.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2017):

Ký ức Hòn La

Thứ Ba, 18/07/2017, 08:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Cho đến bây giờ, 45 năm đã qua, nhưng những ngày tháng cảm tử phục vụ "Chiến dịch Hòn la" vẫn chưa bao giờ quên trong tâm trí người thương binh, cựu chiến binh Hoàng Văn Minh, để rồi mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7, những ký ức đó lại hiện về trong ông...

"Chiến dịch Hòn La" là một trong những chiến dịch vận tải lớn nhất trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước mà Trung ương giao cho Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đảm nhận. Trong chiến dịch này, hòng ngăn chặn chuyến chuyển tải của ta từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) vào đất liền, giặc Mỹ đã trút xuống quanh khu vực Hòn La một khối lượng bom đạn khổng lồ.

Tính từ 1-6-1972 đến 15-1-1973, giắc Mỹ đã huy động 1.500 lần chiếc máy bay, đánh phá gần 700 trận, ném xuống gần 1.000 quả bom phá, 149 loạt bom bi, 540 loạt rốc két, 600 loạt 20 ly, 124 quả đạn cối, 96 quả bom cháy, hơn 1.000 quả thủy lôi và 149 quả bom từ trường, bắn hàng ngàn quả đạn pháo các cỡ từ tàu chiến vào các mục tiêu trong khu vực Hòn La (theo Lịch sử Quảng Bình chống Mỹ cứu nước). Nhưng chúng nó hoàn toàn thất bại.

Với tinh thần "Tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Trị Thiên ruột thịt", quân và dân Quảng Bình đã đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm kiên cường tiếp nhận và vận chuyển hơn 21 nghìn tấn gạo từ tàu Hồng Kỳ chuyển vào chiến trường miền Nam nuôi quân đánh thắng.

Đầu tháng 6-1972, khi đó ông Hoàng Văn Minh đang là chiến sĩ đơn vị C300 Thị đội Đồng Hới, được lệnh cùng 14 chiến sĩ khác quê miền biển ra phục vụ "Chiến dịch Hòn La". Là một đảng viên trẻ, một chiến sĩ quyết thắng của đơn vị, Hoàng Văn Minh hăng hái dẫn toàn tổ lên đường, vượt gần 50km đường liên thôn ra sát nhập với các đơn vị C363 Bố Trạch, C365 Quảng Trạch làm nòng cốt trong chiến dịch.

Hòn La hôm nay. Ảnh: T.H
Hòn La hôm nay. Ảnh: T.H

Hôm sau, tại Ban chỉ huy đóng tại thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân (Quảng Trạch), Hoàng Văn Minh được bổ sung vào chi ủy và dẫn đầu tổ thuyền nan đi làm nhiệm vụ. Trước sự phong tỏa của giặc Mỹ bằng thủy lôi, bom đạn, máy bay, tàu chiến, những người ra đi với ý chí quyết tử, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, trước khi xuất phát đã được đơn vị làm lễ truy điệu sống, Ai nấy thanh thản nắm chắc tay chèo quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Cựu chiến binh Hoàng văn Minh nhớ lại: “Mặc cho pháo sáng thả đầy trời, máy bay địch gầm rú điên loạn, chúng tôi vẫn chèo thuyền lướt trên đầu thủy lôi, từ trường mà tiến. Bằng kinh nghiệm của mình, vừa chèo tôi vừa căn dặn anh em để ý quan sát địch, khi phát hiện có máy bay bổ nhào, lập tức nhảy xuống biển, lặn thật sâu để tránh đạn và lúc trồi lên phải nhanh chóng nắm lấy mái chèo đừng để xuồng trôi ra xa làm mục tiêu cho máy bay địch bắn phá.

Vì thuyền nhỏ, mỗi chiếc chỉ chở được 2 - 3 tạ gạo nên chúng tôi đi nhanh, về nhanh, giải quyết hàng trong đêm. Tuy nhiên trên đường chèo, một số chiến sĩ đã bị thương vong do đạn 20 ly, rốc két từ máy bay địch bắn xuống hoặc bị thủy lôi nổ cận kề. Riêng tôi đã 3 lần bị thương trong đó có 1 lần bị thủy lôi nổ hất tung xuống biển.

Khoảng gần cuối tháng 6, trong một chuyến chở gạo bằng thuyền gỗ, vừa rời tàu Hồng Kỳ chưa đầy 100 mét thì thuyền đi đầu cách tôi chừng 40 - 50 mét bị máy bay địch phát hiện, chúng lao xuống bắn rốc két xối xả. Dưới ánh pháo sáng, nhìn rõ thuyền đồng đội bị trúng đạn, lập tức tôi hô to: "Các đồng chí, chèo nhanh lên để cứu đồng đội". Tới nơi chúng tôi kịp thời vớt được 3 thương binh lên thuyền rồi vội vã chèo quay lại đưa lên tàu Hồng Kỳ cứu chữa và lại tiếp tục chèo xuồng nan đi tìm kiếm đồng đội suốt đêm...

Buổi tối hôm đó, chúng tôi xếp gạo thành hầm trú ẩn dưới thuyền, đưa thương binh xuống chèo về bờ an toàn rồi lên hội ý toàn đơn vị. Hôm sau, được sự nhất trí của chỉ huy, tôi dẫn đầu tổ 5 người mang theo vũ khí, lương khô cuốc bộ dọc bờ biển đi tìm đồng đội. Ra tới Vũng Chùa, gặp đơn vị dân quân trực chiến, được sự chỉ dẫn của họ, chúng tôi dùng bao ni lông làm phao, bơi vượt biển ra Hòn Nồm (Đảo Yến) tìm kiếm.

Bơi được nửa đường thì gặp máy bay địch rà soát, tôi hô mọi người hãy xả khí ra và lặn xuống để tránh địch. Máy bay địch đi xa, chúng tôi lại bơi tiếp ra Hòn Nồm và tìm thấy 3 thi thể đồng đội được sóng nước đưa vào bờ đảo, lập tức đem lên bãi, dùng ni lông phủ kín rồi quay trở về báo tin. Sau khi đơn vị đón đồng đội về làm lễ truy điệu, an táng, tôi lại cùng 2 đồng chí khác tiếp tục lên đường đi tìm 2 đồng chí còn lại.

Để giảm bớt thương vong và rút ngắn thời gian chuyển tải, Ban chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển phương án lao dọc qua lao ngang, đưa gạo vào tập kết tại Vĩnh, Thọ Sơn và Hòn La bằng xuồng nan. Do cự ly Hòn La - Hồng Kỳ cách chừng 150 mét nên mỗi đêm chúng tôi chuyển được 3 - 5 chuyến gạo. Ban ngày để tránh máy bay địch phát hiện bắn phá, chúng tôi cho xuồng áp mạn Hồng Kỳ, ban đêm rời tàu chuyển gạo vào Hòn La.

Trong một chuyến đi khi còn cách bến đảo chừng 10 mét, ở độ sâu khoảng 7 - 8 tấc, dưới ánh pháo sáng tôi phát hiện một quả thủy lôi dù còn nằm nguyên dưới đáy biển, giữa đường chèo. Lập tức tôi và Hoàng Văn Bi (hiện ở tổ 5 Hải Thành) nhảy xuống, bất chấp nó là thủy lôi định lần, định giờ hay tự hủy, cả hai chúng tôi cùng ra sức vừa vần vừa lăn nó ra khỏi luồng lạch. Chẳng biết chúng tôi đã lăn quả thủy lôi đi được mấy vòng và hết bao nhiêu thời gian, chỉ biết rằng khi nó đã nằm ở khá xa, luồng lạch đã có thể an toàn thì mới lội trở về xuồng và không quên giữ nguyên chiếc dù để các phương tiện khác biết mà tránh.

Sau này khi mùa mưa bão ập đến, phương tiện chuyển tải bằng thuyền nan không còn thích hợp, chúng tôi lợi dụng sức gió và sức nước để chuyển qua phương án kết gạo 4 bì thành bè thả trôi theo dòng nước, tấp vào bờ biển Nam Quảng Bình, Vĩnh Linh đạt hiệu quả cao. Trung tuần tháng 1-1973, chiến dịch Hòn La kết thúc, tôi lại trở về đơn vị C300 làm nhiệm vụ".

Cựu chiến binh Hoàng Văn Minh sinh năm 1947, năm nay tròn 70 tuổi. 20 tuổi ông được kết nạp vào Đảng tại lực lượng dân quân tự vệ thôn Đồng Thành - thị xã Đồng Hới. Năm 1969 ông nhập ngũ, công tác tại C300 Thị đội Đồng Hới cho đến tháng 8-1976, là thương binh hạng 2/4.

Trong 8 năm ở quân ngũ thì 6 tháng làm nòng cốt chiến dịch Hòn La là thời gian sôi động nhất, ác liệt nhất, giữa cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, ông đã thể hiện được vai trò người đảng viên cộng sản và bản lĩnh của anh "Bộ đội Cụ Hồ" vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Hiện, CCB Hoàng Văn Minh đang cùng gia đình sinh sống tại tổ 6 phường Hải Thành, ngày ngày ngoài giờ làm việc ông còn dành thời gian để đền đáp hiếu nghĩa: chăm sóc, phụng dưỡng mẹ già gần 100 tuổi để cụ được sống vui, sống khỏe.

Trần Ngọc Phơn