.

Chùa Cảnh Tiên

Thứ Hai, 26/09/2016, 16:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Dân gian có câu "Đất vua, chùa làng". Từ xưa, những ngôi chùa cổ kính không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh để người dân gửi gắm niềm tin, khát vọng cuộc sống. Với Quảng Ninh, chùa Cảnh Tiên là công trình Phật giáo có giá trị văn hóa, tâm linh, lịch sử lâu đời, tọa lạc trên triền cát thuộc thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh.

Chùa Cảnh Tiên trước đây thuộc ấp Tráng Tiệp (đất nguyên thổ của Võ Xá) gần Sở chỉ huy Đạo Lưu Đồn (nay thuộc thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh). Ngôi chùa do khai quốc công thần Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật xây dựng thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, làm nơi nương tựa và cầu siêu độ cho hàng vạn anh linh tử trận. Chùa được Chúa Nguyễn ban biển ngạch là "Sắc tứ Cảnh Tiên tự" và được quan tâm, chăm lo, trùng tu, sửa chữa.

Mùa thu năm Canh Thân 1680, Nguyễn Hữu Dật qua đời, chùa Cảnh Tiên được giao cho Nguyễn Hữu Hào chăm sóc. Sau khi Nguyễn Hữu Hào mất (năm 1714), con trai ông là Nguyễn Hữu Thuyên tiếp tục sự nghiệp trông nom ngôi chùa, ông đã cho tu bổ khá khang trang. Năm 1717, xảy ra cuộc biến loạn lớn, quân Trịnh vượt sông Gianh tiến đánh kinh thành Phú Xuân, chúa Nguyễn vào Nam lánh nạn, dinh trấn của chúa Nguyễn trên đất Quảng Bình bị xóa bỏ, chùa Cảnh Tiên từ đó cũng không được quan tâm, gìn giữ.

Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa chùa Cảnh Tiên.
Lễ đón bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa chùa Cảnh Tiên.

Năm Minh Mạng thứ 2 (1821), trên đường đi kinh lý Bắc Hà, qua các dinh trạm, vua đã lưu ý đến hiện trạng di tích này. Đến năm Minh Mạng thứ 8 (1827), triều đình mới bàn bạc để trùng tu chùa Cảnh Tiên. Năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), vua ngự giá Bắc tuần ban cho 100 quan tiền để tu bổ. Đến năm Tự Đức thứ 18 (1865), vua ban cho 100 lạng bạc để trùng tu; từ đó chùa Cảnh Tiên còn có tên là chùa Vua.

Mỗi lần trùng tu ngôi chùa đều được ghi chép đầy đủ trên tấm bia đá. Theo các cụ cao niên ở địa phương, chùa Cảnh Tiên có 7 tấm bia đá ghi chép về lịch sử và công đức xây dựng, trùng tu chùa qua các thời kỳ. Do sự tàn phá của chiến tranh, sự phong hóa của thời gian, đến nay ngôi chùa đã bị hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn lại dấu tích trên nền đất cũ với diện tích 819m2 và 2 tấm bia đá được lưu giữ tại nhà thờ họ Hoàng thôn Dinh Mười, xã Gia Ninh. Tuy vậy, những dấu tích còn lại của ngôi chùa vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, văn hóa là nguồn sử liệu trực tiếp phản ánh truyền thống của ông cha ta trong quá trình bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.

Chùa Cảnh Tiên có bề dày lịch sử, tồn tại qua hàng trăm năm, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, gắn với tên tuổi của nhiều danh nhân của quê hương đất nước, là nơi sinh hoạt tâm linh, tôn giáo tín ngưỡng của một vùng cư dân rộng lớn. Ngôi chùa không chỉ thờ tự các đức Phật, nơi gửi gắm che chở cho người dân trong đời sống tinh thần mà chùa còn gắn với nhiều sự kiện của quê hương qua các thời kỳ lịch sử.

Để tôn vinh những giá trị lịch sử văn hóa của ngôi chùa, ngày 29-12-2015, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 3829/QĐ-UBND xếp hạng di tích lịch sử chùa Cảnh Tiên là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh nhằm ghi nhận sự nỗ lực của nhân dân, cán bộ xã Gia Ninh nói riêng và huyện Quảng Ninh nói chung trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của quê hương.

Ông Nguyễn Ngọc Do, Chủ tịch UBND xã Gia Ninh cho biết "Sau khi vinh dự được đón nhận danh hiệu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh chùa Cảnh Tiên, UBND xã đã tổ chức phát động phong trào thi đua bảo vệ di tích trong toàn dân và mong muốn các cấp, các ngành có thẩm quyền xem xét, sớm có kế hoạch hỗ trợ phục dựng, tôn tạo di tích lịch sử chùa Cảnh Tiên, tạo điểm đến cho phật tử gần xa và người dân địa phương có nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, góp phần bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử".

Hà Ngọc Khang
(Đài TT-TH Quảng Ninh)