.

Trận đánh của niềm tin

Thứ Ba, 20/12/2016, 10:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Có những trận đánh nhằm tiêu hao sinh lực địch. Nhưng cũng có những trận đánh còn hướng đến những mục tiêu lớn lao hơn. Đó là làm chùn bước sự bạo tàn của quân xâm lược; làm người dân vững tin hơn trong cuộc chiến không cân sức với một kẻ thù siêu sức mạnh vật chất và vào những thời điểm khốc liệt nhất...

Đã gần 45 năm kể từ buổi chiều cuối xuân năm 1972. Đấy là buổi chiều nắng ráo và trời thật quang đãng. Khi ấy tôi là chiến sỹ thuộc Đại đội 13 trinh sát của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đang làm nhiệm vụ ở Đài quan sát Hải Thành (Đồng Hới), một trong những đài quan sát của đơn vị. Chuông điện thoại reo vang. Người cầm máy là anh Á, đài trưởng, nghe xong cú điện thoại, anh lệnh cho anh em chúng tôi là hãy quan sát thật kỹ bầu trời và vùng biển Nhân Trạch, Nhật Lệ.

Lúc bấy giờ đơn vị chúng tôi đang rải quân chốt ở các đài quan sát. Các đài phân bổ khắp trên địa bàn tỉnh, mỗi đài độ 4-5 anh em. Công việc không quá vất vả nhưng đòi hỏi cẩn trọng và trực thường xuyên 24/24 giờ trong ngày để quan sát và xác định số lượng bom, đạn, địa điểm mà máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá xuống vùng đất liền, trên biển và trong khu vực quan sát của từng đài.

Tại thời điểm năm 1972 đơn vị có các các đài quan sát ở cao điểm 241 Thanh Trạch (Bố Trạch); đồi cát xã Gia Ninh (Quảng Ninh); đồi cát Cam Thủy, cao điểm 337, 455 (Lệ Thủy); đồi cát Hải Thành (Đồng Hới)...

Trở lại cú điện thoại mà đài trưởng vừa nhận được, gặng hỏi thêm, anh Á nói “cụ” Miễn (ông Nguyễn Xuân Miễn, đại úy, Trưởng ban trinh sát của Tỉnh đội Quảng Bình lúc ấy) lệnh như vậy, phải huy động tất cả anh em trong đài cùng làm nhiệm vụ, có tình hình bất thường báo cáo ngay cho ban.

Bình yên trên biển Hòn La.
Bình yên trên biển Hòn La.

Ông Miễn là một thủ trưởng mà chúng tôi luôn kính nể. Ông thường “bóc mẽ” những trò láu lĩnh của cánh trinh sát chúng tôi và điều quan trọng là ông chan hòa với lính, dạy cho chúng tôi nhiều bài học nghiệp vụ sâu sắc. Tình hình chiến sự những ngày tháng 4-1972 này trên địa bàn tỉnh là hết sức căng thẳng, có thể nói tháng 4 tháng 5 -1972 là giai đoạn điểm đỉnh cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ trên địa bàn tỉnh ta. Địch tăng cường đánh phá ác liệt, số lượng các đợt oanh kích của máy bay, kể cả máy bay B52 tăng lên nhiều lần so với trước.

Bên cạnh đó, hàng ngày có 2-4 tàu khu trục của Mỹ chạy dọc bờ biển liên tục bắn pháo vào đất liền. Các tàu chiến của địch có những giai đoạn hoạt động khá đều đặn chừng 13-17 giờ hàng ngày. Là những người hàng ngày “đếm” bom đạn địch trút xuống quê hương nên chúng càng thấm hiểu cuộc chiến đang rất gay go.

Lúc này trời đã xế chiều, hai tàu khu trục của Hạm đội 7 đang di chuyển chậm chạp dọc bờ biển Nhân Trạch- Quang Phú- Nhật Lệ và liên tục nả pháo vào đất liền. Nhìn những chiếc tàu đen trùi trủi, lù lù di chuyển, những ánh chớp sáng  cùng với tiếng nổ chát chúa và tiếng đạn pháo rít xé không khí khi bay trên bầu trời, ai cũng điên tiết.

Mấy hôm trước các đơn vị pháo mặt đất trong đất liền có bắn trả ra tàu khá nhiều nhưng hôm nay lại không thấy, có thể là tàu ở ngoài tầm bắn của pháo ta. Chúng tôi đang bàn luận về điều này thì có tiếng động cơ máy bay. Cứ nghĩ là máy bay địch và theo thói quen chúng tôi hướng mắt lên bầu trời. Nhưng chợt nhận ra điều khác lạ, tiếng động cơ khá thấp và thoáng thấy máy bay nhưng đó không phải là những chiếc F4H hay F105 ngỗ ngáo như lệ thường. Hai chiếc máy bay xuất hiện từ phía tây với khoảng cách khá gần nhau và rồi vụt thẳng ra phía biển.

Chúng tôi như khựng cả lại, những chiếc máy bay như chim cắt, chỉ đảo một vòng nhỏ và những cột nước dội lên từ phía chiếc tàu địch... Mọi việc diễn ra trong thoáng chốc làm chúng tôi không kịp sử dụng ống nhòm mà cứ căng mắt nhìn trực tiếp trên biển. Lúc này trời đã về chiều, biển đã có hơi sương cùng với khói bom nên khó nhìn hơn. Và rồi hai chiếc máy bay mất hút về phía tây bắc. Hai chiếc tàu địch cũng đã hoảng hốt chuồn thẳng ra biển Đông.

Gọi ngay cho đồng chí trưởng ban trinh sát, chúng tôi báo cáo hết sức thận trọng là có máy bay đánh bom trúng tàu địch nhưng không rõ tàu có bị hư hại gì lớn không. Đầu dây ông Miễn thông báo tiếp: “Máy bay MIG 17 của ta đánh bom tàu địch đấy, nó bị thương rồi... Máy bay xuất phát ở sân bay dã chiến Gát (Bố Trạch) và đã trở về căn cứ an toàn”.

Đấy là khoảng khắc những người lính trinh sát chúng tôi được chứng kiến một trận đánh ngoạn mục của không quân Việt Nam ngay trên vùng biển quê hương. Mọi người trong đài ai cũng hân hoan, bởi lâu nay chỉ chứng kiến cảnh máy bay, tàu chiến địch dội bom, đạn  xuống làng mạc, ruộng đồng chứ đâu có được một lần nhìn thấy máy bay ta dội bom xuống đầu địch. Đặc biệt trong những ngày phải nói là “ngột ngạt” của chiến tranh như lúc này.

Một buổi chiều đặc biệt trong những ngày chiến tranh rồi cũng qua đi, chúng tôi lại bận rộn với bao công việc khác của người lính. Sau này mới biết rõ hơn, hai chiếc MIG 17 do hai phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy điều khiển đã vào sân bay dã chiến xóm Gát mai phục chờ thời cơ, và buổi chiều lúc hơn 16 giờ ngày 19-4-1972 đã ra tay trừng trị quân xâm lược.

Trận đánh là một đòn cảnh cáo đanh thép, đánh vào ý chí ngông cuồng của lũ xâm lược, cho chúng thấy sức mạnh tiềm tàng của quân đội ta. Và đấy là liều thuốc tinh thần lớn lao, tiếp thêm sức mạnh, niềm tin cho quân và dân Quảng Bình trong những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, phải nói là “đậm đặc” hơn bất cứ lúc nào, mất mát đau thương của người dân Quảng Bình cũng lớn hơn bất cứ lúc nào.

Đã gần 45 năm trôi qua, sau khi rời quân ngũ, tôi đã nhiều lần qua lại sân bay dã chiến xóm Gát ở Xuân Trạch, Bố Trạch. Bây giờ khu vực này đã trở thành di tích lịch sử và vẫn có một đường băng là đường Hồ chí Minh được mở rộng về bề ngang, sẵn sàng cho các loại máy bay chiến đấu cất hạ cánh...Cứ mỗi lần đi qua đây chúng tôi lại nhớ về những năm tháng hào hùng, những trận đánh táo bạo, bí mật, bất ngờ mà không quân Việt Nam, người lính Việt Nam đã nghĩ ra và thực hiện...

Văn Hoàng