.

Lãnh binh Mai Lượng với phong trào Cần Vương

.
14:18, Thứ Sáu, 18/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Mai Lượng một danh tướng của quê hương Quảng Bình. Ông là một trong những người hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, là người chỉ huy đạo quân vùng nam sông Gianh, án ngữ một vùng rộng lớn nơi miền tây Quảng Bình từ Cao Mại về Quảng Sơn (thị xã Ba Đồn) đến vùng Chà Nòi, Khe Gát (huyện Bố Trạch). Nghĩa quân đã anh dũng chiến đấu chống ách xâm lược của thực dân Pháp, bảo vệ “Sơn triều” một thời gian dài (1885 – 1890).

Cuộc đời và những đóng góp của Lãnh binh Mai Lượng và nghĩa quân trong phong trào Cần Vương đã để lại một dấu ấn đậm nét trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, khí phách của Lãnh binh Mai Lượng vẫn còn vang vọng đến hôm nay và mai sau.

Lãnh binh Mai Lượng sinh năm Mậu Tuất (1838), đời thứ 12 dòng họ Mai ở Thọ Linh (xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn). Ông là con trai út (thứ 8) của một gia đình nhà nho nghèo nhưng có truyền thống hiếu học. Cha mẹ mất lúc ông còn nhỏ. Ông được anh trai Mai Thức nuôi và dạy chữ . Từ thưở thiếu thời, ông đã tỏ ra có tư chất thông minh, ý chí, nghị lực và bản lĩnh hơn người.

Vừa học văn chương ông lại học võ, Trong khoa thi hội ngày 2 tháng 5 năm Ất Sửu (26-5-1865) triều Tự Đức, ông thi đỗ cử nhân võ và được triều đình phong chức Hiệp quản. Ông  được điều động ra chỉ huy một đạo quân trấn giữ ở đèo Ngang. Ông đã huy động quân lính giúp dân khai phá đồng ruộng, đắp đập, khơi ngòi làm thuỷ lợi mở mang diện tích trồng lúa, vì vậy nhân dân trong vùng ghi nhớ công ơn ông và đội quân của ông. Hiện đang có miếu thờ Lãnh binh Mai Lượng ở đèo Ngang. Sau đó ông được điều động vào chỉ huy quân triều đình ở Đồng Hới.

Khi triều đình Nguyễn ký hiệp ước  Pa-tơ-nốt (6-6-1884), ông phẫn nộ trước sự nhu nhược của nhà Nguyễn. Ông  từ quan về quê, kiên  quyết bất hợp tác với thực dân  Pháp và những kẻ bán nước. Sau “sự biến kinh thành Huế” ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885), vua Hàm Nghi xuất bôn ra Tân Sở, Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vưong, kêu gọi nhân dân đứng lên chống pháp.

Sẵn nung nấu lòng căm thù giặc, ông là một trong số nghĩa sĩ Quảng Bình đầu tiên đến yết kiến vua Hàm Nghi và Sơn triều. Ông được vua Hàm Nghi phong chức Lãnh binh và được giao phó việc chiêu mộ binh lính, quyên lưong thảo tổ chức kháng chiến tại vùng phía tây bắc Quảng Bình.

Đền thờ Lãnh binh Mai Lượng.
Đền thờ Lãnh binh Mai Lượng.

Lĩnh sứ mệnh vua Hàm Nghi giao phó, ông về quê chiêu mộ dân binh, nghĩa dũng và lập căn cứ tại khu vực Vò Vò thuộc Cao Mại, giáp ranh với Xuân Trạch (Bố Trạch). Nơi đây địa thế núi rừng hiểm trở nhưng cũng là vị trí hiểm yếu về quân sự. Khu vực đóng quân gọi là Trại binh. Tại đây nghĩa quân đã xây dựng một vùng căn cứ rộng lớn, được bố phòng chặt chẽ. Căn cứ nghĩa quân được lập ra các khu như: Khu trại binh, khu chỉ huy, khu luyện tập binh sĩ, khu lò rèn...

Nghĩa quân Mai Lượng có trên 1.000 người, được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ. Khu chỉ huy có địa hình khá bằng phẳng, ở giữa là doanh trại, xung quanh ông cho quân lính xây một bức tường thành bằng đá hộc rộng 1m, cao khoảng 2m, bao bọc doanh trại diện tích khoảng 1 ha.

Ngoài doanh trại chính, còn có các đội được bố trí hợp lý để có sự bảo vệ và yểm trợ nhau tiến thủ liên hoàn. Ngoài ra để cảnh giới từ xa, ông còn cho bố trí các trại chốt ở các hướng. Ông đã cho lập xưởng rèn đúc vũ khí, gươm đao, tự tạo thêm nhiều loại vũ khí, trong đó có loại súng “tắc giang”, tuy thô sơ nhưng đã làm cho địch nhiều phen khiếp sợ.

Để bảo đảm  lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến lâu dài, nghĩa quân khai khẩn đất đai trồng lúa, trồng bắp, trồng chè và các loại rau màu, chăn gia súc, gia cầm. Khu vực “Trại binh” hiện nay vẫn còn dấu vết của những khu đất khá bằng phẳng là nơi nghĩa quân đã khai hoang vỡ đất để trồng trọt. Vùng Khe Cấy, Ba Ô, Lanh Anh nay vẫn còn những cây chè cổ thụ rải rác nhiều vị trí, chính là nơi mà trước đây nghĩa quân Mai Lượng bố trí các đội, các chốt canh phòng.

Để bảo đảm bí mật tuyệt đối cho nghĩa quân, ngoài việc canh phòng cẩn mật, ông còn cho người tung tin đồn những câu chuyện ly kỳ, thần bí tạo nên sự linh thiêng của vùng Ba Ô, Chín Chòi nên người thường không dám tới các vùng này. Nghĩa quân thường dùng lối đánh du kích, mai phục, khi xung trận thì dũng cảm và mưu trí. Với sự chỉ huy của Mai Lượng, nghĩa quân đã làm cho quân giặc nhiều phen khiếp sợ.

Hoạt động mạnh mẽ nhất của nghĩa quân Mai Lượng là từ năm 1886 đến 1889, ở vùng đồng bằng, nghĩa quân đã đánh nhiều trận nỗi tiếng ở các làng: Trung Thôn, Biểu Lệ (Quảng Trung), Lâm Xuân (Quảng Thủy), Hoà Ninh (Quảng Hòa), Diên Trường (Quảng Sơn)... Đặc biệt những nơi có đồng bào công giáo, ông chú trọng tuyên truyền cho nhân dân chủ trương đoàn kết lương, giáo, chống lại âm mưu chia rẽ đồng bào lương và giáo của thực dân Pháp. Nghĩa quân được giáo dục ý thức bảo vệ tính mạng tài sản của đồng bào, đối xử nhân đạo với tù binh ...

Từ năm 1886 đến năm 1889, nghĩa quân đã đánh nhiều trận gây cho địch tổn thất lớn. Nghĩa quân của ông còn liên kết với các nghĩa quân của Nguyễn Phạm Tuân, Đề đốc Lê Trực,.... tạo ra một hành lang án ngữ cả vùng tây Quảng Bình bảo vệ Sơn triều, mặc dù thực dân Pháp tổ chức nhiều trận càn nhưng không chiếm được vùng đất này.

Sau khi vua Hàm Nghi, lãnh tụ tinh thần của phong trào Cần Vương bị bắt (1-11-1888), các nghĩa quân Cần Vương bị địch tấn công khủng bố nên tan rã dần. Riêng ở Cao Mại, nghĩa quân Mai Lượng tiếp tục kháng cự với địch gần hai năm nữa. Giữa lúc nghĩa quân đang dồn sức chống lại các cuộc càn quét của địch thì Mai Lượng lại lâm bệnh sốt rét ác tính.

Ngày 12 tháng 5 năm 1890 (24 tháng 3 năm Canh Dần), ông trút hơi thở cuối cùng tại xóm Cáo (bờ nam sông Nan thuộc thôn Vĩnh Xuân, xã Cao Quảng). Trong cơn lâm chung, ông dặn dò quân sỹ rằng sau khi ông mất thì quân lính không về quê mà thay tên đổi họ, mai danh, ẩn tích để tránh sự khủng bố của giặc chờ ngày phục thù. Nghĩa quân đã bí mật chôn cất thi hài ông trên một gò đất phía đông bờ Khe Voi, xóm Gát, Cao Mại, nay thuộc thôn Tân Tiến, xã Cao Quảng (huyện Tuyên Hóa), ba năm sau mới đưa hài cốt về quê.

Tưởng nhớ ông, người dân Cao Mại đã lập một đền thờ ngay vị trí chôn cất ông; đến nay qua nhiều thế hệ người dân Cao Mại (nay là xã Cao Quảng)  vẫn  chăm sóc, hương khói đền thờ chu đáo. Hiện nay được sự đóng góp của nhân dân trong và ngoài địa phương, đặc biệt là Trung tướng Mai Xuân Vĩnh, nguyên Phó đô đốc, Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đền thờ của Lãnh binh Mai Lượng được xây dựng khang trang hơn.

Lãnh binh  Mai Lượng  cùng với các sĩ phu, văn thân trong phong trào Cần Vương là những tấm gương tiêu biểu thể hiện tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam...

Mai Xuân Tuyên



 

,
  • Người viết tiếp bài ca thống nhất

    (QBĐT) - Trưa 30-4-1975, ông cùng các đoàn quân hừng hực khí thế tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh, giải phóng Sài Gòn. Khi đất nước thống nhất, non sống nối liền một dải, ông trở về quê hương cùng các xã viên viết tiếp bài ca thống nhất bằng việc chèo lái Hợp tác xã (HTX) Thưọng Phong đi lên, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

    30/04/2018
    .
  • Chiến sỹ đặc công giữa đời thường

    (QBĐT) - Chúng tôi về thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch)  gặp Anh hùng LLVTND Trịnh Xuân Bảng, người chiến sỹ đặc công từng nổi tiếng với những trận đánh oai hùng.  Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi ba năm ,nhưng kỷ niệm về một thời hào hùng ấy vẫn sống mãi  trong ký ức của ông và đồng đội.

    30/04/2018
    .
  • Những năm tháng không thể nào quên…

    (QBĐT) - Trong không khí phấn khởi, tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm tới ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Huy và Nguyễn Thị Ngẫu, ở phường Hải Đình (TP. Đồng Hới).

    30/04/2018
    .
  • Ba Đồn, những ngày tháng tư...

    (QBĐT) - Toạ lạc bên bờ Bắc sông Gianh, phường Ba Đồn (trước kia là thị trấn Ba Đồn, thuộc huyện Quảng Trạch), thị xã Ba Đồn, không chỉ lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống quý giá, mà còn là miền quê cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

    30/04/2018
    .
  • Âm vang Cự Nẫm

    (QBĐT) - Trần Hải Sâm, một cộng tác viên của Báo Quảng Bình tặng tôi tập trường ca của anh có tên "Âm vang Cự Nẫm".

    30/04/2018
    .
  • Ký ức ngày toàn thắng

    (QBĐT) - Đại tá Trương Quang Siều (71 tuổi, quê ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) là một trong những người lính có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 lịch sử. Ngày ấy, ông mới 25 tuổi nhưng đã là một Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 anh hùng) chỉ huy một đoàn quân trong đội hình binh đoàn thọc sâu tiến vào Sài Gòn…

    30/04/2018
    .
  • Mỹ Lộc – đất khoa bảng

    (QBĐT) - Mảnh đất ấy – làng Mỹ Lộc xưa (huyện Lệ Thủy) - mang trong mình tinh hoa, trù mật, cốt cách và dáng dấp của một miền quê vùng sông nước. Vậy nên, không khó để nhận ra rằng những tinh hoa của nếp đất, hương quê đã vận vào bao thế hệ con người nơi đây, sản sinh ra  nhiều danh nhân mà tên tuổi của họ sống trọn qua nhiều thế kỷ.

    10/05/2018
    .
  • Chuyện chưa kể bên dòng Long Đại

    (QBĐT) - Trưa một ngày tháng tư đầy nắng, tôi cùng những cựu dân quân thôn Long Đại đi dọc dòng sông, qua những bến Sân, bến Mợi, bến Đò, bến Trái, hói Rào Đá… Những địa danh quen thuộc mà tuổi thanh xuân của họ đã từng gắn bó. Cùng dòng sông đi qua những thời khắc ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, phía sau bao năm tháng ấy, có những câu chuyện tôi lần đầu được nghe trong nỗi rưng rưng đầy cảm phục và tự hào…

    03/05/2018
    .