.

Sông Gianh, ngày này, 50 năm trước... và dự án tượng đài mong đợi

Thứ Hai, 29/08/2016, 13:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Không chỉ với Quảng Bình, sông Gianh là nơi gắn với rất nhiều sự kiện lịch sử của đất nước. Đây là nơi chia cắt Nam Bắc thời Trịnh- Nguyễn, là nơi xuất phát những đội thuyền tiếp vận cho chiến trường Bình Trị Thiên thời kháng chiến chống Pháp cho tới những năm chống Mỹ, là nơi đã nổ những phát súng đầu tiên trong cuộc chống chiến tranh phá hoại, đã chứng kiến những con tàu hải quân gan góc đánh trả bầy “Con Ma”, “Thần Sấm” hiện đại...

Ở đây, người lái ca nô - anh hùng Võ Xuân Khuể cùng Bến phà Gianh anh hùng đã lập nên huyền thoại về những chuyến phà băng qua thủy lôi đưa xe ra tiền tuyến. Bờ Bắc sông Gianh với xã Quảng Thuận có bà mẹ Choàng cùng những người dân đã nhường nhà mình làm kho chứa hàng vạn tấn gạo trước khi đưa ra mặt trận, chỉ riêng ngày 26-6-1966, địch ném bom lân tinh cháy 105 ngôi nhà, qua 4 năm chiến tranh gần 300 người hy sinh.

Bờ Nam sông Gianh đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của chiến sĩ TNXP Lê Thị Anh Đào, của anh hùng Trần Đức Hè cùng Hồ Văn Niệm và 3 cô gái trẻ Trần Thị Minh Thế, Hoàng Thị Minh Thú, Nguyễn Thị Mỹ Tình thuộc Đại đội TNXP anh hùng 759 vào đầu năm 1968...

Cũng ở bờ Nam sông Gianh, đúng vào những ngày cuối tháng 8 này, tròn nửa thế kỷ trước, một trận chiến đấu bi tráng đã diễn ra suốt mấy ngày. Lúc này, tôi đang ở trên đường 12A, nhưng sau khi được điều về Ty GTVT Quảng Bình công tác, tôi nghĩ ngay đến việc phải viết một cuốn tiểu thuyết thể hiện sức mạnh chiến tranh nhân dân trên mặt trận GTVT, dựa trên chiến dịch có mật danh “K4” - khôi phục đường bờ Nam sông Gianh cho đoàn tên lửa SAM đầu tiên vào Quảng Bình-Vĩnh Linh - mà tôi nghe người này, người khác kể lại. Cuốn tiểu thuyết “Đường qua làng Hạ” đã được hình thành từ đó...

Thực tế chiến dịch K4 không diễn ra “gọn gàng” như trong tiểu thuyết tôi đã viết mà gay go hơn, bi tráng hơn mà cũng lắm “góc cạnh” hơn. Đến nay, vừa tròn 50 năm đã qua, từ ngày đó.

Cầu Gianh hôm nay.
Cầu Gianh hôm nay.

Để kỷ niệm sự kiện đặc biệt này bên sông Gianh, cũng là ngày giỗ lần thứ 50 rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh ở đây, tưởng cũng nên công bố tư liệu mà tôi đã ghi lại khi gặp gỡ các nhân chứng đã tham gia chiến đấu ngày đó.
Trong 4 nhân chứng “người trong cuộc” K4 mà tôi có dịp gặp, tình cờ có một người thân và một người là bạn học cùng khóa 8 giao thông với tôi. Đó là anh Lê Hồng Tâm, quê xã Hạ Trạch, lại chính là người đã chỉ huy công trường xây dựng Bến phà Gianh 2 qua Hạ Trạch mấy năm trước. (Về sau, anh được cử làm Giám đốc Sở GTVT Quảng Bình năm 1990-1992, nay đã mất.).

Còn người thân là chị Hoàng Thị Láng, một tiểu đội trưởng C.737, cuối năm 1966 được chọn đi học thợ tiện, về làm tại xưởng sửa chữa ô tô A3 và đến đầu năm 1973 thì trở thành... chị ruột của vợ tôi! C.737 là một đơn vị cơ động, từng vào mở đường 16 (từ Thạch Bàn đến Vít-thù-lù, Làng Ho giáp vĩ tuyến 17) rồi mở đường qua Ba Trại. Về chiến dịch K4, chị Hoàng Thị Láng, chỉ kể một cách vắn tắt:

“... Đêm 26-8-1966, đơn vị được lệnh phải khôi phục gấp đoạn đường xuống bến phà - lúc đó đã bị bom Mỹ nhấn chìm giữa biển nước mênh mông cho một “đoàn xe đặc biệt” đi qua. Nhận lệnh, mỗi người chặt một bó củi, vác ra lát xuống chỗ sâu cho xe đi tạm. TNXP và bà con các xã xung quanh có đến mấy trăm người đang hối hả làm việc thì máy bay đến thả bom bi. Trên quãng đường 500 mét, có đến 70 người chết và bị thương...”

Trong số hy sinh đêm ấy có o Bê, quê ở Duy Ninh, cùng tiểu đội chị Láng và là chị ruột một người bạn học với vợ tôi!

Dưới đây là những trang nhật ký trong chuyến công tác ra xã Hạ Trạch, 1 năm sau trận chiến đấu:

Trích nhật ký ngày 14-6-1967:

... Tìm gặp được anh Lộc, xã đội phó Hạ Trạch. Anh mặc quần áo bộ đội. Anh nhập ngũ năm 1952, đến năm 1960 phục viên. Chiến dịch K4, anh không nhớ ngày, chỉ nhớ dạo đó có trăng, nhân dân đang cấy dặm, làm cỏ.(1) Đường bị đánh nát, chỉ thấy nước, coi như bỏ đi. Xe qua sông Gianh phải đi bến phà I. Lệnh phục hồi đường trong tình hình đó...
 

Theo lời “mách” của anh Lộc, tôi tìm gặp Thục, cán bộ Ban “A” ở Công trường Quyết Thắng, đóng tại Bắc Trạch - một xã liền kề với Hạ Trạch. Thục là một chàng trai người nhỏ nhắn, săn chắc, nhanh nhẹn, đã lăn lộn vùng này mấy năm nay. Anh cho biết, lúc đầu do đường xuống bến phà 2 bị cắt đứt, xe chở tên lửa đi bến phà 1, nhưng qua đoạn Khe Nước gần chân đèo Lý Hòa bị sa lầy, phải kéo lui.

Khi quyết định phải khôi phục đường xuống bến 2 qua Hạ Trạch, nhiều người cũng lo vì nghĩ đến khối lượng quá lớn (khoảng 30.00 gánh củi và 400 mét khối đá) và lo xe chở tên lửa to, nặng, dùng củi lát trên bùn, sẽ bị lún.
 

Ngày đầu, nền đường còn một ít, chưa phải lát củi toàn bộ mà lát mấy ngàn tấm sắt “ghi” (sắt lát đường sân bay quân sự); nhưng hoàn thành đêm trước thì sáng hôm sau, bị bom tung hết. Lại phải huy động nhân dân chặt củi. Cả vùng thành một chiến dịch. Tỉnh đội, Huyện đội về kết hợp chỉ đạo. Dạo đó, hầm hào còn ít. Đêm sửa đường thứ hai, khoảng 12 giờ, máy bay thả pháo sáng ở xa, không ai chạy. Đến lúc thả gần, thì không chạy kịp.

Chúng “chà” hai loạt bom bi. Người nào nhào sâu xuống nước thì sống, còn số chạy lên hai đầu đường thì bị thương hoặc chết. Gần Thục, cũng có 2 người hy sinh. Một đồng chí Tỉnh đội, một cán bộ Huyện đội cũng hy sinh. Lúc đó, trăng đã lặn, mò mãi vẫn sót 10 người hy sinh giữa trận địa. Đêm sau, dù có hoang mang, nhân dân vẫn tiếp tục vác củi ra lấp ngầm...

Mấy tháng sau đó, tôi mới có dịp gặp lại bạn Lê Hồng Tâm, khi anh đang chuẩn bị vào nhận chức Đội trưởng  Đội Cầu I:

Trích nhật ký ngày 28-11-1967:

... Lại gặp thêm một người liên quan đến chiến dịch K4 - Lê Hồng Tâm. Anh quê xã Hạ Trạch, bạn cùng lớp giao thông với tôi từ năm 1959. Tâm kể: Quang cảnh đêm trên đường đông như kinh đô vậy. Hai C.TNXP, hai đại đội công binh, một đơn vị công nhân Công trường 102, dân quân hai xã Hạ Trạch và Bắc Trạch, người dẫm lên nhau mà đi. Mấy cánh đồng quanh đó thì có hai trung đoàn pháo bảo vệ. Mấy ngày đầu, địch thả pháo sáng, nhưng không bắn phá vì tưởng ta vẫn hoạt động ở bến 1 phía gần cảng Gianh.

Đến hôm thứ 4, thì chúng ào đến rải bom bi dọc tuyến. Bị chết tất cả khoảng 20 người và 30 người bị thương, trong đó có một đồng chí tiểu đoàn trưởng, một đồng chí trung đoàn phó pháo binh. TNXP C.737 chết 8 người.

Ngày hôm sau, chúng đánh hỏng thêm đường, nhưng đêm ta vẫn làm. Nhờ pháo phòng không chuyển về bắn mạnh phía bến 1, hút địch về dưới đó, nên gần 10 ngày làm xong. Đêm thông xe, hẹn 9 giờ, nhưng 12 giờ chuyến phà đầu tiên mới chở được một khẩu pháo đại cao sang. Rồi chở tiếp 3 tên lửa qua.

Điều không may là chiếc xe bánh xích chở pháo đại cao, lúc gần qua đoạn ngầm vừa làm, đến đúng cái mép nối mặt đường cứng thì bản thân xe bánh xích trèo lên được, nhưng khẩu pháo phía sau sụp xuống, càng kéo càng sụp sâu, chắc là do lớp củi lát lún sâu xuống bùn. Điều thêm máy kéo ở trận địa pháo xung quanh đến trợ sức, vẫn không lên. Đúng lúc đó, máy bay thả pháo sáng và quần riết, nhưng lệnh các trận địa xung quanh không được bắn mà cho pháo phía Bến phà 1 bắn như đổ đạn. Quả là chúng mắc lừa, bị hút về phía đó.

Tuy vậy, nhìn 3 tên lửa phía sau dài thượt, không thể quay lui được, nếu nằm đến sáng thì chết, ai cũng lo thắt ruột. Nhìn pháo sáng treo trên sông Gianh, rồi nhìn trăng khuya sắp lặn,  nghe tiếng gà gáy “ô ô” hồi này đến hồi khác, càng cuống. Mấy đồng chí chỉ huy đoàn xe đổ tội cho kỹ thuật không bảo đảm. Thủ trưởng Huyện đội thì cứ xuýt xoa hỏi Tâm: “Làm sao đây?”. Tâm cũng lo nhưng nghĩ trách nhiệm đâu phải riêng mình chịu. Đã bàn dùng mìn đánh lật chiếc pháo đại cao đi, rồi sửa tạm cho tên lửa qua, nhưng mìn lại để ở xã Vạn Trạch, đi lấy về được thì trời sáng rồi.

Lúc đoàn tên lửa sắp qua, để giữ bí mật, đã cho nhân dân và các đơn vị về gần hết, chỉ để “cốt cán” ở lại, nay lệnh điều ra hết. May sao, chưa kịp dùng đến sức đám người đông đúc đó thì 5 chiếc máy kéo “đấu” lại , đã kéo được khẩu pháo lên! Sau đó, đi được hai đêm nữa thì đoạn đường lại bị phá nát...

Thật khó kể hết những sự tích anh hùng và sự hy sinh lớn lao của nhiều lực lượng trên đôi bờ sông Gianh trong nhiều thập kỷ vừa qua. Cuốn tiểu thuyết “Đường qua làng Hạ” của tôi xuất bản năm 1976, chỉ phản ánh được phần nào hiện thực lớn lao ở đây. Chính vì thế mà tôi được biết, ngành GTVT Quảng Bình đã lập dự án dựng tượng đài bên bờ sông Gianh và dự án đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Văn hóa - Thông tin đưa vào quy hoạch.

Thiết nghĩ, tượng đài bên bờ sông Gianh xứng đáng được quan tâm  tầm quốc gia và đáng lẽ phải được đầu tư xây dựng trước nhiều tượng đài ở nhiều địa phương khác. Hy vọng các đơn vị có trách nhiệm ở tỉnh Quảng Bình và cả ở Bộ Văn hoá-Thông tin, trên cơ sở đánh giá đúng tầm mức của công trình, sẽ sớm tìm ra phương thức để dự án được thực hiện, thỏa vong linh hàng trăm liệt sĩ đã hy sinh nơi đây, đồng thời đáp ứng được sự mong đợi bao năm không chỉ của nhân dân Quảng bình.

Nguyễn Khắc Phê

------------------------------------------------------------------------------

(1) Chiến dịch K4 diễn ra những ngày cuối tháng 8-1966.