.

Đặc sắc lễ hội cầu ngư ở Đức Trạch

Thứ Tư, 22/03/2017, 10:14 [GMT+7]

(QBĐT) - Với mong muốn có được một năm ra khơi thuận buồm xuôi gió, cá mực đầy khoang, hàng năm, cứ đến mùa trăng thứ 2 (giữa tháng 2 âm lịch) ngư dân xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch) lại tổ chức lễ hội cầu ngư và ra quân đánh bắt hải sản.

Mỗi nghề đều có xuất xứ và huyền thoại gắn với nghề, nhưng với nghề biển, nghề gắn với nhiều hiểm nguy trước phong ba bão táp của đại dương mênh mông thì có nhiều huyền thoại mang tính tín ngưỡng đã tồn tại và lưu truyền.

 Điệu múa bông của các cô gái làng biển Đức Trạch.
Điệu múa bông của các cô gái làng biển Đức Trạch.

Từ những truyền thuyết đầy màu sắc huyền bí có từ xa xưa và niềm tin đã ăn sâu vào tâm trí các ngư dân qua nhiều thế hệ, cá voi trở thành loài vật linh thiêng, được tôn thờ như một vị thần của biển cả, được ngư dân gọi một cách tôn kính bằng nhiều tên gọi khác nhau, chẳng hạn: Cá Ông, Đức Ông hay thần Nam Hải...

Ngư dân tin rằng cá voi đã nhiều lần trợ giúp tàu thuyền của làng không bị chìm trong gió bão. Để tỏ lòng kính trọng, ngư dân đã lập miếu thờ cá voi. Chính vì lẽ đó, hàng năm cứ đến ngày 15-2 (âm lịch) bà con nhân dân xã Đức Trạch lại tề tựu đông đủ để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, việc làm ăn ngày càng khấm khá. 

Tại miếu thờ Nam Hải, trong trang phục chỉnh tề, các cụ ông thực hiện các nghi thức của lễ hội cầu ngư. Đây là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo của người dân xứ biển Đức Trạch, được lưu truyền, gìn giữ hàng trăm năm nay nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, sóng yên, biển lặng và ngư dân gặp nhiều may mắn trong việc đánh bắt hải sản trên biển, tuyên truyền cho ngư dân vừa tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, hỗ trợ nhau cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ngoài ra, lễ hội cũng tuyên truyền các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Các nghi thức lễ được diễn ra trong không khí trang nghiêm.

Sau nghi lễ nghênh đón Đức Ông vào miếu, chủ lễ thực hiện nghi thức niệm hương tại miếu thờ. Mở màn, chủ lễ đại diện dân làng thắp hương cầu nguyện năm mới sóng yên biển lặng, làm ăn thịnh vượng, sau đó đánh 3 hồi trống đại khởi lĩnh vào lễ. Khi chủ lễ thực hiện xong các nghi thức vào lễ như dâng hương, dâng hoa, quả thì phía ngoài sân, 18 cô gái bắt đầu điệu múa bông với tựa đề “Thiên hạ thái bình”. Múa bông là cách người dân thể hiện ước vọng vạn sự được yên bình, thân ái, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc.

Sau màn trình diễn múa bông, đến màn trình diễn chèo cạn. Đúng như tên gọi của loại hình diễn xướng này, chèo cạn chính là sự diễn tả và mô phỏng trên cạn những hoạt động chèo thuyền của người đi biển.

Theo các cụ cao niên, chèo cạn nhằm cầu tài, cầu yên, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên, biển lặng cho ngư dân yên tâm đánh bắt trên biển, diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió lớn, mang về một mùa bội thu. Việc trình diễn tiết mục chèo cạn chủ yếu do các cụ bà trong câu lạc bộ chèo cạn xã đảm nhiệm. Đúng 12h đêm, giờ giao thoa của ngày 15 và ngày 16 (âm lịch), lễ cầu ngư được chính thức bắt đầu, phần lễ này do các cụ ông hiền đức, có uy tín và gia đình không có tang thực hiện.

Tiết mục chèo cạn do các cụ bà trình diễn.
Tiết mục chèo cạn do các cụ bà trình diễn.

Vị chủ lễ dâng đồ tế lễ và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với Đức Ông, cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. 8h sáng ngày 16 (âm lịch) lễ thượng cúng sẽ là màn kết thúc của lễ hội. Các vật lễ được dâng lên cúng tại miếu gồm đầu, đuôi, 4 chân của con heo, 1 con gà, xôi, chè, hoa quả.

Được biết, đến rằm tháng 7 trong năm, ngư dân Đức Trạch lại tổ chức lễ tạ ơn tại miếu thêm lần nữa. Ông Lê Chiêu Huỳnh, Trưởng ban lễ hội cho biết: Đây được coi là lễ hội mang đậm tính chất tâm linh, thể hiện tín ngưỡng, đời sống văn hóa tinh thần đặc trưng của ngư dân ven biển.

Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch UNND xã cho biết: “Trước đây, lễ hội thường diễn ra vào ngày 1-4 âm lịch hàng năm, đến năm 2014, bà con ngư dân chọn mùa trăng thứ 2 trong năm để tổ chức lễ hội, bởi đây là giai đoạn thời tiết bắt đầu thuận lợi để chuẩn bị mùa ra khơi đánh bắt hải sản. Hiện nay, UBND xã Đức Trạch đang có kế hoạch đóng 4 đến 6 thuyền bơi để năm 2018 sẽ tổ chức bơi thuyền trên biển trong ngày lễ hội.

Điểm độc đáo của lễ hội không chỉ ở khía cạnh tâm linh mà còn góp phần tuyên truyền vận động bà con ngư dân tham gia bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ môi trường sinh thái, đồng thời thắt chặt thêm tình đoàn kết, hợp tác của bà con ngư dân khi ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển.

Thanh Hoa