.

Làng nón La Hà

Thứ Ba, 14/02/2017, 10:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Làng La Hà, xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn có nghề chằm nón truyền thống. Trải qua biết bao thăng trầm, biến động của thời gian, các thế hệ người dân nơi đây vẫn quyết giữ gìn nghề truyền thống của quê hương.

Nghề chằm nón lá La Hà không biết chính xác bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ, nhưng theo các cụ cao niên thì đã có từ hàng trăm năm nay. Ông Trần Đức Hiếu, Chủ nhiệm làng nghề La Hà cho biết: Làng La Hà gồm 3 thôn (La Hà Đông, La Hà Nam, La Hà Tây) có gần 1.000 hộ dân nhưng có đến 800 hộ dân làm nón. Nón lá La Hà được xuất bán khắp mọi miền, từ Nam ra Bắc, sang cả bên nước bạn Lào. Trẻ em lên 6, lên 7 đã được người lớn dạy cho cách phơi lá, chằm nón, lên 8- 9 tuổi đã thông thạo trong việc làm nón, giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập.

Để làm nên một chiếc nón, người thợ phải bỏ ra khá nhiều công sức và thời gian, từ việc chọn mua nguyên vật liệu, phơi lá, ủi lá, làm vành nón đến chằm nón. Công việc bẻ lá, ủi lá là công việc của các bà, các mẹ, các chị, còn đàn ông thì đo, cắt, vót vành... Nón thường có ba lớp: lớp ngoài bằng lá non, loại đẹp và trắng nhất, lớp ở giữa là lá già và lớp trong cùng cũng bằng lá non nhưng đẹp không bằng lớp ngoài. Nón được chằm bắt đầu từ vành nhỏ nhất, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo để đường kim, mũi móc được chính xác, thẳng và đều theo độ cong của vành nón.

Gia đình ông Trần Văn Thanh, thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn đang miệt mài bên những chiếc nón.
Gia đình ông Trần Văn Thanh, thôn La Hà Tây, xã Quảng Văn đang miệt mài bên những chiếc nón.

Vất vả là thế nhưng người La Hà chưa bao giờ quay lưng lại với nghề truyền thống của quê hương. Từ đời này sang đời khác, người đi trước truyền nghề lại cho người đi sau. Tháng 11 - 2015, UBND tỉnh tổ chức họp Hội đồng công nhận làng nghề truyền thống năm 2015, trong 5 hồ sơ đủ tiêu chuẩn công nhận danh hiệu làng nghề thì làng nghề sản xuất nón lá La Hà vinh dự là một trong số đó.

Vào thời điểm nông nhàn là thời gian bà con dành cho công việc chằm nón. Ở làng La Hà, người làm nón thường tập trung thành nhóm năm, ba người ngồi với nhau, vừa chằm nón vừa trò chuyện vui vẻ... Họ đua nhau xem ai làm xong trước, tạo không khí vui vẻ... Ngày trước, những nam thanh, nữ tú có tình ý, hẹn hò nhau cùng chằm nón và đã có nhiều người nên duyên chồng vợ từ đây. Trẻ em sau giờ tan học ở trường, cũng ngồi bên khuôn nón, tay thoăn thoắt chằm nón, miệng thì ôn học bài...

Vào ngày lễ hội đình làng La Hà (14 tháng giêng âm lịch) hàng năm, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Ban Di tích xã Quảng Văn tổ chức cuộc thi “Khéo tay, hay làm” cho người làm nón, thời gian thi thường kéo dài trong 45 phút, người may nón đẹp và nhanh nhất sẽ là người chiến thắng. Cuộc thi không chỉ góp vui cho lễ hội mà còn ôn lại bề dày lịch sử nghề truyền thống của làng La Hà, góp phần duy trì các giá trị tốt đẹp mà nghề truyền thống mang lại.

Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng nghề làm nón La Hà vẫn tồn tại với thời gian, bởi người dân nơi đây yêu thích và luôn có ý thức lưu giữ nghề mà cha ông mình đã chọn. Nhiều gia đình ở La Hà nhờ làm nón kết hợp với làm ruộng mà cuộc sống ổn định, có điều kiện nuôi con ăn học.

Ông Trần Văn Thanh, thôn La Hà Tây (60 tuổi) 50 năm làm nón cho biết: Trung bình một ngày, một người có thể làm được 3 chiếc nón. Người trẻ làm nhanh, khéo thì 3-3,5 chiếc nón mỏng/ngày và 2-2,5 chiếc nón dày/ngày.  Mỗi chiếc nón hoàn thành xong bán giá thị trường với giá 15.000 đồng/chiếc nón mỏng và 20.000 đồng/chiếc nón dày, trừ  chi phí nguyên vật liệu, bỏ công làm lời còn  10.000-15.000 đồng/chiếc. So với giá ngày công lao động hiện nay thì không phải là cao nhưng đó là việc làm lúc nhàn rỗi, không kén công lao động, nhẹ nhàng phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Lớn nhỏ, già trẻ, gái trai ai học cũng có thể làm được, tạo thêm thu nhập cho gia đình.

Người dân La Hà quanh năm không khi nào hết việc, cứ rời tay cày tay cuốc là họ lại ngồi quây quần bên nhau, vừa trò chuyện vừa chằm nón, đan mây tre. Quảng Văn hiện nay có hợp tác xã mây tre đan lát cùng với nhiều đại lý thu mua nón cho bà con để đi tiêu thụ ở các thị trường trong cả nước. Nhờ những đầu mối thu mua này, người làng nón La Hà cũng đỡ vất vả hơn trong việc tìm đầu ra

Tuy nhiên, để nghề truyền thống ngày càng phát triển bền vững, không bị mai một theo thời gian, trong thời gian tới, làng nghề nón lá La Hà rất cần sự quan tâm của các cấp, chính quyền trong việc tạo dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, bảo đảm đầu ra sản phẩm tiêu thụ ổn định cho bà con.

Thanh Hoa