.

Vững vàng bên chân sóng

Thứ Hai, 30/01/2017, 11:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Vậy là đã đi qua một năm - Một năm chất đầy khó khăn trên vai Đảng bộ và nhân dân thành phố Đồng Hới. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formorsa Hà Tĩnh gây ra, Đồng Hới tiếp tục gồng mình chống chịu với lũ lụt, thiên tai. Thành phố có những lúc tưởng chừng chững lại, mỏi mệt trên hành trình hướng đến tương lai. Thế nhưng, hơn lúc nào hết, trong cơn “bĩ cực”, Đồng Hới vẫn kiên cường, vững vàng bên chân sóng biển Đông.

Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đồng Hới hàng năm là điểm nhấn quan trọng giúp thành phố thu hút mạnh khách du lịch.
Tuần lễ Văn hóa - Du lịch Đồng Hới hàng năm là điểm nhấn quan trọng giúp thành phố thu hút mạnh khách du lịch.

1. Cuối năm... chúng tôi ngồi với nhau, những dịp như thế này câu chuyện thường mang tính chất đúc kết - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đồng Hới Hoàng Văn Tâm bảo vậy- “Đồng Hới đi qua một năm với rất nhiều dấu ấn. Dấu ấn bao trùm và sẽ còn gắn chặt với đời sống nhân dân sau này đó là sự cố ô nhiễm môi trường biển.

Dấu ấn thứ hai ảnh hưởng toàn diện đến thành phố là những trận lụt lịch sử xảy ra trong tháng 10 và 11. Kinh tế - xã hội chững lại; mục tiêu xây dựng thành phố du lịch theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX và Chương trình phát triển du lịch thành phố Đồng Hới giai đoạn 2016-2020 bị cầm chừng. Đó là những dấu ấn buồn!”

“Nhưng trong khó khăn hoạn nạn mới thấy rõ, hiểu hết bản lĩnh người Đồng Hới. Dấu ấn về sự đoàn kết, chịu thương, chịu khó, đồng lòng, chung sức vượt qua chông gai. Dấu ấn về lòng tin đối với Đảng, Nhà nước của nhân dân. Lòng tin thể hiện rất rõ vào thời điểm biển chết, người dân lao đao, Đồng Hới cùng với toàn tỉnh và cả nước tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Cử tri thành phố tham gia bỏ phiếu đạt 99,7%, cao nhất tỉnh. Bằng tinh thần đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, người Đồng Hới bắt tay vào công cuộc kiến thiết!”.

Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và khoa học của tỉnh, Đồng Hới gánh trên mình những trọng trách khá nặng nề. Xây dựng Đồng Hới trở thành thành phố du lịch có tính chất xuyên suốt theo chiều dài phát triển. Năm 2016, Đảng bộ và nhân dân Đồng Hới xây dựng chủ đề: “Tập trung triển khai nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, tạo bước phát triển mới trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch”. Chính vào thời gian cao điểm xúc tiến đầu tư du lịch, thu hút du khách đến Đồng Hới và Quảng Bình thông qua Tuần lễ Văn hóa- Du lịch thường niên, tháng 4-2016 thì xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển. Thành phố oằn mình trong cái đau chung chạy dọc qua 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.

Ngư dân Đồng Hới vươn khơi không chỉ bảo đảm cuộc sống mà thiêng liêng hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ngư dân Đồng Hới vươn khơi không chỉ bảo đảm cuộc sống mà thiêng liêng hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản Đồng Hới tê liệt, ngư dân lao đao, đời sống người dân bộn bề lo toan. Du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn đứng trước một thách thức lớn chưa từng xảy ra. Làm gì và làm như thế nào để cứu vãn dịch vụ, du lịch trở thành một bài toán khó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đồng Hới quyết tâm tìm lời giải.

Mấy con số Phó Bí thư Thành ủy Đồng Hới Hoàng Văn Tâm đưa ra so sánh làm tôi giật mình: thu ngân sách năm 2016 của Đồng Hới hơn 906 tỷ đồng nhưng thiệt hại do sự cố ô nhiễm môi trường biển gây ra trên 275,3 tỷ đồng và thiệt hại vì lũ lụt 222,4 tỷ đồng. Thiên tai, lũ lụt làm 7.419 hộ gia đình bị ngập; sản xuất, đời sống dân sinh ảnh hưởng nặng nề.

Ngành du lịch thành phố ảnh hưởng nặng nhất, lượng khách giảm mạnh, hệ số lưu trú thấp; các dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn tạm dừng thi công; lao động trong ngành mất việc làm... Lượng khách cả năm khoảng 816.637 người, giảm 26,2%. Doanh thu đạt 91,2 tỷ đồng, giảm 30,5%. Doanh thu du lịch lữ hành 5,94 tỷ đồng, giảm 20,9%.

2. Cũng là ngày cuối năm, ông Nguyễn Quang Diều, sinh năm 1938, đảng viên 55 tuổi đảng, nguyên Chủ nhiệm HTX đánh cá cấp cao Quang Phú trong những tháng năm xây dựng phong trào hợp tác hóa, xây dựng CNXH ở miền Bắc, hiện tại đang sinh sống tại thôn Tây Phú, xã Quang Phú cùng những lão ngư ra thăm biển. Thế hệ ngư dân như ông Diều chính là lớp người làm nên một Quảng Bình “Hai giỏi” như Bác Hồ ngợi khen, “Chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”, rạng danh qua các phong trào: “Gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, buồm Quang Phú, trống Bắc Lý, cờ Ba Nhất”.

Ông Nguyễn Quang Diều bảo: “Biển đã ăn sâu vào máu thịt người dân Phú Hội xưa, Quang Phú bây giờ. Biển không chỉ cho cá tôm, cuộc sống no đủ, góp phần xây dựng Quang Phú cán đích nông thôn mới đầu tiên trong tỉnh Quảng Bình. Biển còn là văn hóa, cốt cách, lối ứng xửgiữa người với người, giữa người với thiên nhiên”.

“Chuyện biển ô nhiễm, tàu thuyền ngư dân gác mái, nằm bờ từ tháng tư... giờ đã là quá khứ”- Ông Diều khẳng định- “Nhân dân hơn lúc nào hết vẫn một lòng tin vào Đảng, Nhà nước. Trong chiến tranh, Đồng Hới hủy diệt, nặng nề gấp nghìn lần sự cố ô nhiễm môi trường biển nhưng người dân thành phố vẫn kiên cường đối mặt, quyết tâm hòa bình sẽ chung tay xây dựng bằng mười. Bây giờ cũng vậy, biển vẫn hiền hòa, chờ đón những người con của biển vươn khơi. Và ngư dân Quang Phú thực sự tự tin, dũng cảm đóng tàu lớn, vượt qua tầm biển cạn đó thôi”.

Cách xã Quang Phú khoảng chừng 7 cây số, tại bán đảo Bảo Ninh, lão ngư Nguyễn Hữu Bíu đang chủ trì một cuộc họp gia đình và các bạn tàu bàn về chuyến hải hành đầu năm mới. Đôi tàu xa bờ công suất 700 CV biển kiểm soát QB-91667 TS và QB-91868 TS trị giá hơn 15 tỷ đồng thuộc sở hữu của gia đình ông Nguyễn Hữu Bíu đang bình yên cập cảng chờ con trăng vào tối.

“Sự cố ô nhiễm môi trường biển làm tê liệt ngành khai thác, chế biến thủy hải sản của thành phố Đồng Hới, đó là thực tế đã xảy ra. Nhưng những người gắn bó, sống chết với biển không thể bỏ biển được. Đi khơi mới có cơm no, áo ấm. Nhưng thiêng liêng hơn, đi khơi để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. 60 lao động trên hai tàu xa bờ của tôi rất ý thức về điều này, nên trong thời điểm gian nan nhất vẫn kiên định bám biển, bám ngư trường”- ông Nguyễn Hữu Bíu chia sẻ.

Thành phố Đồng Hới vẫn vững vàng bên chân sóng biển Đông.
Thành phố Đồng Hới vẫn vững vàng bên chân sóng biển Đông.

3. Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Đình Thắng thẳng thắn với tôi: “Chưa có năm nào Đồng Hới nước sôi lửa bỏng như thế này. Nhưng chính trong những sự cố ô nhiễm môi trường biển, ảnh hưởng lụt bão, thiên tai... mới tỏ được lòng dân, rõ hơn mối quan hệ ý Đảng lòng dân. Vì thế, dù gặp nhiều khó khăn, năm 2016, thành phố Đồng Hới cũng có những bước tiến vững chắc về kinh tế- xã hội; quốc phòng, an ninh; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đột phá mạnh nhất của thành phố là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng, chỉnh trang đô thị khang trang, xanh, sạch, đẹp, văn minh...”

Những số liệu Chủ tịch Hoàng Đình Thắng nêu ra để thấy một Đồng Hới vượt khó, vững vàng trên con đường phát triển: giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 6.690 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp 462.800 triệu đồng. Giải quyết việc làm cho 5.000 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2.300 USD...

“Và những định hướng cho năm 2017?”- Tôi hỏi Chủ tịch thành phố. Chủ tịch Hoàng Đình Thắng khẳng định: “Thành phố vẫn tiếp tục dành mọi nguồn lực khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển và lũ lụt; phục hồi sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chủ đề năm “Tăng cường kỷ luật, xiết chặt kỷ cương, tiếp tục đổi mới phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, nổ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2017” với các mục tiêu đề ra: giá trị sản xuất tăng 14%; giá trị nông, lâm, thủy sản tăng 4%; tổng thu ngân sách 1.046 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 2.400 USD; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,95%...”.

Thành phố trở lại dáng vẻ yên bình sau những phong ba. Đồng Hới vẫn kiên cường, tràn trề nhựa sống. Một năm sóng gió đi qua... Đồng Hới chờ đón xuân mới với những khát vọng mới, tâm thế và tầm cao mới.

Thanh Long