.

Ngày mới ở Mã Liềng

Thứ Bảy, 02/09/2017, 12:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Cách đây 20 năm trước, với sự hỗ trợ của cấp trên về nhà ở, hàng chục hộ người Mã Liềng ở phía tây huyện Tuyên Hóa đã di cư từ những khu rừng già để định canh, định cư, thành lập các bản: Kè, Cáo, Chuối (xã Lâm Hóa) và Cà Xen (xã Thanh Hóa). Thời gian này, lại có thêm những hộ người Mã Liềng ở Tuyên Hóa tiếp tục được hỗ trợ để xây mới 46 ngôi nhà kiên cố, khang trang. Người Mã Liềng đón mừng kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam trong niềm vui mới.

Từ những ngôi nhà "an cư, lạc nghiệp"...

Thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp vận động người Mã Liềng từng bước từ bỏ các tập quán lạc hậu, sống du canh, du cư và làm quen với lối sống định canh định cư.

Các cấp, các ngành tiến hành quy hoạch, sắp xếp, bố trí mới những khu vực thuận lợi nhằm "kéo" các hộ người Mã Liềng về sống tập trung. Lịch sử hình thành các bản Kè, Cáo, Chuối (xã Lâm Hóa) và Cà Xen (xã Thanh Hóa) của người Mã Liềng huyện Tuyên Hóa đã chính thức bước vào trang mới...

Dẫn chúng tôi lên một con dốc cao, ông Hồ Viên, bản Cà Xen, xã Thanh Hóa đưa tay chỉ về phía các ngôi nhà sàn quanh bản rồi kể: Dân bản Cà Xen trước đây chủ yếu sống du canh du cư quanh các khu vực Quạt, Ma Đao, Bịn, Rưng Rưng, Cong Cóng... của dãy Trường Sơn. Cứ canh tác được dăm ba mùa rẫy, lúc đất đai bạc màu thì người Mã Liềng lại kéo nhau di chuyển đến một vùng núi mới.

Cuộc sống du canh, du cư cộng với tập quán săn, bắt, hái, lượm và chặt, đốt, trỉa hạt... đã khiến cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng cuộc sống người Mã Liềng trong suốt một quãng thời gian dài. Năm 1996, với sự vận động nghe "sướng cái tai, thông cái đầu, ấm cái bụng..." của các cán bộ miền xuôi, gia đình Hồ Viên là một trong những hộ người Mã Liềng tiên phong đến định canh định cư ở Cà Xen.

“Thời điểm đầu đến với Cà Xen, vợ chồng miềng dựng một ngôi nhà tranh nứa tạm bợ để khai hoang. Canh tác được vài ba mùa rẫy, đất đai bạc màu, nguồn nước phục vụ tưới tiêu khan hiếm..., hai vợ chồng đã dự tính tới chuyện rời bỏ bản để di chuyển tới vùng đất khác màu mỡ hơn. Cũng may vào thời điểm đó, Bộ Giao thông vận tải đã hỗ trợ bản Cà Xen xây nhà kiên cố cùng các công trình khác như đường giao thông, điểm trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng...

Các cấp chính quyền tỉnh, huyện hỗ trợ thêm mô hình lúa nước, cây con giống, phân bón, kỹ thuật... Đó chính là nguyên nhân "níu" gia đình miềng ở lại và tạo động lực để "kéo" thêm các hộ Mã Liềng khác đến định cư tại đây ngày một đông đúc hơn.

Những ngôi nhà phòng tránh thiên tai hỗ trợ người Mã Liềng phía Tây huyện Tuyên Hóa đang sắp sửa hoàn thiện.
Những ngôi nhà phòng tránh thiên tai hỗ trợ người Mã Liềng phía Tây huyện Tuyên Hóa đang sắp sửa hoàn thiện.

Tháng 5-2004, Bộ Giao thông vận tải chính thức bàn giao cho 32 hộ dân tại bản Cà Xen với 32 ngôi nhà ở kiên cố cùng nhiều công trình phúc lợi khác. Từ những ngôi nhà này đã tạo động lực mạnh mẽ giúp người Mã Liềng ổn định được cuộc sống cho tới tận hôm nay”, Hồ Viên chia sẻ.

Bí thư Đảng bộ xã Lâm Hóa Nguyễn Tư Thoan cho biết: Người Mã Liềng ở xã Lâm Hóa trước đây thường sống quanh quẩn tại các khu rừng sâu của dãy Trường Sơn. Với sự vận động của các cấp chính quyền, khoảng những năm 1990, nhiều hộ Mã Liềng từ khắp nơi đã lần lượt về các bản Kè, Cáo, Chuối để định canh, định cư.

Thời điểm đó, hầu như toàn bộ bà con đều dựng nhà ở bằng tranh tre và lợp bằng lá rừng sống tạm suốt nhiều năm ròng. Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, Ban Dân tộc tỉnh và những chương trình, dự án như: 134, 135, định canh định cư, Đại sứ quán Úc... và các nhà hảo tâm, đến năm  2004, bản Chuối đã thực hiện được 17 nhà ở kiên cố trong tổng số 20 hộ dân, bản Cáo gần như "xoá sổ" 100% nhà tạm; bản Kè làm được hơn 40 nhà sàn kiên cố.

Sau thời điểm nói trên, hầu như số nhà làm mới thêm là rất ít... Tuy nhiên, những ngôi nhà "an cư, lạc nghiệp" này đã tạo động lực rất lớn để giúp người Mã Liềng an tâm hơn với cuộc sống mới, kiên trì bám bản để ổn định làm ăn sản xuất, mở mang trình độ kiến thức...   

...Đến những ngôi nhà phòng tránh thiên tai

Sau các trận lũ lụt dồn dập cuối năm 2016 xảy ra ở địa bàn tỉnh ta và từ những kiến nghị của hai xã Lâm Hóa và Thanh Hóa, tháng 4-2017, đồng chí  Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thị sát tình hình đời sống, vấn đề nhà ở của đồng bào Mã Liềng ở Tuyên Hóa. Đồng chí lưu ý chính quyền huyện Tuyên Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các ban ngành để xây dựng kế hoạch xoá nhà tạm cho người nghèo ở địa bàn, đặc biệt là đối với đồng bào Mã Liềng.

Từ ý kiến chỉ đạo này, lãnh đạo Ủy ban MTQVN tỉnh đã làm việc với chính quyền huyện Tuyên Hóa và thống nhất hỗ trợ xây dựng 46 nhà ở kiên cố cho các hộ đồng bào dân tộc người Mã Liềng đặc biệt khó khăn, thường xuyên phải gánh chịu hậu quả của thiên tai ở hai xã Lâm Hóa và Thanh Hóa, trị giá mỗi ngôi nhà khoảng 75 triệu đồng. Cụ thể, xã Lâm Hóa được hỗ trợ 31 nhà, xã Thanh Hóa 15 nhà. Thời gian dự kiến bàn giao nhà cho đồng bào vào cuối tháng 9-2017...

Có mặt tại hai xã Lâm Hóa và Thanh Hóa vào dịp Tết Độc lập 2-9-2017, chúng tôi được chứng kiến các đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhằm sớm hoàn tất nhà ở để bàn giao cho bà con theo đúng kế hoạch. Đi khắp các bản của người Mã Liềng, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười rạng rỡ của bà con. Nhiều hộ không giấu nổi cảm xúc, nói: "Người Mã Liềng có được thành quả như ngày hôm nay, đó là nhờ ơn Đảng, ơn Nhà nước nhiều lắm...!".

Chia tay đồng bào Mã Liềng lúc bình minh của ngày mới đang lên, chúng tôi mang theo nỗi trăn trở của Bí thư Đảng bộ xã Lâm Hóa Nguyễn Tư Thoan: "Dù đã được chính quyền các cấp hỗ trợ về nhà ở nhiều đợt, nhưng qua rà soát của địa phương, Lâm Hóa vẫn rất cần cấp trên hỗ trợ để cải tạo thêm 33 nhà ở cho người Mã Liềng đang bị xuống cấp khá nghiêm trọng".

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hóa Nguyễn Thị Thu cũng cho biết: "Thời gian tới, bản Cà Xen cũng rất cần được cấp trên hỗ trợ kinh phí để tiến hành cải tạo 33 nhà ở của đồng bào đang bị xuống cấp nặng...".

Văn Minh