.

Tấm gương người nữ liệt sỹ

.
10:44, Thứ Hai, 30/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Liệt sĩ Nguyễn Thị Khư ở Quảng Hòa, Quảng Trạch sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng.
 
Anh trai là Nguyễn Văn Minh từng treo lá cờ búa liềm trước phủ đường Quảng Trạch và rải truyền đơn lên án chế độ sưu cao thuế nặng năm 1932, được kết nạp vào Đảng năm 1933.
 
Anh rể là liệt sĩ Đoàn Quang tham gia Công hội đỏ ở Ba Son năm 1930. Căn nhà của chị là nơi hội họp bàn luận việc nước giữa các đồng chí Nguyễn Tế (ở Lũ Phong), Phạm Đình Trụ (ở Hà Tĩnh), Nguyễn Tích, Trương Cao Miên, Lê Hòa, Nguyễn Nhuận.
 
Chứng kiến cảnh mõ thúc trống dồn và bọn hào lý mũ cao áo rộng cầm roi mây đánh vào những người mình trần khố rách trong các kỳ thu sưu thuế, được anh trai dìu dắt, chị đã sớm nhận biết được bộ mặt thật xấu xa của xã hội đương thời.
 
Năm 1938 chị đã tham gia trong đoàn người xuống phà Gianh đón Toàn quyền Gota để trao yêu sách và sau đó cùng với 264 người tham gia ký vào kiến nghị gửi Toàn quyền Đông Dương xin ân xá các chính trị phạm người Việt và người Pháp.
 
Cách mạng Tháng Tám thành công, chị là Bí thư phụ nữ xã, trung đội trưởng nữ du kích xã và đã ủng hộ cách mạng một đôi khuyên khoảng bốn chỉ vàng để chính quyền cách mạng mua sắm vũ khí.
 
Là một phụ nữ có học thức, đẹp người tốt nết, biết kính trên nhường dưới, giàu lòng vị tha nên ở Quảng Hòa, từ những cụ già tuổi ngoại 90 và bậc cha chú ở quê hương, các bậc đàn anh như Trung tướng Nguyễn Hòa ở Hà Nội và các cháu học sinh cấp 1 ở trường làng đều gọi chị với cái tên rất thân thuộc: O Khư - vì cha mẹ các cháu đều coi chị là người thân của mình.
 
Tháng 3-1950, trong lúc công tác, chị sa vào tay giặc. Lục soát trong lần yếm, chúng lấy ra được lá cờ búa liềm. Nhìn khuôn mặt thanh tú, thông minh lại được bọn Việt gian trong làng cung cấp thông tin  nên chúng biết rõ quá trình hoạt động của chị. Hơn nữa, chị là em ruột của đồng chí Nguyễn Văn Minh, một cán bộ công an tài ba "xuất quỷ nhập thần" đang hoạt động trong vùng Nam Quảng Trạch, đã từng làm cho bọn chúng, nhất là bọn phản động ở vùng Thiên chúa giáo vô cùng hoảng sợ.
 
Vì vậy, khi bắt được chị chúng rất hí hửng và tìm mọi thủ đoạn để đánh phá cơ sở kháng chiến của ta, hòng buộc chị đầu hàng để bôi nhọ khí phách của những người kháng chiến. Về phần mình, vốn là một người nhạy cảm về chính trị nên chị đã ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong lần thử thách quyết liệt này.
 
Để thực hiện mưu đồ thâm độc, bọn mật vụ đã tìm mọi thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ rồi dùng các cực hình đấm đá, dìm xuống sông, khi chị uống đầy nước sắp chết thì chúng kéo lên, đạp giày đinh lên bụng cho nước trào ra, chết đi sống lại hàng chục lần chỉ vì câu đối thoại này:
 
- Hầm bí mật ở đâu?
 
- Không biết!
 
Dùng cực hình không khuất phục được, chúng đưa chị về nhà gặp mẹ, định dùng tình mẫu tử để lung lạc ý chí của chị.
 
Phán đoán được ý định của kẻ thù, nghĩ đến mẹ già không ai chăm sóc hôm sớm, nghĩ đến Sang và Loan là hai đứa cháu con của người chị đã mồ côi mẹ cách đây 10 ngày lại mồ côi cha và sắp đến lại mất thêm dì. Nhưng lại nghĩ đến các đồng chí của mình, sự nghiệp cách mạng của Đảng, phẩm chất của người đảng viên khiến chị quên cả đau.
 
Gặp lại con, bà mẹ òa khóc. Chị an ủi mẹ giữ gìn sức khỏe để nuôi hai cháu, rằng chị không thể phản bội lại các đồng chí của mình, trong đó có anh Minh. Chị xin mẹ đừng buồn và nhờ mẹ cho chị gửi lời hỏi thăm đến bà con, làng xóm.
 
Giặc lại dẫn chị về đồn Minh Lệ. Tên mật vụ thú thật với chị là chúng đã thất bại. Bây giờ chỉ cần chị chỉ cho chúng một cái hầm bí mật nào đó, kể cả một cái hầm mà bây giờ không còn sử dụng nữa (vì đã lộ bí mật) thì chị sẽ được trả tự do. Biết được âm mưu kẻ thù tiếp tục đánh phá ý chí cách mạng của người cán bộ nên chị trả lời với chúng "hầm bí mật ở trong trái tim này".
 
Tên Việt gian lồng lộn quật ngã chị, giật phăng vạt áo và rút dao cắt hai bầu sữa bằng hai nắm tay trắng hồng vứt xuống trước mặt chị. Không hề run sợ, chị tiếp tục vạch tội ác kẻ thù. Máu chảy lênh láng trên bãi cỏ, sức kiệt dần, cuối cùng những người làm phu phục dịch ở đồn và những tên lính bảo vệ quanh đó còn nghe trong tiếng thều thào: "Các đồng chí ơi, Khư không... Mạ ơi"... và chị trút hơi thở cuối cùng vào chiều 6-4-1950 tại đồn Minh Lệ.
 
Sáng 7-4-1950, bà con ở Hòa Ninh vào nhận thi hài của chị . Họ thấy thi thể chị  được đắp bằng một tấm vải, hương được thắp suốt đêm...Chị Nguyễn Thị Khư là một người nữ anh hùng của quê hương...
Hoàng Hiếu Nghĩa
(Theo hồi ký của cụ Nguyễn Văn Minh, đảng viên năm 1933; của bà Nguyễn Thị Dụng, Tiểu đội trưởng du kích Hoà Ninh và các hồi ký của các cụ lão thành Cách mạng).
,
  • Ngạc nhiên Tân Hóa

    (QBĐT) - Sau trận lũ lịch sử năm 2010, nhiều người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) đã có ý định bỏ đi khỏi làng vì khiếp sợ trước cảnh tàn phá khủng khiếp của cơn đại hồng thủy.

    27/07/2018
    .
  • Về giá trị lịch sử-văn hoá của sắc phong thời phong kiến ở Quảng Bình

    (QBĐT) - Sắc phong là tài sản quý giá về tinh thần của người dân trong văn hóa làng xã. 

    22/07/2018
    .
  • Xác lập khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-khe NướcTrong: Cần thiết và cấp bách

    (QBĐT) - Khu rừng Động Châu-Khe Nước Trong (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) là một trong những khu vực có giá trị về đa dạng sinh học, lưu giữ các đặc điểm nổi bật và độc đáo của dãy Trường Sơn, được nhiều tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên đánh giá cao.

    18/07/2018
    .
  • Lãnh binh Mai Lượng với phong trào Cần Vương

    (QBĐT) - Mai Lượng một danh tướng của quê hương Quảng Bình. Ông là một trong những người hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, là người chỉ huy đạo quân vùng nam sông Gianh, án ngữ một vùng rộng lớn nơi miền tây Quảng Bình từ Cao Mại về Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) đến vùng Chà Nòi, Khe Gát (huyện Bố Trạch).

    18/05/2018
    .
  • 71 năm, vụ thảm sát chợ Gộ

    (QBĐT) - Thôn Chợ Gộ, xã Vĩnh Ninh (huyện Quảng Ninh) gồm những cư dân sông nước sống bằng nghề  chài lưới trên sông Nhật Lệ, Kiến Giang, và nguồn Long Đại. Họ  du cư theo thuyền đánh bắt tôm cá. Nơi neo đậu là các cồn bãi ven sông, gần chợ búa.

    15/07/2018
    .
  • Mỹ Lộc – đất khoa bảng

    (QBĐT) - Mảnh đất ấy – làng Mỹ Lộc xưa (huyện Lệ Thủy) - mang trong mình tinh hoa, trù mật, cốt cách và dáng dấp của một miền quê vùng sông nước. Vậy nên, không khó để nhận ra rằng những tinh hoa của nếp đất, hương quê đã vận vào bao thế hệ con người nơi đây, sản sinh ra  nhiều danh nhân mà tên tuổi của họ sống trọn qua nhiều thế kỷ.

    10/05/2018
    .
  • Về đền thờ người thiết kế, xây dựng di tích Luỹ Thầy

    (QBĐT) - Di tích lũy Thầy, hay còn gọi là lũy Đào Duy Từ là hệ thống chiến lũy được hình thành trong cuộc chiến tranh Trịnh- Nguyễn (1627-1672) trên mảnh đất Quảng Bình với các chiến lũy Trường Dục ở Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, lũy Đầu Mâu, lũy Nhật Lệ ở thành phố Đồng Hới, được xếp hạng Quốc gia theo Quyết định số 97/QĐ ngày 21/1/1992 của Bộ Văn hóa- Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).

    06/07/2018
    .
  • Miếu bà Còng thôn Trung Bính

    (QBĐT) - Miếu bà Phạm Thị Còng là ngôi miếu nhỏ nằm cạnh khuôn viên trụ sở UBND xã Bảo Ninh (cũ), cũng là khuôn viên của đình làng Trung Bính xưa. Miếu bà Còng chỉ vẻn vẹn chừng 50m2, mặt hướng ra sông Nhật Lệ, lưng dựa vào động cát Bảo Ninh.

    02/06/2018
    .