.

An Xá trong tôi

Thứ Sáu, 27/05/2016, 10:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Đã có người, và sẽ còn nhiều người nữa viết về An Xá, nhưng tôi, trên góc nhìn của một người, cả thời niên thiếu, mở mắt ra là nhìn thấy toàn cảnh dải đất ấy bên kia dòng sông nhỏ, tôi vẫn muốn kể đôi điều về “người láng giềng” quen mà lạ, rất gần gụi mà như xa xôi này.

Không hiểu từ thuở nào ở làng tôi ra đời một đoạn đồng dao nghe rất kỳ, lại bắt đầu bằng một câu có tên làng tôi và làng An Xá: “Lộc An ăn gan Kẻ Thá”. Kẻ Thá là An Xá. Lại có câu: “Bơi An Xá, chữa lả Kẻ Tuy”. Chữa lả, tiếng địa phương có nghĩa là cứu hỏa, Kẻ Tuy là làng Tuy Lộc, cùng một dải đất tả ngạn sông và nằm phía trên An Xá.

Với tôi, hình ảnh ngôi làng An Xá được thu vào tầm mắt từ năm lên ba lên bốn. Vì sao vậy? Đơn giản, chừng ấy tuổi tôi đã có thể đi ra đường, xuống bến sông. Người ta, không đứng trước gương thì không nhìn thấy mình, muốn nhìn toàn cảnh ngôi làng của mình, nếu không lùi lại vài trăm mét thì phải nhìn từ...phi cơ. Tôi ngắm bức tranh làng An Xá từ...sáu mươi năm nay từ độ lùi qua một con sông: Kiến Giang.

Bốn tuổi, có thể là sớm hơn hoặc muộn hơn, tôi được người lớn đưa xuống bến sông tắm. Từ đây tôi nhìn sang bên kia. Bên kia là một thế giới xa lạ, nhưng hình như cũng thân quen: Một bến nước đối diện, cũng có những cây thân gỗ tỏa bóng mát và những đứa trẻ trần như nhộng nhảy ùm ùm, reo cười vang vang.

Đó là thời kỳ mới qua cải cách ruộng đất, đang độ sửa sai, xóm làng mới bình yên trở lại. Cùng thời gian này, mối tình của chú H. tôi với người phụ nữ xinh đẹp bên kia sông vừa đứt đoạn và xóm làng tôi càng yên trí rằng trai gái hai làng không thể lấy nhau được.

Bởi, từ trước đó, một ông trong làng xây dựng với một bà bên ấy thì sau ông qua Lào kiếm sống, khi về thì người kia không còn. Lại hai người đàn ông nữa của làng tôi bị Tây bắn chết để lại vợ góa cũng người bên kia sông. Có phải vậy không mà trẻ con hai bến thường gây sự ném đất ném đá sang nhau. Bắt đầu biết bơi, thèm khám phá, chúng tôi muốn sang bến sông đối diện nhưng thường ra đến giữa dòng phải thối lui vì những trận đất đá như vậy.

Cho đến một ngày, cả hai bờ sông như sôi lên khi nghe tin Đại tướng về thăm quê. Những chiếc xe mui trần chạy chậm kéo theo dòng người cuồn cuộn xuôi theo bờ sông. Không có gì còn cản nổi bọn trẻ con chúng tôi. Tưởng như cả những đứa ngày hôm qua mới bì bõm thì hôm nay thoắt cái cũng liều mình theo anh chị vượt sông. Trần như nhộng, chúng tôi bị cuốn vào một cơn lốc người và bụi bặm, dẫm lên cả hàng rào, bầu bí của dân ven đường. Trong vòng xoáy hỗn loạn, may mắn cho tôi là kịp trong vài giây nhìn thấy trên một chiếc xe mui trần, một khoảng lưng vận binh phục, một vành mũ kêpi ngay ngắn trên mớ tóc ngắn sau gáy đẫm mồ hôi của một sĩ quan.

Cánh tay đặt trên vành mũ của ông cứ chấp chới xa dần trong nỗi nghẹn ngào của đứa trẻ bảy tuổi là tôi: Võ Đại tướng đấy! Từ đó tới khá lâu về sau, bọn trẻ xuống bến tắm thường nhìn sang bên kia sông mà hỏi nhau: - Khi mô Đại tướng về nữa hè? Và cũng từ đó trẻ con hai bến đối diện không ném đá qua nhau nữa!

An Xá và Tuy Lộc cùng một dải đất, ngăn cách bởi một con hói. Hói, là một con sông nhỏ thường là để nối từ sông Kiến Giang ra cánh đồng. Cửa hói giữa An Xá và Tuy Lộc có một công trình bê tông mang cái tên rất dữ dội: Pháo đài. Thực ra đó là một đồn lính thời Pháp nhằm trấn giữ đường thủy từ Đồng Hới lên ngược sông Kiến Giang lên huyện lỵ. Pháo đài sau này bị san phẳng, chỉ còn là một tảng bê tông lớn nằm nghiêng mép nước rất tiện cho các dì các o ra giặt giũ.

Con hói quê hương. Ảnh: Hành Tiến
Con hói quê hương. Ảnh: Hành Tiến

Thuở nhỏ tôi thường thấy một em gái rất xinh xắn thường ra bến Pháo đài khỏa chân đùa nghịch. Tôi lớn lên bên này, em thành thiếu nữ bên kia sông. Lại có một cây phượng già tỏa bóng, nở hoa đỏ ối rơi rụng đầy mặt nước mỗi độ hè về. An Xá có hai xóm, người ta cứ gọi là An Xá trên và An Xá dưới, tính theo dòng chảy của sông Kiến Giang. Hai xóm cách nhau một quãng đất hoang chuyên để gieo mạ, bờ đất có nhiều cây  thân gỗ và bụi bờ rậm rạp. Vùng đất này có cái tên nghe rất xưa: “Đơờng đơờng”, chắc là trong vốn từ Việt cổ hoặc tiếng Chàm.

Đây là  vùng đất hẹp nhất của làng: Từ bờ sông ra đến bờ ruộng chưa đầy một tầm gọi với. Đất như lương thổ trong làng nhưng người dân không làm nhà vì đoạn bờ sông này lở nặng. Cũng đoạn sông này, trong khi bên An Xá lở thì bên làng tôi sông bồi, dân cư đông đúc. Đương nhiên là, như luật bù trừ, khoảng sông nào bên ấy bồi thì bên làng tôi lại bị lở, và vùng đất ấy cũng không có dân cư. Vậy mới có câu:

Kiến Giang nước chảy một dòng
Bên bồi bên lở đau lòng hay chưa

Bên bơợc lở có danh xưng Đơờng đơờng ấy có một ngôi đền nhỏ, là đền Bà Lỗ. Tương truyền Bà đã từng khỏa thân đánh lừa trai bơi các làng để đò bơi An Xá tranh thủ vượt lên về đích trước, sau đó trẫm mình thủ tiết. Dân làng thương xót và mang ơn đã lập đền thờ như vị Thành hoàng làng. Có thể nghĩ, đây là một biến thể đạo thờ Thánh Mẫu trên lộ trình tiến xuống phương Nam bảo hộ con dân Đại Việt mở đất.

Ví như, vào đến Đèo Ngang thì vẫn nguyên mẫu thánh Việt, nhưng đến Huế, Nha Trang thì đã giao thoa với Chiêm thành: ThiênY-Ana. Cũng có thể tôn xưng bà Lỗ là “cổ động viên thể thao” vĩ đại nhất thế giới, dám lấy tiết hạnh và sinh mạng mình đánh đổi cho niềm đam mê của bản thân, cho “màu cờ sắc áo” của cộng đồng. Sự đánh đổi này đã mang lại cho An Xá một thương hiệu thể thao đã vào tục ngữ: “Bơi Kẻ Thá-Chữa lả Kẻ Tuy”.

Khi tôi lớn lên bên này sông, nghĩa là chừng nửa thế kỷ nay không thấy đò bơi An Xá dính giải gì, thậm chí có năm về cuối cùng. Nhưng năm nào An Xá cũng tham gia, trang phục trai bơi lại rất ấn tượng. Tôi thử hỏi người lớn thì được trả lời rằng, vì trong lịch sử sâu thẳm của truyền thống này, An Xá từng có một thời vinh quang. (Thời ấy chắc có liên quan đến huyền tích vị nữ thần bảo hộ thể thao đã kể trên đây). Ấy vậy rồi, cũng tới lúc An Xá tìm lại được chính mình.

Năm 2011, mừng thọ Bác Giáp tròn trăm tuổi (25-8), bảy ngày sau (ngày 2-9)  huyện tổ chức bơi thuyền mừng Tết độc lập, An Xá giành cả hai giải nhất: bơi nam và đua nữ. Đây có thể là thành tích cao nhất dành cho một đơn vị dự thi (làng) trong lịch sử đua thuyền vùng sông nước Kiến Giang tạm tính chừng năm trăm năm được ghi thành văn trong Ô châu cận lục.

Thành tích này, đến Thánh Mẫu Lỗ cũng đẹp lòng nơi cực lạc. Ngày nay, cứ mỗi kỳ hạ thủy thuyền đua thuyền bơi, trai bơi gái đua của làng đều đến lễ ở đền Bà Lỗ rất kính cẩn. Đời sống tín ngưỡng một thời gian dài đứt gãy đang dần trở lại.

An Xá có nghề dệt chiếu cói. Ở địa thế tiếp cận với phá Hạc Hải sẵn cây cói lác mà không biết dệt chiếu mới là lạ. Nhưng nghe đời trước truyền lại rằng, giống như nghề làm giấy ở Tuy Lộc, nghề chiếu cói cũng do tiến sĩ triều Mạc Dương Văn An quê Tuy Lộc đi làm quan ở Thăng Long mang về. Tiến sĩ Dương Văn An chính là tác giả nhuận sắc và tập thành những trang địa chí rất sinh động “Ô châu cận lục”.  Ngày nay, công nghệ dệt hiện đại, chiếu nhựa tràn lan, tấm chiếu cói có giai đoạn cơ hồ mất dạng. Vẫn bằng vào lối xưa, người An Xá lại “cơm nhà trù đạy” lặn lội ra ngoài Bắc học cách in hoa, cách làm chiếu sợi mịn, cứu được cả làng nghề.

Lại nói, tuổi thơ tôi lớn lên quen được nhìn sang bên kia sông ngắm toàn cảnh làng An Xá kéo dài từ Pháo đài xuống gần âu thuyền An Lạc. Tuổi chăn trâu cắt cỏ, bọn trẻ chúng tôi mươi mười hai tuổi dám đẩy thuyền qua bên kia sông, vào vườn nhà Đại tướng hồi ấy không có người ở để cắt cỏ, như một chuyến thám hiểm miền đất lạ. Sau này, khảo sát kỹ, thấy quê tôi có vài điều lạ.

Cũng sinh sống dọc tả hữu con sông, cũng cày cấy trên một vùng phù sa châu thổ mà khi nằm xuống mỗi làng chọn âm phần không hề thống nhất. Làng Phú Thọ (An Thủy) may được quan cai bạ Nguyễn Du nhân một lần tạm tránh sóng gió Hạc Hải dừng lại nghỉ trong làng mà được phần đất rộng quan cắt cho ở Mỹ Đức cách chưa đầy ba cây số.

Cũng như nhiều làng vùng tả, làng tôi phải ngược sông đưa người quá cố ngược sông mười mấy cây số lên vùng thượng du. Riêng làng An Xá, lạ lùng thay, lại chỉ đưa ra táng ở một vùng đất hơi cao hơn ruộng ngay ngoài đồng hai vụ lúa gọi là cồn Dồi. Gọi là cồn, nhưng không cao hơn ruộng bao lăm, mùa nước ngập ngụa hết cả. Ấy vậy mà, lạ lùng thay, cái dải đất mỏng như lá lúa ấy vẫn sinh thành nhiều nhân vật ấn tượng: Các vị trí thức hoạt động cách mạng rất sớm như Phạm Đại Kháng, Lê Đa Năng.

Có hai vị từng đảm nhiệm chức vụ chủ tịch tỉnh, một vị là Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Khá nhiều sĩ quan cao cấp trong hai cuộc kháng chiến thần thánh. Đặc biệt, làng đã sinh thành một vị tướng mà tài năng và chiến công, đức độ đã khiến dư luận năm châu phải khâm phục, xếp vào hàng mười danh tướng giỏi nhất thế giới...

Với riêng tôi, An Xá còn là ngôi ngôi làng mà mỗi khi danh xưng vang lên, trái tim tôi lại không nguôi động cựa. Năm 1973, Hiệp định Pa-ri có hiệu lực. Trong màu áo lính, tuổi hai mươi tôi về thăm quê và gặp em, người con gái làng An Xá xinh đẹp và hiền thục nhất vùng đất hai huyện. Đêm đêm, tôi cởi quân phục bơi qua sông cùng em tình tự, nặng lời thề thốt. Nhưng rồi, phương Nam súng lại nổ, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc giặc tràn sang, tôi vẫn phải đi. Đến khi trở về lại bến sông xưa, đứng nhìn qua ngôi làng quen thuộc thì bóng hình em đã không còn.

Bây giờ, khi tuổi đã vào hoàng hôn “Lục thập nhi nhĩ thuận”, mỗi ngày Tết độc lập, về nghe lại tiếng mõ tiếng trống giục bơi đua, hay chỉ đơn giản lắng tiếng con chim hót ở bãi hoang đơờng đơờng bên kia sông vọng sang mà lòng tự hỏi lòng: Tình yêu với An Xá còn chăng?! Duyên nợ với An Xá còn chăng?!

Nhưng có một điều không thể đổi thay là, An Xá đời đời vẫn song hành với làng tôi như hình với bóng ở bờ bên kia, để mỗi lần xuống bến sông tôi lại thấy toàn cảnh ngôi làng hiền lành, mỏng như lá lúa, với tất cả những gì là hiện thực, là ký ức và tín ngưỡng, như gần như xa.

Đồng Hới vào hè

Nguyễn Thế Tường