.

Trường Dục địa linh nhân kiệt

Chủ Nhật, 12/03/2017, 10:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên đất Quảng Bình, ngoài Bát danh hương “Sơn - Hà - Cảnh - Thổ - Văn - Võ - Cổ - Kim” còn có nhiều vùng đất in đậm dấu ấn lịch sử, trong đó có Trường Dục, một làng quê từng lưu danh sử sách.

Từ buổi khai sơn phá thạch, Trường Dục từng in dấu của các vị tiền nhân mà dấu tích còn lại là khu ba miếu thờ các vị thành hoàng  là Hoàng Quý công, Lê Quý công và Trương Quý công. Danh xưng Trường Dục không biết xuất hiện từ lúc nào nhưng đã được Phó đô Thượng thư, tiến sĩ Dương Văn An nhắc đến trong sách Ô Châu cận lục ở giữa thế kỷ XVI là một trong 73 xã của huyện Khang Lộc.

Được dư khí của núi Thần Đinh “hiên ngang, dáng trùm bốn trăm châu quận” lại được nguồn Long Đại, Kiến Giang tắm ngọt phù sa, vùng đất Khang Lộc xưa đã có một thời “Xóm làng đông đúc, chung nghe tiếng gà, tiếng chó. Cỏ nước tốt tươi, đầy đồng chăn trâu chăn bò” người Trường Dục khai hoang vỡ đất trồng lúa, trồng dâu và nổi tiếng với “gái Trường Dục chuyên cần dệt lụa”.

Khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa (1558) đóng dinh ở Ái Tử (Quảng Trị) vùng đất Lệ Thủy, Khang Lộc là phên dậu phía Bắc, Trường Dục trở thành phòng tuyến quan trọng trong cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn suốt mấy thập kỷ. Trước khi Đào Duy Từ đắp lũy Trường Dục thủy tổ họ Trương là Trương Công Dà cho đắp lũy Trấn Nhân để bảo vệ vùng đất tuyến đầu của chúa Nguyễn.

Cuốn phả ký “Trấn Nhân tiền liệt biểu” của họ Trương Trường Dục có chép: “Sinh thời, ông (Trương Công Dà) là người có tư chất, tác phong kỳ dị. Đến lúc trưởng thành ông ứng nghĩa theo Tiên quân phò Lê diệt Mạc.

Về sau, họ Trịnh ngầm chứa dị chí, ông đem quân tướng cùng con cháu theo lời dạy của Tiên quân vào Thuận Hóa gây dựng sự nghiệp; trên thì giúp đỡ Tiên quân, dưới thì phủ dụ binh lính, sai đắp lũy Trấn Nhân làm phương sách chống giữ.

Triều Nguyễn bắt đầu gây nên từ đó, quyền binh con cháu họ Trương cũng từ đó mà thịnh vượng”. Năm 1627 quân Trịnh đưa quân vào cửa biển Nhật Lệ mở đầu cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn, đội quân của quan Trấn thủ phủ Quảng Bình Trương Công Dà cùng Tiết chế Nguyễn Phước Vệ và Giám chiến Nguyễn Hữu Dật đánh tan đội quân của Thanh đô vương Trịnh Tráng bảo vệ vùng đất của chúa Nguyễn.

Năm 1630, chúa Nguyễn Phúc Nguyên theo kế sách của Đào Duy Từ cho đắp lũy Trường Dục trên nền cũ của lũy Trấn Nhân từ chân núi Trường Dục qua Cổ Hiền, Đặng xá, Thế Lộc đến giáp bãi Hạc Hải. Từ đó vùng đất Trường Dục trở thành chiến lũy bất khả xâm phạm của quân Nguyễn.

Cũng từ đây, nhiều thế hệ con cháu họ Trương của Trường Dục đã lập nhiều chiến công trở thành những vị tường tài ba trong cuộc chiến tranh bảo vệ phần đất của chúa Nguyễn ở phía bắc và mở mang bờ cõi về phương Nam. Con cháu họ Trương Công vinh hạnh được chúa Nguyễn ban cho chữ Phúc (Phước) - tên đệm của các chúa Nguyễn từ buổi đầu dựng nghiệp. Từ đó dòng họ Trương Công được sử sách chép là Trương Phúc.

Trương Phúc Phấn con của Trương Công Dà (sách Việt sử xứ Đàng Trong ghi là Trương Phúc Trà) Trấn thủ dinh Bố Chính từng sống chết với lũy Trường Dục trong cuộc chiến năm 1648, quân Trịnh đánh mãi không được gọi ông là “ Phấn cố trì”. Con của Trương Phúc Phấn là Trương Phúc Hùng  có tước hiệu là Hùng Oai hầu cùng cha lập nhiều công lớn trong các trận chiến được thăng Chưởng dinh trấn thủ dinh Bố Chính.

Con thứ của Trương Phúc Phấn là Trương Phúc Cương nổi tiếng trong trận chiến trên lũy Trấn Ninh (1672) sau được cử giữ chức Trấn thủ Cựu dinh (dinh Ái Tử). Cứ thế dòng họ Trương Phúc ở Trường Dục không những rạng danh tên tuổi ở Quảng Bình mà còn lưu danh sử sách theo công cuộc mở cõi phương Nam. Con của Trương Phúc Cương là Trương Phúc Phan người có công lớn đánh đuổi ngoại xâm giải phóng Côn Lôn (Côn Đảo), xác lập chủ quyền biển đảo đầu thế kỷ XVIII được phong là Thái phó Quốc công.

Theo Địa chí Trường Dục (Trần Văn Chường biên soạn), dòng họ Trương Phúc ở Trường Dục tổng cộng bảy đời có 129 người đã có 89 người được phong từ tước Bá trở lên đến tước Công và Quốc công. Bên cạnh dòng họ Trương Công, ở Trường Dục còn có dòng họ của tổ tiên Trương Đạt lập nghiệp và nổi danh ở vùng đất phương Nam cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX như Trương Minh Kiều, Trương Minh Thành, Trương Minh Giảng, Trương Chánh Thi, Trương Minh Cẩn...

Nối tiếp mạch nguồn lịch sử trong thời kỳ Cần Vương, người Trường Dục tham gia nghĩa binh trong đó có đội quân của Chánh quản cơ dưới triều vua Hàm Nghi là Trương Văn Ban đã cùng với đội quân của Đề Én, Đề Chít gây cho quân Pháp nhiều tổn thất nặng nề trong các trận Áng Sơn, Lèn Bạc, Cẩm Ly... Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã có hàng trăm người con  Trường Dục tham gia quân đội, dân quân du kích, thanh niên xung phong, trong đó có gần 40 người ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước.

Nhiều chiến sĩ cách mạng lão thành đã có những đóng góp xứng đáng cho quê hương đất nước như ông Trương Văn Khoan, tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ thực hành Huế  vào Đảng từ năm 1942, tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn năm 1945, tiếp tục cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc khi giặc Pháp gây hấn trở lại Nam Bộ; ông Trương Văn Địch (bí danh Lê Dân) từng hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ ở Huế, sau Cách mạng Tháng Tám từng giữ chức Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh và được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nối tiếp các thế hệ cha anh, con cháu người Trường Dục khắp mọi miền đất nước tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có  người được tín nhiệm giữ cương vị cao như bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Nhân kiệt của vùng đất chiến lũy xưa không chỉ nổi lên trong binh nghiệp, Trường Dục còn là vùng đất có truyền thống học hành, đỗ đạt. Trước đây Trường Dục có trường học hàng huyện, hàng phủ ở Dục Tài, nhiều bậc túc Nho sôi kinh nấu sử vào kinh ứng thí đỗ đạt như Quan Lang trung bộ Lễ Trương Triệu Bích, nhân cách được dân chúng kính trọng. Nhiều vị tú tài ba khoa, tú tài hai khoa, các thầy đồ không chỉ ở trong làng mà nổi danh khắp phủ khắp tỉnh như Trương Triệu Đồng, ông Trương Văn Liêu...

Đặc biệt, hậu duệ ông Trương Đạt ở Bình Định đời thứ 5 có ông Trương Vĩnh Ký thông thạo nhiều ngoại ngữ, để lại hơn 100 tác phẩm văn học, địa lý, lịch sử đóng góp to lớn cho nền văn hóa, giáo dục  nước nhà.

Tiếp bước truyền thống của thế hệ ông cha, ngày nay con cháu làng Trường Dục học hành thành đạt trên nhiều lĩnh vực công tác trên mọi miền đất nước. Tính đến nay làng Trường Dục có 297 người có trình độ từ cử nhân đến tiến sĩ trong đó có 1 giáo sư, tiến sĩ; 6 phó giáo sư, tiến sĩ; 13 tiến sĩ và 36 thạc sĩ.

Một làng quê đất không rộng, người không đông mà khí thiêng đất trời, sông núi, vẫn thấm nhuần trong từng con người, từng trang sử. Vì lẽ đó Trường Dục chính là vùng đất địa linh nhân kiệt của quê hương Quảng Bình vậy.

Phan Viết Dũng