.

Rộn ràng xứ Lệ

Thứ Sáu, 02/09/2016, 10:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Sự kiện thông xe kỹ thuật cầu Phong Xuân vào ngày 25-8 vừa qua là một trong những “điểm nhấn” quan trọng trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 của huyện Lệ Thủy. Cảm nhận của chúng tôi khi có mặt tại vùng đất được mệnh danh “nhất Đồng Nai, nhì hai huyện” những ngày thu tháng tám này là trên khắp mọi nẻo đường quê rực rỡ băng rôn, khẩu hiệu; hệ thống loa truyền thanh ngân nga những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới. Người dân Lệ Thủy đang cùng nhau ra sức thi đua, đoàn kết xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Lịch sử Đảng bộ huyện Lệ Thủy ghi lại: Đúng 8 giờ sáng ngày 23-8-1945, một cuộc mít tinh lớn nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện đã diễn ra ngay tại huyện lỵ. Cờ đỏ sao vàng rợp trời, giáo mác, gậy gộc giương cao. Nhân danh trưởng ban vận động quần chúng khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Thanh đã vạch mặt tội ác của giặc ngoại xâm và bọn tay sai, đồng thời khẳng định quyết tâm của quần chúng đứng lên trực tiếp giành chính quyền về tay nhân dân...

Tiếp đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện ra mắt. Cả rừng người hô vang khẩu hiệu: “Ủng hộ chính quyền mới! Ủng hộ Việt Minh! Hoan hô Việt Nam hoàn toàn độc lập! Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim!”. Từng đợt người bày tỏ niềm vui khôn xiết bằng tiếng reo hò rền vang cả một góc huyện đường để chào đón ngày vui thắng lợi mong mỏi bấy lâu...

Trước đó, vào tối ngày 21-8-1945, lực lượng nhân dân trong toàn huyện mà nòng cốt là hội viên của các đoàn thể cứu quốc đã tập hợp đông đủ tại những vị trí chọn sẵn trong khí thế sục sôi của những người đi giành cơm áo, chờ lệnh khởi nghĩa để vùng lên. Rạng sáng ngày 23-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa huyện phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay lập tức, quần chúng cách mạng của hơn 70 làng trong huyện từ 3 cánh quân, mỗi cánh có 5 đến 7 mũi vượt sông Kiến Giang bằng cầu phao rầm rập tiến về huyện đường trong tiếng trống thúc dồn, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng kèn, tù và, phèng la... tạo nên khí thế cách mạng hừng hực, áp đảo kẻ thù.

Khi trời tảng sáng, màu cờ cách mạng đã đỏ rực cả một vùng trời, làm cho khí thế cách mạng càng thêm sôi sục. Đến 7 giờ sáng, lệnh bắt các nhân viên của bộ máy thống trị được ban ra. Các chiến sỹ tự vệ chiến đấu lập tức xông vào huyện đường khống chế các lại mục, thông nhất, thông nhì, cai ngục, lính lệ... quy hàng cách mạng. Viên tri huyện cuối cùng đã phải bỏ trốn từ trước đó.

Khoảnh khắc chiến thắng hào hùng của nhân dân Lệ Thủy trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền mùa thu tháng 8-1945 đã qua đi 71 năm. Dẫu vậy, có mặt tại Lệ Thủy trong những ngày này, chúng tôi nhận thấy trên khắp mọi nẻo đường quê Lệ Thủy rực rỡ băng rôn, khẩu hiệu; hệ thống loa truyền thanh ngân nga những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quê hương đổi mới và cổ vũ tinh thần Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9 bất diệt...

Khoảnh khắc buông phao của Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.
Khoảnh khắc buông phao của Lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang.

Cụ Nguyễn Văn Thạnh, một cán bộ tiền khởi có gần 70 năm tuổi Đảng ở xã Sơn Thủy nhớ lại: Từ rạng sáng ngày 23-8 năm ấy, tôi tham gia đoàn người với đầy đủ giáo mác, gậy gộc, cờ, đuốc; trong tiếng trống thúc dồn, tiếng tù và, phèng la... rầm rập tiến về huyện đường để cướp chính quyền về tay nhân dân.

Ngay khi tiếp cận với huyện đường, tôi nhận thấy hầu hết các thành viên mật thám Pháp, các tổ chức lính lệ bảo vệ chính quyền Trần Trọng Kim đều đã bỏ trốn hết nên nhanh chóng cùng với nhân dân xông vào chiếm lĩnh các vị trí quan trọng như nhà kho vũ khí, nơi làm việc của viên tri huyện, cổng huyện đường... Đồng thời, tập hợp nhân dân xếp hàng chỉnh tề để tổ chức cuộc mít tinh lớn nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của huyện Lệ Thủy dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời...”.

Vui cùng quê hương trong hào khí cách mạng Tháng Tám bất diệt, đồng chí Lê Văn Bảo, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết: Những kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đã thể hiện rõ vai trò lãnh đạo xuyên suốt, toàn diện của Đảng qua các thời kỳ, sự quản lý, điều hành của chính quyền và nỗ lực của toàn thể nhân dân địa phương nhằm xây dựng Lệ Thủy trở thành huyện nông thôn mới. Thực tế cho thấy lĩnh vực nông nghiệp của huyện đang phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển. Đặc biệt, lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng; quốc phòng - an ninh được giữ vững... Tất cả đã góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của huyện.

Bằng chương trình hành động cụ thể thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, huyện Lệ Thủy đang từng ngày thay da đổi thịt. Đời sống người dân đang từng bước được nâng cao, bởi thế, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9 được địa phương tổ chức khá quy mô. Trong đó, đặc biệt phải kể đến lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang - dòng sông vốn chứng kiến biết bao đổi thay trong lịch sử cách mạng của huyện nhà.

Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến dịp Quốc khánh 2-9, người dân Lệ Thủy lại tưng bừng với lễ hội chào đón Tết Độc lập. Người dân Lệ Thủy xem lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang vào dịp Tết Độc Lập như là một phần máu thịt của họ. Ngoài ra, rất nhiều gia đình trên quê hương Lệ Thủy kính cẩn thắp những nén hương thơm để bày tỏ lòng tiếc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi về cõi vĩnh hằng...

Sáng ngày 2-9, khắp các ngả đường nghìn nghịt người, xe đổ về trung tâm huyện. Niềm vui rạng ngời trên từng khuôn mặt, rất đông nam thanh nữ tú, người già, trẻ em tập trung hai bên bờ sông chờ xem, cổ vũ lễ hội đua thuyền. Dưới sông, những chiếc ca nô, thuyền bè lớn nhỏ đều rợp cờ hoa với các băng rôn, biểu ngữ mang nội dung cổ động. Hệ thống loa phóng thanh ngân nga những bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi những thành quả lao động của người dân góp phần xây dựng nên một đất nước hoà bình, ấm no.

Trung tâm huyện lỵ Lệ Thuỷ bừng lên khí thế lễ hội vui tươi mang tính đặc trưng của vùng quê lúa. Khi mặt trời lên cao, mặt sông rộn rã tiếng máy ca nô, tiếng mái chèo khua nước của các thuyền nhỏ. Đò bơi đã dàn hàng ngang trên vạch xuất phát. Tất cả các ca nô, thuyền nhỏ đều dạt sang hai bên bờ. Sau phát súng lệnh, trai bơi như gầm lên gồng mình. Mặt sông cuộn sóng. Hàng chục đò bơi bật lên lấy đà cho cuộc tranh tài.

Trên bờ, tiếng reo hò vang dội. Người reo hò, kẻ vẫy nón. Các bà, các mẹ xắn quần quá gối, lội ra mép sông dùng nón lá múc nước tạt theo thuyền tạo những vòng cung nước lung linh... Sau thuyền đua là hàng trăm thuyền máy rợp cờ, băng rôn khẩu hiệu, trống nện liên hồi chạy theo cổ vũ, động viên. Sông Kiến Giang vốn nhỏ, chảy hiền hòa qua các làng mạc nay dậy sóng bạc đầu nâng những con thuyền hòa vào niềm phấn khích của cả vạn con người đang vẫy tay reo hò không ngớt.

Cầu Phong Xuân, “điểm nhấn” trong kiến trúc đô thị của vùng trung tâm huyện Lệ Thủy trở thành đích đến của cuộc đua thuyền. Người dân Lệ Thủy có thể thoả sức reo hò, cổ vũ từ trên cây cầu này và cũng có thể phóng tầm mắt dõi theo các đò bơi đi xa hơn. Khoảnh khắc các đò bơi về đích mới là lúc bừng lên niềm phấn khích của cả các trai bơi lẫn người cổ vũ. Hai bên bờ sông tiếng hò reo như sấm dậy. Các trai bơi như được tiếp thêm sức mạnh, rướn người vục mái chầm sâu hơn, kịp về đích nhanh nhất.

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 71 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, năm nay, ngoài lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang, khắp nơi trong huyện Lệ Thủy còn dấy lên không khí đua sức tranh tài với các môn bóng đá, bóng chuyền, ca hát, bài chòi... Người dân Lệ Thủy đang cùng với cả nước, cả tỉnh vui một niềm vui thật trọn vẹn trong ngày Tết Độc Lập.

Nguyễn Hoàng