.
Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2018):

Những năm tháng không thể nào quên…

.
09:40, Thứ Hai, 30/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong không khí phấn khởi, tự hào của những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm tới ngôi nhà nhỏ của vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Hữu Huy và Nguyễn Thị Ngẫu, ở phường Hải Đình (TP. Đồng Hới). Họ đã từng là những người lính kiên cường, cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp cho Tổ quốc, góp phần cùng dân tộc làm nên chiến thắng huyền thoại giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Hữu Huy (sinh năm 1942) sinh  ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở Đồng Hới Tròn 18 tuổi, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên Nguyễn Hữu Huy hăng hái lên đường nhập ngũ.

Đến năm 1965, ông được điều động vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ. Còn bà Nguyễn Thị Ngẫu (sinh năm 1948), lớn lên tham gia sản xuất tại HTX nông nghiệp Anh Dũng, Lý Ninh, sau đó đi thanh niên hỏa tuyến phục vụ chuyển hàng vào Nam. Đến năm 1969, bà được chuyển vào bộ đội giải phóng làm thống kê kế hoạch.

“Mặc dù cả hai cùng sinh ra và lớn lên ở Đồng Hới nhưng chúng tôi còn rất trẻ nên chưa nghĩ đến chuyện bày tỏ tình cảm. Đến khi gặp lại nhau trong thời điểm những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ thì tình thương, tình đồng đội đã đưa chúng tôi lại gần và chia sẻ với nhau nhiều hơn...”, ông Huy bồi hồi nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Ngẫu vui vẻ tiếp lời chồng: “Chính xác là năm 1971, đơn vị của Huy từ Thành cổ Quảng Trị hành quân vào Nam tham gia chiến dịch, trong thời gian cùng tham gia chiến trường, tôi có cơ hội gặp lại người “đồng hương” đáng mến. Chiến tranh mà, chuyện của bản thân cũng là chuyện chung của đồng đội, biết được tình cảm của chúng tôi, các đồng chí trong đơn vị đã tạo điều kiện cho chúng tôi gặp nhau.

Được sự cho phép của cấp trên, đầu năm 1972 hai vợ chồng tổ chức một đám cưới đơn sơ và giản dị tại chiến trường. Khác với tình yêu thời bình, tình yêu thời chiến chúng tôi phải trải qua những gian khó, vất vả, hy sinh để ở bên nhau…”.

Những kỷ vật tình yêu vô giá được vợ chồng ông bà giữ gìn cẩn thận, lâu lâu lại được lật ra đọc lại như để hoài niệm.
Những kỷ vật tình yêu vô giá được vợ chồng ông bà giữ gìn cẩn thận, lâu lâu lại được lật ra đọc lại như để hoài niệm.

Hai vợ chồng ông Huy, bà Ngẫu lúc đó đều đang đảm nhiệm những công việc quan trọng. Bà là tiểu đội trưởng thống kê quân lực thuộc Cục Hậu cần K200 Quân khu Trị Thiên - Huế, còn ông là trung đội trưởng vô tuyến K200 Cục Hậu cần Quân khu Trị Thiên - Huế.

Chính vì vậy, trong những trận chiến khốc liệt, dưới làn đạn của quân thù, điều đầu tiên họ luôn nghĩ đến không phải là tình yêu bản thân, mà phải làm sao chiến đấu, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Với họ, tình yêu Tổ quốc cao hơn tất thảy, họ đã gạt bỏ tình riêng, gác lại những năm tháng của tuổi xuân tươi đẹp để làm tròn trách nhiệm của người lính.

Ông Huy chân thành chia sẻ: “Tình yêu của chúng tôi thời đó là những khoảnh khắc đối đầu với bom rơi, đạn lạc, tình yêu phải đặt sau nhiệm vụ của Tổ quốc. Chiến đấu nơi chiến trường, chúng tôi chỉ có thể nghĩ về nhau, hay gửi những lời hỏi thăm những lúc dừng chân trên đường hành quân. Những lời động viên của người yêu là sức mạnh giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ…”.

 Sau Hiệp định Paris 1973, bà Ngẫu ra Bắc an dưỡng và sinh con tại Đoàn 70, Quân khu 4, tỉnh Hà Tĩnh. Riêng ông Huy vẫn tiếp tục ở lại tham gia chiến dịch giải phóng miền Nam. Ông cho biết, những ngày tháng đó địch liên tục thả bom đánh phá, cản đường. Một số  đồng chí trong đơn vị đã anh dũng hy sinh, sự hy sinh của đồng đội càng nung nấu ý chí, tiếp thêm sức mạnh để anh em trong đơn vị vượt qua gian nan, thử thách.

Lúc ấy, chính những lá thư tay và cuốn nhật ký là sợi dây liên lạc duy nhất để ông gửi gắm yêu thương về hậu phương. Mỗi bức thư người lính Nguyễn Hữu Huy gửi về cho vợ là một nỗi niềm thương nhớ dạt dào, một khát vọng hòa bình và niềm tin mãnh liệt về ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Đó sẽ là lúc vợ chồng ông cũng như bao đôi vợ chồng phải xa cách bởi chiến tranh sẽ được đoàn tụ, sum vầy. Nhưng vào thời điểm chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất Tổ quốc, thì ông bị thương nặng phải đưa về tuyến sau để chữa trị…

Gác lại ký ức của một thời bom đạn, trở về quê hương ông Huy là thương binh 1/4, bị chất độc da cam và mang nhiều thứ bệnh bởi hơn 10 năm tham gia chiến đấu ở các chiến trường ác liệt. Tuy nhiên, niềm vui trọn vẹn đến với gia đình ông bà khi 3 đứa con đều khỏe mạnh, có gia đình riêng và công việc ổn định.

Điều đáng nói, không chỉ chống chọi với bệnh tật, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vợ chồng ông bà vẫn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Sau thời gian công tác tại ngành bưu điện tỉnh và về hưu, ông Huy vẫn  luôn là tấm gương sáng trong công việc cũng như trong cuộc sống để anh em, bạn bè, con cháu noi theo.

Riêng bà Ngẫu được bố trí chuyển ngành về cơ quan Ngân hàng trung tâm Quảng Bình và kiêm nhiệm các chức vụ chủ chốt nhiều năm liền của ngành ngân hàng. Đến nay, khi về hưu bà vẫn tích cực tham gia hoạt động ở tổ dân phố, như: tổ trưởng tổ dân phố, cấp ủy chi bộ tổ dân phố, cộng tác viên dân số… và hiện là Bí thư Đảng bộ bộ phận tổ dân phố Đồng Hải, phường Hải Đình. Dù ở cương vị nào bà cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Sau nhiều năm phục vụ trong quân đội và chuyển ngành về địa phương với nhiều chiến công và thành tích, ông bà Nguyễn Hữu Huy và Nguyễn Thị Ngẫu đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Huy chương Chiến sỹ giải phóng, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Thanh niên Quyết thắng…

Trải qua 43 năm, những lá thư, nhật ký được viết từ chiến dịch giải phóng miền Nam giai đoạn 1972-1975 của ông Nguyễn Hữu Huy và bà Nguyễn Thị Ngẫu dành cho nhau vẫn còn nguyên vẹn và nét chữ rất rõ ràng. Đó là kỷ vật tình yêu vô giá được vợ chồng ông giữ gìn cẩn thận, lâu lâu lại được lật ra đọc lại như để hoài niệm và khắc sâu tình cảm về những năm tháng không thể nào quên trong cuộc đời.

Đặc biệt, những kỷ niệm vào sinh ra tử cùng đồng đội cũng như những trận đánh ác liệt vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của hai người - luôn thôi thúc ông bà giữ vững truyền thống, bản chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Thùy Lâm

 


 

,
  • Người viết tiếp bài ca thống nhất

    (QBĐT) - Trưa 30-4-1975, ông cùng các đoàn quân hừng hực khí thế tiến thẳng vào Dinh Độc Lập, bắt sống Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh, giải phóng Sài Gòn. Khi đất nước thống nhất, non sống nối liền một dải, ông trở về quê hương cùng các xã viên viết tiếp bài ca thống nhất bằng việc chèo lái Hợp tác xã (HTX) Thưọng Phong đi lên, góp phần vào việc phát triển kinh tế của địa phương.

    30/04/2018
    .
  • Âm vang Cự Nẫm

    (QBĐT) - Trần Hải Sâm, một cộng tác viên của Báo Quảng Bình tặng tôi tập trường ca của anh có tên "Âm vang Cự Nẫm".

    30/04/2018
    .
  • Ký ức ngày toàn thắng

    (QBĐT) - Đại tá Trương Quang Siều (71 tuổi, quê ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) là một trong những người lính có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 lịch sử. Ngày ấy, ông mới 25 tuổi nhưng đã là một Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 anh hùng) chỉ huy một đoàn quân trong đội hình binh đoàn thọc sâu tiến vào Sài Gòn…

    30/04/2018
    .
  • Chiến sỹ đặc công giữa đời thường

    (QBĐT) - Chúng tôi về thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch)  gặp Anh hùng LLVTND Trịnh Xuân Bảng, người chiến sỹ đặc công từng nổi tiếng với những trận đánh oai hùng.  Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi ba năm ,nhưng kỷ niệm về một thời hào hùng ấy vẫn sống mãi  trong ký ức của ông và đồng đội.

    30/04/2018
    .
  • Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng

    (QBĐT) - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) là nơi sơ tán các cơ quan, xí nghiệp và hậu cứ tập kết của nhiều đơn vị, binh chủng trước khi vào chiến trường.

    30/04/2018
    .
  • Ba Đồn, những ngày tháng tư...

    (QBĐT) - Toạ lạc bên bờ Bắc sông Gianh, phường Ba Đồn (trước kia là thị trấn Ba Đồn, thuộc huyện Quảng Trạch), thị xã Ba Đồn, không chỉ lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống quý giá, mà còn là miền quê cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

    30/04/2018
    .
  • "Áo mới" Quảng Châu

    (QBĐT) - Từ một vùng đất từng bị bom đạn chiến tranh cày xới hoang tàn, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực kiến thiết quê hương của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) nay đã khoác lên mình "tấm áo mới" ...

    29/04/2018
    .
  • Đình làng Lệ Sơn

    (QBĐT) - Đình làng Lệ Sơn nằm trên một khu đất bằng phẳng, thuộc thôn Trung Làng, ở vị trí trung tâm của xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đình làng là di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của làng Lệ Sơn xưa.

    21/04/2018
    .