.

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 3: "Quê tôi đứng nơi đầu sóng gió..."

.
08:55, Thứ Năm, 01/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Mang hình dáng tựa như một con thuyền đang rẽ sóng ra khơi, Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch), ngôi làng trù phú và giàu có của châu Bố Chính xưa, giờ vẫn tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, chinh phục biển xa, mang về bao sản vật. Người Cảnh Dương không chỉ là những ngư phủ lão luyện trên sóng nước, đảm đang, tháo vát trong bán buôn, chế biến sản vật từ biển cả, mà Đảng bộ và nhân dân nơi đây luôn nỗ lực phát huy những truyền thống quý báu của quê hương để tiếng thơm của ngôi làng “Bát danh hương” tiếp tục bay xa...

Cảnh Dương ngày ấy...

Từ thời điểm những vị tiền nhân có nguồn gốc ở Nghệ An đặt bước chân đầu tiên lên “bán đảo” với ba bề sông nước và đặt tên ngôi làng mới khai khẩn là Cảnh Dương, đến nay Cảnh Dương đã đi qua chặng đường 375 năm. Qua bao thăng trầm, biến cố, tên gọi từ thuở lập làng vẫn được giữ mãi đến bây giờ, như một niềm tự hào, một lời nhắc nhủ về truyền thống quê hương.

Người dân lấy lửa đêm giao thừa.
Người dân lấy lửa đêm giao thừa.

Nhìn từ trên cao, ngôi làng nhỏ bé có diện tích vẻn vẹn chưa đầy 3km2 tựa như một bức tranh tươi vui, sống động. Phía bắc và phía đông được biển xanh dịu dàng ôm vào lòng, phía tây là một nhánh của sông Loan mềm mại chảy qua, cũng là đường phân chia ranh giới giữa Kẻ Xã (một tên gọi khác của Cảnh Dương) với Kẻ Phường (xã Quảng Tùng ngày nay) và phía nam là mênh mông cát trắng.

Dừa xanh, ngói đỏ, những con đường  quanh co uốn lượn, cửa biển tấp nập tàu thuyền neo đậu và rộn ràng chợ Hôm nằm cạnh sông Loan. Thiên nhiên tươi đẹp, cảnh quan trù phú, người dân sớm hôm đảm đang, chăm chỉ, Cảnh Dương từng là một trong những ngôi làng giàu có bậc nhất châu Bố Chính xưa.

Cư dân của làng sống dựa vào biển. Trai tráng giong buồm ra khơi đánh bắt tôm cá, phụ nữ ở nhà chăm lo bán buôn, nội trợ. Một bộ phận cư dân nhanh nhạy, tháo vát đã trở thành những ông, bà chủ chỉ huy những tàu lớn cập bến nhiều vùng miền trong cả nước, phát triển hoạt động bán buôn.

>> Bài 2: La Hà-Làng văn hóa khoa bảng

>> Bài 1: Lệ Sơn-Làng theo đạo học!

Không chỉ tung hoành ở những vùng đất mới, ngay trên dòng sông Loan, thuyền bè Cảnh Dương ngược sông mang những sản phẩm của biển xa lên các vùng lân cận và xuôi dòng trở về với đầy ắp lúa ngô khoai sắn. Nên dù là một ngôi làng nhỏ, không có đất canh tác, nhưng trong từng ngôi nhà ở đây, sự sung túc, đủ đầy vẫn luôn hiện diện bởi tư duy nhanh nhạy và sự chăm chỉ, cần cù, biết lo toan của người Cảnh Dương.

Không chỉ giỏi bán buôn, Cảnh Dương còn là vùng đất học khi có hơn 100 người đỗ đạt từ tú tài đến tiến sĩ. Trong số này có Phạm Chân (sinh năm 1804), ông đỗ cử nhân vào năm 1837 và đỗ tiến sĩ năm 1838. Tiến sĩ Phạm Chân không những được người Cảnh Dương và huyện Quảng Trạch trọng vọng về chức tiến sĩ khai khoa cho làng, cho huyện mà ông còn được nhân dân toàn tỉnh Quảng Bình quý trọng về việc mở màn khoa tiến sĩ ở Quảng Bình dưới triều nhà Nguyễn.

Ông được cử giữ chức Án Sát tỉnh Thanh Hóa, Án Sát tỉnh Lạng Sơn, có công dẹp bọn giặc phỉ phương Bắc. Khi giặc Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, Phạm Chân đã chiến đấu ngoan cường bảo vệ thành Biên Hòa - Gia Định. Khi thất thủ, không cam chịu rơi vào tay giặc, ông tuẫn tiết giữ tấm lòng trung, được triều đình nhà Nguyễn đưa vào thờ ở Trung Nghĩa đường. Nay ở Cảnh Dương, con cháu ông lập bia thờ ở vùng đất cao nhất, nơi gió và sóng biển ngày đêm vỗ về...

Sau Tiến sĩ Phạm Chân có Nguyễn Phùng Dực đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Dậu (1849). Nổi tiếng là người tài hoa, cụ Dực chuyên tâm cho ngành giáo dục, mở trường lớp dạy cho con em quê hương. Cảnh Dương cũng là một trong 3 địa phương trong tỉnh mở trường tiểu học vào những năm đầu thế kỷ 20. Tiếp nối truyền thống cha ông, từ đây, nhiều thế hệ người Cảnh Dương tiếp tục sự nghiệp học hành, đỗ đạt...

Gần 400 năm lịch sử, làng biển Cảnh Dương đang lưu giữ nhiều di sản và huyền thoại đẹp. Đó là quả chuông lớn mang tên “Cảnh viện hồng chung” (đúc vào đời vua Cảnh Thịnh 1801), 2 tấm bia đá khắc tên các vị khoa bảng của làng. Là hai bộ xương “cá ông, cá bà” khổng lồ được thờ tại Ngư linh miếu, ngày đêm chở che, hỗ trợ cho những ngư phủ của làng trên hành trình ra khơi vào lộng.

Là nghĩa địa cá voi độc đáo, nơi ghi dấu tấm lòng biết ơn của người dân với biển và những gì thuộc về biển cả. Là truyền thuyết đẹp về mắm Hàm Hương mà câu ca “Ăn mắm Hàm Hương, nhớ thương ông Cống” còn lưu truyền mãi đến bây giờ. Là những giai điệu hò chèo cạn, hát ru không lẫn với bất cứ vùng miền nào. Là lễ hội lấy lửa tại đình làng vào đêm 30 Tết luôn để lại ấn tượng đẹp và nỗi nhớ nhung cho tất cả những ai từng được tham gia.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, những con ngõ nhỏ đẹp như tranh trở thành chiếc bẫy đối với kẻ thù, để Cảnh Dương trở thành một biểu tượng kiên cường, bất khuất, mưu trí, dũng cảm của không chỉ Quảng Bình mà của cả nước. Và trong hai cuộc kháng chiến, hàng trăm người con Cảnh Dương đã lên đường chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Những trang sử vàng của ngôi làng biển ngày càng thêm rực rỡ, chói lọi...

... Và bây giờ

Vẫn khiêm nhường bên dòng sông Loan và biển xanh, cát trắng, làng biển Cảnh Dương giờ sầm uất, sôi động hơn. Đường về làng tựa như phố thị sôi động cảnh bán buôn. Nơi cửa biển tàu thuyền tấp nập vào ra. Nếu trong quá khứ, những thế hệ cha anh từng giong buồm đưa những chiếc thuyền chứa đầy sản vật đi khắp nơi để giao thương, thì nay, thế hệ con cháu Cảnh Dương cũng đang sở hữu những tàu cá trị giá hàng tỷ đồng, không chỉ vươn khơi bám biển làm giàu mà còn tham gia bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

Ông Cao Quý Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: Với đặc thù của xã biển, không có đất nông nghiệp, Cảnh Dương đã và đang đầu tư phát triển mạnh nghề khai thác hải sản, thương mại dịch vụ và sản xuất tiểu, thủ công nghiệp. Toàn xã hiện có 760 tàu cá, trong đó có 170 tàu công suất lớn, tham gia đánh bắt xa bờ. Năm 2017, ngư dân địa phương đã đóng mới 2 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ gỗ từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị định 67 của Chính phủ.

Năm 2017, sau những khó khăn do sự cố môi trường biển gây ra, đến nay, khai thác hải sản đã phục hồi ngoạn mục với 4.023 tấn, tăng 1.036 tấn so với cùng kỳ, đạt doanh thu 413 tỷ đồng, tăng 146 tỷ so với năm 2016. Thu nhập bình quân của lao động nghề biển đạt 7 triệu đồng/người/tháng, “Đây là mức thu nhập cao nhất từ trước đến nay, tăng gần 3 triệu đồng so với năm 2016. Ngư dân phấn khởi, kiên cường bám biển. Nguồn thu này cũng góp phần quan trọng vào việc nâng mức thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 28 triệu đồng/người/năm”, ông Hà cho biết thêm.

Cùng với nghề khai thác hải sản, hoạt động thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp đã tạo nên thế chân kiềng vững chãi trong phát triển kinh tế của địa phương. Kinh tế biển phục hồi ngoạn mục kéo theo sự tăng trưởng của thương mại và dịch vụ. 332,6 tỷ đồng là giá trị thương mại, dịch vụ năm 2017, tăng 80 tỷ đồng so với cùng kỳ.

Đất chật người đông, nhưng Cảnh Dương đã quy hoạch một khu làng nghề với diện tích 10ha. Tại đây hiện có 54 dự án đang hoạt động. Năm 2017, giá trị sản xuất tiểu, thủ công nghiệp đạt gần 47 tỷ đồng, tiếp tục khẳng định hiệu quả của việc quy hoạch làng nghề và đầu tư phát triển tiểu, thủ công nghiệp của địa phương.

Phác họa Làng bích họa Cảnh Dương.
Phác họa Làng bích họa Cảnh Dương.

Kinh tế tăng trưởng ổn định, người Cảnh Dương không ngừng chăm lo phát triển văn hóa - xã hội. Phát huy truyền thống của trường tiểu học Pháp Việt Roòn từ những năm đầu của thế kỷ 20, hệ thống trường học (mầm non, tiểu học, THCS) được đầu tư khang trang, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em địa phương.

Và những ngày đầu năm 2018, niềm vui lớn đang đến với người Cảnh Dương khi Sở Du lịch đang triển khai kế hoạch đầu tư phát triển du lịch tại đây, mà khởi đầu là dự án Làng bích họa. Dự án Làng bích họa sẽ biến những con ngõ nhỏ tuyệt đẹp của Cảnh Dương thành những bức tranh khổ lớn với những hình ảnh quen thuộc từng gắn bó với đời sống của người dân nơi đây.

“Là một vùng đất sở hữu nhiều giá trị văn hóa quý báu, dồi dào tiềm năng và tọa lạc ở vị trí phù hợp cho phát triển du lịch, Sở Du lịch đã và đang xây dựng đề án phát triển du lịch nhằm biến Cảnh Dương thành một điểm nhấn trong bản đồ du lịch Quảng Bình trong tương lai gần!”, ông Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch cho biết.

“Sông Loan núi Phượng hữu tình/Bia vàng, ấn ngọc anh linh chầu về”, câu ca dao xưa chứa đựng niềm tự hào của bao thế hệ người Cảnh Dương, nay tiếp tục được cháu con bồi đắp bằng những thành tựu mới. Và mỗi dịp xuân về hay ngày lễ hội, giai điệu bài hát Cảnh Dương ngày mới “Dẫu con đường còn xa ngái, nhưng nụ cười vẫn tươi trên môi em...”  lại vang lên như một lời khẳng định về quyết tâm và nghị lực vượt qua gian khó của người Cảnh Dương hôm nay trên hành trình mới...

Ngọc Mai

Bài 4: Thổ Ngọa, nếp đất, hương quê



 

,