.

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 8: Đất học Kim Nại

.
09:18, Thứ Năm, 08/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nằm giữa cánh đồng thẳng cánh cò bay, xa xa là dãy núi Trường Sơn nhấp nhô uốn lượn, làng Kim Nại (xã An Ninh, Quảng Ninh) có địa thế của một làng quê văn vật. Đất Kim Nại phì nhiêu, màu mỡ để người Kim Nại bao đời thủy chung cùng cây lúa và gắn bó với sự học như một lối thoát tốt đẹp cho cuộc mưu sinh. Có lẽ vậy nên ở vùng quê có cái thế đất từ ngàn xưa được ví là “tam long quy phục” này có truyền thống hiếu học, khoa bảng nổi tiếng.

>> Bài 7: "Cổ Hiền sông núi quyện trời mây" (*)

>> Bài 6: "Ai về Võ Xá thì về..."

>> Bài 5: Văn La, đậm đà bản sắc làng Việt

>> Bài 4: Thổ Ngọa nếp đất, hương quê

>> Bài 3: "Quê tôi đứng nơi đầu sóng gió..."

>> Bài 2: La Hà-Làng văn hóa khoa bảng

>> Bài 1: Lệ Sơn-Làng theo đạo học!

Đất học

Với nhiều năm nghiên cứu về truyền thống của làng Kim Nại, nhà nghiên cứu Nguyễn Viết Mạch khẳng định: Tuy không có người đỗ đại khoa song Kim Nại vẫn được ca ngợi là một làng hiếu học. Bằng chứng là con em Kim Nại học hành chăm chỉ và dân làng rất chăm lo việc học hành của con cháu.

Sắc phong của vua Khải Định ban cho vị khai canh làng Kim Nại Trần Công Phơi .
Sắc phong của vua Khải Định ban cho vị khai canh làng Kim Nại Trần Công Phơi .

Chuyện xưa kể lại làng Kim Nại xưa có ông Cố và ông Ngài là người họ Trần được coi là hai vị tiền hiền, tiền bối thắp sáng ngọn đuốc hiếu học cho dân làng. Thời điểm ấy, dân làng Kim Nại có vài người lều chõng đi thi nhưng không ai đỗ đạt.

Hai ông họ Trần băn khoăn mãi: Có phải vì làng chưa có đền thờ ông Khổng Tử hay không? Vậy là ý định mở đền Văn Thánh thờ Khổng Tử xuất phát từ ấy. Sau khi xây đền vẫn chưa thấy người đỗ đạt, dân làng tiếp tục chuyển địa điểm tìm nơi có vượng khí.

“Do đó Văn Thánh của Kim Nại từ Lòi Thụng chuyển tới Ngọc Khánh rồi tới Nương Son. Sau ba năm thì ông nghè họ Phan và ông nghè họ Lê thi đỗ cử nhân vào đời vua Tự Đức năm thứ 26”, ông Mạch khẳng định.

Từ xưa, đất Kim Nại nổi tiếng với truyền thống hiếu học, trong đó, có sự đóng góp của những ông thầy đồ và những lớp học chữ Hán. Người làng Kim Nại truyền tụng nhau về câu chuyện của ông thầy đồ Lê Công Quế, đời vua Lê Anh Tông (1556-1573). Ban đầu, người đàn ông thông tuệ chữ Hán ấy mở lớp dạy chữ Nho cho con cháu ruột.

Về sau, ông mở rộng ra dạy chữ cho con cháu trong họ tộc, làng xã, tạo ra một lớp nho sỹ người làng Kim Nại. Nhờ cần cù chịu khó dạy dỗ và học tập, không lâu sau trên bảng vàng Hương khoa của nhà Nguyễn, làng Kim Nại lần lượt xuất hiện tên tuổi của 3 cử nhân.

Ông Lê Công Bảng đỗ cử nhân khoa Tân Dậu năm Tự Đức thứ 14 (1861) lúc đầu làm giáo thụ được ca tụng là một thầy giáo có đức có tài; sau thăng đến chức Tổng đốc. Ông Lê Công Đàn đỗ cử nhân khoa Quý Dậu năm Tự Đức thứ 26 (1873). Ông Lê Nhiếp đỗ cử nhân làm quan tới Tổng đốc, sau thăng lên Thượng thư bộ Lễ - hàm Hiệp tá Đại học sĩ.

Cái tên Kim Nại ra đời lúc nào cũng không ai nhớ rõ. Các bậc bô lão ở đây kể lại rằng trong một lần Lê Quý Đôn đi qua vùng đất này, thấy hình thế tự nhiên tươi đẹp và trù phú nên gọi là “Âu Vàng”, đời sau phiên âm ra là Kim Nại.

Sách Ô Châu Cận Lục của Tiến sĩ Dương Văn An viết năm Ất Mão 1555 ở mục đồ bản thì Kim Nại có tên là Đỉnh Nại, tức là Đỉnh Vàng.

Truyền thống hiếu học như ngọn lửa ấm được người Kim Nại truyền từ đời nay sang đời khác, thắp lên những ước vọng được thoát nghèo bằng con chữ.

Nhiều gia đình Kim Nại đã vượt qua khó nghèo để quyết tâm cho con học chữ, lớn lên làm cách mạng. Vậy là dù chiến tranh li tán hay khi đói khổ, người Kim Nại vẫn một lòng thủy chung với sự học. Nhiều gia đình Kim Nại có 3, 4 đời con cháu đều thành đạt.

Như gia đình của cụ ông Trần Công Sài có 6 người con, ai ai cũng đều biết vượt qua cái khó, cái nghèo để học hành, đỗ đạt. Con trai trưởng của cụ là bác sỹ, thầy thuốc ưu tú Trần Công Dũng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Bình.

Con trai thứ ba là đồng chí Trần Công Thuật, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.Cụ Sài kể lại rằng, ngày xưa để động viên con cháu học hành, người Kim Nại thường đọc câu ca dao: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy/ Con phải chăm học cho tày thế gian”. Và cái tinh thần ấy được những thế hệ như ông thắp lửa cho thế hệ con cháu, chắt của mình, tạo nên truyền thống tốt đẹp hàng trăm năm của một vùng đất.

Bao thế kỷ trôi qua, trên mảnh đất này đã sản sinh ra những danh nhân, anh hùng, hào kiệt, làm rạng danh cho mảnh đất Kim Nại văn vật. Giờ thì người Kim Nại cứ 10 người thì có 2 người có bằng cử nhân trở lên. Và cái tinh thần hiếu học sẽ mãi là ngọn lửa soi rọi, bền bỉ cháy để dẫn dắt người Kim Nại đi qua những khốn khó của cuộc sinh tồn.

Khu công mộ của làng Kim Nại

Ông Nguyễn Viết Mạch cho hay, nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về danh hương Kim Nại, điều khiến ông ấn tượng bởi truyền thống của làng quê này là đến hôm nay vẫn còn giữ khu công mộ đầy nghĩa tình. Ngoài những khu mộ, riêng của mỗi họ, mỗi phái, mỗi gia đình, ở Kim Nại còn có một khu mộ dành cho những người vô danh. Và người Kim Nại vẫn ngày ngày chăm sóc những mộ phần cô độc ấy như một nét đẹp văn hóa truyền đời.

Theo chân ông Trần Công Kỉnh, Trưởng thôn Kim Nại, chúng tôi ra viếng khu công mộ  đó là một khu nghĩa trang hình chữ nhật, diện tích khoảng 3.200m2. Trong bảng lảng khói hương và sương lạnh của một buổi sáng đầu đông se sắt, những ngôi mộ đất nằm san sát bên nhau như nương tựa, chở che cho nhau. Hơn 700 ngôi mộ được táng ở ba bậc cao thấp khác nhau theo thế đất. Mộ được táng có hàng, có lối ngang dọc thẳng tắp đều nhau.

Lễ cúng vào tiết Thanh Minh hàng năm ở khu công mộ làng Kim Nại.
Lễ cúng vào tiết Thanh Minh hàng năm ở khu công mộ làng Kim Nại.

Ông Kỉnh kể, đây là những ngôi mộ vô danh được dân làng táng về qua nhiều năm. Đó là những linh hồn vô thừa nhận, những người vô gia cư, những người tuyệt tự, cả những bộ hài cốt thu nhận được trong quá trình cải tạo, mở rộng đất. Những năm giặc Mỹ bắn phá, bom đạn ác liệt là thế nhưng khu công mộ vẫn không hề hấn gì, vẹn nguyên cho đến hôm nay. Qua nhiều bận, khu mộ đã được người làng Kim Nại đóng góp kinh phí để tu sửa, chỉnh trang.

Đến hôm nay, dẫu chẳng rõ chủ nhân của những ngôi mộ đã phủ màu thời gian ấy là ai, quê quán nơi đâu nhưng người Kim Nại vẫn chăm chút hương khói chu đáo, nhất là trong những dịp lễ, Tết. Hằng năm, vào tiết Thanh Minh, người làng Kim Nại lại tổ chức vệ sinh, tu bổ các ngôi mộ bị xói mòn đất mà không cần biết người nằm dưới mộ là ai, có là người thân thích?

Sau đó, họ làm lễ cúng chung bằng mâm xôi, gà, thủ lợn, hoa trái. Lễ cúng tế được tổ chức trang nghiêm bằng tất cả tấm lòng thành kính. Sau lễ cúng, không ai bảo ai, từng tốp người bắt đầu tản ra thắp hương trên những nấm mộ vô danh. Mùi khói hương nghi ngút vẫn đủ sức làm ấm lại cái không khí giá lạnh nơi chốn linh thiêng này.

Người Kim Nại vẫn có một niềm tin mãnh liệt rằng có thể trong số 700 ngôi mộ này chắc chắn có thủy tổ sáu họ khai canh và thủy tổ của những dòng họ khác. Nơi đây cũng là địa điểm để sau lễ cúng bái, người Kim Nại lại tụ họp, hàn huyên, cùng uống chén rượu để sẻ chia cùng nhau những buồn vui trong cuộc hành trình mưu sinh vất vả.  

Dẫu lễ cúng không phải là mâm cao, cỗ đầy nhưng thể hiện tấm lòng thành kính cho những người đã khuất. Bởi người Kim Nại tin rằng những nghĩa cử chân tình ấy sẽ là ngọn lửa sưởi ấm những linh hồn vô danh. Và hiếu kính với người đã khuất cũng là truyền lại cho con cháu bài học về sự sẻ chia, tình yêu thương với những số phận bất hạnh giữa cuộc đời này.

Diệu Hương



 

,