.
Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017):

Vị tướng biển đảo, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Chủ Nhật, 30/04/2017, 14:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh sinh ngày 15-4-1931 tại xã Quảng Sơn, huyện Quảng Trạch (nay là xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn). Lớn lên bên dòng Linh Giang lịch sử, nhiều thế hệ họ Mai gắn bó với truyền thống đánh giặc giữ làng bảo vệ quê hương. Ông là chắt nội Lãnh binh Mai Lượng, người cùng Đề đốc Lê Trực làm thực dân Pháp “thất điên bát đảo” trong phong trào Cần Vương.

Tướng Mai Xuân Vĩnh tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Tướng Mai Xuân Vĩnh tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Năm 1950, ông Mai Xuân Vĩnh nhập ngũ, biên chế tại Đại đội 88, Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 18. Cuối năm 1951, Tiểu đoàn 436 tách khỏi Trung đoàn 18 sát nhập với Trung đoàn 101 ở Thừa Thiên. Đầu năm 1960, ông Mai Xuân Vĩnh đi học tại trường Hải quân Ba Cu (Liên Xô cũ). Tháng 2-1965, ông trở về Quân chủng Hải quân công tác cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 3-2000.

Trong thời gian công tác tại Quân chủng Hải quân, ông trải qua nhiều chức vụ: trợ lý tác chiến Khu Tuần phòng 2 Hải quân; Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 ra-đa (6-1966); Tiểu đoàn trưởng “Sông Gianh” (10-1969); Phó chỉ huy, Chỉ huy trưởng Khu vực 4, Sông Gianh, Bộ Tư lệnh Hải quân (11-1971); Phó phòng Tác chiến, Trưởng phòng Tác chiến (1-1975); Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (8-1980); Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân (7-1982) và Tư lệnh Quân chủng Hải quân (9-1993 đến 3-2000).

Trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 ra-đa bờ biển thuộc Phòng Thông tin Quân chủng Hải quân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông chỉ huy tiểu đoàn giữ vững trận địa để chỉ thị mục tiêu cho các lực lượng không quân, lực lượng tàu chiến chiến đấu hiệu quả, góp phần làm nên thắng lợi của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân Khu IV đánh thắng cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ra miền Bắc giai đoạn 1966-1968. Ông hai lần được bầu là Chiến sĩ thi đua toàn quân trong thời gian này.

Trở thành Tư lệnh Quân chủng Hải quân giai đoạn 1999-2000, tướng Vĩnh cống hiến, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng và Nhà nước xây dựng thế bố trí phòng thủ biển, đảo; đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc, nhất là bảo vệ quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc mang tính chiến lược, lâu dài.

Thiếu tướng Hoàng Kiền, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83 Công binh Hải quân, người gắn bó với Quân chủng Hải quân 16 năm và hơn 10 năm với Trường Sa, trong đó có 8 năm là chỉ huy trung đoàn xây dựng công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa nhớ lại: “Hàng năm, nhiệm vụ xây dựng công trình ở Trường Sa rất lớn, Tư lệnh Mai Xuân Vĩnh tin tưởng, trực tiếp giao cho đơn vị chúng tôi tổ chức thi công, không có việc khó nào chúng tôi không làm được.

Sau hơn nửa thế kỷ làm lính cụ Hồ, nhớ lại những năm tháng cầm súng đánh giặc, tướng Mai Xuân Vĩnh đã cho ra đời cuốn hồi ký “Miền sóng vỗ” (NXB Quân đội Nhân dân phát hành năm 2011).

Thông điệp Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh gửi gắm qua từng dòng hồi ký chính là khát vọng cháy bỏng, làm sao xây dựng lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam hùng mạnh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Hàng năm Tư lệnh tổ chức đi kiểm tra một vòng toàn quần đảo, cuối năm một vòng đi nghiệm thu. Mỗi chuyến đi dài cả tháng trên biển đảo, thầy trò quần đùi áo lót lên xuống tàu. Đi nghiệm thu thường vào cuối năm, gió mùa đông bắc thổi mạnh, sóng to, mỗi khi xuống xuồng vào đảo rồi từ đảo lên lại tàu vô cùng gian nan nguy hiểm, đã có một số trường hợp chìm xuồng, va đập kẹp chân vào thành tàu gây thương tật. Trừ thời gian trên đảo, còn trên tàu cứ quần đùi áo ba lỗ, tướng như quân chân tình ngồi uống trà lênh đênh khắp biển, vừa bàn công việc vừa vui chuyện đường dài, chuyện gia đình, bạn bè, người thân”.

Thành tích đặc biệt xuất sắc mà tướng Mai Xuân Vĩnh đạt được ghi nhận tại trận chống càn của Trung đoàn 101, Đại đoàn 325 (nay là Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) ngày 4-9-1952. Thực dân Pháp mở cuộc hành quân “Cá sấu” có hỏa lực chi viện từ máy bay, xe bọc thép ồ ạt tấn công vào khu vực Trung đoàn 101 đóng quân.

Ông mưu trí, dũng cảm, quyết đoán, chủ động sáng tạo và với tình yêu thương đồng đội sâu sắc, vì nhân dân quên mình, chỉ huy đưa lực lượng 8 người, trong đó có 2 thương binh nặng cùng hàng trăm đồng bào vượt sông an toàn, thoát khỏi sự tàn sát của kẻ thù.Trung đội ông theo những đồi cát phá vòng vây của địch.

Với những cống hiến liên tục xuất sắc, ngày 18-2-2017, tướng Mai Xuân Vĩnh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp.Sáng 13-4-2017 tại tỉnh Bắc Giang, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 đã long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông.

Nghỉ hưu ở tuổi 70 với hơn 50 tuổi quân, trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chống PolPot trên vùng biển đảo Tây Nam và chống Trung Quốc xâm chiếm một số đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, tướng Mai Xuân Vĩnh luôn sống giản dị, gương mẫu, mãi là người đảng viên cộng sản chân chính.

Được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cấp cho mảnh đất ở quận 1, thành phố Hồ Chí Minh làm nhà ở. Khi nghỉ hưu, tướng Vĩnh bán đi dành một phần tiền về ủng hộ xây dựng quê hương, số còn lại ông sang quận 2 bên kia cầu Sài Gòn mua ngôi nhà vừa đủ để sinh hoạt. Dù đi đâu, ở nơi nào, tình quê hương vẫn sâu đậm trong tâm vị tướng già đôn hậu.

Ông kể: “Trong những năm chống Mỹ, lực lượng Hải quân có phân đội tàu đóng ở cửa sông Gianh, do máy bay Mỹ ném bom bắn phá vô cùng ác liệt, các tàu chiến của ta phải cơ động sơ tán lên quê hương mình. Máy bay B52 ném bom vào làng giết chết hàng trăm người, có thể do chúng phát hiện ra các tàu Hải quân sơ tán lên, nên tập trung đánh phá. Lẽ ra Quân chủng Hải quân nên làm bia di tích kỷ niệm nơi này. Mình bàn rồi nhưng ít ai quan tâm, vì mìnhnguyên Tư lệnh Hải quân, nói nhiều họ lại bảo mình thiên vị cho quê hương”.

Tướng Vĩnh cùng ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tướng Vĩnh cùng ông Nguyễn Hữu Cương, Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Bình tại thành phố Hồ Chí Minh.

Thiếu tướng Hoàng Kiền kể tiếp: “Năm 2012, tướng Vĩnh điện chúc tết và và phê bình chúng tôi là các anh làm rất nhiều việc ở Trường Sa nhưng không chịu báo cáo khen thưởng gì cả. Thế rồi tôi viết đề cương báo cáo khoa học và lên trực tiếp báo cáo với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân.

Sau đó Quân chủng phân công Phó đô đốc Mai Xuân Vĩnh (dù đã nghỉ hưu) làm trưởng nhóm tác giả, Thiếu tướng Hoàng Kiền làm tổ trưởng tổ viết báo cáo khoa học về đề tài “Thiết kế xây dựng cụm công trình chiến đấu trên quần đảo Trường Sa” xét đề nghị tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Mục tiêu là có giải thưởng nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7-5-2015); thế nhưng không được vì giải thưởng Hồ Chí Minh quy định 5 năm xét một lần. Tướng Vĩnh động viên tôi là chú cứ bám để trình hội đồng xét giải và liên tục hỏi kết quả. Đến ngày 6-1-2017, Chủ tịch nước ký quyết định tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhóm tác giả”.

Về câu chuyện này, tướng Vĩnh rất hạnh phúc vì trong năm 2017, ông vinh dự nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba; đồng tác giả giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và bây giờ là Anh hùng LLVT nhân dân.

Trọn cuộc đời đi theo cách mạng, 50 năm phục vụ trong quân đội, khi về hưu, vị tướng Hải quân vẫn luôn tâm nguyện: “Làm tốt nhiệm vụ người đảng viên, người công dân; giữ vững và phát huy phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng”. Ông xứng đáng với dòng máu anh hùng của họ Mai làng Thọ Linh “địa linh nhân kiệt” trên quê hương Quảng Bình.

Văn Dưỡng-Thanh Long