.

Những sự hy sinh thầm lặng - Kỳ 2: Nhật Lệ, những ngày khói lửa

Thứ Ba, 19/07/2016, 08:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Không chỉ ở Trường Sơn, “những người mở đường ngày ấy” phải chịu hy sinh to lớn. Dưới đây là mấy đoạn Nhật ký ghi lại một số trận chiến đấu ở vùng ven biển Quảng Bình năm 1966-1967.

>> Những sự hy sinh thầm lặng - Kỳ 1: Nhật ký Trường Sơn 50 năm trước

Trích Nhật ký ngày 25-5-1967:

Chiều qua nghe tin hợp tác xã Bình Minh vừa có hai xã viên hy sinh, sáng nay dắt xe ra đi sớm, nhưng mặt trời vùng biển lên rất nhanh, đến bến đò Phú Bình thì đã như buổi trưa vậy. (Đây là bến đò ngang, nối làng Văn La cạnh đường số 1 với cồn cát bên kia sông, nơi bà con Bình Minh sơ tán; cũng là đò ngang nối đường số 1 vượt sông Nhật Lệ, nhưng để tránh bớt nguy hiểm, đặt cách bến phà Quán Hàu khoảng gần 1 km - sang sông, men cồn cát đi về phía thượng lưu sẽ lại gặp đường số 1 qua xã Võ Ninh...)

Đầu bến đò, mấy hố bom mới khoét sâu bên đường, cùng những hố đạn ca nông rải rác. Đò ít khách vì dạo này chúng đánh vùng này rất dữ và hôm kia, một trận ác liệt đã xẩy ra ở đây. O Ngởi (con ông Hiệp) vẫn giữ một tay chèo đò ngang; O cho biết từ dạo mình về đây lần trước đến nay, Bình Minh đã mất thêm nhiều người...

Qua đến cồn cát, Ban quản trị hợp tác xã đang họp, mình tìm đến nhà Sỏi, xã viên dũng cảm nhất trong trận chiến đấu vừa qua. Nhà Sỏi ở cuối “làng cát”, sau lưng là một vạt cây dương mới mọc, thấp lè tè; gần đó có hai ngôi mộ song song, nằm dọc theo sông; mỗi mộ đắp cát cao, đóng hai cọc gỗ, chắc để đánh dấu. Sỏi thân hình nhỏ nhắn, mặt cũng nhỏ, nhiều mụn trứng cá.

Quần áo mất hết trong trận bom, Sỏi mặc quần áo bộ đội rộng thùng thình, đội mũ tai bèo, trông như một chú thiếu niên mới lớn; nói chuyện nhanh, như vội vã, và dùng nhiều “thuật ngữ” sông nước của địa phương, phải hỏi lại mới hiểu. (Như “tròng” là thuyền con; “vọc” là chèo...”). Không ngờ Sỏi là em cô Hoa, TNXP ở C.754 trên đường 12A! Sỏi kể:

“Đêm trước, chở thương binh từ Lệ Thủy về sơ tán ở Bảo Ninh. 8 giờ tối hôm qua bốc hàng. Thuyền ngang qua Văn La, một phản lực từ biển bay rất thấp, cắt bom phía bến phà; chiếc sau lao tới, thả một loạt bom đúng vào ca nô. (Lúc này, thuyền Bình Minh thường kết thành chùm, do ca nô thuộc binh trạm kéo). Ca nô bốc cháy, 5 thuyền kéo theo sau thì 4 chiếc chìm, chiếc của Sỏi bị thủng, nước tràn vào. Thuyền 10 tấn, chở toàn hòm đạn. Sỏi bị thương ở tay, nhưng thấy o Đoài giơ tay kêu cứu, liền cởi áo lao xuống cứu. Cầm tay nào, o cũng kêu đau, đành ôm quàng qua lưng, hai chân đạp.

Tiếp theo, Bảo, chị Mùi... bị bom nhấn chìm trồi lên, bơi lại thuyền Sỏi. Ca nô cháy rừng rực, không người điều khiển, cứ trôi lại gần thuyền. Mấy anh em bàn nhau, cố đưa thuyền vô bờ. Máy bay lại thả pháo sáng, quần một hồi. Mấy anh em bàn xếp hòm đạn thành hầm để tránh mảnh bom. Chúng thả bom cách thuyền chừng 100 mét. Bùn, nước tung lên mù mịt, khiến Sỏi kêu lên: “Mưa to rồi!” Biền lái, Sỏi chèo mũi, cố đưa thuyền vào nhưng chưa đến bờ thì chìm. Lại phải dìu người bị thương vào bờ; sau đó lại cùng Biền lấy thuyền chèo ra tìm thêm đồng đội giữa sông...”.

Đang nói chuyện với Sỏi thì Biền vào. Biền cũng là một cậu bé mới lớn, nhưng nhanh nhẹn hơn. Tuy vậy, Biền cũng như Sỏi không thể kể chuyện được mạch lạc. Thì giữa mặt sông mù mịt bom lửa, chẳng biết người bị chết, bị thương ở đâu, chẳng có gì thật rõ ràng. Cả hai, chưa phải là đoàn viên, nên cũng thật khó cắt nghĩa rõ ràng động cơ, sức mạnh bên trong đã khiến hai bạn trẻ xông pha giữa sông nước đen ngòm bụi bom, trong khi chiếc ca nô rực cháy sát bên cạnh càng thu hút bọn giặc lái lao tới...

Cùng với Sỏi và Biền, mình sang phòng y tá. Cả hai cậu và mấy người bị thương, bị sức ép được hẹn tới tiêm thuốc. Biền cho biết hai ngôi mộ mình vừa đi qua là mộ cô Tý và cô Hường mới hy sinh. Mình tìm đường sang thăm nhà ông Phu, bố cô Tý. Trong mái nhà tranh nhỏ chỉ rộng vài mét vuông, xung quanh không thưng che gì, một bên là góc bếp, góc trong trên bàn thờ để một nải chuối, những nén hương đã tàn, một thẻ Đoàn mới cấp gắn huy hiệu Đoàn. Thẻ bị ngấm nước, phơi khô nay quăn lên. Diện tích còn lại chỉ vừa đặt một chiếc giường.

Ông Phu, anh trai cô Hường và một người hàng xóm đang trò chuyện. Hỏi thăm, không ngờ mình đã gặp con ông Phu bên Ca Tang. Hai người con của ông là Hai và Hồng cùng ở C.754! Cô Hường cùng hy sinh với Tý là con dâu ông Phu, vợ của Hai! Còn nhớ lần Hai về dự hội nghị “Ba sẵn sàng” ở tỉnh, trở lại Ca Tang hơi muộn, nghe mình “chất vấn” lý do, Hai cười, vẻ ngượng ngùng, không nói gì rõ ràng. Thì ra, lần đó, Hai kết hợp cưới vợ! Anh trai cô Hường kể: Ngày Hai trở lại đơn vị, chị em bảo Hường tiễn chồng một đoạn, nhưng cả hai đều “lắc đầu”.

Vì ngượng, nhưng có khi cũng vì cả hai là đảng viên, nếu cứ quấn quýt với nhau, vướng víu tình cảm không dứt, sợ người ta nói! Vậy mà thật xót xa, ở cuối “làng cát” này, mới đó rộn ràng lời chúc hạnh phúc một đám cưới, nay là hai đám tang. Có thể bên mấy gốc phi lau cạnh hai ngôi mộ Tý-Hường, chính là nơi Hai-Hường nói lời tiễn biệt!

Nồng (em của Hai) vừa viết một lá thư dài cho anh trai, khi biết mình là người quen của Hai, đã nhờ mình chuyển thư. Được phép gia đình, mình mở thư xem, cũng một phần sợ cậu ta còn bé - học lớp 6, viết những điều không có lợi cho người đang ở nơi mũi tên hòn đạn. Mình quên rằng, nơi đây - làng Văn La, sông Nhật Lệ, phà Quán Hàu, những ngày này, cũng đã thành tuyến lửa! Lá thư viết rất tình cảm mà cũng rất “lập trường”; sau khi nói lên nỗi đau của gia đình mất hai người cùng lúc - 1 đảng viên, 1 đoàn viên - rồi kể lại diễn biến trận đánh, lá thư viết:

“... Trước sau hai chị cũng đã mất rồi. Chiến tranh kéo dài thì người chết trước, kẻ chết sau thôi. Trước sau cũng đã mất rồi, hai anh không nên buồn lắm! Cố gắng làm tốt công tác...” .  

Mình trở về nhà bà Dung (vợ ông Hiệp - theo cách gọi tên con trai) vừa chập tối. Trong nhà đã ăn cơm, chỉ còn phần cơm mình. Còn Nghĩa thì bà Dung bảo: “Con Nghĩa nó lo việc xã hội, quên cả ăn uống!”. Hồi trưa, mình cũng chờ Nghĩa về cùng ăn để hỏi thêm vài chuyện, nhưng cũng chịu, o Gửi đội nón trèo qua đôộng cát tìm chị mấy lần không thấy. Thì ra Nghĩa lo di mua “săng” (quan tài!) rồi qua trạm xá của xã thăm mấy người bị thương. Hơn 12 giờ, mình vừa chợp mắt, tỉnh dậy, đã thấy Nghĩa chạy đi. Bà Dung kể: tối qua, lúc ăn cơm, Nghĩa đang cầm bát mà buông ra lúc nào không biết vì hai đêm vừa rồi, chạy theo công việc đã mệt đứt hơi!...

Biết chị Duyên chèo đò ngang chưa về, trong lúc chờ chị về cùng ăn, mình trèo lên đôộng cát sau nhà nhìn quanh. Chiều tắt nắng, nhìn vùng trời- sông-biển thật đẹp. Phía tây, sau dãy núi mờ xa là một vùng trời vàng rực. Giữa bầu trời xanh trong, thoảng những đám mây vàng nhạt... Hồi trưa, cồn cát nóng bỏng bàn chân, nay êm mát không ngờ. Giữa sông, hai chiếc thuyền bị ca nông bắn chìm, nằm lơ lửng, chỉ còn thấy một viền đen. Một chiếc  thuyền nhỏ lượn lờ đi tìm xác hai bộ đội lái ca nô còn mất tích. Đò ngang qua sông, không biết chị Duyên hay Ngởi, đang gập lưng chèo cho thuyền đi thật nhanh...

Trích Nhật ký ngày 26-5-1967:

Sáng, mình tỉnh dậy lúc chưa đến 5 giờ, nhưng tất cả, ai đã vào việc nấy. Đội quân đi cứu hàng đã lần lượt chèo thuyền ra mặt sông. Trên bờ, một số cán bộ hợp tác xã và binh trạm dùng ống nhòm theo dõi công việc. Mặt trời sắp lên. Dòng sông không phải trong xanh mà gần như màu mực nho. Phía gần cồn nổi, gần bến đò ngang, một chiếc thuyền nhỏ cắm sào đứng yên.

Tác giả thăm lại cầu Ca Tang (năm 2009).
Tác giả thăm lại cầu Ca Tang (năm 2009).

Giữa sông, thỉnh thoảng lại một người nổi lên kèm theo một hòm đạn pháo. Một chiếc thuyền không mui bỗng từ đó chèo nhanh vào bờ. Ai cũng lạ vì thuyền chưa chở nặng, còn nổi cao. Thì ra anh em vừa vớt được xác đồng chí bộ đội còn lại. Lát sau, một thuyền khác cập bến, chất nặng hòm đạn; có quả đã nổ xé tung vỏ đồng. Có thùng bị vỡ, để lộ những viên đạn pháo dài hơn nửa mét, màu đồng vàng chóe...

Trở về thăm chị Hường - con dâu ông Lê Ấu, và chị Mùi là hai người bị thương mới từ trạm xá về nhà. Ngay lúc đó, một chiếc “Con Ma” nhào rất thấp phía sông, chỗ anh em đang vớt đạn. Pháo 12.7 ly của dân quân liền đón bắn. Nó quành lại một lần nữa và súng 12,7 ly lại “tạch tạch...” nhưng nó không bắn phá gì. Nhà cụ Ấu, khi mình đến lần trước còn khá đàng hoàng - có chỗ kê sập...; nay do khu vực đó bị bom, nhà phải dời vào chân đôộng cát xa bờ sông hơn.

Chỉ trong một tháng qua, Bình Minh bị liền 3 trận khá đau xót: Một trận ngày 24-4, trận tiếp ngày 29-4-1967-hai trận chết 10 người. Một trận nữa, chúng bắn ca nông liền hai ngày; ở Văn La (bên kia sông) nhìn sang, tưởng là Bình Minh chết hết rồi, vì bụi cát tung lên không còn thấy bóng một mái nhà, một cây dương nào nữa! Nghe nói khoảng 1.500 quả ca nông bắn vào, nhưng chỉ có một quả trúng hầm, may là hầm chắc chắn.

Chị Hường (vợ anh Lấu, lái xe) bị thương ở cánh tay trái, mảnh đạn chưa lấy ra hết. Chị kể: Bom nổ lần đầu, không nhảy xuống sông vì nghe ca nô hô “tăng ga”, nếu nhảy sẽ bị rớt lại sau. Bom nổ lần hai, chỉ thấy chớp, rồi thùng xăng ở ca nô bốc cháy đỏ rực, tưởng là đã bị chôn sống, nhưng nổi lên được và bị một hòm đạn đập vào đầu đau điếng. Chị liền vớ một tấm ván thuyền bơi vào cồn nổi giữa sông, quần áo bị xé rách tơi tả. Một lát sau, chị lại bơi vào bờ phía cồn cát kêu cứu... Chị đang chuẩn bị để trở lại bệnh xá của huyện.

Trong chiếc làn con, có gương mà không có lược, có “ríp” mà không có bót đánh răng. Năm ngoái một trận cũng mất sạch như trận này. Nhưng chẳng tiếc gì, chỉ thương mấy anh “ca nô” cùng bám sông nước, cùng ăn, cùng làm 1 tháng nay rồi. Ai cũng thương các anh vì quê các anh ở xa, lấy sự gắn bó với các gia đình ở Bình Minh làm niềm vui. Các anh tử sĩ quê ở Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Có người đi bộ đội chống Pháp, vừa tái ngủ...

+ Chiều 26-5: Lễ truy điệu các đồng chí hy sinh. Trên bàn thờ trải ni lông màu xanh sông nước Nhật Lệ là một khẩu súng trường gác ngang; mô hình bằng “Tổ quốc ghi công” gắn trên nền phông màu đỏ thắm. Những người dự - chưa kể hai gia đình mới có con hy sinh, thấy 5 bà mẹ đội vành khăn trắng. Mái nhà ngói có 5 vệt thủng vì bom và ca nông...

Ông Phu - bố cô Tý - phát biểu đại ý: Tình cảm trong gia đình rất buồn nhưng cũng vinh dự có đứa con và người con dâu hy sinh vì Tổ quốc... Ông nói nghẹ ngào, nhưng không khóc. Mấy bà mẹ ngồi dưới sụt sịt. Sau khi đồng chí Á - Bí thư chi bộ, phát động tuần hành động trả thù cho đồng đội, các đội lên hứa hẹn chở nhiều hàng hơn nữa cho chiến trường thắng lớn... Bất chợt, bỗng có tiếng sáo trúc vọng vào. Sau mới biết đó là tiếng sáo của Biền - cậu bé mà mình đã gặp.

Cũng như anh chị em, sau trận bom, Biền mất hết đồ đạc mang theo, nhưng chỉ tiếc cái sáo. Không ngờ, hồi sáng, tổ lặn vớt được hòm gỗ của Biền và nay tiếng sáo lại vút cao...

Nguyễn Khắc Phê