.

Những người con của biển

Thứ Tư, 01/02/2017, 18:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong tiết trời ấm áp của những ngày cuối năm, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và nghe tâm sự của những người ngư dân về đời, về nghề. Tâm tình của người làng chài mộc mạc, chất phác ở nhiều làng quê, với những hoàn cảnh khác nhau, những nỗi niềm riêng, nhưng cùng chung tình yêu và đam mê với nghề biển. Dẫu cuộc sống mưu sinh còn nhiều nhọc nhằn, chồng chất nguy hiểm nhưng họ vẫn không ngại khó khăn, gian khổ để bám thuyền, bám biển…

Biển không phụ người

 

Ngư dân Trần Đình Thủy, ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh (Đồng Hới) với khuôn mặt phúc hậu, cương nghị, nước da rám nắng, trải lòng về cuộc đời mình.

Sinh năm 1966 trong một gia đình có truyền thống nghề biển, Trần Đình Thủy được thừa hưởng nhiều kinh nghiệm trong nghề từ ông cha. Nhờ kinh nghiệm, anh cũng trở nên “già dặn” hơn, bình tĩnh hơn trong ứng xử với những bất trắc, rủi ro trên biển.

Vì lẽ đó, anh trở thành “thủ lĩnh” nhiều tàu thuyền của ngư dân Bảo Ninh trong những chuyến vươn khơi. Bền bỉ và lăn lộn bám biển, bây giờ anh Thủy đã sở hữu 2 tàu công suất 410CV và 814CV tổng giá trị gần 18 tỷ đồng chuyên đánh lưới vây trên vùng biển Hoàng Sa. Bên cạnh kinh nghiệm học được từ thế hệ trước, anh còn tích lũy vốn kiến thức khoa học để bổ trợ cho nghề.

Anh Thủy khẳng định: “Cách nhìn trời, nhìn mặt biển mà đoán thời tiết của ông cha ngày trước truyền là những kinh nghiệm vô cùng quý báu giúp chúng tôi tránh được nhiều sự cố trên biển. Song, nếu mình biết sử dụng và phát huy hết khả năng của thiết bị, phương tiện hiện đại thì việc đánh bắt sẽ hiệu quả hơn”.

Ngư dân Trần Đình Thủy chia sẻ: “Mỗi năm sản xuất, trừ các chi phí xong, tôi lãi vài tỷ đồng. Cá biệt, với một chuyến biển gần đây nhất, “con tàu 67” (tàu đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ) đã giúp tôi bội thu hơn 1 tỷ đồng”. Anh Thủy được các ngư dân trong thôn cử làm tổ trưởng tổ hợp tác khai thác thủy sản trên biển với 9 tàu thành viên có công suất từ 90CV đến 500CV. 50 thuyền viên trên hai con tàu của anh có thu nhập hơn 75 triệu đồng/năm. Trong 10 năm trở lại đây, danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh” đã trở thành “thương hiệu” của anh Trần Đình Thủy.

Kiên cường bám biển

Đó là ngư dân Hoàng Văn Dộng ở thôn Đông Hải, xã Quảng Phú (Quảng Trạch). Say mê sông nước từ nhỏ, năm 14 tuổi, anh đã ra khơi và sớm trở thành một thuyền trưởng tàu cá dạn dày kinh nghiệm.

Hơn 30 năm qua, ngư dân Hoàng Văn Dộng cùng bạn thuyền nhiều lần “chìm nổi” với đại dương, có lúc tưởng như sắp mất cả sinh mạng và phương tiện mưu sinh. Nhưng rồi bằng tình yêu nghề và lòng quyết tâm bám biển, anh Dộng đã gây dựng lại để tiếp tục bám biển, vươn khơi.

“Đó là chuyến ra khơi “để đời” mà tôi không thể nào quên. Lúc đó vào đầu tháng 10, nhận được tin báo có rãnh áp thấp đang di chuyển vào vùng biển tàu đang hoạt động, các tàu liên lạc qua bộ đàm và thống nhất di chuyển lên hướng bắc để tránh bão. Trên đường đi, bỗng gió to và sóng lớn nổi lên, không về kịp nơi tránh bão nên cách duy nhất là thả neo rồi cho tàu đi từ từ.

Đến đêm khuya, gió bão mạnh lên và mọi liên lạc bị cắt đứt hoàn toàn. Đúng lúc này dây neo bị đứt, tàu cũng bị gãy mất lái, con tàu nhỏ bị xô dạt giữa đại dương bão tố, trời đen kịt. Tình thế nan giải, tôi tìm sợi dây thừng buộc anh em trên thuyền lại với nhau, cứ độ 3 mét một người để đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra thì người thân cũng dễ tìm... Anh em trên tàu cũng chỉ biết trông chờ vào sự may rủi của số phận”, anh Dộng trầm ngâm kể lại. Sau hơn 24 giờ vật lộn với phong ba, bão tố, đối mặt với thần chết, tàu của tổ Đoàn kết đã ứng cứu kịp thời nên tất cả các thuyền viên đều bình an.

Với nhiều ngư dân, sau vụ thiên tai này đã bị ám ảnh nên chấp nhận bán tàu rồi nằm bờ, có người thì chuyển nghề nhưng anh Dộng thì khác, anh tu sửa lại tàu, vẫn kiên cường vươn khơi bám biển, bởi với anh “Tàu là nhà, biển là quê hương”. Đặc biệt hơn, anh còn “liều lĩnh” đầu tư thêm con tàu mới có công suất 822CV với tổng giá trị gần 15 tỷ đồng. Vào thời điểm những ngày giáp Tết Đinh Dậu, anh hồ hởi thông báo: “Tất cả đã xong xuôi rồi nhé! Chờ ăn Tết xong là tàu nhổ neo xuất bến”.

Người lính bảo vệ chủ quyền biển, đảo

“Với bao đời cha ông chúng tôi, biển cả đã là ruột gan, máu thịt, giờ khó khăn bao nhiêu, chúng tôi vẫn sống chết với nghề...”. Đó là lời nói khẳng khái của ngư dân Lê Văn Chiến ở thôn Tân Mỹ, xã Quảng Phúc (Ba Đồn).

Mới 32 tuổi nhưng anh Chiến đã có hơn 15 năm kinh nghiệm và làm thuyền trưởng chèo lái con tàu bạc tỷ gắn với cuộc sống, mưu sinh của gần 10 thuyền viên. Vì thế, từng đối mặt với nhiều sóng gió, trong mọi tình huống, dù bị thiên tai hay sự cố, cả khi gặp sự đe dọa, phá hoại của tàu “lạ” trên biển, bằng kinh nghiệm và bản lĩnh vững vàng, mưu trí anh đều bình tĩnh để tìm ra giải pháp tốt nhất.

Anh điềm tĩnh kể lại tình huống cam go nhất: “Tháng 5-2013, tàu cá do tôi làm thuyền trưởng có 7 thuyền viên và 1 cháu nhỏ đang hành nghề ở vùng biển cách Đà Nẵng khoảng 120 hải lý, nằm giữa Đà Nẵng và huyện đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Bất ngờ, có một tàu tuần tra Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khí áp sát và dùng súng bắn chỉ thiên, đồng thời dùng vòi rồng phun nước vào tàu. Tôi và những ngư dân trên tàu đã đồng lòng và quyết định điều khiển tàu chạy theo thông tin trợ giúp và hướng dẫn của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Hải quân khu vực thông qua hệ thống liên lạc với tàu trên tần sóng duyên hải miền Trung.

Sau hơn 10 giờ liên tục bị tàu Trung Quốc truy đuổi, tới vị trí cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 75 hải lý thì tàu tôi mới thoát được”. “Những tổn thất sau lần đó không làm tôi chùn bước mà ngược lại, tôi còn thấy quyết tâm, tự tin hơn nữa trong việc vươn khơi bám biển vì vươn khơi không là chỉ cuộc sống mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc”, anh Chiến tự hào nói thêm.

Có mặt trên những bến cảng, nhìn không khí tấp nập, rộn ràng của người bán người mua trên thuyền, dưới bến, chúng tôi mới thấy hết tinh thần, nghị lực, sức mạnh tiềm tàng trong mỗi ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản. Trong ánh mắt, giọng nói của những người con của biển có niềm tin mãnh liệt và tâm niệm chân thành: Ngư dân ra khơi không chỉ là mưu sinh mà còn là trách nhiệm trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, vì đây chính là những “cột mốc sống”, khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.

Ngọc Lưu