.

Phong trào thi đua "Hai giỏi" những ngày chống Mỹ

Thứ Sáu, 29/04/2016, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Bình là tỉnh tuyến đầu miền Bắc và là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam. Khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình thực hiện tốt lời Bác dặn, tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng làm nức lòng cả nước cũng như bè bạn năm châu. Nổi bật lên trong thời kỳ này là phong trào “Hai giỏi”.

Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá Quảng Bình, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Với tinh thần cảnh giác cao độ, quân và dân Quảng Bình đã giáng trả cho đế quốc Mỹ những đòn đích đáng, 8 máy bay bị bắn rơi, một giặc lái bị tiêu diệt, 1 bị bắt sống. Chiến thắng trận đầu của quân và dân Quảng Bình là điều bất ngờ đối với đế quốc Mỹ. Chiến thắng ngày 5 tháng 8 đã mở đầu trang sử chiến đấu chống Mỹ cứu nước oanh liệt của quân dân Quảng Bình.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, xã viên các hợp tác xã trong toàn tỉnh đã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất với khẩu hiệu: “Giặc đến là đánh, giặc đi tiếp tục sản xuất”, “Tay cày tay súng, tay chèo tay súng”, “Không vì địch bắn phá mà ngừng sản xuất”,  cán bộ nhân dân lấy khẩu hiệu “Cán bộ bám dân, hợp tác xã bám ruộng, xã viên bám hố bom sản xuất thâm canh”, xây dựng hầm trú ẩn ngay tại đồng ruộng sản xuất, làm tốt công tác phòng tránh. Hợp tác xã Đại Phong tiếp tục giữ vững lá cờ đầu về nông nghiệp toàn miền Bắc.

Nữ dân quân Quảng Bình vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu.  Ảnh Tư liệu
Nữ dân quân Quảng Bình vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Ảnh Tư liệu

Nhiều hợp tác xã có phong trào thâm canh, chăn nuôi thủy lợi, cải tiến nông cụ có hiệu quả; đưa năng suất cây trồng lên cao như Cự Nẫm, Lộc Long, Hà Thiệp, Phúc Lý, Hợp Hòa, Tiên Lang, Thiết Sơn, Liêm Phú, Đức Phổ,... Phong trào thi đua trong  ngư nghiệp tiếp tục duy trì. Phụ nữ hăng hái tham gia lao động sản xuất thay, với khẩu hiệu “Ba đảm đang”, tiến quân vào khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nhân bèo hoa dâu, làm phân bón...

Mặc dù địch đánh phá ác liệt, thời tiết không thuận lợi nhưng ngư dân vẫn bám biển vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Các hợp tác xã Quang Phú, Bảo Ninh, Ngư Thủy, Nhân Trạch, Cảnh Dương,... đánh bắt cá vượt mức kế hoạch. Mặc cho máy bay Mỹ liên tục bắn phá ác liệt, nhưng toàn tỉnh vẫn tổ chức tốt công tác phòng tránh và chiến đấu trực tiếp tham gia bắn máy bay Mỹ, tiếp tục ổn định sản xuất, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và của.

Lực lượng dân quân là nòng cốt trong lao động sản xuất và chiến đấu. Sản xuất nông nghiệp đến cuối năm 1965 tăng hơn năm trước 4.000 tấn, năng suất lúa đạt 29-36 tạ/ha.

Nhiều HTX như Vĩnh An, Hòa Hợp, Cự Nẫm, Hiển Vinh đạt 4 tấn/ha.Về chăn nuôi, đàn lợn tăng 9,4 % so với kế hoạch Trung ương giao. Cơ sở chăn nuôi gia súc tăng 29,9%, đàn lợn tăng 45,8%,... Ngày 17-7-1965, Bác Hồ gửi thư khen ngợi quân và dân trong tỉnh: “như vậy là tỉnh nhà chiến đấu giỏi, sản xuất cũng giỏi”.

Cuối năm 1965, Đại hội tổng kết thi đua của tỉnh tổ chức tại Xuân Hòa (Lệ Thủy). Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu vinh dự tham gia đại hội. Đại hội đã vinh danh phong trào “Sản xuất giỏi”, “Chiến đấu giỏi” của tỉnh và từ đây đã phát động phong trào thi đua “Hai giỏi” nhằm động viên toàn quân, toàn dân thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Trên mặt trận chiến đấu, khắp nơi trong tỉnh thi đua bắn máy bay Mỹ, làm tốt công tác phòng tránh. Các đơn vị, xí nghiệp đẩy mạnh phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai”, tự vệ các xí nghiệp tranh thủ sản xuất giữa hai đợt chiến đấu bảo đảm năng suất lao động cao. Các ngành sản xuất nông cụ, gỗ, muối, đóng thuyền phát triển kịp thời phục vụ sản xuất, giao thông vận tải và đời sống nhân dân.

Nhiều tấm gương điển hình như chị Nguyễn Thị Khíu, Chủ nhiệm hợp tác xã Quang Phú, Lê Trạm được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Trên mặt trận giao thông vận tải, với quyết tâm “xe chưa qua nhà không tiếc”, nhân dân tự tháo dỡ nhà lát đường cho xe ra tiền tuyến. Kẻ địch tăng cường đánh phá, nhưng quân dân Quảng Bình vẫn anh dũng kiên cường đánh trả máy bay, tàu chiến Mỹ.

Trong sản xuất và chiến đấu đã xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu, lao động dũng cảm quên mình vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Chị Đinh Thị Thu Ngà, chị Nguyễn thị Kim Huế - Anh hùng lao động ngành Giao thông vận tải, anh hùng Võ Xuân Nở, anh hùng Nguyễn Tri Phương (Công an), chị Trần thị Lý, anh hùng Nguyễn Văn Số (ngành Bưu điện), Đại đội Gái pháo binh Ngư Thủy, ...và rất nhiều bông hoa “Hai giỏi” nở rộ trong vườn hoa xuân ấy đã làm nên một bản anh hùng ca Quảng Bình hào hùng trong chống Mỹ.

Ngày 29-8-1965, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất cho quân và dân Quảng Bình. Từ đây phong trào “Hai giỏi đã trở thành phong trào thi đua cách mạng lan tỏa sâu rộng trong quân và dân toàn tỉnh trên tất cả các lĩnh vực: sản xuất, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, văn hóa - văn nghệ, giáo dục, công-nông-lâm-ngư-nghiệp... Phong trào “Hai giỏi” như luồng gió mới đưa chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân Quảng Bình phát triển lên một bước vượt bậc.

Ngày 1-1-1967, toàn tỉnh đã có 7 đơn vị và 11 cá nhân được Quốc hội và Chính phủ tuyên dương anh hùng tại Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc. Vượt lên mọi gian khổ hy sinh và cả sự tàn khốc ác liệt của cuộc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đã kế thừa tinh thần quật khởi làm nên cao trào thi đua mới “Hai giỏi”.

Trần Thị Diệu Hồng