.

"O giữ trẻ ở một vùng tuyến lửa"

Chủ Nhật, 22/10/2017, 17:57 [GMT+7]

(QBĐT) - “O giữ trẻ ở một vùng tuyến lửa” trên Báo Nhân dân của nhà báo Bích Hậu giúp tôi hiểu hơn về cô mẫu giáo kính yêu của chúng tôi, một trong những người con xuất sắc của xã Lý Ninh: Liệt sỹ Nguyễn Thị Uyền.

O Uyền được Bác Hồ gắn huy hiệu của Người ở Đại hội Phụ nữ ưu tú ngành Y tế lần thứ 2 (năm 1968).
O Uyền được Bác Hồ gắn huy hiệu của Người ở Đại hội Phụ nữ ưu tú ngành Y tế lần thứ 2 (năm 1968).

Hai bức ảnh

Hai bức ảnh ghi lại sinh hoạt và sự kiện trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ trên miền Bắc được chụp ở xã Lý Ninh  trưng bày ở Bảo tàng Quảng Bình, Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam là các bức ảnh áp giải phi công Shumaker (2-1965) và bức ảnh cô mẫu giáo và các cháu tránh máy bay Mỹ dưới hầm.

Bức ảnh  thứ nhất không có phụ nữ nhưng người đầu tiên phát hiện ra phi công Mỹ là một nữ dân quân của xã Lý Ninh. Nơi ra đời bức ảnh cô giáo mẫu giáo và các cháu tránh bom Mỹ nay thuộc khuôn viên cụm mẫu giáo số 1 ở tổ dân phố 12, của Trường mầm non phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới. Bức ảnh được chụp vào năm 1968, khi cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ diễn ra gần 3 năm và là thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến.

Về bức ảnh cô mẫu giáo

Cùng các địa phương khác trong tỉnh Quảng Bình, xã Lý Ninh thường xuyên bị máy bay  ném bom, bắn phá. Pháo hạm từ các tàu chiến của Hạm đội 7 ngoài Biển Đông bắn vào. Thị xã Đồng Hới bị san phẳng, các xã xung quanh thị xã như Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, Lộc Ninh – là những nơi có các tuyến đường giao thông huyết mạch đi qua bị bom đạn Mỹ cày xới. Những ngày đầu cuộc chiến tranh, chúng tôi được bố mẹ gồng gánh lên tản cư ở khu vực Quai Mọ (khu vực Trường Quân sự Quảng Bình ngày nay).

Sau vài tháng bà con quay về vừa  sản xuất, vừa chiến đấu. Dọc đường làng có các tuyến hào giao thông cho bộ đội, dân quân cơ động chiến đấu. Nhà nào cũng có ít nhất một hầm trú ẩn. Hầm chữ L trong nhà, ngoài sân có hầm chéo (hầm chữ A)... Làng xóm, ruộng đồng Lý Ninh không nơi nào không có bom rơi.

Bom đạn triền miên, người ngoài đồng lo cho người ở nhà, người ở nhà lo cho người đi làm đồng. Khu vực xung quanh Cầu Rào chi chit hố bom, có nơi 2, 3 quả bom nổ tạo thành hố bom kép. Đập Ngang, Nhảy Chúi, Chà Coộc, Mũi Động, Nước Mặn... các hố bom trở thành bể bơi, hồ cá tự nhiên gắn với tuổi thơ chúng tôi xen giữa 2 cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ.

Lớp mẫu giáo ghép của các cháu sinh năm 1962 đến 1966, tuổi mẫu giáo đêm ngủ dưới hầm nhà, ngày ở lớp mẫu giáo. Lâu dần thành quen, cô cháu chỉ cần nghe qua tiếng máy bay Mỹ là biết F4 hay F105..., bay hướng nào tới. Chiến tranh một thời gian, lớp học được cải tiến xây nửa chìm nửa nổi. Máy bay thả bom gần, cô cháu xuống hầm chữ A kiên cố hơn ẩn nấp.

Chúng tôi quen dần với cảnh bom đạn, tiếng pháo cao xạ của bộ đội, tiếng súng trường bắn máy bay của các cô chú dân quân. 3 năm chiến tranh ác liệt đó, chúng tôi được o Uyền chăm bẵm, nuôi dạy. O vừa giữ trẻ, vừa là y tá. Sau mỗi đợt bom, o Uyền lại xách túi cứu thương lao tới khu vực vừa bị oanh tạc cấp cứu cho bà con, dân quân và bộ đội. O đã kịp thời băng bó, cấp cứu cho nhiều người trước khi chuyển lên tuyến trên.

Báo Nhân dân nêu gương O Uyền.
Báo Nhân dân nêu gương O Uyền.

Những thành viên của lớp mẫu giáo như Nam, Lệ, Cương, Đạt, Khành, Sáu, Vân... nay phần lớn đã lên chức ông, chức bà, nhưng thật đáng tiếc gương mặt nổi bật nhất - cháu trai bụ bẫm mặc chiếc áo màu xanh, tay trái cầm đồ chơi là anh Bùi Minh Thiên, nguyên cán bộ Công an tỉnh Quảng Bình, lâm trọng bệnh  đã mất cách đây khoảng 7 năm. Anh là con trai bác Bùi Quảng Cảnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lý Ninh, em trai của phó giáo sư, tiến sỹ kinh tế Bùi Thị Tám, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Huế hiện nay.

Hồi đó, tôi hay bị viêm phổi, o Uyền trực tiếp điều trị cho tôi. Viêm phổi ở nhà với bà nội, sợ tiêm, tôi thường đi trốn khi o đến nhà (bà nội tôi là o ruột của o Uyền). Đoán thời gian o Uyền đến, tôi đi trốn. Một lần xuống nấp dưới hầm chữ L, bà lấy cái nong phơi lúa đậy miệng hầm.  Tôi dặn bà nội không nói cho o biết. Một lúc, o Uyền đến ngoài sân, “thằng Cang đi mô o”? (Cang là tên bà nội hay gọi tôi lúc nhỏ), tiếng o Uyền hỏi. “Chơi đây mai chừ, không biết hắn đi mô rồi!”, bà tôi nói. Nép sát vách hầm một lúc, nghe tiếng chân bà tôi và o đi vào.

Bà không nói nhưng tôi biết bà chỉ tay xuống hầm. “Thằng Cang mô hè”, o đi lại trong nhà một lúc. “Cháu Cang đây nì!”, o vừa nói vừa nhấc chiếc nong ra khỏi miệng hầm. Được o dỗ, dần bớt sợ, tôi chìa tay ra cho o tiêm...

Cũng thời kỳ này, nhiều anh chị học cấp 1, cấp 2 được tỉnh Quảng Bình gửi ra các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình là những nơi ít ác liệt hơn nuôi dưỡng. Sau chiến tranh các anh chị mới trở về.

Sự hy sinh của o Nguyễn Thị Uyền

Tháng 10 năm 1968, o Nguyễn Thị Uyền được tỉnh Quảng Bình cử đi dự Đại hội Phụ nữ xuất sắc lần thứ 2 của ngành Y tế tổ chức tại thủ đô Hà Nội. O vinh dự được Bác Hồ gắn huy hiệu của Người lên ngực áo giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của cả hội trường.

Bác Tuyên anh trai o Uyền lúc đó đang học lớp kỹ thuật cơ khí GZ 20 tại Hà Nội, bồi hồi nhớ lại “Không ngờ buổi sáng tiễn em về quê ở Giáp Bát lại là lần cuối cùng anh em gặp nhau”. Những tưởng đi dự Đại hội khoảng 10-15 ngày là o trở về tuyến lửa Quảng Bình tiếp tục cùng bà con sản xuất, chiến đấu, nhưng  đến những 9 năm o mới về được quê nhà.

Cô mẫu giáo và các cháu đang tránh bom (Bức ảnh được Bảo tàng Quảng Bình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày).
Cô mẫu giáo và các cháu đang tránh bom (Bức ảnh được Bảo tàng Quảng Bình, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trưng bày).

Hai chiếc commanca đưa các đại biểu về Quảng Bình và đặc khu Vĩnh Linh  chạy xa nhau đề phòng máy bay Mỹ. Khoảng 10 giờ đêm ngày 4-10-1968, chiếc xe thứ hai chở o Uyền đến cách phà Bến Thủy (tỉnh Nghệ An) khoảng 10 cây số đi vào khu vực có bom nổ từ trường mà không hay biết.

Mặc dù đã chớm đông nhưng những ngày đó, bắc Khu Bốn trời nắng gắt, gió thường xuyên thổi mạnh làm các cành cây báo hiệu đường không an toàn bị thổi bay xuống vệ đường. Bom nổ, o Uyền và một số anh chị em hy sinh.

Lúc đó o mới 23 tuổi. Năm 1977, gia đình mới có điều kiện đưa o về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ phường Nam Lý. Bức ảnh thờ  của o là bức ảnh được chụp tại Đại hội, hình Huy hiệu của Bác Hồ trên ngực áo khá rõ. Nhân dịp Đại hội, bài trên Báo Nhân dân đã biểu dương “O giữ trẻ ở một vùng tuyến lửa”.

Ngay sau Hiệp định Pa ri (1973), 2 bức ảnh trên đã được Bảo tàng tỉnh Quảng Bình trưng bày. Các bức ảnh này đã đến nhiều nơi, góp phần thông tin cho mọi người về thời kỳ ác liệt mà cũng rất oanh liệt của quân dân Quảng Bình tuyến lửa.

Một tối đầu tháng 10 năm 2017, tôi đến thắp hương cho o Uyền, đúng lúc cả gia đình quây quần chuẩn bị cho ngày giỗ hôm sau của o. Các o, chú chuyển tay nhau bài báo và chiếc Huy hiệu Bác Hồ, những kỷ vật về o Uyền được gia đình trân trọng lưu giữ bấy nay.

“O giữ trẻ ở một vùng tuyến lửa” trên Báo Nhân dân của nhà báo Bích Hậu giúp tôi hiểu hơn về cô mẫu giáo kính yêu của chúng tôi, một trong những người con xuất sắc của xã Lý Ninh: Liệt sỹ Nguyễn Thị Uyền.

Nguyễn Lương Cương