.

Liệt sĩ Lê Đài người con ưu tú của Quảng Bình

Chủ Nhật, 20/08/2017, 13:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Lê Đài sinh năm 1917 tại làng Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông là người cộng sản kiên trung anh dũng ngã xuống ở Phú Yên trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam với nhiều u uẩn và mãi đến 35 năm sau mới được làm sáng tỏ và công nhận là liệt sĩ.

Năm 22 tuổi (1939), Lê Đài rời quê mẹ vào Phú Yên dạy học và gắn bó với Phú Yên suốt cuộc đời còn lại. Trong những năm 1939-1945, Lê Đài dạy học ở Trường An Thổ (An Dân, Tuy An), Khoan Hậu (Xuân Thọ, Sông Cầu), Vân Hòa (Sơn Long-Sơn Hòa) và sớm giác ngộ cách mạng.

Cách mạng Tháng Tám 1945, Lê Đài tham gia cướp chính quyền ở tỉnh lỵ Sông Cầu, nhận trọng trách Chủ nhiệm Việt Minh tổng Xuân Đài và sau đó được điều động về tỉnh. Trong chín năm kháng chiến, Lê Đài giữ nhiều trọng trách của tỉnh Phú Yên: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh phụ trách công tác dân quân, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm chính trị viên Tỉnh đội Phú Yên.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7-1954, Thường vụ Khu ủy V phân công Lê Đài ở lại miền Nam tiếp tục chiến đấu, giữ trọng trách Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên.

Trong những ngày đen tối nhất của cách mạng miền Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Lê Đài cùng với những cán bộ được phân công ở lại dày công xây dựng củng cố tổ chức Đảng và các cơ sở cách mạng, thắp lên ngọn lửa của ý chí và niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng.

Một ngày cuối đông năm 1955 (27-12-1955), trên đường công tác tại xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), Lê Đài bị địch phát hiện và vây bắt. Ông kiên cường chống trả, làm bị thương một số tên, nhưng địch quá đông, vòng vây quá dày, ông rơi vào tay giặc và bị chúng biệt giam tại nhà lao Phú Yên. Địch hí hửng khi bắt được Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên. Tên tỉnh trưởng ngụy quyền Lương Duy Ủy dùng thủ đoạn “tiên lễ, hậu binh” không từ thủ đoạn nào để lung lạc Lê Đài, từ dụ dỗ mua chuộc đến những ngón đòn khảo tra man rợ nhất.

Trong địa ngục trần gian của lao tù Mỹ - Diệm, người cộng sản Lê Đài vẫn một lòng sắt son với Đảng, trong nanh vuốt kẻ thù vẫn ngẩng cao đầu đứng trên đầu thù.

Tỉnh ủy Phú Yên dày công tổ chức giải thoát đồng chí Bí thư kính yêu của mình. Kế hoạch vạch ra khá tỉ mỉ song do sơ hở có nội gián nên những người tham gia giải thoát đều bị địch bắt. Hai chiến sĩ gan dạ ấy là cô gái Võ Thị Kim Đính và chiến sĩ thiếu niên 16 tuổi Lê Văn Thống (Lê Khánh Nam).

Sau chín tháng nếm mùi tra tấn dã man, Lê Đài trút hơi thở cuối cùng trong nhà lao Mỹ ngụy ngày 26-10-1956. Địch vùi xác ông ở sân bay Chóp Chài. Trải bao biến thiên dâu bể của chiến tranh khốc liệt, địa hình xưa đã thay đổi mấy lần, thi hài của ông vẫn nằm đâu đó trong lòng đất lạnh, bao cuộc kiếm tìm đều vô vọng.

Lê Đài đã vĩnh viễn ngã xuống quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nhưng kẻ thù thâm độc đã dựng lên một màn kịch nham hiểm làm hại uy tín người cộng sản Lê Đài. Trong chiến dịch tố cộng khốc liệt năm 1956, kẻ thù tập trung hàng ngàn cán bộ đảng viên cũ và quần chúng yêu nước tại sân bay Chóp Chài để nghe “Bí thư Tỉnh ủy Việt cộng Lê Đài nói chuyện, sau khi đã quy thuận chính nghĩa quốc gia”!!. Lợi dụng đêm tối chập choạng đèn đuốc nhập nhèm, bọn địch học sách “Khương Duy giả” trong Tam quốc diễn nghĩa, bố trí một tên cảnh sát ngụy người gốc Quảng Bình có vóc dáng và giọng nói hao hao Lê Đài lên diễn đàn nói xấu Đảng và cách mạng.

Vậy là tin dữ đồn xa, trắng đen phải trái lẫn lộn. Cái tin “Lê Đài đầu hàng phản bội” lan xa và tạo một cú sốc cực nặng cho phong trào cách mạng tỉnh Phú Yên trong hoàn cảnh đen tối nhất của cách mạng miền Nam. Đồng đội dù kính yêu và tin tưởng Lê Đài, vẫn nửa ngờ nửa tin và góc độ nào đó đã “lâm thế” âm mưu thâm độc của kẻ thù.

Năm 1982, trong một chuyến về công tác tại tỉnh Phú Khánh (cũ), Thượng tướng Trần Nam Trung, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thổ lộ điều day dứt với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Khánh: “Tôi không tin anh Lê Đài đầu hàng phản bội. Các đồng chí phải làm sáng tỏ những uẩn khúc của lịch sử”. Tấm lòng của vị cách mạng lão thành cũng chính là suy nghĩ của những người cộng sản Phú Yên - bạn chiến đấu của Lê Đài.

Sau gần mười năm sưu tra tài liệu, gặp gỡ hàng trăm chứng nhân cùng ở tù với Lê Đài và đối chiếu với tài liệu địch để lại, vấn đề lịch sử của Lê Đài đã được Tỉnh ủy Phú Yên làm sáng tỏ.

Tài liệu địch lưu lại Ty cảnh sát ngụy Phú Yên đề ngày 21-3-1956 chua chát thú nhận: “Tên Lê Đài chứa chấp biết bao nhiêu sự việc bí mật của Phú Yên ở trong người y nhưng trước nhà chức trách y luôn tráo trở, tỏ thái độ ngoan cố, một lòng trung thành với già Hồ”.

Ngày 1-8-1956, Ty thông tin ngụy quyền đưa Lê Đài 7 câu hỏi và buộc phải trả lời. Chúng đã bất lực và cay cú thừa nhận: “Không đủ khả năng khai thác can phạm”, “tên Lê Đài ngoan cố đến cùng, luôn bảo vệ đường lối của cộng sản”.

Ngày 16-10-1991, Tỉnh ủy Phú Yên long trọng tổ chức lễ tưởng niệm Lê Đài - vị Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên đầu tiên thời kỳ chống Mỹ cứu nước, hy sinh oanh liệt trong nhà tù Mỹ - Diệm ngày 26-10-1956. Tỉnh ủy Phú Yên dày công sưu tra tài liệu 10 năm trời để làm rõ những uẩn khúc về sự hy sinh cao cả của ông và ra quyết định kết luận những vấn đề lịch sử của Lê Đài.

Trong điếu văn đọc tại lễ tưởng niệm Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Lê Đài,  đồng chí Nguyễn Duy Luân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cùng với những người cộng sản Phú Yên kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ vong linh Lê Đài và khẳng định: “Đồng chí Lê Đài của chúng ta là một con người như vậy, sống chiến đấu và làm việc vì lợi ích của cách mạng, của nhân dân, vào tù thì kiên cường dũng cảm địch mua chuộc không ngã lòng, khảo tra không sờn chí, một lòng một dạ giữ trọn khí tiết của người cán bộ cách mạng, của người đảng viên cộng sản.

Do điều kiện chiến tranh và thủ đoạn thâm độc của kẻ thù nên từ ngày đồng chí hy sinh đến nay, Đảng bộ chưa có điều kiện để làm rõ sự hy sinh của đồng chí. Năm 1990, Thường vụ Tỉnh ủy quyết định phải làm rõ vấn đề hy sinh của đồng chí và đến nay đã có đủ chứng cứ để kết luận đồng chí Lê Đài trong thời gian bị địch bắt đã dũng cảm chịu đựng mọi cực hình tra tấn của địch, không khai báo đầu hàng, giữ vững khí tiết người cộng sản đến hơi thở cuối cùng...”.             

Anh Bình