.
Kỷ niệm 106 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25-8-1911 - 25-8-2017):

"Triệu Tử Long trên sông"

Thứ Sáu, 25/08/2017, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Đến hôm nay, ông Nguyễn Xuân Toản (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) - người lính công binh trên bến phà Long Đại vinh dự được chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua dòng Nhật Lệ năm nào vẫn luôn tự hào với danh hiệu Đại tướng dành tặng: “Triệu Tử Long trên sông”. Gần 45 năm ông mới có dịp trở lại nơi này, nhưng dường như, với ông, ký ức của những năm tháng bi tráng và hào hùng vẫn còn vẹn nguyên như thuở ấy.

Một ngày hè chát chúa nắng, đoàn cựu chiến binh từng chiến đấu trên bến phà Long Đại có dịp được trở lại chiến trường xưa. Niềm vui ngày gặp lại đủ sức xua đi những nhọc mệt của tuổi già sau chặng hành trình xa ngái. Với ông Nguyễn Xuân Toản, chuyến trở về này khá đặc biệt khi ông là nhân vật trong bộ phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam tái hiện lại những năm tháng hào hùng và bi thương của “tọa độ lửa” Long Đại.

Một lần nữa sau mấy chục năm trở về với cuộc sống đời thường, ông được trực tiếp lái chiếc ca nô băng qua dòng Nhật Lệ. Chừng ấy năm nhưng khả năng điều khiển ca nô của người cựu binh ấy vẫn vững vàng, khéo léo như thời trai trẻ.

Bên bến phà nhiều kỷ niệm, quá khứ với những năm tháng binh lửa lại hiển hiện trước mắt ông, tựa như một cuốn phim quay chậm rực rỡ sắc màu. Ông kể, một ngày đầu năm 1964, ông Toản xung phong lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 20 tuổi.

Thời điểm ấy, ông là lính công binh của Trung đoàn 249, Đoàn công binh sông Lô. Tròn một năm sau khi được cho học lái ca nô, Nguyễn Xuân Toản được đơn vị giao giữ chiếc canô mang số hiệu Y434. Từ đó, ông và chiếc ca nô cùng đơn vị đi phục vụ trên các bến sông của miền Bắc. Tháng 10-1967, đơn vị của ông là Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 249 được điều vào Quân khu IV để tăng cường cho các bến, bãi thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Nhiệm vụ chính của đơn vị thời điểm ấy là rà phá bom mìn khu vực bến phà Long Đại.

Những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là động lực để ông Toản vượt qua khó khăn đời thường.
Những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp là động lực để ông Toản vượt qua khó khăn đời thường.

Ngay tại vị trí thường được gọi là “tọa độ lửa” ác liệt trong những năm chống Mỹ, chiếc ca nô Y434 do ông Nguyễn Xuân Toản và đồng đội lái được giao nhiệm vụ rất đặc biệt: Dùng để phá bom từ trường – thủy lôi của giặc Mỹ, bảo đảm đưa người, vũ khí, hàng hóa qua sông an toàn. Ông Toản nhớ lại, trong những năm tháng ác liệt ấy, không biết bao nhiêu bom đạn của kẻ thù đã trút xuống nơi này. Người lính công binh Nguyễn Xuân Toản là người gắn bó nhiều nhất với chiếc ca nô Y434 và cũng là người trực tiếp kích nổ hàng trăm quả bom từ trường ngay trên chính dòng sông và bến phà Long Đại.

Và cũng chính ông đã không ít lần phải chứng kiến sự hy sinh anh dũng của những người đồng đội, trong đó có những người lính công binh. “Khúc sông này chỉ là một đoạn rất ngắn nhưng mỗi ngày phải hứng chịu hàng trăm lượt ném bom của giặc Mỹ. Vậy nên, khi chúng tôi nhận nhiệm vụ rà phá bom từ trường trên sông nghĩa là chấp nhận đối mặt với hiểm nguy và mất mát. Đã có nhiều đồng chí, đồng đội của tôi hy sinh ngay tại bến phà này. Ký ức ấy mãi mãi không thể nào quên được”, ông Toản bồi hồi nhớ lại.

Trong chuỗi ký ức vẫn theo ông đến tận hôm nay, kỷ niệm đẹp đẽ nhất và cũng là động lực giúp ông vượt qua được những thăng trầm trong cuộc sống đời thường là được chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sông.

Ông kể, đó là một đêm hè năm 1968, đơn vị ông Toản được giao nhiệm vụ bí mật chở một đoàn lãnh đạo cao cấp qua sông an toàn. “Tôi nhớ rất rõ là đêm ấy, đồng chí chủ nhiệm chính trị của Trung đoàn trực tiếp đến gặp tôi, chỉ định tôi lái ca nô đưa đoàn lãnh đạo qua sông. Lúc ấy, dù không biết đoàn lãnh đạo đó bao gồm những ai nhưng nhiệm vụ cấp trên đã tin tưởng giao cho nên dù biết phải đối diện với hy sinh vẫn vui vẻ nhận lời”, ông Toản nhớ lại.

Trước khi nhận nhiệm vụ, một mình ông ra khởi động ca nô và lái 8 vòng giữa hai bờ sông theo hình số 8 để rà phá bom từ trường, bảo đảm cho đoàn công tác qua sông được an toàn nhất. Xong xuôi, ông mới yên tâm trở về đón đoàn công tác. Đến thời điểm ấy, người lính công binh trẻ tuổi Nguyễn Xuân Toản mới kịp nhận ra người cán bộ cao cấp mà bản thân được vinh dự đưa qua sông chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đi cùng Đại tướng còn có 10 đồng chí lãnh đạo khác.

Khi chiếc ca nô vừa ra đến giữa sông thì máy bay Mỹ bắt đầu thả pháo sáng và bắn phá dữ dội giữa hai đầu bến. Không kịp suy nghĩ nhiều, ông liền cho ca nô giảm tốc, rồi lái dọc theo sườn núi để tránh pháo sáng của địch.

Khi đã đưa đoàn công tác đến hầm trú ẩn, đợi dứt máy bay mới đi tiếp, còn một mình ông vẫn ngồi lại trên ca nô để theo dõi tình hình. Nhận thấy bầu trời tạm yên, máy bay bay qua hết, ông lại tiếp tục đưa đoàn lãnh đạo xuống ca nô và đi tiếp. Trong những giây phút căng thẳng trên sông, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn trò chuyện thân mật, thăm hỏi, động viên và khen ngợi sự dũng cảm, gan dạ của người lính trẻ. Cái cảm giác gần gũi ấy của vị Tổng Tư lệnh đến giờ vẫn khiến ông bồi hồi mỗi khi nhớ lại.

Sau chuyến đi đặc biệt ấy, người lính trẻ Nguyễn Xuân Toản được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng danh hiệu “Triệu Tử Long trên sông”. Cuối năm 1968, chiếc ca nô Y434 được mang ra Thủ đô triển lãm và được lưu giữ tại Bảo tàng Công binh từ đó cho đến hôm nay.

Những năm sau đó, người lính Nguyễn Xuân Toản tiếp tục nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng khi ông được điều động tăng cường cho bến phà Gianh, rồi tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hòa bình lập lại, ông trở về làm ăn kinh tế tại quê nhà - huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Xuân Toản được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Ba, được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua, Chiến sỹ quyết thắng, Dũng sỹ lái phà Long Đại, Chiến sỹ hai giỏi... “Đến giờ, tôi đã có hai lần vinh dự đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng.

Tôi nhớ, lần đầu tiên cùng đoàn cựu chiến binh công binh tới thăm Đại tướng vào tháng 12-1998, ngay khi nghe tôi giới thiệu tên, phu nhân Đại tướng liền vui vẻ bắt tay và hỏi tôi có phải là “Triệu Tử Long trên sông” không? Phu nhân còn bảo rằng bà đã nhiều lần được nghe Đại tướng kể về tôi cùng chuyến vượt sông đặc biệt ấy. Thực sự điều đó làm tôi thấy tự hào nhiều lắm”, ông Toản kể, ánh mắt vẫn lấp lánh niềm vui.

Trở lại Long Đại lần này, người lính công binh năm xưa như được sống lại cả một quãng trời ký ức của tuổi trẻ. Cuộc sống gia đình của người lính sau chiến tranh bộn bề gian khó nhưng mỗi khi nhớ đến kỷ niệm trong dịp được đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sông, ông lại có thêm động lực để vượt qua những thử thách đời thường ấy.

Diệu Hương