.

Làng chiến đấu Lệ Sơn

.
14:18, Thứ Hai, 08/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Làng Lệ Sơn xưa, nay là xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa không chỉ rạng danh với truyền thống khoa bảng “Đệ nhất bát danh hương”, mà nơi đây còn nổi tiếng với phong trào rào làng chiến đấu để bảo vệ cửa ngõ chiến khu Tuyên Hóa trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

Vọng gác lèn Choi, ký họa của Phạm Văn Đôn.
Vọng gác lèn Choi, ký họa của Phạm Văn Đôn.

Làng Lệ Sơn có chiều dài gần 7km, nằm ở phía nam sông Gianh, phía đông của huyện Tuyên Hóa. Tựa lưng vào rặng núi đá vôi của dãy Trường Sơn sừng sững như bức trường thành với nhiều thung lũng kín, trước mặt có dòng sông Gianh án ngự, làng như chiếc võng giữa hai núi đá, ở đầu làng là lèn Đứt Chân nổi tiếng với động Chân Linh huyền thoại, núi đầu Voi ở cuối làng.

Làng được bao bọc bởi lũy tre xanh và nhiều cây cổ thụ. Với địa hình hiểm trở, làng Lệ Sơn có đủ điều kiện để xây dựng làng chiến đấu, triển khai trận địa du kích, ngăn chặn các cuộc tấn công càn quét của địch lên chiến khu Tuyên Hóa.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận và chính quyền Lệ Sơn đã tiến hành các công tác chuẩn bị cho kháng chiến. Các đội tự vệ, du kích ngày đêm tập luyện và sắm sửa vũ khí.

Cả tám xóm đều thành lập mỗi xóm một trung đội du kích. Trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, du kích và tự vệ của Lệ Sơn chỉ có các loại vũ khí thô sơ như đại đao, mã tấu, bon mìn, lựu đạn và súng kíp tự tạo. Chính quyền xã đã tăng cường huấn luyện dân quân du kích và thành lập, huấn luyện thêm một trung đội nữ du kích để băng bó cấp cứu thương binh, nhân dân.

Ngày 12-8-1947, Tỉnh ủy Quảng Bình đã triệu tập hội nghị ở chiến khu Thuận Đức, TP.Đồng Hới để đánh giá sự lãnh đạo của Tỉnh ủy cũng như của các ban, ngành, đoàn thể đối với phong trào kháng chiến trong toàn tỉnh.

Trước sự chống phá ngày càng quyết liệt của thực dân Pháp, hội nghị quyết định dời các các cơ quan lãnh đạo của tỉnh từ Thuận Đức ra chiến khu Tuyên Hóa, đóng ở các xã Đức Hóa, Thạch Hóa, Thuận Hóa. Có thể khẳng định Tuyên Hóa là vùng có vị trí chiến lược quan trọng nối liền với vùng tự do rộng lớn Thanh - Nghệ Tĩnh của Khu IV, thông sang nước bạn Lào.

Tháng 11-1948, Huyện ủy Tuyên Hóa đã biệt phái thêm một số cán bộ về tăng cường cho xã Văn Hóa. Đồng chí Nguyễn Hoàn (quê ở Hà Tĩnh) được điều về làm Bí thư Đảng ủy xã; đồng chí Nguyễn Văn Nhĩ, cố Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Quảng Bình làm xã đội trưởng. “Với quyết tâm bằng giá nào cũng phải bảo vệ vững chắc cửa ngõ căn cứ địa kháng chiến toàn tỉnh, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não của tỉnh lúc đó tập trung tại huyện Tuyên Hóa, Đảng bộ và chính quyền xã đã phát động toàn dân xây dựng làng chiến đấu Lệ Sơn” (1).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền xã, nhân dân Lệ Sơn đã huy động hàng ngàn ngày công, hàng vạn cây tre, lột tà vẹt đường tàu xây dựng chiến lũy. Thanh niên đã cùng dân quân du kích phá đường tàu, tỉnh lộ để chặn bước tiến của quân giặc. Nhân dân đã đào đắp hàng chục km giao thông hào xung quanh làng để sơ tán và dân quân, du kích cơ động chiến đấu.

Tất cả các tuyến đường từ bờ sông vào làng đều được rào kín. Xóm nào cũng có bờ rào kiên cố. Dựa vào các lũy tre sẵn có, quân và dân Lệ Sơn đã rào làng thành nhiều tầng, nhiều lớp. Bến nào cũng có lựu đạn, bom mìn gài sẵn chờ quân địch. Cọc gỗ, cọc tre cắm xuống đất cao 2 mét, bao kín từ đầu làng đến cuối làng với chu vi 7km.

Lớp ngoài cùng chạy dọc theo bờ sông và chạy ngang qua cánh đồng cuối làng tạo thành 2 tuyến hàng rào khép kín hai mặt đối diện với đồn Tiên Lễ và đồn Chợ Cà. Ở khu vực giữa làng từ bờ sông vào làng còn có 3 hệ thống rào ngang khác, mỗi tuyến dài 1.200 m lần lượt là: Hố Quan - Khe Trống, Dường Cao - Khe Ngút, Cồn Vang - Đồng Khâu.

Các trục ngang dọc đều có cổng chắc chắn, lúc báo động các cổng được khóa chặt tạo thành thế chia cắt, có lực lượng du kích canh gác, tuần tiễu ở từng khu vực. Làng có 3 vọng gác đặt trên đỉnh lèn cao là Bạch Mã, Đồng Khâu và Lèn Choi, mà nhân dân gọi là “con mắt thần” có tầm nhìn xa hàng chục cây số để báo động khi địch xuất hiện.

Bên trong các lèn đá có các thung lũng khá rộng được xây dựng thành khu hậu cứ của xã. Phía sau hàng rào tre là hệ thống giao thông chằng chịt khắp thôn xóm, xuyên qua đồng ruộng vào đến sát chân núi, bảo đảm cho bộ đội và du kích vận động chiến đấu trong làng.

Trên sông Gianh đoạn chảy qua Lệ Sơn, quân và dân chặt tre, gỗ, bó thành từng bó, thiết lập 3 tuyến “Tắc giang” chắn ngang sông để ngăn cản tàu chiến, ca nô của địch hoạt động, gồm: Ga Lệ Sơn - cồn Rì Rì, chợ Vang - Rú Vắp, lèn Bạch Mã - Phù Kênh. “Riêng xã Văn Hóa, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng, dân quân du kích, tự vệ cùng nhân dân đã bỏ ra 5.000 ngày công chặt 100m3 gỗ, tre, kết thành 100 bè ngăn kín một khúc sông để cản bước tiến của địch” (2).

Trong những năm 1948 đến 1954, làng chiến đấu Lệ Sơn đã trở thành một tiền đồn - là pháo đài vững chắc bảo vệ cho vùng tự do Tuyên Hóa. Với vị trí tiền tiêu của căn cứ địa của tỉnh, trong những năm từ 1947 đến năm 1952, Lệ Sơn trở thành mục tiêu tiến công đầu tiên của thực dân Pháp.

Với ý đồ chiếm Lệ Sơn làm bàn đạp cho các cuộc tấn công lên miền tây Tuyên Hóa, hòng tiêu diệt các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh; mặt khác, nếu chiếm được Tuyên Hóa sẽ dễ dàng đánh sang Lào và tiến ra vùng tự do Thanh - Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp huy động lực lượng lên càn quét nhằm đánh chiếm Lệ Sơn. Từ tháng 4-1947 đến tháng 5-1952, quân và dân Lệ Sơn đã phải liên tục chiến đấu chống trả kiên cường 8 cuộc càn quét khá quy mô của thực dân Pháp, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, tay sai mà tiêu biểu là trận đánh ngày 24 và 25-11-1948.

Ngày 24-11-1948, quân Pháp tổ chức tấn công càn quét làng Lệ Sơn. Khác với trước, ngay từ đầu, địch đã vấp phải sự chống trả quyết liệt của du kích. Địch bị chết 7 tên, 3 tên khác bị thương, một số khác do hoảng loạn chạy sập hầm chông, địch phải cõng nhau lên ca nô về đồn. Bị thất bại liên tiếp, địch điên cuồng huy động lực lượng với ý đồ tiêu diệt căn cứ Lệ Sơn.

Ngày 25-11-1948, địch tiếp tục huy động một đại đội Pháp và lính lê dương đi bằng ca nô từ Thanh Khê lên tập kết tại chợ Nấp (xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn) phối hợp với 100 tên từ đồn Minh Lệ (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn) đánh lên. Địch tiến theo đường sắt lên đến Lèn Con thì chia thành 2 mũi tiến công, cùng lúc sử dụng 2 ca nô áp sát bờ sông bắn pháo vào làng.

Quân địch mới tiến đến hàng rào bên ngoài đã vấp phải một loạt bom nổ phải dạt ra. Sau một đợt bắn pháo tới tấp, chúng lại xông vào làng, nhưng đi đến đâu chúng cũng bị du kích giật bom, ném lựu đạn, 8 tên tan xác tại chỗ, hàng chục tên khác bị thương, địch phải rút lui, quân và dân Lệ Sơn đã chiến đấu và chiến thắng trận càn quy mô lớn của quân Pháp.

Chiến thắng ngày 25-11-1948 mãi mãi là một trong những trang sử vàng trong kháng chiến chống Pháp của quân và dân Lệ Sơn. Minh chứng khí thế quật cường, tinh thần anh dũng hy sinh, dám đối đầu với lực lượng lớn hơn gấp nhiều lần và đã chiến thắng, bảo vệ an toàn hậu phương kháng chiến của quân và dân ta. Hai câu thơ trong bài thơ “Du kích Lệ Sơn đánh Pháp” của ông Nguyễn Đức Hồng phần nào khắc họa chiến thắng lịch sử oai hùng đó:

“Lệ Sơn du kích nhà ta
Dũng cảm chiến đấu giữ nhà cho dân”

Những năm sau đó thực dân Pháp ra sức tìm cách đánh chiếm Lệ Sơn nhiều lần nhưng đều gặp thất bại. Vào các ngày 30 và 31-5-1952, bộ đội chủ lực đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương tiến công tiêu diệt các căn cứ còn lại của địch ở bắc Quảng Bình, giải phóng thị trấn Ba Đồn, nối liền vùng tự do Tuyên Hóa với Quảng Trạch và Nghệ Tĩnh về phía đông.

Phong cảnh Lệ Sơn.
Phong cảnh Lệ Sơn.

Từ đây mối đe dọa của quân Pháp đối với Lệ Sơn và chiến khu Tuyên Hóa không còn nữa. “Dựa vào làng chiến đấu kiên cố, quân dân du kích và nhân dân Lệ Sơn đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đập tan các cuộc tấn công càn quét của địch, bảo vệ quê hương, trụ vững trên vị trí tiền tiêu của huyện Tuyên Hóa trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp” (3).

Trong hơn hai năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làng chiến đấu Lệ Sơn cùng với Trần Hưng Đạo (Lệ Thủy), Cự Nẫm (Bố Trạch), Cảnh Dương (Quảng Trạch) trở thành những làng chiến đấu nổi tiếng của Quảng Bình.

Với thành tích chiến đấu xuất sắc, diệt nhiều địch, giữ vững sản xuất, bảo vệ an toàn cửa ngõ của căn cứ kháng chiến, tại Đại hội thi đua lần thứ hai năm 1952 của Liên khu IV, làng Lệ Sơn được Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV tuyên dương là làng chiến đấu kiểu mẫu của tỉnh.

Hôm nay đây, đi trên mảnh đất Lệ Sơn, âm dư vang chiến thắng của hơn 69 năm về trước vẫn như vọng về. “Con mắt thần” với các đỉnh lèn Bạch Mã, Đồng Khâu, Lèn Choi vẫn sừng sững với thời gian, những tuyến giao thông hào giờ đây đã được phủ bê tông đến từng lối ngõ, cánh đồng đang trở mình chuẩn bị vào vụ mùa mới, gợi nhắc mọi người càng mến yêu hơn cảnh sắc, tinh thần hiếu học, tài trí thông minh và truyền thống chiến đấu, anh dũng, quật cường của người dân Lệ Sơn.

Linh Giang

----------------------------------

(1). Nguyễn Văn Nhĩ, Ba mươi năm làm lính Cụ Hồ (1946 - 1976), NXB Thuận Hóa, Huế 2011, tr.17.
(2). Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy, Ban chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa, Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tuyên Hóa 1944  - 1999, 1999, trang 50.
(3). Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy, Ban chỉ huy Quân sự huyện Tuyên Hóa, Lịch sử lực lượng vũ trang nhân dân huyện Tuyên Hóa 1944  - 1999, 1999, trang 68.




 

,