.

Về thăm lại hang Ông Giáp

Thứ Bảy, 11/03/2017, 23:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc trở lại thăm chiến trường xưa tại xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy của hàng trăm cựu chiến binh Hội Bạn chiến đấu Trung đoàn Thông tin 136 - Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập và 50 năm ngày thành lập Tổng trạm A72 thật cảm động và nghĩa tình. Đó là sự đoàn tụ sum họp của những người chiến sĩ trên mặt trận thông tin liên lạc trong những năm tháng tuổi trẻ “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Tại miền tây Lệ Thủy, nơi thành lập Tổng trạm Thông tin A72, có một di tích đã được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia là hang Ông Giáp. Theo Ban Liên lạc Hội Bạn chiến đấu Trung đoàn Thông tin 136, hiếm có một cuộc gặp mặt nào đông đảo như những ngày qua.

Trên 450 cựu chiến binh của Trung đoàn khắp cả nước về hội tụ. Xiết bao là ân tình. Có cụ năm nay đã trên tuổi 90 tóc bạc phơ màu thời gian, đa số ở tuổi trên 60. Tay bắt mặt mừng, nhiều người đã khóc, nhắc lại kỷ niệm và tri ân những đồng đội là liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập của Tổ quốc.

Tổng trạm Thông tin A72 thuộc Đại đội 7 được thành lập ngày 7-1-1967, trong bối cảnh đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Đại đội 7 làm nhiệm vụ bảo vệ và khai thác hơn 300 km đường cột dây thông tin từ Giang Sơn (Nghệ An) đến điểm cao 316 (Vĩnh Linh), trong đó có trạm cơ vụ A69 Lèn Hà, A70 Hưng Trạch, A72 thuộc dãy núi An Bờ, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy.

Tuyến dây do Đại đội 7 phụ trách tiếp nối với tuyến dây của C2 phục vụ chỉ huy các đơn vị ở Nam Quân khu 4, Quảng Trị, tuyến vận tải tiền phương của Tổng cục Hậu cần và Đoàn 559. A72 là trung tâm đầu mối mạch máu thông tin vô cùng quan trọng, bảo đảm phục vụ trực tiếp cho Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo, chỉ huy các mặt trận trên chiến trường miền Nam và chiến trường nước bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sĩ đại đội 7 (tháng 2 năm 1971). Ảnh: Tư liệu
Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với cán bộ chiến sĩ đại đội 7 (tháng 2 năm 1971). Ảnh: Tư liệu

Năm 1967, đường dây liên lạc từ Đại đội 7, Tổng trạm Thông tin A72 đã được nối thông tin bằng máy tải ba ra Hà Nội với Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh - Bộ Tổng Tham mưu vượt thời gian liên lạc 16 ngày. Đầu mùa xuân 1971, A72 đã được lựa chọn là Tổng trạm Thông tin liên lạc, trực tiếp phục vụ sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng nhiều tướng lĩnh cao cấp của quân đội ta đã sống và làm việc tại hang đá trong khu vực A72.

Chiến dịch đường 9 - Nam Lào lịch sử đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân đội đế quốc Mỹ và quân ngụy của chính quyền Sài Gòn - một chiến công vang dội oai hùng trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Trong đó có đóng góp không nhỏ của cán bộ chiến sĩ Tổng trạm Thông tin A72 - Đại đội 7, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho sở chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp; Giữ vững thông tin liên lạc trong mọi tình huống ác liệt, bảo đảm cho chỉ huy chiến dịch đường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi vang dội.

Năm 1972, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở cuộc tiến công chiến lược, lấy chiến trường Trị - Thiên - Huế là hướng tiến công chủ yếu. Trước yêu cầu phát triển nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 20-6-1972, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Thông tin 136. Khu vực Tổng trạm Thông tin A72 đồng thời cũng là căn cứ Sở chỉ huy Trung đoàn 136.

Khó có thể nhắc lại hết được những chiến công của Trung đoàn 136 trên mặt trận thông tin liên lạc thời chiến tranh. Họ đã chiến đấu dũng cảm hy sinh quên mình, quyết thắng địch, khắc phục thiên tai giữ vững mạch máu thông tin liên lạc trong mọi tình huống. Một cựu chiến binh của trung đoàn còn nhớ rõ những số liệu minh chứng sự ác liệt mà đơn vị đã vượt qua.

Chỉ tính riêng năm 1972, trên tuyến đường dây của trung đoàn, địch đã 450 lần ném bom phá hoại vào đường dây, vào trạm máy bằng nhiều thủ đoạn phá hoại tàn bạo như: ném bom B52 rải thảm, rải bom bi, bom từ trường hẹn giờ… Trên nhiều tuyến, địch đánh đi đánh lại nhiều lần như tổ 28, 29 khu vực Cương Hà, 7 ngày liền địch rải thảm ở khu vực cửa rừng trạm A72, khu vực tổ 1, tổ 2 ở Khe Giữa. Gần một tháng ròng địch ném bom tọa độ ở khu vực đóng quân của Đại đội 7.

Đặc biệt tổ 32 có 4 đồng chí thì 3 đồng chí: Kỳ, Tình, Khuyên đã hy sinh anh dũng trong lúc khôi phục thông tin liên lạc, còn một mình đồng chí Quang bị thương nhưng vẫn tiếp tục bám trụ bảo đảm đường dây thông suốt. Trong chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu oanh liệt bảo vệ thành cổ Quảng Trị trong “Mùa hè đỏ lửa - năm 1972”, Trung đoàn 136 nói chung, Đại đội 7 và Tổng trạm Thông tin A72 nói riêng đã lập chiến công xuất sắc, giữ vững mạch máu thông tin phục vụ đắc lực cho Quân ủy Trung ương - Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo tới các quân, binh chủng, với tiền phương và các chiến trường thông suốt.

Nói sao hết được những kỷ niệm của những cán bộ chiến sĩ trên mặt trận thông tin liên lạc trong thời khắc lịch sử của cuộc chiến đấu vì nền độc lập thống nhất Tổ quốc. Niềm vui như được nhân lên gấp bội khi được truyền đi những thông điệp từ bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Một trong những trang sử hào hùng được ghi lại năm 1975, Tổng trạm Thông tin A72 đã nhận và phát ngay mệnh lệnh: “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa… Táo bạo, Táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh - mùa xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Trở lại thăm hang Ông Giáp, nhiều cựu chiến binh đã bùi ngùi xúc động khi nhắc đến kỷ niệm về Đại tướng Tổng Tư lệnh. Đại tá Nguyễn Viết Sửu, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Thông tin, tuổi đã trên bát tuần, mái tóc bạc phơ, sau hàng chục năm trở lại chiến trường xưa đã kể: “Tại đây vào tháng 2-1971, khi đó gần kết thúc chiến dịch đường 9 - Nam Lào, Đại tướng vào thăm Ban chỉ huy Đại đội 7, tôi đang được phân công làm Chính trị viên Đại đội. Đại tướng ân cần thăm hỏi tình hình sức khỏe, đời sống, động viên tinh thần chiến đấu của toàn thể cán bộ chiến sĩ đại đội”.

Sau một chút suy tư, đại tá Nguyễn Viết Sửu kể tiếp, mỗi lần được gặp Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, anh em chiến sĩ như được tiếp thêm sức mạnh của ý chí quyết chiến quyết thắng và tình cảm thân mật giữa vị tướng huyền thoại với người lính chiến trường.

Bao nhiêu năm tháng trôi nhưng kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn như nguyên vẹn trong ký ức người cựu chiến binh trên mặt trận thông tin. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời cũng luôn quan tâm thăm hỏi, động viên họ.

Còn nhớ, vào năm 1999, vì bận việc, không vào dự cuộc họp mặt, Đại tướng đã gửi thư, trong đó có đoạn: “… Trong cuộc kháng chiến lâu dài của dân tộc, Trung đoàn thông tin 134 và 136 thực hiện lời dạy của Bác Hồ: kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn. Các đồng chí đã nêu cao tinh thần đoàn kết, vượt qua biết bao gian khổ ác liệt trước bom đạn của quân địch, biết bao khó khăn của địa hình hiểm trở, bảo đảm thông tin thông suốt từ Bộ Tổng Tư lệnh đến các quân khu, quân chủng, binh chủng trên miền Bắc cũng như chiến trường miền Nam và các đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào.

Tôi vui mừng biết trung đoàn và nhiều đại đội, nhiều cán bộ chiến sĩ nam cũng như nữ trên các tuyến đường dây máy đã được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, được tặng huân chương và các hình thức khen thưởng khác, góp phần làm rạng rỡ Binh chủng TTLL anh hùng. Trong ngày họp mặt truyền thống, chúng ta cùng tưởng nhớ và biết ơn các liệt sĩ, biết ơn nhân dân các địa phương đã hết lòng giúp đỡ vào việc giữ vững thông tin liên lạc.

Tôi mong các cựu chiến binh Trung đoàn 134 và 136 luôn luôn là những cựu chiến binh gương mẫu, giữ vững phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia vào mọi mặt công tác ở địa phương. Mong các cán bộ chiến sĩ tại ngũ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của binh chủng, của quân đội, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhân đây, tôi gửi lời thăm hỏi đến gia đình các đồng chí, thăm các chị, các cháu, nhờ chuyển những tình cảm thân thiết của tôi đến gia đình các anh hùng liệt sĩ, đến các đồng chí thương binh của hai trung đoàn”.

Trở lại thăm hang Ông Giáp, khi khu di tích Tổng trạm Thông tin A72 đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Trước ngày diễn ra lễ kỷ niệm, lễ động thổ bia di tích đã được khởi công thuận lợi. Thật cảm động khi biết tin, khu vực di tích hang Ông Giáp, người dân đã tự nguyện hiến đất để xây dựng công trình. Tình cảm người dân dành cho công trình thật đáng ghi nhận. Rồi đây, khu di tích Tổng trạm thông tin A72 mà người dân đặt tên là hang Ông Giáp sẽ được xây dựng tôn tạo xứng đáng với danh hiệu là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Hang Ông Giáp sẽ trở thành một điểm du lịch văn hóa lịch sử, góp phần đáp ứng nguyện vọng của những du khách cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp du lịch tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Phan Hòa