.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Fidel Castro: Cuộc gặp lịch sử của những người bạn lớn

Thứ Bảy, 28/01/2017, 14:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Chiều đông nghiêng bên núi Hoành Sơn, gió lạnh thẫm áo nhưng đoàn người vào viếng mộ Đại tướng như không ngừng nghỉ. Tôi ra bờ biển nghe sóng vỗ về ôm ấp bờ đất mẹ, ngước nhìn lên mộ Đại tướng như thoảng, như mơ thấy cuộc trường chinh thế kỷ mà Người đã đi qua. Tất cả như thước phim quay chậm về người con ưu tú của đất Việt từ thuở mang gươm đi giữ nước, đánh xong kẻ thù trở về bên mái nhà xưa, hạnh phúc khi nghe câu hò khoan Lệ Thuỷ. Nhưng sâu đọng trong tôi là hình ảnh hơn 40 năm trước hai Tổng tư lệnh, hai người con ưu tú của hai dân tộc là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Fidel Castro đã gặp nhau. Cuộc gặp của 2 người bạn lớn đã được cả thế giới lúc bấy giờ dõi theo, bởi đó là cuộc gặp lịch sử mang tầm thời đại.

Cuộc gặp lịch sử của hai Tổng tư lệnh

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đón Fidel Castro sang thăm Việt Nam năm 1973.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đón Fidel Castro sang thăm Việt Nam năm 1973.

Đi dọc theo bờ biển Vũng Chùa, nghe sóng vỗ bờ, tôi miên man lạc vào câu chuyện của hơn 40 năm về trước, ngày hai Tổng tư lệnh là Võ Nguyên Giáp và Fidel Castro gặp nhau. Giờ cả hai người đã đi về miền cực lạc, nhưng những câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Fidel Castro vẫn mãi mãi được kể với lòng kính trọng, tự hào của loài người tiến bộ của nhân loại.

Năm 1973, lúc này cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Fidel Castro đã trở thành nhân vật lịch sử của thế giới, được nhiều sử gia, học giả trên thế giới tìm hiểu, nghiên cứu. Vì vậy khi nghe tin Tổng tư lệnh Cu Ba, Fidel Castro sẽ thăm Việt Nam và sẽ có nhiều cuộc hội đàm với Tổng tư lệnh Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì rất nhiều hãng thông tấn quốc tế tìm hiểu và tìm mọi cách tiếp cận để có tư liệu, thông tin. Fidel Castro, Võ Nguyên Giáp, hai người bạn lớn đã góp phần rất quan trọng vào tình bạn thuỷ chung của hai dân tộc anh hùng.

Vào lúc 11 giờ 55 phút sáng 12-9-1973, Tổng Tư lệnh Cu Ba, Fidel Castro đã đến Hà Nội. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước ra sân bay đón Fidel.

Lãnh tụ Fidel Castro khẳng định: “Chưa một nơi nào mà tôi từng đặt chân đến lại nhận được nhiều tình cảm thân thương đến như vậy. Chúng tôi sẽ luôn giữ trong tim những kỷ niệm của cuộc đón tiếp này”. Và Fidel Castro đã quyết định vào thăm vùng giải phóng bên kia vĩ tuyến 17.

Ngày 15-9, đoàn lãnh đạo Cu Ba vào đến đất thép Quảng Bình. Ngay sau khi vừa vào nghỉ ở khu giao tế Quảng Bình, Fidel Castro đã nhận định Quảng Bình sẽ là “Tiền tuyến của miền Bắc và hậu phương của miền Nam”. Chủ tịch Fidel Castro đã dành nhiều tình cảm tốt đẹp và sự cảm phục về sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam nói chung, Quảng Bình nói riêng.

Ngay sau khi thăm vùng giải phóng, Fidel Castro trở lại Hà Nội và có nhiều cuộc tiếp xúc, làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong một chiều thu Hà Nội năm 1973, Tổng tư lệnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trao tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên cho Tổng tư lệnh Fidel Castro. Huy hiệu từ tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng luôn được Fidel Castro xem như một kỷ vật vô giá. Bên bàn làm việc, hai Tổng tư lệnh đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng của thế giới, của Việt Nam và Cu Ba.

Khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về việc làm con đường chiến lược, đường mòn Hồ Chí Minh bí mật để tiến vào giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ánh mắt Chủ tịch Fidel Castro sáng lên. Fidel Castro đã lập tức chỉ thị ngay về Cu Ba yêu cầu xuất ngoại tệ để mua các thiết bị, máy ủi đất đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, và cuộc sống của mình, Chủ tịch Fidel Castro và Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành cho nhau một tình cảm chí tình, chí nghĩa. Trong nhiều chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Đảng và hai nhà nước Việt Nam, Cu Ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch Fidel Castro luôn hỏi thăm sức khoẻ, tin tức về nhau.

Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về với đất mẹ, trong thông điệp gửi lời chia buồn tới lãnh đạo và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Cu Ba, Raul Castro cho biết: “Dân tộc Cu Ba sẽ luôn luôn ghi nhớ với tất cả sự ngưỡng mộ và kính trọng đối với vị lãnh đạo huyền thoại-Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lực lượng vũ trang cách mạng Cu Ba cũng sẽ không thể nào quên những đóng góp quý báu của Ông trong việc xây dựng nên học thuyết quân sự của Cu Ba. Tấm gương của Ông trong cuộc chiến tranh cách mạng sẽ luôn tồn tại trong chúng ta như một biểu hiện về mối quan hệ, mối liên kết lịch sử của hai dân tộc anh em”.

Những tình cảm đặc biệt Fidel Castro dành cho vùng cát

Ngày nghe tin Fidel Castro mất (ngày 26-11-2016), chúng tôi về Khu Giao tế Quảng Bình nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm, kỷ vật về Người anh hùng giải phóng dân tộc của đất nước Cu Ba anh em. Chủ tịch Fidel Castro đã đi xa, nhưng những kỷ niệm về Người vẫn ăm ắp trong lòng người dân vùng cát, chiếc giường năm nào Chủ tịch nghỉ lại vẫn còn đây, chiếc tẩu thuốc lá, chiếc card visir... của Fidel Castro đang được lưu giữ, và Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba được Chủ tịch Fidel Castro tặng năm nào vẫn đang hàng ngày là chỗ dựa cho người dân về sức khỏe.

Ngày 29-11-2016, thắp nén hương thành kính tưởng nhớ Chủ tịch Fidel Castro ở Đại sứ quán Cu Ba tại Hà Nội, tất cả mọi người trong đoàn cán bộ từ vùng cát Quảng Bình đều rưng rưng rơi lệ. Khi được giới thiệu về đoàn đến viếng, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán đều xúc động vì biết Quảng Bình là nơi Chủ tịch Fidel Castro đã từng đến, ở lại và để lại nhiều kỷ niệm, kỷ vật.

Bác sĩ Dương Thanh Bình-Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới thành kính ghi vào sổ tang “Tập thể cán bộ, viên chức Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba, Đồng Hới, Quảng Bình vô cùng thương tiếc Chủ tịch Fidel Castro, vị lãnh tụ kính yêu, nhà lãnh đạo kiệt xuất, huyền thoại của đất nước Cu Ba anh, em. Chúng tôi đời đời ghi nhớ công ơn và những tình cảm quý báu mà đồng chí Chủ tịch Fidel Castro đã dành cho nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Quảng Bình nói riêng. Chúng tôi nguyện học tập tấm gương đạo đức của đồng chí và tiếp tục xây dựng phát triển bệnh viện ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân tỉnh Quảng Bình và khu vực lân cận”.

Rời Đại sứ quán, lòng chúng tôi se lại khi những kỷ niệm về Chủ tịch Fidel Castro như những thước phim quay chậm lại trở về. Tối 16-9-1973, đoàn của Chủ tịch Fidel Castro vào thăm và nghỉ lại ở Quảng Bình.

Sau bữa cơm chiều hơi muộn, Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn tùy tùng nghỉ lại Khu Giao tế Quảng Bình. Để bảo đảm cho Chủ tịch Cuba Fidel Castro có một đêm nghỉ ngơi thoải mái tại Khu Giao tế, UBND thị xã Đồng Hới lúc bấy giờ đã chỉ đạo Ban Quản lý HTX Mộc Hồng Hải cấp tốc điều động những xã viên có tay nghề cao, chỉ trong một ngày đã đóng xong một chiếc giường gỗ có kích thước dài đến khoảng 1,8 m, rộng 1,6 m nhưng Chủ tịch Fidel Castro quá cao lớn, nằm lên giường thừa chân nên cán bộ Khu Giao tế gọi thợ mộc đến thay 2 thanh giường 2 bên, kéo dài chiếc giường ra 2,3 m, rộng 1,8m. Đã hơn 40 năm trôi qua, Người đã về thiên cổ nhưng chiếc giường ngoại cỡ vẫn còn đây.

Căn phòng Chủ tịch Fidel Castro nghỉ lại hầu như vẫn còn được giữ nguyên, chiếc tủ, chiếc bàn cá nhân trong phòng như còn ấm dấu chân Người.

Chúng tôi may mắn được gặp những cán bộ ở Khu Giao tế từng vinh dự được đón tiếp ở cạnh Chủ tịch Fidel Castro và đoàn công tác Cu Ba anh em trong những ngày Chủ tịch lưu lại ở Quảng Bình. Một trong số người đó là ông Nguyễn Thanh Đàm. Ông Đàm là Chủ nhiệm phụ trách Khu Giao tế khi Chủ tịch Fidel Castro nghỉ lại Quảng Bình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên  cho Fidel Castro.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên cho Fidel Castro.

Theo ông Đàm, Chủ tịch Fidel Castro là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vào thăm tuyến lửa Quảng Bình, lại có phần hơi bất ngờ nên công tác chuẩn bị rất gấp gáp. Nhiều anh chị em ở cơ quan giao tế có phần lúng túng trong công việc, nhưng khi nhìn thấy nụ cười ấm áp của Chủ tịch Fidel Castro ai cũng thấy ấm lòng và lo tốt phần việc của mình được giao. Khi ông Đàm chào Chủ tịch Fidel Castro bằng tiếng Pháp, Chủ tịch Fidel Castro tỏ ra thích thú vì ông đang muốn tìm hiểu về vùng đất Quảng Bình.

Khi mọi người dần chìm vào giấc ngủ, Chủ tịch Fidel Castro vẫn đi đi lại lại trước hiên Khu Giao tế, ông Đàm nhẹ nhàng bước theo sau, Chủ tịch ngước nhìn bầu trời đầy sao của tiết trời thu se se lạnh rồi hỏi ông Đàm: Người dân Quảng Bình bắn rơi được nhiều máy bay Mỹ không? Có nhiều người anh hùng không? Cuộc sống của bà con thế nào? Người dân nơi đây cần gì nhất ?...

Ông Đàm trả lời với Chủ tịch Fidel Castro rằng, Quảng Bình là địa phương đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ. Đây là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và nhiều anh hùng khác. Bất ngờ Chủ tịch Fidel Castro cầm lấy tay ông Đàm nắm chặt. Câu chuyện về con người, quê hương tuyến lửa Quảng Bình đã xóa nhòa ranh giới giữa vị Chủ tịch đáng kính và anh chủ nhiệm Khu Giao tế.

Hôm sau, ông Nguyễn Thanh Đàm phiên dịch cho Chủ tịch Fidel Castro nói chuyện với bà con Đồng Hới. Trong câu chuyện tối hôm trước với ông Đàm, biết bà con vùng cát rất khó khăn trong khám chữa bệnh, đặc biệt là khi bị trúng bom đạn của kẻ thù, Chủ tịch Fidel Castr đã giúp bà con Đồng Hới, Quảng Bình xây dựng một Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới khang trang.

Khi Chủ tịch Fidel Castro và đoàn công tác rời Khu giao tế Quảng Bình, ông Đàm cứ ôm lấy Chủ tịch Fidel Castro mà khóc, mà nhớ như tiễn người anh trai đi công tác xa nhà. Đôi mắt Chủ tịch Fidel Castro nhìn đăm chiêu ra chiều suy nghĩ, rồi Chủ tịch Fidel Castro rút trong túi ra một hộp thuốc xì gà còn mới và tấm danh thiếp đưa cho ông Đàm. Ông Đàm cảm động nước mắt lưng tròng, Chủ tịch Fidel Castr vỗ vai động viên ông Đàm, rồi nói "Cảm ơn đồng chí. Khi sang Cu Ba, cầm tấm danh thiếp này đi đâu đồng chí cũng được chào đón".

Dương Sông Lam