.
Kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2018):

Âm vang Cự Nẫm

.
08:29, Thứ Hai, 30/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Trần Hải Sâm, một cộng tác viên của Báo Quảng Bình tặng tôi tập trường ca của anh có tên “Âm vang Cự Nẫm”. Một ngày của tháng tư, theo lời mời gọi của những “lời nhớ, lời thương” hồn hậu trong tập trường ca, tôi tìm về Cự Nẫm: “Làng hiền như mái rạ cây rơm/ Vách trát đất chống mùa gió chướng/ Bao thế hệ nhà quay về một hướng/ Đông- Nam/ Để luôn luôn nhìn rõ mặt trời lên/ Để luống cày thẳng về phía trước...”.

Đón tôi là Bí thư Đảng ủy xã Cự Nẫm Phan Công Kiệt với câu chuyện rất đỗi tự hào về làng Cự Nẫm xưa, xã Cự Nẫm bây giờ: “Cự Nẫm được thiên nhiên ưu ái dành tặng rất nhiều lợi thế, cảnh sắc làng quê tươi đẹp, trong lành.

Người Cự Nẫm dựng xây làng thành một địa chỉ đỏ, mảnh đất trung kiên, thủy chung, son sắt qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc… Thời kỳ đổi mới, Cự Nẫm ngày càng thay da thắm thịt nhờ các dịch vụ du lịch. Khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài ghé thăm Cự Nẫm, ở lại với Cự Nẫm rất nhiều ...”

Một gốc Cự Nẫm hôm nay.
Một gốc Cự Nẫm hôm nay.

Nhớ về một thời kỳ lịch sử hào hùng của làng Cự Nẫm xưa, ông Phan Công Kiệt cho biết: “Suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, Cự Nẫm trở thành cửa ngõ vào Nam, ra Bắc, là trạm giao liên - điểm dừng chân cuối cùng của bộ đội trước khi vào chiến trường. Lúc bấy giờ, nơi đây được gọi là “làng một đêm”, bởi từ năm 1969 đến năm 1973, bộ đội trên đường hành quân đều dừng chân ở đây một đêm trước khi vào trận.

Thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi, cung cấp thêm nhu yếu phẩm”… Trường ca “Âm vang Cự Nẫm” tự hào về “làng một đêm”: “Rộng mở/ Vô cùng/ Lính đến, lính đi/ Gọi làng một đêm của lính/ Qua đường vậy thôi nhưng ấm áp hồn nhiên mô, tê, răng, rứa/ Cho một đêm bình yên/ Được ở/ Trái tim/ Luôn neo giữ/ Một tên làng/ Làng các mạ, các o”...

Qua hai cuộc chiến tranh, Cự Nẫm là một trong những địa phương của huyện Bố Trạch thuộc vùng "cán xoong" hứng chịu bom đạn dày đặc nhất, ác liệt nhất bất kể ngày hay đêm. Kẻ thù biết rõ Cự Nẫm có vị trí chiến lược rất quan trọng, nằm trên các trục đường giao thông vận tải gồm đường sắt, đường bộ, đường sông, thông thương từ miền xuôi lên miền ngược.

Cự Nẫm lại lắm gò đồi, bến bãi và giáp rừng tạo ra những điểm tập kết, dự trữ quân lương, khí tài quân sự, hậu cần, nơi Binh trạm 14 và CT6 đưa đón thương binh từ miền Nam ra Bắc. Trong suốt 8 năm chiến tranh phá hoại, đế quốc Mỹ đã huy động 2.594 lượt máy bay các loại đánh phá Cự Nẫm. Chúng đã thả xuống mảnh đất chưa đầy 10 km2 này 55.497 quả bom. B52 rải thảm 12.600 tấn bom, trong đó có 270 tấn bom thả xuống vùng dân cư thôn Khương Sơn, san bằng 3 đội sản xuất.

Tính bình quân, mỗi người dân Cự Nẫm lúc bấy giờ phải hứng chịu 16 quả bom. Toàn xã có 268 người chết, 221 người bị thương, 2 gia đình không còn người sống sót, 9 gia đình cả bố và mẹ đều bị bom sát hại, để lại 27 đứa trẻ mồ côi. Về tài sản, 3 đội sản xuất bị san bằng, 658 ngôi nhà bị hư hỏng, 8 nhà kho, 4 trường học bị đánh sập và rất nhiều gia súc gia cầm bị chết, 30 ha đất bị bom đạn cày xới không thể sản xuất được... Người dân rơi vào cảnh cơ cực "màn trời chiếu đất".

Trước những đau thương mất mát, người dân Cự Nẫm càng sát cánh cùng nhau "sẻ cơm, nhường áo", vượt lên mọi khó khăn, tiếp tục bám ruộng đồng sản xuất vừa có cái ăn vừa có lương thực gửi ra tiền tuyến. Mọi ý chí phục hồi sau chiến tranh đã được Đảng bộ và nhân dân Cự Nẫm xác định rõ và quyết tâm thực hiện. Thành tích "sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi" của Cự Nẫm trong chiến tranh được cả nước vinh danh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm vui chuyện: “Ngày nay, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Cự Nẫm đồng lòng, đồng sức vượt lên những khó khăn chung, tiếp tục có những bước tiến vượt bậc trong phát triển kinh tế- xã hội và xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc tập trung chỉ đạo sản xuất sát với điều kiện tình hình thực tế địa phương, chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Cự Nẫm còn chú trọng phát huy lợi thế, tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân, làm thay đổi diện mạo làng quê dựa vào các dịch vụ du lịch cộng đồng”.   

Đến nay, Cự Nẫm và những vùng lân cận đã có hàng chục hộ dân đầu tư mở khách sạn, nhà hàng và dịch vụ homestay phục vụ khách du lịch. Cơ sở du lịch Phong Nha Farmstay của vợ chồng chị Lê Thị Bích và anh Benjamin Joseph Mitchell (kỹ sư xây dựng đến từ Úc) ở thôn Hòa Sơn là điểm đến lý tưởng của nhiều du khách quốc tế.

"Bến quê" Hà Môn thu hút khách du lịch đến với Cự Nẫm.

Nằm nép mình bên sông Son, thôn Hà Môn, Hòa Sơn và Nguyên Sơn có những cách làm riêng nhằm thu hút khách du lịch. Từng ngôi nhà bình dị quanh làng được trang trí bởi những chiếc đèn lồng tạo thành điểm nhấn khác lạ thu hút khách tham quan đến lưu trú, thăm làng.

Nắm bắt được nhu cầu khách du lịch, vợ chồng chị Trần Thị Lệ và anh Bùi Văn Đoan, ở thôn Hà Môn còn đầu tư xây dựng "bến quê", phục vụ các dịch vụ ăn uống và tắm sông. Chị Lệ và anh Đoan vốn làm nông. Để tranh thủ kiếm thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, ban đầu anh chị đã đầu tư khoảng 60 triệu đồng làm một mái nhà chờ và một bến tắm phục vụ khách vừa nghỉ ngơi ăn uống, vừa bơi phao trên sông. Tại đây, du khách sẽ thỏa thích thưởng thức các sản vật tự nhiên nuôi sẵn trong vườn nhà, như: gà nướng, cá chiên; ngắm dòng Son hiền hòa bên bồi bên lở và du dương với làn gió mát rượi...

Chị Lệ cho biết, ngoài việc thu nhập tăng thêm từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng, anh chị còn cảm thấy được thư giãn bởi không gian mát mẻ do mình tạo ra, làm cho ngôi nhà thêm xanh, thêm đẹp và góp phần làm đẹp cả làng quê yên ả thanh bình...

Toàn xã Cự Nẫm còn có trên 20 địa điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, các cửa hàng đều có vị trí đẹp, thuận lợi và phục vụ những món ăn ngon, dân dã, đặc trưng của vùng quê nên thu hút khách đến ngày một đông hơn."Thu nhập của người dân Cự Nẫm nhờ đó đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng so với kế hoạch trên 114%.

Trên cơ sở 15 tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, Cự Nẫm đang phấn đấu xây dựng với quyết tâm đến năm 2019 sẽ về đích và giữ gìn chuẩn nông thôn mới trên quê hương anh hùng"- Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Hùng chia sẻ.

Hương Trà


                                                                 

                                                                                                      
 


 

,
  • Ký ức ngày toàn thắng

    (QBĐT) - Đại tá Trương Quang Siều (71 tuổi, quê ở xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa) là một trong những người lính có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975 lịch sử. Ngày ấy, ông mới 25 tuổi nhưng đã là một Tiểu đoàn trưởng (Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 anh hùng) chỉ huy một đoàn quân trong đội hình binh đoàn thọc sâu tiến vào Sài Gòn…

    30/04/2018
    .
  • Chiến sỹ đặc công giữa đời thường

    (QBĐT) - Chúng tôi về thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch)  gặp Anh hùng LLVTND Trịnh Xuân Bảng, người chiến sỹ đặc công từng nổi tiếng với những trận đánh oai hùng.  Chiến tranh đã lùi xa bốn mươi ba năm ,nhưng kỷ niệm về một thời hào hùng ấy vẫn sống mãi  trong ký ức của ông và đồng đội.

    30/04/2018
    .
  • Ba Đồn, những ngày tháng tư...

    (QBĐT) - Toạ lạc bên bờ Bắc sông Gianh, phường Ba Đồn (trước kia là thị trấn Ba Đồn, thuộc huyện Quảng Trạch), thị xã Ba Đồn, không chỉ lưu giữ nhiều nét văn hoá truyền thống quý giá, mà còn là miền quê cách mạng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

    30/04/2018
    .
  • Tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng

    (QBĐT) - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xã Tiến Hóa (huyện Tuyên Hóa) là nơi sơ tán các cơ quan, xí nghiệp và hậu cứ tập kết của nhiều đơn vị, binh chủng trước khi vào chiến trường.

    30/04/2018
    .
  • "Áo mới" Quảng Châu

    (QBĐT) - Từ một vùng đất từng bị bom đạn chiến tranh cày xới hoang tàn, nhờ sự đoàn kết, nỗ lực kiến thiết quê hương của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, xã Quảng Châu (huyện Quảng Trạch) nay đã khoác lên mình "tấm áo mới" ...

    29/04/2018
    .
  • Trần Bình Ngũ, vị quan thanh liêm Triều Nguyễn

    (QBĐT) - Xuất thân là một thợ rèn bình dị tại làng quê nghèo Phan Xá thuộc tổng Khang Lộc, phủ Tân Bình (nay là xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), Trần Bình Ngũ còn có các tên gọi khác là Trần Bình Năm, Trần Bình Phủ hay Trần Trung Hầu.

    26/03/2018
    .
  • Đình làng Lệ Sơn

    (QBĐT) - Đình làng Lệ Sơn nằm trên một khu đất bằng phẳng, thuộc thôn Trung Làng, ở vị trí trung tâm của xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đình làng là di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc của làng Lệ Sơn xưa.

    21/04/2018
    .
  • Sẵn sàng cho Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội Rằm tháng Ba

    (QBĐT) - LTS: Tuần lễ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Hội Rằm tháng Ba huyện Minh Hóa năm 2018 diễn ra từ ngày 25 đến 30-4-2018 (tức từ ngày 10 đến 15-3 âm lịch) nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trên địa bàn...

    18/04/2018
    .