.

Chuyện một gia đình tiến sĩ

Thứ Hai, 20/11/2017, 10:03 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là gia đình ông Trần Chất ở làng Minh Lệ (Quảng Minh, thị xã Ba Đồn). Ông Chất có hai người con trai theo con đường khoa học: Giáo sư, tiến sĩ Trần Nghi và giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Bình.

Năm 1969, đi sơ tán (K8) ngoài Thanh Hóa về, tôi thường theo lũ bạn đi tát cá, nhủi dam, nhủi rạm, hay cất te bắt tép về ăn. Tôi hay cất te nơi mấy cái hố bom dọc đường từ xóm Nam ra.

Ngày nào tôi cũng thấy một thanh niên đi ra xóm Bắc vừa đi vừa đọc sách. Hỏi mấy đứa bạn thì được bảo rằng, đó là anh Trần Hữu Bình, con ông Cửu Ngật ở xóm Nam. Anh học lớp 10 Trường cấp 3 Nam Quảng Trạch ngoài làng Cao Cựu Biên (nay là xã Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn). Mấy hôm sau, tôi thấy anh Bình ngồi ăn cơm ở nhà chị Ngật, cạnh nhà tôi. Anh gọi mẹ tôi là cô. Chị Ngật với mẹ tôi là hai người họ Trần xóm Nam ra làm dâu xóm Bắc.

Cha tôi nói, dòng dõi ông Trần Chất (người ta thường gọi theo tên con đầu là ông Ngật) học giỏi, thông minh nổi tiếng trong làng. Sáu đời nhà ông đều làm nghề dạy học và thầy lang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Trần Hữu Phất, em trai ông Chất, là trinh sát tình báo tiểu đoàn 274 (Quảng Bình).

Năm 1949, ông cùng nhà văn Văn Linh (tác giả cuốn tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ”) thuộc Ban trinh sát tình báo Tiểu đoàn 273 (Hà Tĩnh) về trinh sát đồn Minh Lệ. Ông ghé thăm nhà thì bị bọn địch phục kích vây bắt. Ông lao ra giữa dòng sông Nan bơi sang bờ nam để vào rừng thì bị bọn chúng bắn trúng, hy sinh.

Con cái ông Chất ai cũng tham gia đánh Mỹ, có hai người con bị thương ở chiến trường. Anh Bình học hết lớp 10 là nhập ngũ, trong binh chủng đặc công. Anh tâm sự, đi bộ đội là để trả thù cho người em gái út của anh bị giặc Mỹ giết hại. Năm 1971, anh tham gia chiến dịch Đường 9 – Nam Lào và bị thương hạng 2/4.

Hai vợ chồng phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Bình về thăm khu bảo tồn di tích bốn miếu thờ “Tứ đức thần tổ”làng Minh Lệ.
Hai vợ chồng phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Bình về thăm khu bảo tồn di tích bốn miếu thờ “Tứ đức thần tổ”làng Minh Lệ.

Năm 1972, anh xuất ngũ về địa phương, thi đậu vào Trường đại học Y Hà Nội với số điểm rất cao. Năm 1978, tốt nghiệp bác sĩ Nội – Nhi vào loại xuất sắc, anh được nhà trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy bộ môn Tâm thần và làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai. Sáu năm sau (1984), anh lại tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I chuyên ngành Tâm thần tại Trường đại học Y Hà Nội và được chọn đi thực tập sinh tại Viện hàn lâm Y học Matxcơva (Liên Xô cũ).

Năm 1994, anh tốt nghiệp xuất sắc bác sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành Tâm thần rồi tiếp đến bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2004. Năm  2007, anh đã được công nhận hàm phó giáo sư chuyên ngành Tâm thần. Anh giữ chức Viện trưởng Viện sức khoẻ Tâm thần Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.

Trong những năm giảng dạy, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hữu Bình đã tham gia chủ biên và đồng chủ biên 16 giáo trình, sách chuyên khảo chuyên ngành tâm thần học và y học nói chung. Với căn bệnh thế kỷ, anh đã viết cuốn “Nhiễm HIV/AIDS, y học cơ sở, lâm sàng và phòng chống”.

Về hưu, anh vẫn tiếp tục tham gia công tác khám bệnh tại phòng khám Giáo sư Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Anh tham gia đào tạo sau đại học, làm Chủ tịch Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II. Anh chủ trì những cuộc hội chẩn chuyên ngành, liên ngành về tâm thần. Đến nay, anh đã chủ trì nghiên cứu 9 đề tài từ cấp cơ sở đến đề tài cấp Nhà nước. Cả cuộc đời anh có hơn 50 công trình nghiên cứu khoa học được đăng tải trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước.

Cả nhà anh Bình có 6 người, vợ chồng, con cái dâu rể ai cũng là giảng viên đại học. Người bạn đời của anh là chị Nguyễn Thị Bích Hường, một tiến sĩ kinh tế học. Con trai theo nghề Y của cha nay là bác sĩ chuyên khoa cấp I, tiến sĩ y khoa, đang dạy tại Trường đại học y Hà Nội. Con gái anh theo nghiệp mẹ nay là tiến sĩ kinh tế kế toán kiểm toán đang  dạy Trường đại học Thương mại, Hà Nội.

Ông Chất có hai con trai theo con đường khoa học. Giáo sư, tiến sĩ Trần Nghi sinh năm 1947 (hơn Trần Hữu Bình 3 tuổi). Giặc Mỹ ném bom na pan đốt cả xóm Nam cháy trụi, ông Chất phải sang phát rẫy ở bên rú Cây Cừa để nuôi các con ăn học.

Mặc dù phải ăn khoai, sắn trừ bữa, học nơi sơ tán trong rừng, năm 1966, anh Trần Nghi vẫn là học sinh duy nhất của Trường cấp 3 Quảng Trạch có tất cả 10 môn, 100% số môn học, đều tổng kết điểm 5 (điểm tuyệt đối theo thang điểm Liên Xô), giải nhất môn văn của tỉnh Quảng Bình, được nhận phần thưởng của Bác Hồ.

Anh được nhận vào Trường đại học Tổng hợp Hà Nội), khoa Địa lí – Địa chất. Học xong anh được giữ lại trường làm cán bộ giảng dạy phụ trách môn Trầm tích học. Sau 4 năm nghiên cứu sinh tại Rumani, năm 1982, Trần Nghi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường đại học Tổng hợp Bucarét. Về nước anh làm chủ nhiệm khoa và Phó hiệu trưởng Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội.

Sau ba mươi năm gắn bó với ngành địa chất và Đại học quốc gia Hà Nội, năm 1996, anh được nhận học hàm giáo sư. Trên con đường nghiên cứu khoa học, anh đã viết 16 đầu sách, trong đó có cuốn “Trái đất và kho báu của nhân loại”. Anh nghiên cứu những công viên đá vôi Đồng Văn, di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Anh coi nó như một thông điệp gửi tới các bạn trẻ những tư duy mới, những quan niệm mới về địa chất. Anh đã làm chủ nhiệm 22 đề tài cấp Nhà nước và cấp bộ. Đặc biệt anh là người chủ trì hồ sơ “Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng” của Quảng Bình. Con gái anh là phó giáo sư, tiến sĩ kinh tế nay đang công tác ở Anh quốc.

Ngày tảo mộ làng đón Tết Đinh Dậu vừa rồi, anh Trần Nghi dắt tay một người cháu vừa mới được phong phó giáo sư, anh Trần Hữu Bình dắt tay một người cháu mới được phong tiến sĩ vào đình làng vinh quy bái tổ. Người dân làng Minh Lệ quê tôi rất tự hào gọi gia đình ông Trần Chất là “Gia đình tiến sĩ”.

Hoàng Minh Đức