.

Danh sỹ Huỳnh Côn một đời tài trí

.
09:59, Chủ Nhật, 25/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Những ngày cuối năm, bên bàn thờ tiên tổ nghi ngút khói hương, gia tộc họ Hoàng xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) lại tề tựu bên nhau. Với dòng tộc nơi làng biển này, ông là niềm tự hào truyền đời, là tấm gương của tài trí, đỗ đạt để đời đời con cháu noi theo. Ông là danh sỹ Huỳnh Côn (1850 – 1925).

Trong câu chuyện của mình, ông Hoàng Trọng Thích, trưởng họ Hoàng Bảo Ninh tự hào kể rằng, dòng tộc họ Hoàng hình thành ở Bảo Ninh từ thế kỷ XVI. Sinh cơ lập nghiệp từ đó đến nay đã được 15 đời. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, cùng tựa nhờ vào cát, gắn bó với biển để sinh sống và phát triển.

Lật giở từng trang gia phả đượm màu xưa cũ, ông bảo, dòng họ cũng có những hiền nhân, nhiều người đỗ đạt để những khi nhắc đến, con cháu đời sau đều cảm thấy tự hào. Đặc biệt, ở đời thứ 7 có ông Huỳnh Côn, vốn là một quan triều đình nhà Nguyễn.

Theo gia phả chép lại, ông Huỳnh Côn sinh ngày 20-2-1850 tại thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh. Ông đậu Phó bảng năm 1877 và làm quan tại triều Nguyễn tới chức Thượng thư của hai Bộ: Bộ Lễ và Bộ Học. Ông cũng giữ chức Phụ chánh Thân Thần dạy học cho vua Duy Tân.

Danh sỹ Huỳnh Côn (thứ 3, từ phải qua).
Danh sỹ Huỳnh Côn (thứ 3, từ phải qua).

Ở cương vị nào, ông cũng tỏ rõ năng lực đảm đương công việc, rất thanh liêm và cương trực. Làm Thượng thư bộ Hộ, ông là người lập ra dự toán ngân sách cho Nam Triều, quy định và giữ giá tiền đồng với bạc thật của Ngân hàng chính phủ Pháp bảo hộ, đề xuất tăng lương cho quan lại Nam Triều.

Khi làm Thượng thư bộ Lễ nhưng rất giỏi về giáo dục, nên triều đình cử ông ra Hà Nội tham gia cải cách giáo dục cho cả nước, lập thêm Bộ Học (tức là Bộ Giáo dục) cho Nam Triều. Ông về hưu năm 1916, sau thất bại của khởi nghĩa Duy Tân.

Trong cuốn hồi ký của ông Huỳnh Côn được gia tộc lưu giữ cho đến hôm nay, người danh sỹ ấy đã ghi chép lại chi tiết cuộc đời mình, cả những thăng giáng thời cuộc, những sấp ngửa đời người. Đó là những trang văn chân thực về cuộc đời của một con người tài trí từ những ngày ấu thơ đến lúc về hưu tại quê nhà.

Bài thơ ông viết khi kết thúc 40 năm tận trung với triều đình, có đoạn: “Tiền tài danh vọng chẳng đáng là bao/ Từ bốn mươi năm ta đã khiêm tốn làm tròn trách nhiệm”. Cuốn hồi ký đã tái hiện lại những biến động của đất nước những năm đầu thế kỷ XX, cả những suy tư, trăn trở của ông trong suốt quãng thời gian gần nửa thế kỷ làm quan nhà Nguyễn.

Ông Thích cho hay, vị tiền nhân của ông là một vị quan có tấm lòng yêu nước nồng nàn, đồng thời là một danh sỹ văn hóa nổi tiếng của miền Trung. Về sự nghiệp văn chương, ông để lại rất nhiều câu đối, một tập thơ Nôm tên “Hà Nguyên Thi Khảo” và nhiều bài thơ đăng trên báo Nam Phong từ năm 1914 đến 1925. Khi còn làm Phụ chánh, ông đã soạn thảo tập “Chiêm Thành Khảo” dùng làm giáo trình giảng văn sách cho vua Duy Tân.

Ông đã dày công sưu tầm danh sách khoa bảng của tỉnh để biên soạn thành bộ “Quảng Bình đăng khoa lục”. Từ khi hưu trí, ngoài việc làm thuốc chữa bệnh giúp đời, viết sách, câu đối lưu truyền trong dân gian, ông còn mở trường dạy chữ Hán cho những người ưa chuộng Hán học. Ông cũng rất quan tâm đến việc dạy học chữ Quốc ngữ cho dân.

Ông Huỳnh Côn mất ngày 31-1-1925, trong cảnh đời vô cùng thanh bạch. Ông được nhà vua truy tặng “Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá Đại học sỹ”. Với nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của danh sỹ Huỳnh Côn, tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái khẳng định: Danh sỹ Huỳnh Côn là người trung thực và thanh liêm ít người có.

Khi ở trên đỉnh cao quyền lực, ông luôn dặn dò quan trấn nhậm địa phương không được để dân làng ông (Trung Bính) lợi dụng danh nghĩa của ông mà làm sai phép nước. Dù là ai cũng phải chiếu theo pháp luật mà xử, luật bất vị thân. Ông răn dạy rằng, con mà cậy thế cha là đồ bất hiếu, cháu mà cậy thế ông là đồ bất nghĩa, người quen thân mà cậy thế nhau là đồ bất kính.

Ông Hoàng Trọng Thích giới thiệu bản dịch từ hồi ký của cụ Huỳnh Côn.
Ông Hoàng Trọng Thích giới thiệu bản dịch từ hồi ký của cụ Huỳnh Côn.

Dòng họ Hoàng Bảo Ninh tự hào bởi có bậc tiền nhân thanh liêm, đỗ đạt và càng tự hào hơn khi tài đức của ông đã trở thành di sản quý giá để con cháu đời sau học hỏi và noi gương.

Theo gia phả dòng họ, con trai ông là Hoàng Châu Tích, đậu cử nhân, làm Biên tu Quốc sử quán, nổi tiếng về thơ Nôm; Hoàng Khắc Thẩm, nguyên giữ chức Tri huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã hết lòng bảo vệ các tổ chức Việt Minh ở địa phương, sau Cách mạng Tháng Tám 1945 được mời về Quảng Bình phụ trách xây dựng ngành Tư pháp; ông Huỳnh Kham là vị bác sỹ y khoa đầu tiên ở vùng Đồng Hới, nguyên trưởng khoa da liễu Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, được tặng danh hiệu “Thầy thuốc ưu tú”.

Cháu nội của ông là Giáo sư Hoàng Tuệ, nguyên Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và Giáo sư Hoàng Thiếu Sơn, Nhà giáo Nhân dân. Chắt đích tôn của ông là nhà văn Bảo Ninh (tên thật là Hoàng Ấu Phương) nổi tiếng với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh.

Tại trung tâm thành phố Đồng Hới và thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, vẫn có con đường mang tên người quan thanh liêm quê làng biển Trung Bính này. Cũng theo chia sẻ của ông trưởng tộc họ Hoàng Bảo Ninh, lăng mộ của danh sỹ Huỳnh Côn được gia tộc tìm thấy vào đầu những năm 80 thế kỷ trước.

“Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ quê gốc ở Trung Bính, Bảo Ninh nhưng lăng mộ của cụ lại được đặt ở vùng Lệ Kỳ (Vĩnh Ninh, Quảng Ninh) là bởi khi ông mất, nhà vua đã cho thầy địa lý đi tìm mảnh đất có địa thế cao, đẹp, phong thủy tốt. Xung quanh khu vực lăng mộ cụ cũng đã được khai khẩn, di dời dân đến đây để sinh sống và tiện chăm sóc khu mộ chí”, ông Thích cho biết thêm.

Theo chân hậu duệ của vị danh sỹ đáng kính, chúng tôi đến thăm khu lăng mộ của ông tại làng Lệ Kỳ, xã Vĩnh Ninh. Ngôi mộ rêu phong nằm ngay sát đường Hồ Chí Minh mà theo ông Thích, đã được gia tộc tu sửa lại gần 20 năm nay.

Thế nhưng, điều đáng nói là qua thời gian và sự tàn phá của thời tiết khắc nghiệt, khu lăng mộ hiện đã xuống cấp. Cùng với đó, khu mộ hiện nằm trong khuôn viên của một công trình kinh doanh đang được xây dựng. Quá trình cải tạo, nâng cấp khu đất đã dẫn đến tình trạng mặt nền của khu lăng mộ bị sụt xuống thấp hơn nhiều so với nền đất hiện tại, dẫn đến nguy cơ hư hỏng cao.

Với những công lao đóng góp của danh sỹ Huỳnh Côn với lịch sử, với quê hương, cùng những di sản mà ông đã để lại cho bậc hậu thế, ông Thích cho hay, điều mong mỏi lớn nhất của con cháu họ Hoàng Bảo Ninh hôm nay là khu lăng mộ của ông sẽ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. “Đó là nỗi niềm tha thiết nhất của tất cả con cháu họ Hoàng chúng tôi, bởi đó cũng là cách để ghi nhận xứng đáng cho những đóng góp của cụ với quê hương, với đất nước”, ông Thích khẳng định.

Ở bất kỳ thời đại nào, mảnh đất nào, giá trị mà các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế đều quý giá, thiêng liêng. Phát huy những giá trị ấy cũng là cách để bao thế hệ hậu sinh tưởng nhớ quá khứ, sống tốt cho hiện tại và góp sức xây dựng tương lai.

D.Hương-T.Tuấn




 

,