.

Về đền thờ người thiết kế, xây dựng di tích Luỹ Thầy

.
10:15, Thứ Sáu, 06/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Di tích lũy Thầy, hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ là hệ thống chiến lũy được hình thành trong cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1627-1672) trên mảnh đất Quảng Bình với các chiến lũy Trường Dục ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, lũy Đầu Mâu, lũy Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới, được xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21/1/1992 của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).
 
Di tích gắn liền với Hoằng Quốc công khai quốc công thần Đào Duy Từ , người đã giúp chúa Nguyễn vạch ra nhiều kế sách quân sự quan trọng để đối phó có hiệu quả với sự gây hấn của chúa Trịnh ở Đàng ngoài. Việc tổ chức xây dựng hệ thống lũy góp phần quan trọng giúp chúa Nguyễn đẩy lùi các cuộc tấn công của Đàng ngoài, giữ yên bờ cõi, mở mang vùng đất phía Nam của Tổ quốc
 
Đào Duy Từ sinh năm 1572, mất năm 1634, ông sinh ở Thanh Hóa, làm quan cho chúa Nguyễn ở Huế, nhưng tài năng và công trạng thể hiện ở Quảng Bình. Khi ông mất, mộ và đền thờ chính thống ở  thôn Tùng Châu, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Nhiều công trình văn hóa, nhiều trường học, nhiều phố, nhiều đường của nhiều tỉnh, thành trong nước đều mang tên ông. Quảng Bình, mảnh đất ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc cũng như trong sự nghiệp của ông với công trình lũy Đào Duy Từ (lũy Thầy) đã được xếp hạng cấp Quốc gia, cần xác định địa điểm để phục hồi lại đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ vốn đã có trước đây trong ải Võ Thắng để tưởng nhớ ông.
Đào Duy Từ phục vụ các chúa Nguyễn trong 8 năm đến khi qua đời (năm 1634). Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cho đưa linh cửu của ông về táng ở xã Tùng Châu, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định và lập đền thờ chính thống ở đây. Các vua triều Nguyễn như vua Minh Mạng (1831) truy tặng ông là Khai quốc công thần Đặc tiến Vĩnh lộc, Đại phu, hàm đông các đại học sĩ, chức Thái sư, phong tước Hoằng Quốc công. Ông được thờ tại “Thanh bình từ đường” ở thành phố Huế. Tại Quảng Bình, đến nay chỉ có một quyển sách có ghi chép về một ngôi đền thờ ông, nhưng ngôi đền nay không còn nữa.
 
Sách Đại Nam nhất thống chí (phần Quảng Bình) do Nhà xuất bản Văn Sử Địa Sài Gòn xuất bản năm 1962, trang 145, chép như sau “Đền Hoằng Quốc công ở huyện Phong Lộc, phía tả trong ải Võ Thắng. Thờ thần Đào Duy Từ, vị khai quốc công thần của bản triều. Nhà đền nghiêm trang, bốn phía cây núi xanh tốt. Sau trải qua cơn biến loạn hư nát. Sau này, người ta tưởng nhớ công đức của ông, nhân nền cũ đắp đài bằng đất cao hơn hai thước, thường năm xuân thu cúng tế. Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), cây ở bốn phía đài ấy bị gió ngã cả, người ta sắp đốn làm củi, nhưng trong khoảnh khắc cây đều đứng lại như cũ, người ta cho là hiển linh”. Các nội dung ghi chép cho biết các thông tin về địa điểm ngôi đền tọa lạc “bên tả trong ải Võ Thắng”. Cổng này nằm trong chiến lũy Đầu Mâu, phía Nam sông Lũy, thuộc làng Lệ Kỳ. Về kiến trúc đền “nhà đền nghiêm trang”. Về lịch sử xây dựng, đền bị hư nát sau “cơn biến loạn”.
 
Cũng theo sách Đại Nam nhất thống chí xuất bản năm 1962, trang 107 có ghi “Bản triều đắp lũy từ núi Đầu Mâu, khi đầu Trung hưng năm Nhâm Tuất (1802), Tây Sơn Nguyễn Quang Toản đem binh Bắc Hà vào hãm cướp lũy Đầu Mâu, quân trèo lên như kiến”. Viết về trận chiến giữa chúa Nguyễn và Tây sơn Nguyễn Huệ ở lũy Đầu Mâu, có khu vực cổng Võ Thắng, sử cũ gọi là trận đại chiến “Tháng 1 năm Nhâm Tuất (1802), vua Tây Sơn sai Nguyễn Quang Thùy và Tống Quân Siêu tiến quân lên đánh Trấn Ninh (cũng có tên gọi là lũy Nhật Lệ ). Đô đốc Nguyễn Văn Kiên và Tư Lệ Tiết đánh lũy Đầu Mâu. Đặng Văn Tất và Đô đốc Lực đem 100 chiến thuyền chặn ngang cửa biển Nhật Lệ. Trấn Ninh, Đầu Mâu, Nhật Lệ đều thuộc Quảng Bình. Đó là ba căn cứ quân sự trọng yếu của địa đầu trấn Thuận Hóa. Lũy Đầu Mâu và lũy Trấn Ninh đã kiên cố lại phòng vệ nghiêm túc. Tây Sơn đánh mãi mà không hạ nổi. Vua Nguyễn Quang Toản của Tây Sơn dốc tất cả binh mã tiến đánh Đầu Mâu. Quân trên thành dùng đại bác bắn và lấy đá quăng xuống khiến quân Tây Sơn lớp bị thương, lớp chết rất nhiều. Nguyễn Quang Toản sợ muốn rút lui, nhưng Bùi Thị Xuân không chịu, xin cho đốc chiến… hai bên đánh xáp lá cà từ sáng đến chiều …” (Bách khoa toàn thư: Chiến tranh Tây Sơn – Chúa Nguyễn 1787- 1802). Có thể thấy nhà đền bị hư nát trong trận chiến tàn khốc tại chiến trường lũy Đầu Mâu, nghĩa là năm 1802, đền thờ Đào Duy Từ đã không còn nữa.
 
Sách Đại Nam nhất thống chí cũng chép về cảnh quan bao quanh đền “bốn phía cây núi”. Hiện nay trong ải phía tả vẫn còn dấu tích của một vùng gò, đồi, núi thấp kéo dài theo lũy về làng Lệ Kỳ. Theo Đỗ Duy Văn trong Địa chí làng Lệ Kỳ,  thì làng có “đồi núi chiếm diện tích trên 80%. Rừng nối liền mạch từ núi Đầu Mâu , thấp dần về tận làng”. Theo khảo sát của chúng tôi, có thể ngày xưa ngôi đền được xây dựng thuộc khu vực dãy đồi phía tả trong ải (đồi này trước kia là cây núi có có nhiều gỗ quý, thú rừng, chim muông, nhưng trải trên 200 năm nay, rừng đã bị chặt phá, đào bới, khai hoang và dấu tích của đền cũng không còn nữa, mặc dù sau năm 1802 “nhân nền cũ đắp đài bằng đất cao hơn hai thước, thường năm xuân thu cúng tế” (Đại Nam nhất thống chí  trang 145).
Phòng tuyến Nhật Lệ được xây dựng vào năm 1631 có chiều dài 12km, rộng 6m, cao 6m thuộc hệ thống lũy Đào Duy Từ. Nơi đây đã diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt của hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn trong gần 50 năm của cuộc nội chiến.
Phòng tuyến Nhật Lệ được xây dựng vào năm 1631 có chiều dài 12km, rộng 6m, cao 6m thuộc hệ thống lũy Đào Duy Từ. Nơi đây đã diễn ra các cuộc giao tranh quyết liệt của hai thế lực phong kiến Trịnh - Nguyễn trong gần 50 năm của cuộc nội chiến. Ảnh: Hành Tiến
Chúng tôi đã đi tìm sự cúng tế liên quan đến di tích đền thờ Hoằng Quốc công Đào Duy Từ còn sót lại trong dân gian để thêm một kênh thông tin xác định địa điểm đền thờ. Theo cha cố Cadiere trong Le mur de Đồng Hới viết vào năm 1906, khi ông có dịp đọc toàn bộ văn bia Định Bắc trường thành ( lũy Thầy) và tìm hiểu một số di tích khác, ông viết như sau: “Vào năm 1821, vua Minh Mạng đã đi qua Đồng Hới. Tâm trí ông hồi tưởng lại nhiều tướng sĩ và binh lính đã bỏ mình quanh vùng ấy. Ông sai đắp đàn và cử hành một cuộc tế lễ cho linh hồn những người đã chết cho nền độc lập của tổ quốc họ …Vua Minh Mạng cũng đã tưởng nhớ đến ba vị anh hùng từng giữ vai trò rất quan trọng trong các cuộc chiến tranh chống họ Trịnh. Đào Duy Từ, người xây lũy Đồng Hới, Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật, những người hoàn thiện lũy và bảo vệ lũy ấy đã được ban tước và nhận những tước hiệu khác nhau, tước khai quốc công thần và tước quốc công. Vào năm 1842, vua Thiệu Trị cũng đi qua Đồng Hới. Ông ra lệnh cho Thượng thư Bộ Công và các quan trong tỉnh tu sửa lũy ở khắp những nơi thấy cần thiết. Thượng thư Bộ Lễ phải lo thực hiện những cuộc tế lễ để dâng lên cho các chiến sĩ đã bỏ mình vì tổ quốc, cũng như cho quá khứ”.
 
Tài liệu của Cadier cũng như sách Đại Nam nhất thống chí đều ghi khu vực Lệ Kỳ có cúng tế để tưởng nhớ những người đã hi sinh nói chung, tưởng nhớ ông Đào Duy Từ nói riêng. Được biết, tại làng Lệ Kỳ ngày xưa vào đầu năm làng tổ chức cúng tế hai nơi, một tại cổng Võ Thắng, một tại lòi Miệu do quan trên về tổ chức tế lễ, để thấy việc tế lễ rất được chú trọng. Đây là những thông tin vô cùng quan trọng để chúng ta tiếp tục tìm nền đất đền thờ mà sau này vua “Minh Mạng (năm 1821) đã cho đắp đàn đất cao 2 thước (80cm) để xuân thu hàng năm cúng tế Hoằng Quốc công Đào Duy Từ”, người có công hiến kế và xây lũy Thầy nổi tiếng .
                                                                      Tạ Đình Hà

 

,
  • Những năm tháng không thể nào quên…

    (QBĐT) - Trong không khí phấn khởi, tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm tới ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Huy và Nguyễn Thị Ngẫu, ở phường Hải Đình (TP. Đồng Hới).

    30/04/2018
    .
  • Âm vang Cự Nẫm

    (QBĐT) - Trần Hải Sâm, một cộng tác viên của Báo Quảng Bình tặng tôi tập trường ca của anh có tên "Âm vang Cự Nẫm".

    30/04/2018
    .
  • Người viết tiếp bài ca thống nhất

    (QBĐT) - Trưa 30-4-1975, ông cùng các đoàn quân hừng hực khí thế tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh, giải phóng Sài Gòn. Khi đất nước thống nhất, non sống nối liền một dải, ông trở về quê hương cùng các xã viên viết tiếp bài ca thống nhất bằng việc chèo lái Hợp tác xã (HTX) Thưọng Phong đi lên, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

    30/04/2018
    .
  • Ký ức ngày toàn thắng

    (QBĐT) - Đại tá Trương Quang Siều (71 tuổi, quê ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) là một trong những người lính có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 lịch sử. Ngày ấy, ông mới 25 tuổi nhưng đã là một Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 anh hùng) chỉ huy một đoàn quân trong đội hình binh đoàn thọc sâu tiến vào Sài Gòn…

    30/04/2018
    .
  • Lãnh binh Mai Lượng với phong trào Cần Vương

    (QBĐT) - Mai Lượng một danh tướng của quê hương Quảng Bình. Ông là một trong những người hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, là người chỉ huy đạo quân vùng nam sông Gianh, án ngữ một vùng rộng lớn nơi miền tây Quảng Bình từ Cao Mại về Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) đến vùng Chà Nòi, Khe Gát (huyện Bố Trạch).

    18/05/2018
    .
  • Mỹ Lộc – đất khoa bảng

    (QBĐT) - Mảnh đất ấy – làng Mỹ Lộc xưa (huyện Lệ Thủy) - mang trong mình tinh hoa, trù mật, cốt cách và dáng dấp của một miền quê vùng sông nước. Vậy nên, không khó để nhận ra rằng những tinh hoa của nếp đất, hương quê đã vận vào bao thế hệ con người nơi đây, sản sinh ra  nhiều danh nhân mà tên tuổi của họ sống trọn qua nhiều thế kỷ.

    10/05/2018
    .
  • Chuyện chưa kể bên dòng Long Đại

    (QBĐT) - Trưa một ngày tháng tư đầy nắng, tôi cùng những cựu dân quân thôn Long Đại đi dọc dòng sông, qua những bến Sân, bến Mợi, bến Đò, bến Trái, hói Rào Đá… Những địa danh quen thuộc mà tuổi thanh xuân của họ đã từng gắn bó. Cùng dòng sông đi qua những thời khắc ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phía sau bao năm tháng ấy, có những câu chuyện tôi lần đầu được nghe trong nỗi rưng rưng đầy cảm phục và tự hào…

    03/05/2018
    .
  • Miếu bà Còng thôn Trung Bính

    (QBĐT) - Miếu bà Phạm Thị Còng là ngôi miếu nhỏ nằm cạnh khuôn viên trụ sở UBND xã Bảo Ninh (cũ), cũng là khuôn viên của đình làng Trung Bính xưa. Miếu bà Còng chỉ vẻn vẹn chừng 50m2, mặt hướng ra sông Nhật Lệ, lưng dựa vào động cát Bảo Ninh.

    02/06/2018
    .