.
Kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2017):

Tên anh đã hóa thành bất tử

Chủ Nhật, 30/04/2017, 14:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong rất nhiều địa chỉ đỏ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên quê hương Quảng Bình, có một địa danh đặc biệt ghi dấu nhiều kỳ tích về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường, lòng dũng cảm và sáng tạo Việt Nam trong lịch sử chiến tranh nhân dân. Đó là vịnh Hòn La (Quảng Trạch) với chiến dịch vận tải năm 1972.

 

 Liệt sỹ Hồ Văn Lay năm 1970 (ảnh do gia đình cung cấp)
Liệt sỹ Hồ Văn Lay năm 1970 (ảnh do gia đình cung cấp).

Ngày đó, tàu nước ngoài chở lương thực giúp ta chỉ được thả neo ở vịnh Hòn La. Việc tìm mọi cách để chuyển gạo từ tàu bạn vào bờ được Trung ương tin tưởng giao cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh ta.

Ngày 29-5-1972, con tàu trọng tải 6.000 tấn, Hồng Kỳ của bạn đã vào vị trí. Để thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao, kế hoạch tiếp nhận hàng mang mật danh “KHR1” được Thường vụ Tỉnh ủy kịp thời triển khai.

Cùng với các đơn vị chủ lực, tỉnh còn tăng cường lực lượng các ngành giao thông, thủy sản... tham gia vận chuyển, nhằm rút ngắn thời gian, tránh tổn thất và giải phóng nhanh tàu bạn. Kể từ đây, vịnh hòn La chưa đầy 4ha diện tích mặt biển đã trở thành trận địa nóng bỏng.

Để ngăn chặn việc nhận hàng của ta, địch đã huy động tối đa phương tiện và vũ khí, ngoài khơi luôn có từ 3-4 tàu khu trục của Hải quân Mỹ thường xuyên pháo kích uy hiếp, các loại máy bay phản lực, trực thăng liên tục bắn phá oanh tạc. Chúng sử dụng pháo sáng, thủy lôi, bom từ trường, bom phá và các vũ khí sát thương như bom bi, rốc-két, 20 ly... xuống khu vực này. Không hề nao núng, các lực lượng tham gia chiến dịch đã không ngại hy sinh gian khổ, lăn lộn, xông pha trong mưa bom bão đạn của kẻ thù để hoàn thành nhiệm vụ.

Nhiều đồng chí không tiếc thân mình, tình nguyện nhận nhiệm vụ khó khăn nhất, chấp nhận hy sinh thân mình vì lý tưởng cap đẹp. Một trong những trường hợp đầy quả cảm đó là liệt sỹ Hồ Văn Lay, thủy thủ Xí nghiệp đánh cá Nhật Lệ - Quảng Bình.

Sinh năm 1949 trong một gia đình ngư dân nghèo tại thôn Đông Tỉnh, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), xuất phát từ truyền thống quê hương và gia đình, Hồ Văn Lay sớm ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ. Năm 1966, mới tròn 17 tuổi, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ vào quân đội. Năm 1970, Ty Thủy sản Quảng Bình thành lập Xí nghiệp Đánh cá Nhật Lệ, nhiều con em vùng biển trong đó có Hồ Văn Lay được điều động về công tác, trực tiếp làm thủy thủ đánh cá.

Tháng 5-1972, trước yêu cầu của tỉnh, một số phương tiện của xí nghiệp gồm 6 tàu 23CV, 12 tàu 90CV và 2 tàu VS 150CV cùng hàng trăm cán bộ công nhân được điều động ra sông Gianh, phối hợp vận chuyển gạo để giải phóng nhanh tàu Hồng Kỳ. Trong đêm 30 và 31-5-1972, lợi dụng yếu tố bất ngờ, các tàu khẩn trương tiếp nhận và chuyển gần 600 tấn gạo vào cảng Gianh an toàn.

Ngày 1-6-1972, địch phát hiện, cho máy bay tập trung bắn phá, thả hàng trăm quả bom từ trường dọc bờ biển và hàng trăm quả thủy lôi, phong tỏa toàn bộ vùng ven biển từ mũi Đọc (đèo Ngang) đến cửa Gianh. Một số tàu của ta đã nhận hàng nhưng vẫn còn cập mạn tại tàu bạn, trong đó có cả con tàu Hồ Văn Lay đang làm thủy thủ. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh chỉ thị, phải bằng mọi giá rà phá từ trường, thủy lôi, mở đường ra Hòn La để chở hàng.

Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân cử 2 xuồng cao tốc, xuất phát từ Cửa Hội (Nghệ An) vào Hòn La tham gia rà phá thủy lôi khai thông chiến dịch. Trong đêm 8 rạng ngày 9-6-1972, một trong hai xuồng cao tốc được giao mở đầu thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Đồng chí Phạm Đon, quê ở xã Hải Trạch (Bố Trạch), thuyền trưởng Xí nghiệp đánh cá Nhật Lệ, được Thường trực Ban chỉ huy chiến dịch có mặt tại tàu Hồng Kỳ phân công trực tiếp đưa đường cho các đồng chí hải quân làm nhiệm vụ.

Sinh ra và lớn lên “nơi đầu sóng gió”, do sớm mồ côi cha, mới 14 tuổi, Hồ Văn Lay đã phải chèo chống trên vùng biển quê hương để kiếm sống, nuôi mẹ và các em. Anh thành thạo các loại nghề như câu chằng, câu vàng, lưới rê, lưới dầm, bóng tôm. Ở ngư trường này, anh thuộc lòng từng gành, mom, rạn, lố...

Ngay lập tức, Hồ Văn Lay đã tình nguyện đi làm nhiệm vụ thay cho đồng chí Phạm Đon. Chiếc thuyền được bố trí 3 người, gồm một thuyền trưởng, một thợ máy và một hoa tiêu, với đầy đủ khí tài lướt như bay trong đêm.

Lần lượt những quả thủy lôi của Mỹ - những thần chết đang giấu mặt bị kích hoạt nổ tung, trong niềm phấn khởi của mọi người. Nhưng kẻ địch cũng theo sát ta từng ly, chúng cho tàu chiến dồn dập pháo kích chặn trước, chặn sau. Từng tốp máy bay liên tục bật pháo sáng dày đặc cả một vùng biển, ném bom, phóng rốc-két, vãi đạn 20 ly đuổi theo con thuyền của ta.

Và, điều không may đã xảy ra, con thuyền trúng pháo kích địch, 3 chiến sỹ đã anh dũng hy sinh. Sáng ngày 9-6-1972, thi thể hai chiến sỹ hải quân dạt vào bãi biển xã Cảnh Dương, được nhân dân đưa về tổ chức mai táng tại địa phương, riêng thi thể Hồ Văn Lay vẫn không tìm thấy.

Ngay sau đó, lãnh đạo xí nghiệp đã chỉ đạo bộ phận sản xuất tại ngư trường Nhật Lệ kết hợp quan sát, phát hiện thi thể của anh, mặt khác cho người về các xã ven biển để tìm kiếm và thông báo tình hình. Tuy nhiên, anh đã ra đi vĩnh viễn, máu thịt anh hòa vào sóng biển quê hương, để lại mẹ già, đàn em cùng người vợ hiền và con trai chưa đầy 6 tháng tuổi.

 Biên bản xác nhận và công nhận liệt sỹ của Ty Thủy sản và UBHC tỉnh Quảng Bình.
Biên bản xác nhận và công nhận liệt sỹ của Ty Thủy sản và UBHC tỉnh Quảng Bình.

Theo giấy chứng nhận hy sinh, đề nghị công nhận liệt sỹ số 03 do Ty Thủy sản Quảng Bình lập ngày 27-7-1972 có ghi rõ: “Trường hợp hy sinh tại tàu Hồng Kỳ - Hòn La, trong khi thừa hành nhiệm vụ cùng với tàu Hải quân chiến đấu, rà phá thủy lôi từ Hòn La đến sông Gianh, bị máy bay, tàu chiến Mỹ chặn đánh khi tàu đang tiến hành ngoài biển, thi hài đã mất tích do tàu bị đánh chìm”.

Ngày 8-2-1973 Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình có văn bản kết luận “Đã nghiên cứu trường hợp hy sinh và xác nhận đồng chí Hồ Văn Lay đủ điều kiện được công nhận là liệt sỹ”.

Máu các liệt sỹ đã đổ trên biển Hòn La, sự hy sinh của các anh càng làm sôi sục lòng căm thù giặc, tăng thêm quyết tâm cho đồng đội, tiếp tục bám trận địa, bám tàu, bất chấp bom đạn, giành giật từng bao gạo, từng tấn hàng để đưa ra tiền tuyến.

Kế hoạch “mở đường máu ra đảo La” giai đoạn 2 được tiến hành tại cửa Gianh, các thủy thủ tình nguyện nhận nhiệm vụ được tổ chức “lễ truy điệu sống” trước khi lên đường.

Tỉnh huy động cán bộ, đảng viên, dân quân... các xã ven biển thuộc hai huyện Quảng Trạch, Bố Trạch cùng phối hợp, tranh chấp mọi thời cơ, sử dụng mọi phương tiện để chuyển gạo. Địch tăng cường tàu chiến, máy bay liên tục oanh tạc tầm soát. Nhưng rốt cuộc, chúng đã thất bại trước ý chí kiên cường và lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ, quân và dân ta.

Cùng với vận tải, phương án kết bè mỗi lượt 2 tấn, dùng tời đưa vào bờ và nhiều phương án khác, ta đã tiếp nhận 4 chuyến tàu với 26.000 tấn lương thực, kịp thời chi viện cho chiến trường, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

45 năm đã trôi qua, chúng tôi có dịp tiếp xúc những người thân của liệt sỹ Hồ Văn Lay. Bà Phạm Thị Lan sinh năm 1949, vợ liệt sỹ đang sống cùng con trai đã có việc làm tại Hà Nội. Ông Hồ Văn Thuận, thôn Đông Tỉnh, xã Cảnh Dương, em ruột liệt sỹ xúc động cho biết: “Địa phương đã xây mộ cho anh tại nghĩa trang liệt sỹ, tên anh nằm trong danh sách liệt sỹ trên “Bia ghi danh”.

Chúng tôi thành tâm chia sẻ mất mát của gia đình và tin rằng, sự hy sinh cao đẹp của những người con bất tử như các anh, những dòng tên, những ngôi mộ gió... góp phần làm nên nguồn lực tinh thần cho nhiều thế hệ hôm nay và mai sau trên hành trình giữ nước, giữ gìn biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Nguyễn Tiến Nên