.

Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn, người con ưu tú của Quảng Bình

Thứ Năm, 28/04/2016, 10:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Thiếu tướng Nguyễn Bình Sơn tên khai sinh là: Nguyễn Ngọc Tranh, bí danh: Cát Văn. Quê quán: xã Quảng Thủy, huyện Quảng Trạch (nay là xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn) tỉnh Quảng Bình.

Ông sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống hiếu học và yêu nước, thân sinh là cụ Nguyễn Thế Phiệt từng mở trường tư trong nhà, vừa dạy chữ nho, vừa dạy chữ quốc ngữ cho con em trong làng và con cháu.

Nhờ dạy học mà cụ có quan hệ rộng rãi với lớp trí thức tiến bộ trong vùng và những trí thức từ Nghệ Tĩnh vào, từ đó sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị chính quyền tay sai của Pháp ở phủ Quảng Trạch phát hiện và bắt ngồi tù ở nhà lao Đồng Hới vào đầu năm 1931. Sau 9 tháng giam cụ, chúng không tìm được đầy đủ chứng cứ để kết án, buộc chúng phải cho cụ ra tù, nhưng vẫn giao cho chính quyền địa phương quản thúc với tội danh nghi làm cộng sản.

Ra tù cụ lại tiếp tục mở trường tư trong nhà, vừa dạy chữ cho con em trong làng, vừa truyền bá tư tưởng cách mạng mà cụ học được ở nhà tù cho học sinh.

Ông Nguyễn Bình Sơn sớm tiếp thu được tư tưởng cách mạng từ cha. Sau khi học xong tiểu học, ông được cha cho ra Trường thi Vinh, thi vào ngành công nhân đường sắt, được chuyển vào học thực hành ở nhà máy Hỏa Xa, Dĩ An, Bình Dương từ năm 1943-1945. Ở đây, ông đã sớm tham gia hoạt động và được kết nạp vào Hội Ái hữu của công nhân đường sắt, một tổ chức quần chúng cách mạng của Đảng. Cách mạng Tháng Tám thành công ông trở về quê tham gia Thanh niên cứu quốc và được chính quyền cách mạng Quảng Trạch cho học lớp bồi dưỡng quân sự, rồi về xã chỉ huy tự vệ, làm Xã đội trưởng xã Minh Trạch, làm quân báo viên huyện Quảng Trạch.

Tháng 3 năm 1948 ông gia nhập quân đội, ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 274 Quảng Bình. Chỉ sau ba tháng nhập ngũ, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và làm Thư ký đại đội. Ngày 10 tháng 8 năm 1948 ông vinh dự được tham gia trận đánh phục kích của Tiểu đoàn 274 ở Tiên Lương, Quảng Trạch, trận đánh thắng lợi giòn giã, đã bắn cháy 5 xe của quân Pháp, diệt 14 tên Pháp có cả quan tư chỉ huy quân Pháp ở Quảng Bình và 3 tên tay sai ngụy quyền: gồm một tỉnh trưởng, một tỉnh phó và một huyện trưởng Quảng Trạch.

Tháng 11 năm 1948 ông được bầu làm Phó Bí thư chi bộ Đại đội 2, Tiểu đoàn 274. Khi thành lập Trung đoàn 18, ông được điều động làm Chính trị viên kiêm Đại đội trưởng Đại đội 40, Tiểu đoàn 436 – Trung đoàn 18.

Trong những năm 1949-1950 với cương vị Chính trị viên kiêm Đại đội trưởng, ông đã tham gia chỉ huy đại đội chiến đấu nhiều trận trong đội hình Trung đoàn 18 ở trên đất Quảng Bình như: Vạn Xuân, Thượng Phong, Xuân Bồ... Đặc biệt là trận Xuân Bồ nổi tiếng tiêu diệt binh đoàn Âu Phi của Pháp.

Từ cuối năm 1950 đến cuối năm 1953. Tiểu đoàn 436 được điều động vào sáp nhập với Trung đoàn 101 ở Thừa Thiên, trên các cương vị Chính trị viên kiêm Đại đội trưởng, Chính trị viên phó Tiểu đoàn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 436, Trung đoàn 101, ông đã chỉ huy đơn vị chiến đấu dũng cảm lập công xuất sắc nhiều trận đánh tên tuổi ở Thừa Thiên và Nam Quảng Trị như: An Gia - Phổ Lại, Thanh Hương - Mỹ Xuyên, Thanh Lam Bồ, Sơn Tùng, Dương Hòa... Ông đã được tặng thưởng ba Huân chương Chiến công nhất, nhì, ba và nhiều bằng khen; năm 1953 ông được bầu là chiến sĩ thi đua số hai của Đại đoàn 325.

Trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 Tiểu đoàn 436 của ông được Bộ Tổng tư lệnh chọn làm đơn vị chiến đấu độc lập, đảm nhiệm mũi thọc sâu chiến dịch xuống Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia nhằm tiêu diệt một bộ phận quân Pháp, giải phóng nhân dân bạn Lào, thu hút và giam chân quân cơ động của Pháp ở Hạ Lào, không cho chúng tập trung quân về chiến trường Điện Biên Phủ. Tiểu đoàn vinh dự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp gửi thư động viên trước lúc xuất quân.

Tiểu đoàn được Bộ tăng cường quân số vũ khí, tổ chức thành năm đại đội bộ binh, hai đại đội hỏa lực và các phân đội đặc công, trinh sát, thông tin, vận tải, tương đương Trung đoàn thiếu, do ông Lê Kích Trung, Tiểu đoàn phó làm Chỉ huy trưởng, ông Nguyễn Bình Sơn, Tiểu đoàn trưởng làm Chỉ huy phó.

Tiểu đoàn đã khẩn trương nghiêm túc chấp hành mệnh lệnh của Bộ, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức hành quân vượt 1.200km đường Trường Sơn từ Nghệ An vào đến Hạ Lào trong gần hai tháng. Đúng thời gian quy định, Tiểu đoàn đã có mặt ở căn cứ du kích của bạn Lào ở tỉnh A-Tô-Pơ.

Sau 10 ngày chiến đấu, Tiểu đoàn 436 đã phối hợp với Đại đội quân tình nguyện Liên khu 5 và lực lượng vũ trang Hạ Lào loại khỏi vòng chiến đấu gần 3.000 tên địch. Giải phóng trên 20.000km2 ở Hạ Lào. Buộc tướng Na-Va của Pháp phải điều quân cơ động về giữ 2 tỉnh Saravan và Pắc-xế, không dám rút quân cơ động ở đây về tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đòn tiến công Hạ Lào của Tiểu đoàn 436 trong chiến cục Đông Xuân 1953-1954 đã được Lịch sử quân đội, lịch sử Quân khu 4 ghi nhận.

Sau chiến thắng Hạ Lào, theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, Tiểu đoàn 436 tiếp tục tấn công xuống Đông Bắc Campuchia, giải phóng Xiêm-Pạng, tỉnh Stung-treng và Von-sai, tỉnh Ra-ta-na-ki-ri của Campuchia, tạo bàn đạp cho Trung đoàn 101 tiến xuống giải phóng các tỉnh phía đông Campuchia đến tận Kra-chê, Công Pông Chàm. Bắt liên lạc với bộ đội miền đông Nam Bộ, phá tan kế hoạch rút quân từ Nam Đông Dương về tăng cường cho chiến trường Điện Biên Phủ của tướng Na -Va. Ở Đông Bắc Campuchia, ông Nguyễn Bình Sơn còn lập công xuất sắc ở trận Sre-chí, gần thị trấn Von-sai,

Với thành tích chiến đấu xuất sắc ở Hạ Lào và Đông Bắc Cam-pu-chia từ tháng 10 năm 1954 đền tháng 4 năm 1963, ông Nguyễn Bình Sơn đã liên tục được đề bạt giữ các chức vụ như: Trung đoàn phó rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, Tham mưu phó Sư đoàn 325, Trưởng phòng tác chiến – Quân huấn Quân khu 4, Tham mưu phó Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, Trưởng phòng C Bộ Tổng tham mưu, Quyền Tham mưu trưởng Quân khu 4.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ của ba nước Đông Dương, cũng từ thành tích chỉ huy chiến đấu thọc sâu Hạ Lào; và Đông Bắc Campuchia trong chiến cục đông-xuân 1953-1954, cấp trên lại tin tưởng cử ông Nguyễn Bình Sơn qua giúp bạn Lào trong những thời điểm cam go, cho đến lúc được nghỉ hưu với nhiều trọng trách như: Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Quân khu Cánh đồng Chum của Lào; Phó đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Viên chăn. Phó Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Lào (Binh đoàn 678) kiêm Tư lệnh mặt trận 379 ở Bắc Lào. Phó trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Nhiệm vụ nào ông cũng ra sức phấn đấu để hoàn thành xuất sắc. Đặc biệt là nhiệm vụ Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Quân khu Cánh đồng Chum từ tháng 4 năm 1963 đến tháng 12 năm 1973.

Ông Nguyễn Bình Sơn với trọng trách Trưởng đoàn chuyên gia Quân sự cấp Quân khu, vừa tham mưu giúp bạn xây dựng kế hoạch tác chiến chiến dịch, vừa đảm nhiệm vai trò chỉ huy phối hợp tác chiến giữa các lực lượng vũ trang của Bạn với các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam tại Xiêng-Khoảng.

Ông đã mưu trí, sáng tạo trong công tác tham mưu chiến dịch, dũng cảm xông xáo, kiên quyết táo bạo trong công tác chỉ huy chiến đấu, sâu sát với bộ đội và nhân dân Lào, nên đã giúp bạn giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đánh tan nhiều chiến dịch tấn công lấn chiếm của địch như: Canh Nha Kiệt, Than Ông Kiệt, Cù Kiệt... Phá tan mọi mưu ma chước quỹ của chúng, bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược quân sự cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, giữ vững sườn Tây của Tổ quốc Việt Nam.

Và tháng 5 năm 1975 ông đã vinh dự cùng bạn từ cánh đồng Chum, đánh thắng vào đầu não của bọn phản động, giải phóng Thủ đô của nước bạn. Tên tuổi của ông đã làm cho kẻ thù khiếp sợ, gọi ông là “Hùm Xám Bình Sơn”. Nhân dân các bộ tộc Lào ở Xiêng Khoảng quý mến kính trọng gọi ông là “Cây lim của rừng Lào”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu mến gọi ông là “Vua đánh phỉ”, Đảng và Nhà nước Lào tặng ông nhiều huân chương cao quý... Ông được thăng quân hàm Thiếu tướng tháng 4 năm 1984; được Đảng và Nhà nước ta và Đảng, Nhà nước Lào tặng thưởng 18 huân chương cao các loại; được tặng huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.

Ông mất ngày 15 tháng 10 năm 2003 hưởng thọ 76 tuổi. Trước lúc về với tổ tiên ông đã kịp để lại cuốn hồi ký “Những ngày ở Cánh đồng Chum”. Cuốn hồi ký viết về những kỷ niệm sâu sắc của mối tình đoàn kết chiến đấu Việt-Lào ở Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng trong những năm tháng cam go, hào hùng và oanh liệt.

Ông xứng đáng là người con anh dũng của quê hương Quảng Bình, kiên cường và bất khuất.

Đại tá Nguyễn Ngọc Toản, (Nguyên Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 4)