.

Khe Ngang... qua rồi thời cam khổ

Thứ Bảy, 22/10/2016, 22:58 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong chuyến công tác lên với các xã miền núi của huyện Quảng Ninh, chúng tôi đã trở lại thăm Khe Ngang - một bản đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Xuân. Khác với khoảng 5 năm về trước, Khe Ngang nay đã có nhiều đổi thay mà ai từng gắn bó sẽ dễ dàng nhận ra. Chỉ có trưởng bản Hồ Nam thì vẫn xưa cũ... nhiệt tình, mến khách.

 Trên cánh đồng lúa nước bản Khe Ngang.
Trên cánh đồng lúa nước bản Khe Ngang.

Nhà Hồ Nam sát cạnh trục đường cán nhựa rộng thoáng xuyên giữa bản, gần nhà văn hóa còn thơm mùi vôi mới. Ngay trung tâm bản, hệ thống trường học được đầu tư xây dựng khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho con em trong bản học tập. Khe Ngang bây giờ nhiều ngôi nhà mới kiên cố mọc lên; đồng bào Vân Kiều đoàn kết cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, cùng lên rừng chăm sóc rừng trồng, xuống đồng làm lúa nước, gần gũi, thân thiết như anh em một nhà. Trước đây Khe Ngang toàn hộ nghèo, hiện tại 30% hộ đã thoát nghèo, nhiều gia đình vươn lên, kinh tế ổn định, tạo lập cơ ngơi vững chãi.

Chuyện về bản, Hồ Nam nằm lòng, biết tận cùng mọi ngõ ngách, đồng bào mình ai còn khó, ai còn khổ. Anh cho biết: “Khe Ngang có 106 hộ, gần 400 nhân khẩu, còn 69 hộ nghèo, chiếm gần 70% dân số. Toàn bản trồng được 16 ha lúa nước, trong đó 9 ha dưới chân đập Trạng Rôộng sản xuất hai vụ, còn lại chỉ một vụ đông-xuân với năng suất trung bình 60 tạ/ha. Trong 106 hộ dân, chỉ có 45 hộ sản xuất lúa nước, còn lại chăn nuôi và phát triển kinh tế rừng”.

“Đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngang đã biết cách làm ăn, bớt phụ thuộc dần vào hỗ trợ, giúp đỡ từ Nhà nước”- Hồ Nam khẳng định- “Minh chứng là dân bản được nhận diện tích rừng, chăm lo trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi”.

Đời sống đồng bào dần ổn định nhờ vào chính sách giao đất giao rừng của Nhà nước, tạo thế chủ động trong sản xuất. Toàn bản có 30 hộ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trung bình mỗi hộ 4 ha rừng. Từ đây bà con biết tận dụng đất rừng trồng chuối, ớt, ngô, sắn đến keo lai, tràm... giải quyết nguồn thực phẩm trước mắt theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Một số hộ phát huy lợi thế từ trồng rừng và có nguồn thu đáng kể, như gia đình Hồ Văn Bắc, Nguyễn Văn Tuấn... Sau 5 năm cho thu hoạch từ keo, tràm, trung bình mỗi hộ thu trên dưới 200 triệu đồng, nhờ vậy đã không những thoát được nghèo mà còn ổn định cuộc sống về lâu dài.

Chăn nuôi ngày càng phát triển, các mô hình hay được khuyến khích nhân rộng, vì thế mà tổng đàn ngày một tăng, nhất là đàn lợn và trâu bò. Cách thức chăm sóc đến công tác tiêm phòng được chú trọng thường xuyên nên đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn bảo đảm tăng trưởng, ít xảy ra dịch bệnh. Điển hình mô hình chăn nuôi lợn có hộ gia đình Nguyễn Xuân Việt, Nguyễn Tiến Vũ, Hồ Văn Long; mô hình nuôi lợn rừng có hộ gia đình Hồ Ban...

Mới đây, bản Khe Ngang được giao thêm 200 ha đất rừng và đã phân chia về các hộ. Có 9 hộ trồng cao su đang phát triển tốt khoảng chừng 4-5 tuổi, như Hồ Nam, Hồ Học, Hồ Ban, Hồ Văn Lai, Nguyễn Văn Tuấn, Nguyễn Văn Xướng, Lê Quang Thọ, Lê Quang Thị, Nguyễn Việt Bình...

Diện mạo bản làng ấm áp kể từ ngày điện thắp sáng về bản và càng vui hơn khi nhà văn hóa mới được hoàn thành. Đây là công trình do LĐLĐ tỉnh đầu tư xây tặng với tổng trị giá 380 triệu đồng. Hôm chúng tôi đến, bà con tập trung tại nhà văn hóa rất đông. Hỏi chuyện Hồ Nội- một người dân trong bản, ông cho biết: Nhà ông có 2,5 sào lúa nước, Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng làm nhà kiên cố. Cứ mỗi quý, Hồ Nội cũng như bà con được nhận hỗ trợ chi phí tiền điện 90 nghìn đồng, hôm nay đến để nhận khoản tiền này.

Gặp Hồ Lưu và Hồ Căng, Hồ Lưu vui chuyện: “Nhà mình có 2 sào ruộng lúa, thu hoạch mỗi vụ đủ ăn; rồi trồng rừng, chăn nuôi nữa. Được Hồ Nam động viên, vợ chồng bây giờ chăm lo xây dựng cuộc sống gia đình, không còn lo đói”. Vợ chồng Hồ Căng mới ra riêng cũng vừa xin làm 2 sào lúa nước, tích cực chăm bón thu hoạch không kém nhà Hồ Lưu. Có thóc, có gạo sẽ ấm bụng đồng bào.

Khe Ngang hôm nay đã có nhiều ngôi nhà mới kiên cố.
Khe Ngang hôm nay đã có nhiều ngôi nhà mới kiên cố.

Nói được, làm được, đó là những lời khen bà con dân tộc Vân Kiều bản Khe Ngang dành cho Hồ Nam. Cơ ngơi của gia đình trưởng bản hiện tại thuộc hàng ổn định nhất bản: ngôi nhà xây trị giá trên 60 triệu đồng; trồng 3 sào lúa nước, 3 ha rừng; nuôi 8 con bò. “Nhà mình không có chuyện đói đâu. Làm trưởng bản, đói đồng bào họ cười cho” - Hồ Nam bảo.

Về câu chuyện lần đầu tiên Khe Ngang thí điểm trồng lúa nước, Hồ Nam cùng với vài hộ gia đình trong bản đứng ra nhận làm thí điểm. Vụ thu hoạch đầu tiên, mỗi sào được 5 thúng lúa. Bắt đầu từ đó, cây lúa nước trụ lại được với bà con. Sau lúa nước thành công, nhân rộng, Hồ Nam tiếp tục đưa thêm các giống đậu xanh, lạc, ngô... về bản. Tự mình vận động người thân, anh em trồng thí điểm, rút kinh nghiệm, sau đó đem cho dân bản cùng trồng. Làm được hạt lúa, hạt đậu, củ sắn... đồng bào Vân Kiều bản Khe Ngang dần dần chủ động lương thực.

Bản Khe Ngang còn 15 nhà tạm bợ là những hộ nghèo, tách hộ và gia đình neo đơn cần giúp đỡ, vì họ khó tự thân vươn lên được. Người Vân Kiều bản Khe Ngang ước mơ: Nhà nước cần đầu tư nâng cấp đập thủy lợi Trạng Rôộng đủ nước để bà con tiếp tục khai hoang thêm 8 ha lúa nước, lúc đó người Khe Ngang chắc chắn bảo đảm được cái ăn trong năm.

Đó là trăn trở của trưởng bản Hồ Nam gửi gắm chúng tôi trước khi về xuôi. Qua rồi thời khốn khó, bản Khe Ngang tự tin đi lên, xây dựng cuộc sống mới, xích lại gần hơn với những bản làng ấm no khác ở xã miền núi Trường Xuân.

Hương Trà