.

Người nấu bữa cơm trưa cho Bác Hồ tại Quảng Bình

Chủ Nhật, 18/06/2017, 09:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2012, nhân kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình, qua những nhân chứng và tư liệu lịch sử, tôi đã có bài viết “Bữa cơm trưa của Bác tại Quảng Bình”. Người chuẩn bị bữa cơm cho Bác ở cơ quan Giao tế là ông Cả Yêm, quê quán xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch. Vậy ông Cả Yêm là ai? Có mối quan hệ như thế nào với Bác? Suốt khoảng thời gian 5 năm sau đó, từ các mối quan hệ và các cứ liệu lịch sử ít nhiều bị lãng quên theo thời gian, dần dần tôi tiếp cận và khắc họa khá trọn vẹn chân dung ông Cả Yêm.

Bữa cơm trưa của Bác Hồ tại Quảng Bình

Trong tập tài liệu viết về Cơ quan Giao tế Quảng Bình của ông Nguyễn Thanh Đàm, nguyên Chủ nhiệm Cơ quan Giao tế Quảng Bình lúc ông còn sống đưa cho tôi xem, có đề cập khá chi tiết về bữa cơm trưa của Bác Hồ tại Quảng Bình. Bữa cơm rất đỗi bình dị, có cá thu kho, bát canh chua, đĩa rau khoai lang, thịt lợn luộc chấm mắm nêm...

Ông Cả Yêm bên cạnh thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Cả Yêm bên cạnh thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bữa cơm trưa dọn ra, đồng chí Nguyễn Tư Thoan, Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp mời Bác Hồ dùng bữa, ngoài ra còn có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đồng chí Cổ Kim Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy... Bác rất thích món thịt lợn chấm mắm nêm, thứ mắm đặc sản Quảng Bình. Bác ăn, khen ngon.

Đồng chí Nguyễn Tư Thoan thấy Bác ăn ngon, bảo ông Đàm gọi nhà bếp đưa thêm một đĩa thịt và bát mắm khác, nhưng Bác ngăn lại. Bác nhẹ nhàng bảo: "Các chú đừng gọi thêm cho Bác, Bác dùng như vậy đủ rồi. Gọi thêm, Bác ăn không hết, ăn không hết để dở lại, ai ăn thừa cho chúng ta!". Những người trong bữa cơm hôm đó im lặng, thấm sâu những lời của Bác. Chỉ một việc rất nhỏ nhưng là bài học lớn, đó là tính cần kiệm và ý thức chăm lo, yêu thương, tôn trọng của Bác Hồ với những người xung quanh mình.

Trong những đặc sản bình dị đón Bác tại cơ quan Giao tế có một món ăn người đầu bếp dành riêng cho Bác, chỉ có Bác Hồ mới hiểu. Dùng cơm xong, Bác Hồ bảo đồng chí Cổ Kim Thành đưa Bác xuống bếp ăn. Nhìn thấy người đầu bếp, Bác vui mừng gọi “Anh Cả Yêm”. Hai người bắt tay rồi ôm chầm lấy nhau đầy xúc động.

Người bạn thâm giao của Bác Hồ

Rất tình cờ, trong dịp Đảng ủy phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn ra mắt tập lịch sử Đảng bộ phường tập I (1930-2000), tôi được Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Tiến Thành tặng cho một cuốn. Lật dở từng trang, tôi bắt gặp cái tên khá quen thuộc- đồng chí Nguyễn Yêm, tức Cả Yêm.

Về quá trình hoạt động cách mạng của ông  Cả Yêm, tập lịch sử sơ lược ít dòng: “Đồng chí Nguyễn Yêm, tức Cả Yêm, được kết nạp Đảng tháng 6-1930 tại Sài Gòn. Sau đó đồng chí bị giặc bắt và kết án tù tại Sài Gòn.

Sau khi ra tù, đồng chí về quê tiếp tục hoạt động gây dựng phong trào. Cuối năm 1942, đồng chí Nguyễn Yêm bắt liên lạc với Trần Đỉnh làm lò rèn ở chợ Thổ Ngọa. Sau khi làm việc với tổ chức Đảng, đồng chí Nguyễn Yêm được phân công xây dựng tổ chức Việt Minh ở tổng Thuận Bài.

Đồng chí Nguyễn Yêm và Trần Đỉnh ở nhờ nhà ông Nguyễn Trực, thầy thuốc tại làng Mỹ Hòa. Đầu năm 1943, sau một thời gian hoạt động, các đồng chí giác ngộ nhiều quần chúng tham gia vào tổ chức Việt Minh như: Nguyễn Phác, Nguyễn Hòe, Nguyễn Huệ...”.

Bí thư Nguyễn Tiến Thành bảo với tôi: “Hiện tại phần mộ cụ Cả Yêm đang nằm tại Nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc”. Qua lời giới thiệu của anh, tôi tiếp tục gặp gỡ nhiều người trong dòng họ Nguyễn ở phường Quảng Phúc có mối liên hệ họ hàng với  ông Cả Yêm. Rất tiếc, thời gian, chiến tranh,  ông Cả Yêm lại thoát ly cách mạng từ sớm nên những ký ức về ông quá mờ nhạt.

Thêm một dịp may khác đến với tôi, trong những người cháu từng sống, học tập, gần gũi  ông Cả Yêm có ông Nguyễn Hồng Phối (gọi cụ Cả Yêm bằng ông nội), nguyên nhà báo công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Ông Phối về hưu, hiện tại sống ở Hà Nội. Tôi gặp gỡ, trao đổi với ông Phối, xin một vài tư liệu về  ông Cả Yêm.

Từ câu chuyện, ghi chép ông Phối dành cho ông nội, chân dung ông Cả Yêm dần dần hé lộ, không chỉ là người nấu cơm phục vụ Bác Hồ ngày Bác về thăm Quảng Bình, Vĩnh Linh mà còn là người bạn thâm giao của Bác ở bến cảng Nhà Rồng và những năm tháng Bác Hồ bôn ba tìm đường cứu nước.

Ông Nguyễn Yêm, sinh 4-12-1894, là con thứ năm trong số sáu anh chị em trong một gia đình nhà nho và làm quan huyện nghèo. Cha và hai anh mất sớm,  ông không được học hành đến nơi đến chốn. Vào Sài Gòn làm phụ bếp rồi học nghề nấu bếp, sau đó làm bếp cho tàu thủy của chủ tư bản Pháp chạy khắp các nước thuộc châu Á, Phi, Âu và Bắc Mỹ.

Ông Cả Yêm gặp Nguyễn Tất Thành tại bến cảng Nhà Rồng, hai người dọn dẹp và rửa bát trên tàu Amiral La Touche De Tréville. Ngày 5-6-1911, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước dưới cái tên Văn Ba cũng chính trên con tàu này.

Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc tham gia Đảng Xã hội Pháp, tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, sáng lập tờ báo Người Cùng Khổ- Le Paria. Mỗi lần tàu thủy Pháp có ông Cả Yêm làm bếp cập cảng, báo Le Paria bí mật chuyển xuống tàu đến các nước châu Á, Phi, Mỹ để phát hành.

Những năm 1927-1928, ông Cả Yêm rời tàu biển về phục vụ trong một gia đình tư sản Pháp ở Sài Gòn. Gia đình này có đồn điền tại Việt Nam và các nước châu Phi. Mỗi năm vợ chồng nhà tư sản chỉ đến Việt Nam vài lần, mỗi lần chỉ lưu lại thời gian ngắn.

Ngôi nhà ông Cả Yêm trông coi có một tầng trệt, bếp, nhà kho; tầng hai vợ chồng nhà tư sản ở; tầng ba phục vụ tiệc tùng và nhảy đầm. Ông Cả Yêm chỉ ở tầng trệt. Giác ngộ cách mạng từ rất sớm, ông Cả Yêm kết nạp Đảng năm 1930.

Chân dung ông Cả Yêm.
Chân dung ông Cả Yêm.

Thời gian tại Sài Gòn, rất nhiều đảng viên cùng chi bộ được ông Cả Yêm giới thiệu về sống chung tại tầng trệt. Trong đó có các đồng chí sau này làm lãnh đạo Đảng và Nhà nước như Hà Huy Giáp, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa 3, Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Ung Văn Khiêm, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 3, Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao; Bùi Công Trừng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 3, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học Nhà nước; Phạm Ngọc Thạch, Bộ trưởng Bộ Y tế... Ông Nguyễn Yêm lớn tuổi hơn được gọi là Cả, tên Cả Yêm có từ đó.

Ông Cả Yêm được Xứ ủy Nam Kỳ cử làm bảo vệ Lý Tự Trọng ám sát tên trùm mật thám Pháp Legrant ngày 9-2-1921. Lý Tự Trọng bị bắt và bị kết án tử hình. Ông Cả Yêm cũng bị bắt, nhưng gia đình tư sản Pháp bảo lãnh cho ra tù và bị chính quyền thực dân trục xuất về quê Quảng Bình.

Về Quảng Bình, ông Cả Yêm liên lạc với cơ sở Đảng (đã đề cập trong cuốn lịch sử Đảng bộ xã Quảng Phúc- PV) và tham gia hoạt động cướp chính quyền ở Đồng Hới, Quảng Trạch, Thanh Khê. Trong thời gian ở Quảng Bình đến năm 1945, ông Cả Yêm tổ chức thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Mỹ Hòa, trong chi bộ có ông Nguyễn Phác sau này là Giám đốc Công ty Thương nghiệp Quảng Bình.

Khoảng năm 1949-1950, ông Cả Yêm được gọi ra Hà Nội phục vụ Bác Hồ một thời gian, sau đó chuyển công tác về Văn phòng Bộ Quốc phòng phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1956, ông Cả Yêm được cử tham gia đội sửa sai cải cách ruộng đất ở khu Bốn, trực tiếp là Quảng Bình. Sau sửa sai, ông không ra Hà Nội nữa mà ở lại công tác tại Cơ quan Giao tế Quảng Bình.

Trong dịp Bác Hồ về thăm Quảng Bình, trong bữa cơm trưa đãi Bác Hồ, ông Cả Yêm cố ý làm thêm một món riêng cho Bác, chỉ Bác mới biết xuất xứ, nhờ đó hai người mới có điều kiện hội ngộ cùng nhau sau nhiều năm xa cách.

N.T.L