.

Mở biển

Thứ Năm, 16/02/2017, 09:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Không biết từ bao giờ, cứ đúng dịp rằm tháng giêng, người dân Phú Hội xưa, bây giờ là xã Quang Phú, thành phố Đồng Hới lại hội tụ đông đủ bên bờ biển quê hương để tiến hành nghi lễ cầu ngư, mở biển, cầu cho trời yên, biển lặng, đi khơi, đi lộng cá tôm đầy khoang.

Cầu cho mưa thuận gió hòa

Khu vực diễn ra lễ hội cầu ngư, mở biển có tên gọi Hồ Mồ, theo các cụ cao niên trong xã, xưa ở đây có ngôi miếu thờ cá ông, cá bà rất linh thiêng, chiến tranh, loạn lạc, thiên tai, thời gian... ngôi miếu giờ không còn nữa. Miếu Hồ Mồ không còn, địa danh Hồ Mồ còn, mỗi dịp rằm tháng giêng, nhân dân Quang Phú hội tụ tổ chức lễ hội cầu ngư, phát động ra quân bám biển, bám ngư trường đánh bắt hải sản.

Trang trọng lễ hội cầu mùa ở xã Quang Phú.
Trang trọng lễ hội cầu mùa ở xã Quang Phú.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quang Phú cho biết: “Làng Phú Hội xưa, Quang Phú bây giờ có rất nhiều lễ hội. Lễ tế làng đầu năm tổ chức long trọng từ ngày 12 đến 16 tháng giêng. Trong lễ này mỗi thôn trong làng tiến hành cúng bốc thăm từng mũi rạn, thôn nào bắt được rạn nào thì năm đó trĩa chà đánh bắt rạn đó, không ai xâm phạm của ai, quyền xác lập chủ rạn thời hạn một năm. Lễ hội thứ hai là lễ bơi đua vào ngày 8 tháng 5 âm lịch, tổ chức tại miếu thờ thần ngư. Ngoài ra còn có các lễ hội khác như lễ cầu ngư; lễ đưa ông ngư, bà ngư; lễ bơi trải lục niên cảnh độ chung cùng những làng biển khác tại trung tâm tỉnh ly...”

Lễ hội cầu ngư trở thành nét đẹp truyền thống được nhân dân xã Quang Phú trân trọng, gìn giữ. Với một xã thuần ngư như Quang Phú, nghề đánh cá là ngành kinh tế mũi nhọn tạo nên sự ổn định và phát triển của xã hội, sự no ấm trong từng gia đình. Tư tưởng trọng ngư, lấy ngư nghiệp làm gốc ăn sâu vào nếp nghĩ hàng ngày của mỗi người dân. Cũng theo ông Nguyễn Tiến Dũng lễ hội cầu ngư nhằm tưởng nhớ truyền thống tốt đẹp cha ông ngày xưa, cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng, được mùa cá tôm. Đây là một nghi lễ mở đầu cho vụ mùa mới trên tinh thần “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Trong lễ hội, lần lượt các cụ cao niên, trưởng tộc, trưởng thôn rồi đến các chủ tàu, người sản xuất, chế biến, kinh doanh và nhân dân dâng hương lên bàn thờ lễ tế hướng ra biển lớn nguyện cầu mùa màng bội thu, dân khang, vật thịnh. Các chủ tàu thuyền hứa đồng sức, chung lòng giữ vững truyền thống đoàn kết, chăm chỉ lao động, bám làng, bám biển, coi trọng nghề ngư...

Đồng chí Phạm Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Phú khẳng định: “Lễ hội cầu ngư hàng năm của nhân dân Quang Phú thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống mà Phú Hội xưa, Quang Phú bây giờ trân trọng, phát huy. Đây chính là thời khắc thiêng liên mở biển, tiến ra ngư trường, phát động thi đua toàn dân hăng hái sản xuất, góp phần vừa gìn giữ văn hóa truyền thống, vừa giữ vững thành quả xây dựng nông thôn mới mà xã phấn đấu đạt được”.

Mở biển-vươn khơi

Năm 2016, một năm đầy những khó khăn đối với xã biển Quang Phú do ảnh hưởng nặng nề sự cố ô nhiễm môi trường biển. Sản lượng khai thác chỉ đạt 2.360 tấn, giảm 1.187 tấn so với năm 2015, bằng 66,68% kế hoạch đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ 44 tỷ đồng, giảm 16,4 tỷ đồng so với năm 2015.

Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của xã, Đảng bộ, nhân dân Quang Phú xác định chủ đề năm 2017: “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của xã để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế- xã hội”, trong đó khai thác, chế biến thủy sản vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Quang Phú chia sẻ: “Trong lễ hội cầu ngư và phát động thi đua ra quân bám biển, vươn khơi, tất cả các chủ tàu, thuyền đều tập trung đông đủ, họ thể hiện quyết tâm rất cao, khí thế mới, hứa hẹn nhiều thành công mới. Các chỉ tiêu cơ bản UBND xã đặt ra năm 2017: khai thác thủy sản tăng 17% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu đạt 55% tổng sản lượng khai thác; kinh doanh, thương mại, dịch vụ tăng 12%; tổng thu ngân sách trên 24 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 32 triệu đồng/năm; hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,42%...”.

Tàu cá của ngư dân xã Quang Phú neo đậu trên sông Nhật Lệ chuẩn bị cho những chuyến đi biển mới.
Tàu cá của ngư dân xã Quang Phú neo đậu trên sông Nhật Lệ chuẩn bị cho những chuyến đi biển mới.

Hiện tại toàn xã Quang Phú sau sự cố ô nhiễm môi trường biển còn lại 127 phương tiện tàu thuyền đánh bắt thủy sản. Không phải đợi đến rằm tháng giêng khai mở lễ hội cầu ngư, mở cửa biển ngư dân mới vươn khơi, rất nhiều tàu ngư dân Quang Phú cùng với ngư dân toàn tỉnh đã xuất hành từ ngày mùng 4 Tết Nguyên đán.

Nhiều chủ tàu xã Quang Phú có mặt tại lễ hội cầu ngư cho chúng tôi biết, tranh thủ thời tiết dịp Tết trời yên, biển lặng, họ đã có từ một đến hai chuyến biển, bình quân mỗi chuyến đi khoảng hai đến năm ngày, thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/tàu. Ngư dân Nguyễn Dũng, chủ tàu mang biển kiểm soát 91429-TS ở thôn Tây Phú kể, tàu anh xuất hành ngày mùng 8 Tết với hai chuyến đi trong vòng năm ngày đêm, cho thu nhập hơn 50 triệu đồng.

“Tôi đến với lễ hội cầu ngư cũng như mọi chủ tàu khác, mong trời yên, biển lặng, tàu đi khơi, đi lộng được bình an. Với những thuận lợi đến từ đầu năm mới, hy vọng sẽ có nhiều thắng lợi từ biển”- ngư dân Nguyễn Dũng chia sẻ thêm.

Thanh Long