại cổ (sớm). Sắc phong thứ nhất phong chức cho tướng quân Phạm Văn Bình ở Đồng Cao (Đức Trạch, Bố Trạch) thời vua Lê Kính Tông (1601-1619) năm Hoằng Định thứ 4 (tức là năm 1605) và  sắc phong cho Trung Lang Thượng tướng quân Trương Cao Trấn Đại vương ở Minh Lệ (Quảng Minh, Ba Đồn) thời Quang Trung ( 1788-1792) năm thứ 2, ngày 4, tháng 7 (tức là năm 1790). Sắc phong có niên đại muộn nhất là phong cho Lê Chiêu ở Cao Lao (Hạ Trạch, Bố Trạch) thời Bảo đại (1926-1945)  năm thứ 8 (tức là năm 1934).
 
Sắc phong cung cấp cho ta nguồn tư liệu về lịch sử lập làng, xã, lịch sử hình thành dân cư, dòng họ, cộng đồng, thần khai canh, khai khẩn, thành hoàng làng. Ví như, sắc phong cho Trần Công Phi khai canh làng Kim nại, An Ninh ( Quảng Ninh) của vua Khải Định vào năm thứ 9, ngày 25 tháng 7;  sắc phong Nguyễn Sâm, Phủ quân chi thần tiền hiền khai khẩn ở Hòa Ninh (Quảng Hòa) của vua Khải Định năm thứ 9, ngày 25 tháng 7...
 
Sắc phong là di sản quý, dòng họ nào có người được ban sắc phong, làng xã nào có thần linh, thành hoàng được ban sắc là một vinh dự vô cùng to lớn. Theo các cụ cao niên chúng tôi được tiếp xúc ở một số làng xã, thì nghi lễ rước sắc xưa diễn ra đặc biệt trang trọng. Sắc phong chỉ có duy nhất một bản (độc bản).
 
Trong mỗi sắc phong, niên đại tuyệt đối đến tận ngày, tháng, năm. Niên đại của sắc phong được ghi ở cuối văn bản gồm niên đại triều vua ban sắc, ngày tháng ban sắc, ví như: Sắc phong cho Lê Vũ khai khẩn làng Cổ Hiền, Hiền Ninh, (Quảng Ninh) của vua Khải Định năm thứ 10, ngày 26, tháng 6. Niên đại tuyệt đối chính xác là căn cứ để người đời sau có thể tìm hiểu về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, đất đai, điền thổ và đặc biệt là phong cách mỹ thuật, thư thể của từng thời kỳ lịch sử.
 
Sắc phong là nguồn di sản độc đáo, quý hiếm, nguồn tư liệu có giá trị về nhiều phương diện. Điều đáng mừng là cùng với các nguồn tư liệu Hán- Nôm khác, sắc phong còn lại hiện nay được bảo quản chu đáo ở các dòng họ, đình, đền.
 
Tuy nhiên, trong quá trình sưu tầm, nghiên cứu, một số dòng họ, một số địa phương còn lúng túng trong việc bảo quản, làm gì , làm như thế nào để sắc phong không bị hư hại, mủn nát.
 
Thực tế một số sắc phong có nguy cơ hư hại rất cao như sắc phong Trung Lang Thượng tướng quân Trương Công Trấn ở Quảng Minh hay sắc phong ở Hòa Ninh, xã Quảng Hòa (thị xã Ba Đồn)… Điều cần lưu tâm hơn là trong Bát danh hương (tám làng văn vật của tỉnh Quảng Bình ), sắc phong còn lại rất ít.
 
Hơn nữa, hiện nay cán bộ chuyên trách Hán - Nôm của ngành Văn hóa còn thiếu... Việc sưu tầm, nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản sách về tư liệu Hán - Nôm nói chung, sắc phong nói riêng chưa được quan tâm đúng mức.
 
Việc kiểm kê, nghiên cứu, đăng kí,lập danh mục, cấp giấy chứng nhận di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo Thông tư 07/2004/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa- Thông tin nói chung, sắc phong nói riêng của Sở Văn hóa -Thể thao cho các dòng họ, địa phương trong tỉnh triển khai quá chậm.
 
Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, sắc phong vẫn còn nhiều, nhưng mỗi nơi lại được bảo quản với những cách thức khác nhau, có nơi nguyên vẹn, tình trạng tốt, nhưng cũng có nơi bị mủn, rách từng mảnh, thậm chí phần lớn nhiều làng bị mất sắc phong.
 
Do vậy, cấp thiết phải sưu tầm ngay, đăng ký,kiểm kê, nghiên cứu,cấp giấy chứng nhận đầy đủ sắc phong để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho tra cứu. Những người bảo quản sắc phong ở các làng xã, dòng họ cần được tập huấn công tác bảo quản.
 
Những sắc phong bị hỏng, nát cần được phục chế nguyên trạng, nhằm tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của làng xã, để giá trị đó không bị phai mờ, mai một trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay.
 
Sắc phong truyền tải cho hậu thế các tư liệu quý giá và trung thực về tên tuổi, công lao của một số nhân vật lịch sử; đồng thời nó chứa đựng một số thông tin, bổ sung thêm lịch sử và là nguồn tư liệu quan trọng để nghiên cứu tín ngưỡng dân gian thần linh, tôn vinh thần linh là nét văn hóa độc đáo của người Việt, thể hiện mong mỏi về một cuộc sống hài hòa, cân bằng với tự nhiên, làm thăng hoa cuộc sống .
 
Tạ Đình Hà
(Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình)

 

,
  • Những năm tháng không thể nào quên…

    (QBĐT) - Trong không khí phấn khởi, tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm tới ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Huy và Nguyễn Thị Ngẫu, ở phường Hải Đình (TP. Đồng Hới).

    30/04/2018
    .
  • Xác lập khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-khe NướcTrong: Cần thiết và cấp bách

    (QBĐT) - Khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) là một trong những khu vực có giá trị về đa dạng sinh học, lưu giữ các đặc điểm nổi bật và độc đáo của dãy Trường Sơn, được nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao.

    18/07/2018
    .
  • Lãnh binh Mai Lượng với phong trào Cần Vương

    (QBĐT) - Mai Lượng một danh tướng của quê hương Quảng Bình. Ông là một trong những người hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, là người chỉ huy đạo quân vùng nam sông Gianh, án ngữ một vùng rộng lớn nơi miền tây Quảng Bình từ Cao Mại về Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) đến vùng Chà Nòi, Khe Gát (huyện Bố Trạch).

    18/05/2018
    .
  • 71 năm, vụ thảm sát chợ Gộ

    (QBĐT) - Thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) gồm những cư dân sông nước sống bằng nghề  chài lưới trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang, và nguồn Long Đại. Họ  du cư theo thuyền đánh bắt tôm cá. Nơi neo đậu là các cồn bãi ven sông, gần chợ búa.

    15/07/2018
    .
  • Mỹ Lộc – đất khoa bảng

    (QBĐT) - Mảnh đất ấy – làng Mỹ Lộc xưa (huyện Lệ Thủy) - mang trong mình tinh hoa, trù mật, cốt cách và dáng dấp của một miền quê vùng sông nước. Vậy nên, không khó để nhận ra rằng những tinh hoa của nếp đất, hương quê đã vận vào bao thế hệ con người nơi đây, sản sinh ra  nhiều danh nhân mà tên tuổi của họ sống trọn qua nhiều thế kỷ.

    10/05/2018
    .
  • Về đền thờ người thiết kế, xây dựng di tích Luỹ Thầy

    (QBĐT) - Di tích lũy Thầy, hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ là hệ thống chiến lũy được hình thành trong cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1627-1672) trên mảnh đất Quảng Bình với các chiến lũy Trường Dục ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, lũy Đầu Mâu, lũy Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới, được xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21/1/1992 của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

    06/07/2018
    .
  • Chuyện chưa kể bên dòng Long Đại

    (QBĐT) - Trưa một ngày tháng tư đầy nắng, tôi cùng những cựu dân quân thôn Long Đại đi dọc dòng sông, qua những bến Sân, bến Mợi, bến Đò, bến Trái, hói Rào Đá… Những địa danh quen thuộc mà tuổi thanh xuân của họ đã từng gắn bó. Cùng dòng sông đi qua những thời khắc ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phía sau bao năm tháng ấy, có những câu chuyện tôi lần đầu được nghe trong nỗi rưng rưng đầy cảm phục và tự hào…

    03/05/2018
    .
  • Miếu bà Còng thôn Trung Bính

    (QBĐT) - Miếu bà Phạm Thị Còng là ngôi miếu nhỏ nằm cạnh khuôn viên trụ sở UBND xã Bảo Ninh (cũ), cũng là khuôn viên của đình làng Trung Bính xưa. Miếu bà Còng chỉ vẻn vẹn chừng 50m2, mặt hướng ra sông Nhật Lệ, lưng dựa vào động cát Bảo Ninh.

    02/06/2018
    .