.

Hương ước giữ rừng

Thứ Năm, 30/03/2017, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Với người làng Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch), chẳng biết rừng trâm bầu ấy có từ bao giờ, chỉ biết hàng trăm năm nay, bao thế hệ con cháu họ đã thấy rừng cây ấy hiện hữu, chở che, ôm ấp làng quê mình. Và ở ngôi làng có chiều sâu văn hóa, lịch sử này, rừng được bảo tồn, gìn giữ bằng hương ước từ nhiều thế hệ.

Sống nhờ rừng, chết nương tựa vào rừng

Làng Đông Dương là vùng quê có bề dày về truyền thống cách mạng. Mảnh đất ấy được biết đến với điệu hát ca trù nổi tiếng và Di tích lịch sử cấp Quốc gia – đình làng Đông Dương. Trong những năm tiền khởi nghĩa, đặc biệt là Cách mạng Tháng Tám, chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, đình có vị trí vô cùng quan trọng. Đình làng được xây dựng ở địa thế được bao bọc bởi ba bề là rừng trâm bầu, là địa điểm lý tưởng cho việc sinh hoạt và hội họp của các tổ chức cách mạng.

Cánh rừng trâm bầu của làng Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch).
Cánh rừng trâm bầu của làng Đông Dương (Quảng Phương, Quảng Trạch).

Đến những năm chống giặc Mỹ xâm lược, các cơ sở trạm xá, bệnh viện, trường học... đều sơ tán lên Quảng Phương, sống nhờ vào cát, sống tựa vào rừng trâm bầu để che mắt giặc lái. Bao năm tháng gian khó mà oai hùng ấy, mảnh đất và đình làng Đông Dương lại sôi động dưới những tán cây trâm bầu, cùng quân dân cả nước đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.

Với người làng Đông Dương và biết bao thế hệ quân dân đã sống, chiến đấu, gắn bó với mảnh đất này, cánh rừng trâm bầu đã bao phen chở che họ trong những năm chiến tranh ác liệt. Ông Hồ Bồng (81 tuổi, thôn Đông Dương) nhớ lại: “Ngày nớ, cả cánh rừng trâm bầu là nơi đóng quân của bộ đội. Chợ Ba Đồn cũng được chuyển lên đây, họp chợ cũng dưới mấy tán cây trâm bầu”.

Người du kích năm xưa cũng không thể quên, dưới rừng cây ấy, trong ánh trăng khi tỏ khi mờ, nhiều buổi giao lưu văn nghệ ấm áp tình quân dân đã diễn ra. Những năm chiến tranh ác liệt, người Đông Dương chặt những cây trâm bầu cổ thụ để làm hầm hào, rào làng chiến đấu. Có rừng cây thủy chung bảo vệ, mảnh đất Đông Dương khi ấy trở thành lũy thép vững chãi thách thức trước bom đạn kẻ thù, người Đông Dương chắc tay súng bảo vệ quê hương cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất.

Dẫn chúng tôi đi dọc theo cánh rừng trâm bầu xanh mướt, anh cán bộ Xã đoàn Quảng Phương hào hứng khoe: “làng Đông Dương được bao bọc ba phía là rừng trâm bầu nên mỗi khi mưa, bão, người Đông Dương thấy yên tâm hẳn vì đã có cánh rừng này chở che”. Mùa nắng, rừng trâm bầu tỏa bóng mát, xua đi cái nóng ngột ngạt. Mùa mưa, gió, rừng trâm bầu chắn gió, chắn cát, bảo vệ làng.

“Quanh năm, người dân còn có thể quét lá rừng về đun, hay dùng làm phân xanh. Bao đời nay vẫn rứa. Nếu không có cánh rừng ni, làng mình chắc chẳng được như bây chừ”, anh cán bộ Đoàn khẳng định chắc nịch, đôi mắt chẳng giấu nổi niềm tự hào.

Với người làng Đông Dương, rừng trâm bầu là một báu vật. Không chỉ là phên dậu bảo vệ mảnh đất, con người nơi đây trước bao biến thiên của trời, của đời, rừng còn là nơi yên nghỉ của bao thế hệ cha ông họ. Đi sâu vào trong cánh rừng cổ thụ là cả một nghĩa trang rộng lớn với những nấm mồ nằm rải rác. Người Đông Dương bảo, đó là nơi lý tưởng để họ khi chết đi rồi vẫn có thể được gần gũi bên làng, bên gia đình, bên cháu con họ.

Vậy nên bao đời nay, người làng dẫu ở đâu, vẫn chỉ mong cuối đời được trở về chôn cất ngay trên chính mảnh đất quê hương, yên bình dưới những tán cây trâm bầu nhiều kỷ niệm. Mùa mưa bão, dân làng có thể vững tâm rằng những ngôi mộ chí của người thân họ vẫn được chở che bởi cánh rừng vững chãi.

Hương ước giữ rừng

Nhiều vị bô lão trong làng khẳng định: chẳng biết rừng trâm bầu có tự bao giờ nhưng chắc chắn một điều rừng cây ấy phải xuất hiện trước cả khi thành lập làng – hơn 500 năm. Nhiều trận bão lũ diễn ra, đến giờ, đã có không ít cây trâm bầu cổ thụ bị quật ngã.

Sau trận bão tháng 10-2013, nhìn rừng cây trâm bầu xác xơ, nhiều cây bật gốc trơ trụi, người Đông Dương xót xa lắm. Với những người suốt một đời gắn bó với cánh rừng cổ thụ như ông Hồ Bồng, nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội. “Phải giữ rừng, thà bị gãy đổ vì mưa bão chứ nhất quyết không để rừng bị tàn phá bởi con người”, vị bô lão quả quyết.

Ông trưởng thôn Dương Công Định: “Người Đông Dương bảo vệ rừng bằng hương ước”.
Ông trưởng thôn Dương Công Định: “Người Đông Dương bảo vệ rừng bằng hương ước”.

Theo ông trưởng thôn Dương Công Định, hiện toàn thôn có hơn 47 ha rừng cây trâm bầu. Ông cho biết: “người Đông Dương coi rừng như báu vật nên chúng tôi quyết tâm giữ báu vật đến cùng”. Cái quyết tâm chắc nịch ấy đi cả vào hương ước, lệ làng. Ngày trước, khi địa phương còn sản xuất theo cơ chế hợp tác xã, những ai có hành vi phá hoại rừng trâm bầu sẽ bị phạt theo công điểm. Chỉ cần bẻ cành, đốn củi sẽ bị phạt 15 công HTX, mỗi công tương đương với 3-5 lạng thóc.

Ngày nay, hương ước làng Đông Dương quy định rõ: đối với những hành vi phá hoại rừng trâm bầu từ lần thứ 2 trở lên sẽ bị phạt 200 ngàn đồng. Giờ thì ý thức bảo vệ “báu vật” của làng đã thấm vào máu thịt của người dân nên những năm trở lại đây, ở Đông Dương không còn hiện tượng chặt cây, bẻ cành. Người dân vào rừng chỉ để gom lá khô về dùng.

Tại thôn Đông Dương, có nguyên một đội dịch vụ gồm 5 người, chuyên chăm sóc và bảo vệ các công trình công cộng, trong đó có rừng trâm bầu cổ thụ. Từ xưa, đội giữ rừng được dân làng trả công bằng lúa thì nay, người làng vẫn giữ lệ góp lúa mỗi vụ. “Mỗi năm, đội được nhận 1,5 tấn lúa, tính ra mỗi người chỉ tầm 3 tạ. Số lúa ấy không lớn nhưng mà ai cũng vui vẻ làm.

Với người Đông Dương, bảo vệ rừng trâm bầu, không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm vinh dự. Bảo vệ “báu vật” của làng mà”, ông trưởng thôn Dương Công Định cười chất phác.

Diệu Hương