.

Bát danh hương Quảng Bình xưa và nay - Bài 1: Lệ Sơn-Làng theo đạo học!

.
10:42, Thứ Hai, 29/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - LTS: Bao thế hệ người dân Quảng Bình vẫn luôn tự hào với “Bát danh hương”(8 ngôi làng nổi tiếng, gồm: Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Ngọa Thổ, Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Hàng trăm năm qua, giá trị văn hóa truyền thống của “Bát danh hương” vẫn được gìn giữ và phát triển trong dòng chảy thời đại.

Làng Lệ Sơn được xếp đứng đầu “bát danh hương” của đất Quảng Bình không phải vì ngôi làng này có nhiều của ngon, vật lạ hay nghề riêng bí truyền. Ngôi làng ấy hơn ở cái đạo học truyền đời...

Vị khai canh tìm thầy dạy chữ cho làng

Làng Lệ Sơn (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa) trước đây là nơi khá cách trở về giao thông, bởi trước mặt là sông Gianh chia cắt, sau lưng là trùng điệp núi đá. Người Lệ Sơn lấy sản xuất nông nghiệp làm nghề chủ đạo, nhưng đất canh tác nông nghiệp của Lệ Sơn không nhiều, vụ đông -  xuân thường xuyên gặp hạn hán, còn vụ hè - thu thì hầu như năm nào cũng bị ngập úng vì lũ lụt.

Có cầu Văn Hóa bắc qua sông Gianh, người làng Lệ Sơn hôm nay đã không còn phải lụy những chuyến đò ngang.
Có cầu Văn Hóa bắc qua sông Gianh, người làng Lệ Sơn hôm nay đã không còn phải lụy những chuyến đò ngang.

Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như thế, nên đời sống của người dân nơi đây luôn phải đối mặt với đói ăn, thiếu mặc trong các kỳ giáp hạt. Thế nhưng, đó cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người Lệ Sơn chú trọng đầu tư cho con em mình học hành để mong thoát cảnh đói nghèo...

Sự học của người Lệ Sơn đã hình thành từ rất sớm, đi liền với việc khai canh, lập làng. Thần phả của làng ghi, năm 1471, khi đưa dân đến đất này lập làng, cuộc sống chưa ổn định, cụ tổ Lê Văn Hành đã khăn gói đi tìm thầy giỏi về mở lớp dạy trẻ. Người được chọn mời là vị hưu quan Hiệp biện Đại học sĩ Thái Học Đường Trần Cảnh Huống.

Cụ Trần Cảnh Huống nổi tiếng là người học rộng, văn chương uyên bác lại có phong cách sư phạm mẫu mực. Cũng từ đó, trong suốt lịch sử hơn 500 năm lập làng, người Lệ Sơn xem đường học luôn song hành với đường sống. Gia phả các dòng họ ghi lại những trường hợp hiếu học ly kỳ như truyền thuyết. Anh em nhà ông Lê Thế Tập, nghèo không có bộ quần áo lành để mặc mà học giỏi. Trước khoa thi năm 1829, thầy gọi hai anh em vào, bảo: “Tiếc là chỉ có một người đỗ đầu nên hai anh em phải có người đỗ nhì”.

Thầy gợi ý người em đợi khoa sau thi để đỗ đầu, nhưng đợi 5 năm lâu quá, nên hai anh em cùng ứng thí. Năm ấy, ông Lê Thế Tập đỗ ngôi đầu, còn người em về nhì. Còn có chuyện ông Lương Duy Trí nghèo quá vừa phải đi chăn bò, kiếm củi... vừa học lóm. Ông nhận thêm việc quét dọn đình làng để lấy nến thừa, chân nhang đốt lấy ánh sáng học bài hàng đêm. Lương Duy Trí sau đỗ cử nhân...

Theo cụ Nguyễn Tú, “nhà Quảng Bình học” đã khuất bóng thì sở dĩ Lệ Sơn được xếp đứng đầu bát danh hương vì người Lệ Sơn trước đây, từ nam phụ đến lão ấu đều hiếu học, ai cũng thuộc sách Tam tự kinh và Minh tâm bảo giám, ai cũng thuộc Truyện Kiều. Đường học thịnh như thế nên nghề được chọn nhiều nhất ở Lệ Sơn cũng là nghề giáo. Cả xã chừng 3.700 người thì có đến hơn 800 người làm nghề giáo. Một nghề khác cũng được người Lệ Sơn chọn là nghề y, riêng bác sĩ ở Lệ Sơn có khoảng 50 người.

Để khuyến khích việc học, Lệ Sơn hiện nay đã xây dựng được một  hệ thống quỹ khuyến học hiếm có. Ngoài hệ thống quỹ của xã, ở các thôn, các họ đều đã lập quỹ khuyến học riêng, thôn ít thì vài triệu, thôn nhiều thì chục triệu...

Các dòng họ lớn như Lê, Nguyễn, Lương, Phan, Phạm... đều có quỹ khuyến học không nhỏ. Họ Lê là họ đại tôn (dòng họ của ông tổ khai canh Lê Văn Hành) luôn có quỹ vài chục triệu đồng. Họ Lê có câu chuyện cảm động về một người con đã sang Pháp định cư gần nửa thế kỷ, lúc sắp mất, ông để di chúc gửi 40 triệu đồng về đóng góp vào quỹ khuyến học...

Củ khoai, khúc mía nuôi đạo học

Nghiệp học ở Lệ Sơn truyền đời thành đạo học, nhưng xưa số người vượt được sông Gianh vào Huế, ra Vinh học để rồi đỗ đạt lớn không nhiều lắm, cái nghèo cũng bó cái đạo. Sau hòa bình 1954, trường cấp 1 mở tại xã, cấp 2, cấp 3 mở ở huyện, trẻ em nô nức đi học.

Thời hòa bình ngắn ngủi, chiến tranh ập đến, mảnh đất ấy thành tuyến lửa, nam giới ra trận, phục vụ hỏa tuyến, phụ nữ ở nhà nuôi con đi học. Đây có lẽ là giai đoạn gian khổ nhất, nhưng cũng rạng rỡ nhất của đạo học ở Lệ Sơn.

Ông Hoàng Đình Bá, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Văn Hóa kể lại thời đi học của ông: “Chỉ có 2 con đò, sáng nào cũng chở gần 200 học sinh vượt sông đi học... Xe đạp chưa có, học sinh phải dậy từ 3-4 giờ sáng chờ sang đò rồi đi bộ 5km đến trường. Phụ huynh truyền nhau cái mẹo để thêm khúc mía bên củ khoai, khúc sắn vào túi cho con. Củ khoai, khúc sắn ăn no bụng, khúc mía ăn nửa khi đi, nửa khi về cho “sáng mắt, sáng dạ”...!”

Ông Bá cho biết, người làng Lệ Sơn có nhiều gia đình nghèo, nhưng việc học của con em họ không vì thế mà bị đứt đoạn giữa chừng. Bản thân ông Bá vốn là một thầy giáo về hưu và có hơn 10 năm làm công tác khuyến học nhưng chưa một lần ông chứng kiến con em Lệ Sơn phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn. Chuyện những gia đình nhà tranh, vách đất mà có 4-5 con cử nhân, lọt vào danh sách “nhà đại học” không phải là chuyện hiếm.

Ông Lê Đức Thuận, bán nhà cho 5 con học đại học và trên đại học. Ông Cao Thảo hoàn cảnh gia đình khó khăn vẫn nuôi 7 đứa con đi học thành danh... Chuyện nhà thật nghèo mà quyết theo đạo học ở Lệ Sơn thì thời nào cũng có. Trong đó hiện nay phải kể đến vợ chồng ông Lê Vĩnh Sinh và bà Trần Thị Xuân. Ông Sinh bị mù 2 mắt, bà Xuân bị cụt tay, vẫn hằng ngày kiếm từng cọng rau đem ra chợ bán mà nuôi cả 4 người con ăn học (đại học và trên đại học) thành tài...

Lệ Sơn ngày mới

Lệ Sơn hôm nay đã có cây cầu, to, đẹp, vươn dài như con rồng vượt sông Gianh. Học sinh THPT 3 của Lệ Sơn đến trường đã không còn phải “lụy” những chuyến đò ngang đầy trắc trở và hiểm nguy, đặc biệt là trong những ngày mưa lũ.

Ông Hoàng Đình Bá, Chủ tịch Hội Khuyến học và bà Hoàng Thị Lệ Giang, cán bộ văn hóa-xã hội xã Văn Hóa tự hào kể về truyền thống hiếu học của người Lệ Sơn.
Ông Hoàng Đình Bá, Chủ tịch Hội Khuyến học và bà Hoàng Thị Lệ Giang, cán bộ văn hóa-xã hội xã Văn Hóa tự hào kể về truyền thống hiếu học của người Lệ Sơn.

Lệ Sơn hôm nay cũng đã có một nhà máy xi măng 5 triệu tấn/năm mọc lên cạnh làng. Nói về cái nhà máy xi măng này, nhiều bậc cao niên ở làng cho biết, nhà máy mọc lên tuy có ảnh hưởng chút ít về môi trường, bụi bặm, nhưng nhìn chung nó không ảnh hưởng gì lớn đến đời sống, đặc biệt là bản sắc văn hóa của làng Lệ Sơn.

Ngược lại, về phát triển kinh tế - xã hội, nhà máy xi măng Văn Hóa đã giải quyết việc làm cho hơn 400 lao động là con em địa phương đang làm việc tại đây. Ngoài ra, mỗi năm nhà máy này còn đóng góp ngân sách cho địa phương số tiền hơn 2 tỷ đồng và nhiều khoản đóng góp, hỗ trợ khác để xã Văn Hóa xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội...

Ông Đinh Xuân Thương, Chủ tịch UBND xã Văn Hóa cho biết, đến thời điểm này, xã Văn Hóa đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để cán đích nông thôn mới (NTM). Theo ông Thương, trong quá trình xây dựng NTM, chính sự hiếu học, nét văn hóa đặc trưng nhất của Lệ Sơn là động lực mạnh mẽ, đặc biệt về mặt tinh thần để Văn Hóa bứt phá vươn lên. Có những tiêu chí như văn hóa, giáo dục..., ngay khi vừa bắt tay xây dựng NTM, Văn Hóa đã hoàn thành.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Hoàng Thị Lệ Giang, cán bộ văn hóa - xã hội xã Văn Hóa cho biết, người Lệ Sơn hôm nay vẫn xem đạo học là tối thượng. Hàng năm, số con em của làng Lệ Sơn đỗ vào các trường đại học, cao đẳng chính quy vẫn ở mức cao, trung bình từ 20 đến 30 em.

Điều đáng trân trọng, hiện nhiều con em Lệ Sơn không nhất quyết chọn con đường vào đại học bằng mọi giá, mà có rất nhiều người đã chọn con đường học nghề để lập thân, lập nghiệp. “Người Lệ Sơn luôn quan niệm dù làm thầy hay làm thợ thì phải luôn là những người thật giỏi để có thể lập thân, lập nghiệp. Muốn như vậy,  không có con đường nào khác là phải cố gắng học thật giỏi” - bà Giang tâm sự.

Phan Phương

Bài 2: La Hà-Làng văn hóa khoa bảng





 

,