.

Giữ hương vị truyền thống quê hương

.
11:26, Thứ Hai, 19/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp về với các làng chài ven biển, nơi có nghề chế biến nước mắm truyền thống. Trải qua bao thăng trầm, người dân vẫn giữ được cái nghề đã gắn bó với họ từ bao đời nay. Bởi với họ, bám nghề không chỉ vì cuộc sống mưu sinh, mà còn là cách để gìn giữ nét văn hóa ẩm thực của quê hương, bảo tồn tổ nghiệp của ông cha để truyền cho cháu con muôn đời…

Thăng trầm nghề làm nước mắm

Gắn bó với nghề làm nước mắm gần một đời người, bà Lê Thị Vinh, ở xã Đức Trạch (Bố Trạch) vẫn say mê với những chum, vại và từng con cá, hạt muối. Bà trải lòng: “Tôi làm nghề chế biến nước mắm khi mười tám tuổi.

Nước mắm Bà Vinh thu hút khách hàng chọn mua bởi bảo đảm “Nhất hương, nhì sắc, ba vị”.
Nước mắm Bà Vinh thu hút khách hàng chọn mua bởi bảo đảm “Nhất hương, nhì sắc, ba vị”.

Nghề này tưởng chừng đơn giản nhưng rất nhọc công, đòi hỏi nhiều kỹ năng, kỹ thuật và cả sự khéo léo, cẩn thận. Gọi là nghề sản xuất truyền thống nhưng thực ra không được chủ quan mà phải thật công phu, phải tính toán tỉ mỉ từng khâu, từ chọn lựa nguyên liệu cá, cách đảo nước bối, xử lý độ mặn, kéo rút sao cho đạt chất lượng cao nhất...”.

Đi về nhiều làng biển mới thấy rằng, cùng làm nghề nước mắm truyền thống nhưng mỗi địa phương, mỗi một hộ gia đình lại có kỹ thuật chế biến khác nhau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là so với các nghề truyền thống khác thì chế biến nước mắm được xếp vào loại khó làm và tốn nhiều công sức, tỉ mỉ, cẩn trọng nhất, đòi hỏi phải có sự “tinh nhạy nghề nghiệp” nhất định.

“Để làm ra sản phẩm thơm ngon đúng vị phải qua rất nhiều công đoạn, tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn chọn nguyên liệu và quy cách chế biến; đồng thời cần khéo léo và sạch sẽ nhằm bảo đảm vệ sinh cho sản phẩm.

Giữa muôn vàn loại nước mắm trên thị trường, những giọt nước mắm chế biến theo phương pháp thủ công của các làng nghề truyền thống trên địa bàn Quảng Bình vẫn giữ được vị thế riêng trong lòng người tiêu dùng.

Đáng kể, với nguyên liệu muối nên chọn muối hạt khô, chắc và mua về cất kho chừng 4-5 tháng cho bốc hơi hết tạp chất rồi hãy lấy ra dùng. Ngoài việc chọn từng con cá, hạt muối, điều quan trọng nữa là phải chượp đủ 15 tháng...”, bà Phạm Thị Nì, chủ cơ sở nước mắm Khánh Cường, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) chia sẻ bí quyết.

Sau sự cố môi trường biển xảy ra năm 2016, nghề làm nước mắm trải qua một phen lao đao và sa sút bởi người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm. Nhưng vào những ngày cuối năm này, không khí ở các cở sở chế biến đã rộn ràng trở lại.

Chị Đào Thị Tám, ở thôn Đông Dương, xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) đang chuẩn bị nước mắm đóng chai theo các loại, dung tích phấn khởi cho biết: “Đến thời điểm này, nhiều người dân đã tin dùng trở lại sản phẩm nước mắm Quảng Bình. Khách hàng không chỉ ở trong tỉnh mà ở các tỉnh lân cận và các tỉnh thành ở phía Bắc đặt hàng ngày mỗi nhiều hơn. Không gì hạnh phúc hơn khi những sản phẩm truyền thống của quê hương lại được mọi người đón nhận, yêu thích...”.

Với những người làm nước mắm truyền thống, dù lợi nhuận không cao, dù cuộc sống hiện đại với công nghệ làm nước mắm công nghiệp ra đời lấn át nghề làm nước mắm thủ công truyền thống, dù có những biến động của hoàn cảnh, môi trường khách quan nhưng họ vẫn tha thiết với nghề, vẫn lưu giữ và truyền lại nghề cho con cháu. 

Gắn nghề chế biến nước mắm vào cung đường du lịch

Trong xu thế hội nhập, phát triển du lịch tại các điểm làm nghề truyền thống là con đường hữu hiệu để giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm địa phương.
Một trong những nét nổi bật trong phát triển du lịch các điểm làm nghề truyền thống chính là vừa thu hút được khách du lịch đến với địa phương để tìm hiểu về nét văn hóa độc đáo, vừa giúp tiêu thụ những sản phẩm của nghề, giúp các hộ dân sống với nghề thủ công truyền thống.

Cơ sở chế biến nước mắm Khánh Cường (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) vẫn nỗ lực khẳng định thương hiệu đã có 25 năm nay.
Cơ sở chế biến nước mắm Khánh Cường (xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới) vẫn nỗ lực khẳng định thương hiệu đã có 25 năm nay.

Tỉnh ta hiện có rất nhiều làng nghề chế biến nước mắm truyền thống, chủ yếu theo hình thức hộ gia đình và tập trung ở các địa phương ven biển, như: Đức Trạch, Nhân Trạch (Bố Trạch), Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Xuân (Quảng Trạch), Bảo Ninh, Quang Phú (TP. Đồng Hới), Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung (Lệ Thủy)...

Hầu hết, các làng biển này đều có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển du lịch như bãi biển đẹp, đồi dương kéo dài tít tắp, khu ẩm thực, làng nghề truyền thống... Chính vì lẽ đó, du khách sẽ rất thú vị nếu dành thời gian để tận mắt chứng kiến những bể mắm, được quan sát, được nghe giới thiệu về quy trình làm nước mắm và đương nhiên là sẽ nếm “tận gốc” hương vị ngon tuyệt của nước mắm truyền thống tại những xưởng sản xuất nước mắm có tiếng, như: Bà Vinh, Khánh Cường, Nhân Nam, Ngư Thủy...

Sau mỗi chuyến ghé thăm những làng biển trên đất Quảng Bình, khách du lịch còn có thể lựa chọn mang về những chai nước mắm sóng sánh, thơm nức để làm quà cho bạn bè, người thân.

Tiềm năng sẵn có, nhưng để khai thác tốt lợi thế các điểm làm nghề chế biến nước mắm trong phát triển du lịch của tỉnh, theo các nhà làm du lịch, cần tăng cường hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm chế biến nước mắm song song với quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống. Vấn đề quan trọng hơn là nâng cao khả năng “làm du lịch” của người dân để khai thác tốt tiềm năng du lịch ở địa phương.

Cùng với đó, quá trình thiết kế tour - tuyến phải khéo léo kết nối các khu- điểm du lịch với các điểm chế biến nước mắm để “níu chân” du khách. Với hướng đi triển vọng này, đây là điều kiện thuận lợi để gắn kết các cở sở chế biến nước mắm trở thành các điểm du lịch và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nước mắm.

Thùy Lâm





 

,