.

Người con Cảnh Dương anh hùng

Thứ Năm, 26/01/2017, 11:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là Anh hùng LLLVTND liệt sĩ Đỗ Ngọc Thạnh, xã Cảnh Dương, Quảng Trạch.

Sinh năm 1930 ở Cảnh Dương, 13 tuổi, Đỗ Ngọc Thạnh theo cha (làm nghề đồ họa) vào Sài Gòn và đi học tại Trường Chasseloup Laubat (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn), lấy tên là Nguyễn Văn Ba, còn gọi là “Ba học sinh”, Đỗ Ngọc Thạnh tham gia cách mạng từ năm 1945, xây dựng cơ sở hoạt động bí mật, đưa phong trào đấu tranh tại các trường lên cao. Tháng 2-1947 anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 7-1947, anh được dự lớp chính trị do Thành uỷ tổ chức tại chiến khu Bàu Cò, được giao nhiệm vụ phụ trách Hội học sinh cứu quốc tại Nam Bộ. Từ đây cho đến năm 1951, anh là người chỉ đạo đấu tranh tại các trường, tổ chức rải truyền đơn kỷ niệm những ngày lễ cách mạng và các cuộc đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ.

Ngày 19-5-1948, học sinh nhiều trường trong nội thành đã tổ chức đồng loạt, kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ. Đề phòng mật thám giở trò khám xét, các học sinh Chasseloup Laubat đã leo tường, chuyển truyền đơn vào giấu trong trường từ đêm 18/5. Khoảng giữa buổi học hôm sau, một quả lựu đạn nổ vang giữa sân trường, trong lúc nhốn nháo, truyền đơn được rải đều các lớp học. Ban Giám hiệu và mật thám Pháp hết sức tức tối, lo sợ.

Sau sự việc trên, chúng truy lùng, tra xét gắt gao, 5 học sinh bị bắt, số khác bị đuổi học. Biết anh đã bị lộ, cấp trên rút anh về chiến khu nhưng Đỗ Ngọc Thạnh tình nguyện ở lại để chỉ đạo phong trào.

Đồng chí Đỗ Ngọc Thạnh năm 1948 (ảnh do ông Đỗ Minh Đức cung cấp).
Đồng chí Đỗ Ngọc Thạnh năm 1948 (ảnh do ông Đỗ Minh Đức cung cấp).

Ngày 1-11-1949, anh được giao tập hợp lực lượng, tổ chức đấu tranh đòi bảo đảm an ninh trường học, đòi quyền được học tập, quyền tự do cho các học sinh. Ngày 24-11-1949, địch cho đóng cửa vô thời hạn hai trường học, với nhiệm vụ là Bí thư Đảng Đoàn, ngày 9-1-1950 diễn ra, Đỗ Ngọc Thạnh đã lãnh đạo Đoàn thanh niên Cứu quốc Sài Gòn - Chợ Lớn và Đoàn học sinh - sinh  viên, vận động và tổ chức hơn 10.000 người, trong đó có hơn 2.000 học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình, dấy lên trong giới trẻ và nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn ý chí đấu tranh, kiên quyết chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Chúng ra sức đàn áp dã man, bắn thẳng vào đoàn biểu tình, Trần Văn Ơn và một số học sinh, sinh viên đi đầu anh dũng hy sinh.

Lòng căm thù giặc càng thêm sôi sục, ngày 12-1-1950, đám tang Trần Văn Ơn do Đỗ Ngọc Thạnh chỉ đạo đã trở thành cuộc biểu tình lớn chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết tụ tinh thần yêu nước của nhân dân và học sinh sinh viên khắp Sài Gòn - Chợ Lớn.

Tiếp đến, các phong trào cứu tế đồng bào bị đốt nhà ở khu Bàu Sen và cuộc mít tinh tuần hành phản đối tàu Mỹ vào Cảng Sài Gòn ngày 19-3-1950 diễn ra. Bất chấp mọi tình huống khó khăn, Đỗ Ngọc Thạnh luôn đi đầu, đề ra chủ trương, khẩu hiệu đấu tranh, phát động quần chúng phối hợp để bảo đảm thắng lợi.

Ngày 29-11-1951, mật thám Pháp cho theo dõi bắt cóc Đỗ Ngọc Thạnh tại chợ Thái Bình (góc đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh hiện nay). Khí tiết anh dũng của anh trong tay giặc đã được viên Chưởng lý tòa Thượng thẩm Sài Gòn báo riêng cho cha anh, ông đồ họa Đỗ Như Khương. Khi bọn lính đem dụng cụ tra tấn để hỏi cung, không đợi chúng dí điện vào người, anh tự đưa tay vào nguồn điện rồi ngất xỉu. Không khai thác được gì, chúng đem anh ra Cầu Kinh - Thanh Đa, xốc anh lên nện vỡ đầu rồi ném xác xuống sông.

Người Bí thư Đảng Đoàn đầu tiên của Sài Gòn - Chợ Lớn đã hoàn thành xuất sắc vai trò lãnh đạo, trực tiếp chỉ đạo thắng lợi phong trào đấu tranh của học sinh - sinh viên. Anh luôn có mặt vào các thời điểm gay cấn nhất của cuộc đấu tranh, kịp thời điều chỉnh kế hoạch, chỉ đạo bổ sung phù hợp với tình hình. Thậm chí có thời kỳ anh đã hoạt động bí mật tại nhà người chú của tướng Nguyễn Cao Kỳ, sau này là Phó Tổng thống Ngụy quyền Sài Gòn.

Mặc dù bị kẻ địch phong tỏa kiểm soát, thi hài anh vẫn được tổ chức và bạn bè tìm cách đưa về mai táng. Đến nay, theo bà Đỗ Thị Kim Oanh, em gái của liệt sĩ, hài cốt anh đã được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh.

Để ghi nhớ những cống hiến của liệt sỹ Đỗ Ngọc Thạnh, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho đời sau, nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định lấy tên anh đặt tên cho một con đường tại Quận 5. Ngày 28-5-2000, Đỗ Ngọc Thạnh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, được tái hiện hình ảnh qua phim tài liệu lịch sử “Thành Đoàn thời bí mật”. “Anh Ba học sinh” đã anh dũng hy sinh khi tròn 21 tuổi (là một trong 270 liệt sỹ và một trong 2 Anh hùng LLVTND của xã Cảnh Dương qua hai cuộc kháng chiến).

Nguyễn Tiến Nên