.

Di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Thứ Năm, 26/05/2016, 13:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong một chuyến công tác tại Thủ đô Hà Nội, khi tìm hiểu về lịch sử tuyến đường Hồ Chí Minh, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Tư lệnh Đoàn 559 đã trao đổi với chúng tôi rằng: “Di tích đường Hồ Chí Minh xứng đáng là điểm du lịch văn hóa và du lịch lịch sử cách mạng đang được du khách trong nước và quốc tế quan tâm.

Quê hương Quảng Bình chúng ta có Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng, có khu lăng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đó là những tiềm năng lý tưởng để phát triển du lịch”.

Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại đường 20 Quyết thắng-một điểm du lịch văn hóa tâm linh.
Đền thờ các anh hùng liệt sĩ tại đường 20 Quyết thắng-một điểm du lịch văn hóa tâm linh.

Nếu xét về góc độ phát triển du lịch, di tích đường Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế.  Đường Hồ Chí Minh ra đời ngày 19 tháng 5 năm 1959,  là con đường của sự thống nhất giữa ý Đảng với lòng dân, với ý chí “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Đường Trường Sơn năm xưa đã làm tròn sứ mạng lịch sử vận chuyển vũ khí, cơ động các lực lượng quân binh chủng với quy mô ngày càng lớn, thỏa mãn mọi nhu cầu, bảo đảm cho chiến trường đánh to thắng lớn.

Vào thời điểm cuối cùng của cuộc chiến, lực lượng vận tải cơ giới Trường Sơn đã thực hiện chiến dịch thần tốc kỳ diệu góp phần cùng quân và dân cả nước tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh không chỉ làm tròn sứ mạng lịch sử trong chiến tranh mà còn tạo tiền đề để xây dựng một tuyến quốc lộ xuyên Bắc Nam thứ hai dọc theo dãy Trường Sơn, phá thế độc đạo đường xuyên Việt tồn tại dài lâu trong lịch sử. Kỳ tích trên tuyến đường mang tên Bác đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca. 

Ngày nay, du khách quốc tế rất muốn tham quan tìm hiểu con đường này. Thật đáng vinh dự và tự hào vì Quảng Bình là tâm điểm của các tuyến đường ngang nối đông tây Trường Sơn; có 5 trục đường ngang gồm đường 12, đường 20, đường 10, đường 16, đường 18. Quảng Bình cũng là tâm điểm của trục dọc đường Hồ Chí Minh đông Trường Sơn. Đường Hồ Chí Minh có nhiều nhánh được xây dựng từ năm 1965 bắt nguồn từ Quảng Bình vì đây là tuyến đầu của miền Bắc XHCN, nơi có chiều ngang hẹp nhất cả nước.

Do vị trí đó nên tất cả tuyến đường đông Trường Sơn nối tây Trường Sơn tập trung ở Quảng Bình. Quảng Bình là tâm điểm căn cứ dự trữ vật chất để chi viện cho miền Nam; căn cứ tập kết trước khi đi miền Nam; căn cứ sở chỉ huy Bộ Tư lệnh 559. Chỉ huy sở đầu tiên của Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đóng ở Hóa Tiến (huyện Minh Hóa) vào năm 1965, năm 1966 đóng ở Đại Trạch, sau chuyển tạm lên Cự Nẫm, năm 1968 đóng ở Cổ Giang, Xuân Sơn (huyện Bố Trạch), năm 1973 về đóng tại xã Hiền Ninh (Quảng Ninh).

Đây là nơi Bộ Tư lệnh Binh đoàn đón tiếp đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Xihanuc và phu nhân. Năm 1974, chỉ huy Sở Bộ Tư lệnh Binh đoàn về đóng ở Thạch Bàn (Lệ Thủy). Quảng Bình còn là tâm điểm của hệ thống đường tránh, cũng là tâm điểm đánh phá ác liệt của địch.

Đánh thức tiềm năng du lịch di tích đường Hồ Chí Minh là vấn đề đã được các cấp các ngành hữu quan tỉnh ta quan tâm. Việc bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị lịch sử di tích đường Hồ Chí Minh là việc làm không chỉ để tri ân quá khứ hào hùng của dân tộc mà còn góp phần giáo dục đạo đức cách mạng và phát triển du lịch ở tỉnh ta.

Thực tế trong hoạt động phát triển du lịch, nhiều điểm trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Bình đã được ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào khai thác thu hút được nhiều du khách tới thăm, đặc biệt là Đền tri ân các anh hùng liệt sĩ trên tuyến đường 20 Quyết thắng.

Thực hiện phương châm xã hội hóa công tác tôn tạo phát huy giá trị di tích lịch sử, tại bến phà Long Đại, đền Tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến phà Long Đại được xây dựng với giá trị trên 10 tỷ đồng do Vietcombank tài trợ thông qua chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Báo Sài gòn Giải phóng, Tỉnh đoàn Quảng Bình làm chủ đầu tư. 

Bức phù điêu tri ân các anh hùng liệt sĩ tại đường 20 Quyết thắng.
Bức phù điêu tri ân các anh hùng liệt sĩ tại đường 20 Quyết thắng.

Đó là những điểm du lịch văn hóa tâm linh đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển du lịch tại tỉnh ta trong những năm gần đây. Trong hoạt động bảo tồn, được sự quan tâm của ngành, của tỉnh, Ban quản lý di tích tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử của di tích đường Hồ Chí Minh. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, Binh đoàn 12, sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, đơn vị đã lập hồ sơ và được Chính phủ  phê duyệt 15 điểm được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Để tiếp tục đánh thức tiềm năng du lịch di tích đường Hồ Chí Minh cần có sự chung tay của toàn xã hội, Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình cần phối hợp với Ban quản lý Di tích giới thiệu triển lãm cho du khách về chuyên đề di tích đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình.

Tại các điểm di tích đường Hồ Chí Minh, cần đẩy mạnh công tác truyền thông giới thiệu truyền thống lịch sử hào hùng về tuyến đường Hồ chí Minh cho các em học sinh. Các doanh nghiệp lữ hành du lịch cần tăng cường  hơn việc mở tua tuyến trên các điểm di tích đường Hồ Chí Minh, giới thiệu quảng bá cho du khách là cựu chiến binh trong hành trình trở lại thăm chiến trường xưa.

Bên cạnh đó ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cần phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tích cực giới thiệu, quảng bá những di lích thuộc tuyến đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch.

Phan Hòa